Văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Hà Nộ

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 57)

Hà Nội – hai tiếng ấy vang lên thật gần gũi và ấm áp biết bao trong trái tim của mỗi con người Việt Nam. Từ xa xưa, Hà Nội đã được nhân dân cả nước ca ngợi: “Ngàn năm văn vật đất Thăng Long”. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của cả nước Việt, đồng thời đây cũng là nơi tỏa sáng những giá trị văn hóa tốt đẹp của đất kinh kỳ ra cả nước. Một trong những vẻ đẹp để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong người đọc đó là văn hóa ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội.

Trong ứng xử giao tiếp của người Hà Nội luôn luôn thể hiện nét văn hóa. Đọc những trang văn của Băng Sơn chúng ta thấy thấp thoáng trong những tờ hoa ấy thể hiện mối quan hệ giao tiếp của con người Hà Nội xưa và nay. Đó là lối ứng xử rất có văn hóa của mọi người với nhau, ứng xử ấy được đặt trên tinh thần nhân văn. Điều đầu tiên chúng ta gặp đó là mối quan hệ giữa những người trong gia đình với nhau, cụ thể là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Đây là mối quan hệ vô cùng phức tạp và tế nhị, tác giả đã khái quát lên những hiện tượng của một thời quá khứ xa xưa, đó là mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu trở thành một: “Cái nợ đồng lần, cái chuyện luân hồi, nó tái diễn từ đời nay sang đời khác” (Mẹ chồng nàng dâu), nhưng con người trong đời sống hiện đại đã thay đổi cách nhìn: “Quan hệ mẹ chồng con dâu không còn là định mệnh là hành hạ nhau, làm khổ nhau mà đã thành quan hệ thân tình, máu mủ, yêu thương đùm bọc giúp đỡ, nâng giấc nhau”(Mẹ chồng nàng dâu). Đó là tình cảm chân thành nhất của những người phụ nữ cùng làm dâu, cùng làm mẹ, cùng làm vợ... phải yêu thương gần gũi nâng niu trân trọng lẫn nhau. Băng Sơn đã đi vào đời tư của

bao thế hệ người phụ nữ để nói lên những tình cảm chân thành, như là sự chia sẻ đồng cảm. Và ông hạnh phúc thực sự khi thấy những mối quan hệ thật thân tình: “Xuất phát từ lòng mẹ yêu con trai, người mẹ chồng mới ngày nay sẵn sàng rộng lòng đối với con dâu, coi con dâu là người mang lại hạnh phúc cho con mình” (Mẹ chồng nàng dâu). Không chỉ có thế, người mẹ đã giành sự hi sinh về phía mình, tuổi già đã hi sinh một đời cho con, giờ đây tiếp tục dành sức lực nuôi dưỡng cháu. Tác giả đã khẳng định những người mẹ như vậy thì làm sao con dâu có thể phụ bạc. Từ cái nhỏ nhặt nhất đó là đồng quà tấm bánh mua về cho mẹ chồng, thật quý hóa đó là tấm lòng thơm thảo, nhưng rồi người mẹ ấy, cũng như thời trẻ đã nhường cho con bây giờ lại nhường cho cháu. Tình cảm ấy ấm áp và hạnh phúc biết bao. Có những gia đình bất hạnh, sự hi sinh của hai người lại được thể hiện trong một vẻ đẹp độc đáo khác: “Đã có nhiều bà mẹ chồng còn giục con dâu đi bước nữa, như con gái mình, khi con trai mình xấu số thiệt phận, mà con dâu còn đầu xanh tuổi trẻ. Cũng không ít cô con dâu dám hi sinh hạnh phúc riêng của mình khi mẹ chồng không còn ai nương tựa, ngoài mình là người duy nhất, dù chỉ là con dâu”(Mẹ chồng nàng dâu).

Có thể nói mẹ chồng và nàng dâu là người cầm lái con thuyền gia đình, chính họ là người sẽ vun vén hạnh phúc cho tổ ấm. Những trang văn ấm ấp tình người đã khơi lại trong chúng ta những gì tinh tế và ấm áp của tình cảm gia đình và hơn nữa nhắc nhở ta yêu thêm tổ ấm của chính mình.

Văn hóa ứng xử và giao tiếp của người Hà Nội còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa bản thân con người với xã hội xung quanh. Trong giao tiếp người Hà Nội dễ tạo cảm tình với những người xung quanh không chỉ bằng sự lịch thiệp, thanh lịch mà còn được thể hiện bằng một tâm hồn chân thành và nồng hậu: "Giọng nói Hà Nội, lạ chưa, không thể lẫn được dù cất lên bất cứ ở đâu. Ta giật mình thảng thốt, không phải là tiếng "dạ" dịu mềm của tím Huế, tiếng chắc nịch của miền Trung gian khó, tiếng mặn mòi của vùng biển sóng gió, tiếng chân chất nơi miền Nam nắng nôi...

Tiếng Hà Nội là hơi suối trong ngàn róc rách, là hương hoa nhài đầu đêm (càng khuya càng ngát, càng nghe lâu càng mê), là sợi dây đàn ngân nga thánh thót cái buông ngón út độc huyền... nó cũng là tiếng gió đưa qua ngọn liễu mềm, tiếng hạt cốm lịm đi trong vị hồng ngọt sắc... nó đánh thức trong sâu thẳm lòng ta cái đẹp, cái tốt... vốn dĩ tiềm tàng trong mỗi con người" (Hà Nội- men người). Ngoài ra, Băng Sơn còn giới thiệu cho chúng ta thấy người Hà Nội không chỉ giao tiếp bằng lời - một thứ ngôn ngữ đặc trưng của kinh kỳ rất dễ nghe, dễ mến mà còn chú trọng hình thức của bản thân mình. Với người xưa, hàm răng mái tóc là góc con người, người Hà Nội trước đây có phong tục nhuộm răng, các bà, các chị với cái yếm thắm, hàm răng đen đã tạo nên một sự hấp dẫn: “Hàm răng đen nhức hạt na từng là tiêu chuẩn của người phụ nữ đẹp, đã làm mê mẩn bao chàng trai Việt Nam, bao thế hệ trong chuỗi thời gian dằng dặc của đời sống dân tộc truyền nối” (Hàm răng). Hay tác giả đã trầm trồ khen ngợi: “Hàm răng đen càng ăn trầu càng đen nhánh. Môi hồng cắn chỉ, răng đen hạt huyền, còn gì duyên hơn nữa” (Hàm răng). Đó là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một con người.

Ta hãy lắng nghe tác giả nói về người phụ nữ Hà Nội hôm nay: “Phụ nữ Việt Nam vốn đôn hậu, dịu hiền, đoan trang, ý tứ. Phụ nữ Hà Nội hình như còn bình phương chất ấy lên trong tính cách, từ trong gia đình đến ngoài xã hội” (Nét đẹp phụ nữ Hà Nội). Là người con gái của đất kinh kỳ thừa hưởng truyền thống văn hóa xứ sở từ lâu, người phụ nữ ở đất này đã chịu ảnh hưởng văn hóa của cung đình, cho nên vẻ đẹp của họ là sự kết hợp của văn hóa dân tộc cũng như văn hóa của hoàng cung, bởi vậy trong bất bì lúc nào họ cũng khuôn vào một mẫu mực: “Có thể bà mẹ luống tuổi, bước đi khoan thai, không gõ guốc cồm cộp, không kéo lê đôi dép quèn quẹt, ngay khi gót chân đã nhăn nheo, cũng không bao giờ chịu để lem luốc đất cát. Tà áo chỉ là vải thường cũng phẳng phiu, gọn ghẽ, kín đáo, nhất là sạch sẽ” (Nét đẹp phụ nữ Hà Nội). Còn đây là vẻ đẹp của nữ sinh Hà Nội:

“Thiếu nữ, học sinh không vấn khăn, búi tóc, mà để thề hoặc cặp tóc trễ sau lưng. Giờ tan học, đường Bờ Hồ rợp bóng áo dài, sau lưng cô nào cũng đung đưa một con thạch sùng đen lánh. Nét đẹp một thời. Mái tóc trên nền áo dài là một bài thơ trữ tình tha thiết”(Mái tóc). Chắc chắn ai đã có một lần trong đời được nhìn ngắm những tà áo dài nữ sinh với mát tóc xõa bên bờ vai thì hẳn sẽ không quên được những giây phút ngân lên trong tâm hồn bản nhạc diệu kỳ với nữ sinh Hà Nội, tà áo dài đã tô điểm cho khuôn mặt kinh thành trở nên lãng mạn hơn.

Qua cách miêu tả về người phụ nữ Hà Nội, ta thấy đó là một vẻ đẹp chuẩn mực cho người phụ nữ Việt Nam, nó toát lên một vẻ đẹp của sự đậm đà mà phúc hậu thánh thiện. Ngay cả cách ăn quà cũng có nề nếp: “Ý tứ, ngồi một góc, khép chân, không gác chân co lên ghế, không gục mặt xuống mà ăn, vẫn thẳng thắn đàng hoàng, không liếc ngang liếc dọc. Không nhồm nhoàm, không xì xục, không tóp tép, không ừng ực, không nói cười hô hố trong khi ăn. Ăn xong kín đáo rút khăn tay lau miệng chứ không dùng đũa dựng đứng mà quệt miệng” (Nét đẹp phụ nữ Hà Nội). Đấy là phong cách của những người thuộc tầng lớp thượng lưu, thể hiện sự có giáo dục, vẻ đẹp của người phụ nữ là vẻ đẹp thùy mị nết na đức hạnh. Để có được điều đó là nhờ sự giáo dục của người mẹ: “Dạy con từ một lời ăn tiếng nói. Cấm kỵ là nói trống không, lô bô lốp bốp, lỗ mãng ngoài đường, cười hô hố, gọi nhau ơi ới. Vì vậy mà phụ nữ đích thực Hà Nội không thể nói bậy, chửi thề” (Nét đẹp phụ nữ Hà Nội). Trong lời ăn tiếng nói người Hà Nội đã chú trọng sự lịch thiệp, trong mỗi lời nói luôn luôn có từ vâng, dạ như gió thoảng bên tai, như hương lài phảng phất, họ nền nã trong bất cứ môi trường nào, hoàn cảnh nào. Trong cách trang điểm cũng không chú trọng sự cầu kì vẫn thể hiện vẻ đẹp đài các: “Chỉ phớt qua một chút phấn, phủ một lớp son mờ, kín đáo một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai, có món tóc mềm phủ lên để chỉ đủ thoảng nhẹ như một hương nhài thơm xa, đủ khiêu khích một cách mơ hồ, chứ không quá

nồng quá hắc (Nét đẹp phụ nữ Hà Nội). Vẻ đẹp của họ là thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ, cũng mềm mỏng, ý nhị, phảng phất một chút duyên ngầm để làm cho phố phường trở nên thanh lịch và trang nhã thêm.

Khi nói về nét thanh lịch, tác giả còn thẳng thắn phê phán cảnh thiếu văn hóa làm xấu đi vẻ đẹp của người Hà Nội: "khi ăn xong còn ngậm tăm", "xỉa răng trước mặt mọi người", hay những người có: “hàm răng ám khói hôi xì”, đã vậy: “Khi giao tiếp cứ áp sát vào người ta mà nói, mà thở, người ta càng lùi hàm răng này càng tiến tới” (Hàm răng).

Băng Sơn đã mô tả chân thực vẻ đẹp của con người Hà Nội trong giao tiếp ứng xử đời thường, nó biểu hiện của sự thánh thiện và giản dị của họ, đó là sự kế thừa truyền thống văn hoá ngàn năm của đất kinh kì, đó cũng là niềm tự hào của dân tộc đối với thủ đô văn hiến. Vẻ đẹp đó góp cho Thăng Long - Hà Nội thêm những ánh vàng trong suốt ngàn năm lịch sử.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w