7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Những lý do lựa chọn
Hình như là tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn ra mắt độc giả vào những năm trước 1975 ở vùng đô thị miền Nam được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Nếu bạn đọc mong tìm ở Hoàng Ngọc Tuấn những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh thì sẽ thất vọng. Vì rằng Hoàng Ngọc Tuấn ít viết về chiến tranh, thoảng hoặc thấp thoáng đâu đó trong một vài trang viết có đề cập nhưng rất hữu hạn. Song, không phải ít viết về chiến tranh mà tác phẩm của nhà văn kém được trân trọng, ưu ái. Thực ra cuộc sống hiện thực rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Mỗi nhà văn luôn tìm cho mình một vùng đất riêng, một lãnh địa riêng để khám phá, khai thác: “Chiến tranh dầu ở đâu cũng là một hoàn cảnh bất thường, là gương mặt đau thương, nghị lực và ý chí. Nhưng điều đặc biệt là trong ác liệt, nhiều nhà văn thích khai thác khía cạnh bình thường, ung dung như muốn lấy cái bất biến mà ứng phó với cái vạn biến, thể hiện cái trạng thái tinh thần vượt lên tình thế của một dân tộc vốn lạc quan, tự tin, quyết thắng đồng thời cũng thể hiện một quy luật “tự vệ tâm lí thường tình”, tránh nói những điều đau thương mất mát” [22]. Hoàng Ngọc Tuấn là nhà văn sống trong lòng đô thị, là trí thức miền Nam. Tác phẩm Hình như là tình yêu
của ông ra đời trong những năm tháng chiến tranh nhưng nhà văn lại ít đề cập đến chiến tranh. Tại sao vậy? Suy nghĩ của Hoàng Ngọc Tuấn có lẽ cũng giống với suy nghĩ của một nhân vật của Nguyễn Khải trong tác phẩm Đường trong mây: “Nhắc nhở những chuyện buồn nào có lợi cho ai. Có thể sau này sẽ nhắc lại. Nhưng là sau này, khi chiến tranh kết thúc. Còn bây giờ, điều cốt yếu
là phải biết chịu đựng một cách gan góc những mất mát đã có, có thể còn sẽ có, cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn”. Có lẽ đó cũng chính là suy nghĩ chung của rất nhiều người lúc bấy giờ. Hoàn cảnh chiến tranh có những biến động khác thường tác động không nhỏ đến trạng thái tâm hồn con người. Trong bài viết gửi cho bạn trẻ, Vương Trí Nhàn tâm sự: “Ngày 5- 5- 1975 vào Sài Gòn, sau khi đi thăm hiệu sách Khai Trí, tôi nhờ một sinh viên dẫn đến tòa soạn Bách Khoa gặp Lê Ngộ Châu rồi nhờ ông Châu nhắn gặp Nguyễn Mộng Giác. Có mấy lí do: thứ nhất, theo tôi đọc được, anh Giác cũng là dân học qua Sư phạm như tôi và cách viết cũng nhiều chất trường ốc; và thứ hai, Giác năm ấy so với những Vũ Hạnh, Võ Phiến cũng là cánh trẻ. Qua Giác, tôi làm quen với Hoàng Ngọc Tuấn và có lần đến thăm Nguyễn Hiến Lê. Cái chính là chúng tôi cảm thấy cùng thân phận. Tôi hay nói với Nguyễn Mộng Giác: Chúng tôi mà ở trong ấy thì cũng thành các anh. Mà các anh ở đây cũng thành chúng tôi. Hoàn cảnh quyết định hết” [16].
Chúng tôi nghĩ rằng, những suy nghĩ của Vương Trí Nhàn là hết sức chân thành. Vương Trí Nhàn thực sự thông cảm với hoàn cảnh của những nhà văn trong lòng đô thị miền Nam. Ông đã có sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc với các nhà trong vùng đô thị miền Nam những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Đã không ít lần trong đánh giá văn học, chúng ta hiểu lầm, nhìn nhận không công bằng, khách quan sáng tác của một số tác giả. Thời gian sẽ là thước đo công bằng để các sáng tác nghệ thuật đi cùng năm tháng.
Trong các nhà văn ở đô thị miền Nam, Hoàng Ngọc Tuấn được đánh giá là tác giả đã xác lập được phong cách riêng, không bị trùng lặp với người khác. Trải qua nhiều cuộc biến động về chính trị, những tác phẩm của các nhà văn như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Võ Hồng, Hoàng Ngọc Tuấn... vẫn được nhiều độc giả yêu thích: “Điểm chung nhất và là chỗ dựa vững bền của nó là hướng đến những giá trị văn hóa dân tộc, là bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền và tình yêu quê hương chân thành, tha thiết” [34].