Nhìn chung về nét độc đáo của Hà Nội trong tùy bút Băng Sơn

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 34)

Là một người am hiểu sâu sắc văn hóa Hà Nội, tác giả lặng lẽ đi giữa những con phố dài hun hút để lắng lòng mình nghe những âm thanh sâu thẳm trong tâm hồn để cùng đồng điệu với ngàn xưa. Tùy bút của Băng Sơn là sự ghi lại mọi mặt của phố phường cả sự ồn ào, náo nhiệt lẫn sự im lặng, tịch mịch.

Nét độc đáo đầu tiên của Hà Nội trong tùy bút của Băng Sơn đó là sự khắc họa đầy đủ bức tranh cảnh sắc bốn mùa thiên nhiên. Mùa nào thiên nhiên cũng đem lại sự quyến rũ duyên dáng cho Hà Nội. Với Hà Nội, mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của sự trở về với suối nguồn tâm linh ngàn đời bất diệt trước khói nhang trầm hòa quyện tâm hồn ta cùng với đất trời. Và rồi mùa thu Hà Nội đã về lảng bảng bên hàng cơm nguội, trong hương tóc học trò ngày tựu trường, độc đáo trong hương cốm làng Vòng: “Đã thấy sương thu bảng lảng theo bước chân cô hàng cốm (Mùa say đắm). Hương thu tràn ngập phố phường là: “Hoa sữa bứt rứt, ngọt ngào như mùa thu thấm vào da thịt, hoa quỳnh nở muộn, dạ hương vườn nào chắp đôi cánh đa tình bay trong hơi sương lành lạnh” (Mùa say đắm). Sông Hồng đã qua mùa lũ bay giờ: “bãi non nhú ra như làn da trinh bạch” (Mùa say đắm).

Mùa thu đã đi qua làm xao xuyến lòng người mỗi cơn gió heo may như gieo sắc vào lòng ta nỗi niềm bâng khuâng từ bao giờ để ta phải quyến luyến trong giây phút chia tay khi về với Hà Nội mùa sương. Băng Sơn đã lấy mùa sương để chỉ mùa đông miền Bắc Việt, mùa đông những cơn gió lạnh đến tái tê người, vậy mà Hà Nội vẫn đẹp bởi sương giăng phố vắng,

sóng xô mặt hồ. Bức tranh thiên nhiên bốn mùa Hà Nội được hiện lên lặng lẽ, quen thuộc gần gũi như từ ngàn xưa vọng về giản dị mà đắm say.

Con người Hà Nội hiện lên trong những tùy bút của Băng Sơn, đó là con người hào hoa, lịch duyệt, vừa là người thưởng thức văn hóa, đồng thời là những người sáng tạo văn hóa, họ là những hạt bụi vàng của Hà Nội

nghìn năm văn vật. Người Hà Nội đã được thừa hưởng vẻ đẹp muôn đời của chốn đế đô bởi vậy trong từng cách ăn mặc, giao tiếp cũng được thể hiện mang màu sắc văn hóa. Con người được ưa chuộng là con người giản dị nhưng rất tinh tế nhạy cảm. Tiêu biểu đó là vẻ đẹp người con gái Hà Nội, dường như vẻ đẹp của họ được hội tụ trong vẻ đẹp của tà áo dài: “Khó mà nói được niềm bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá” (Bài thơ áo dài).

Một vẻ đẹp độc đáo của người Hà Nội được tác giả phát hiện đó là đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được thể hiện qua những phong tục tập quán, lễ nghi và cả trong những suy nghĩ của người Hà Nội. Đối với người Hà Nội đời sống tâm linh đã tạo nên cho kinh kỳ một nét đẹp huyền ảo mơ màng trong mọi khoảnh khắc thời gian, ở đâu ta cũng bắt gặp bảng lảng một ngôi chùa cổ rêu phong để rồi: ''lòng Thiền đã vượt ra ngoài, thấm vào lòng nhân thế'' (Ngày tết lên chùa).

Tất cả vẻ đẹp của Hà Nội đều được tác giả đặt dưới lăng kính của sắc màu văn hóa, từ những thú chơi tao nhã của người xưa như chơi lan, chơi tem, trồng cây, đắp non bộ đến giao tiếp, ẩm thực. Dường như văn hóa tiềm ẩn trong từng ngõ ngách khoảng khắc của đời thường. Những vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, những sắc màu đã làm đẹp cho phố phường

Hà Nội – một vẻ đẹp huyền bí và kiêu sa, vừa cổ kính, vừa hiện đại mà ít có một thành phố nào có được. Đọc tùy bút Băng Sơn, tác giả đã cho chúng ta thấy mọi mặt đời sống Hà Nội, giúp ta thêm yêu thủ đô thiêng liêng của đất nước mình.

Tiểu kết

Hành trình đến với tùy bút của Băng Sơn là cả một quá trình tác giả trải nghiệm đối với cuộc sống. Với Băng Sơn tùy bút đã trở thành một hệ quả tất yếu trong đời của một nhà văn luôn luôn có khát vọng được cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật. 60 năm cầm bút, một nửa đời chung thủy với tùy bút, những tác phẩm của ông không chỉ là con số thông thường mà nó là thước đo để khẳng định tâm hồn, trí tuệ của một con người. Mặc dù cũng viết về đề tài Hà Nội, nhưng mỗi nhà văn lại có một cách nhìn, cách thể hiện riêng. Nếu như Vũ Bằng phảng phất nỗi u buồn của con người lữ thứ tha hương, Thạch Lam đem đến người đọc những trang văn tinh tế và Nguyễn Tuân là những “tờ hoa” trữ tình uyên bác thì Băng Sơn lại xuất hiện với sự kĩ càng, tươi tắn và hồn hậu.

Chương 2

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w