Tâm hồn người Hà Nộ

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 53)

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã là kinh đô đầy hoa lệ, bởi vậy nơi đây đã lưu giữ biết bao nhiêu những trầm tích của văn hóa. Từ xưa đến nay người Việt Nam thường lưu truyền những câu ca dao: “Không thơm cũng thể hoa lài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Rồi người ta còn ca ngợi “Nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến”… Là chốn đế đô, người Hà Nội được thừa hưởng truyền thống văn hóa ngàn năm của ông cha để lại, cho nên nó đã tạo cho người Hà Nội nếp sống, phong cách ứng xử độc đáo. Ai đã từng tiếp chuyện một cụ ông, cụ bà nhiều đời đã từng sống ở Hà Nội sẽ phải ngỡ ngàng trước sự ứng xử thanh lịch và hơn nữa đó là tâm hồn mang chiều sâu của truyền thống văn hóa. Tuy không phải là người Hà Nội nhưng Băng Sơn suốt một đời gắn bó với Hà Nội, khiến ông có thể phát hiện và

khám phá chiều sâu bản sắc tâm hồn con người nơi đây. Trước hết, chúng ta gặp ở người Hà Nội đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên. Mặc dù sống trong một không gian chật hẹp nhưng họ luôn luôn gần gũi với thiên nhiên. Trong mỗi gia đình người ta thường cố gắng đem chút ít hương sắc của đất trời vào không gian nhỏ bé của mình, đó có thể là một hòn non bộ, một chậu cây cảnh hay một bát thủy tiên mỗi độ xuân về. Ngày nào cũng thế, tháng nào cũng vậy trong nếp sống của người Hà Nội đều có sự chứng kiến của các loài hoa của đất trời trong căn phòng khách hay trên mỗi bàn thờ. Người Hà Nội yêu thiên nhiên và chính họ biết nhờ thiên nhiên nói lên được tâm sự của mình. Điều đặc biệt, người Hà Nội chơi hoa có thể không nhiều bằng các vùng khác nhưng hoa Hà Nội có hồn riêng của nó. Trong một không gian hẹp ta vẫn thấy: “Khu vườn còn được điểm trang bằng dăm ba loài hoa tết, dù chỉ khiêm nhường một góc. Vài gốc hồng quế hồng lam, dăm củ thược dược, mấy khóm huệ tinh khiết, đôi ba giò cúc chi, cúc vạn thọ, một nhành lan lô hội lửng lơ trên thân cây cau cây dừa, đung đưa những chiếc lá mềm như lụa xanh trang điểm” (Vườn các cụ). Rất giản dị thôi, nhưng là cả một thế giới, cả một đất trời thu nhỏ trong một không gian hẹp và tác giả khẳng định: “Người già vẫn làm ra mùa xuân, và mùa xuân cũng vẫn là của người già chứ đâu riêng gì tuổi trẻ” (Vườn các cụ). Với người Hà Nội đặc biệt là những người già, mùa xuân là sự hồi sinh của cuộc sống bởi vậy họ trân trọng những loài hoa mỗi lần báo xuân sang như đào, mai, thủy tiên… còn đối với tuổi trẻ, mùa xuân là sự đổi thay của phố phường.

Thiên nhiên còn được gợi cảm bằng những hoa trái “thời trân”. Hà Nội mùa nào cũng có hoa trái, đó là sự giao hoà của thiên nhiên với con người, là sự ban tặng của các miền cho hương sắc thủ đô. Chúng ta cảm thấy xốn xang khi đọc những dòng văn viết về mùa hạ: “Con chim tu hú gọi những ngày nắng đầu hè, nó làm tổ nhờ vào tổ đôi vợ chồng nào, mà đến lúc này nó kêu khắc khoải một nỗi buồn nhớ vắng xa đến thế. Nó gọi

quả hay quả gọi nó khi trời ngăn ngắt xanh có bềnh bồng mây trắng khiến ai đó nhớ về một dải đê có rặng vải um tùm, lá xanh quả đỏ trĩu chít như mời đón” (Nhịp quả đầu mùa). Một mùa vải lại về trong nỗi nhớ nhung miên man, với người Hà Nội vải là một thứ mà không thể nào vắng mặt bởi vì nỗi lưu luyến bịn rịn như người ta: “Thèm cái cùi trắng ngà mọng nước bọc cái hạt màu nâu cánh gián, có thể làm thành con quay, quay tít trên nền gạch nhẵn” (Nhịp quả đầu mùa). Ngoài vải ra còn bao nhiêu là hoa quả khác như dưa hấu, quả đào, mơ chùa Hương, muỗng Mộc Châu... cho đến: “Có thứ nước hoa nào vảy lên gối làm ta ngủ say đến thế, đã có thứ hương cây mùa quả nào làm ta lâng lâng nhớ về vùng quê một lần qua, có tre làng, có tiếng chuông chùa, có câu chuyện trữ tình đầy lòng nhân hậu đến thế hở THỊ ơi” (Nhịp quả đầu mùa). Đất kinh kì là nơi hội tụ của hoa trái trăm miền, với người Hà Nội tình yêu thiên nhiên đã thổi hồn vào những hoa trái của bốn mùa.

Giữa ngôi phố cổ, bước chân người Hà Nội trở nên bịn rịn, xao xuyến khi đứng trước vẻ đẹp lạ lùng trong khoảng khắc lúc giao mùa: “Cái thời tiết đẹp lạ lùng và cũng oái ăm, một ngày như chứa đựng cả bốn mùa hoe hoe xuân, trưa ngan ngát nắng hè, chiều lơ mơ thu và đêm lành lạnh” (Mùa chuyển). Hà Nội duyên dáng và trữ tình, chúng ta bắt gặp đâu đây cái duyên thầm của hồn phố cổ tiềm ẩn trên vòm trời, kẽ lá. Phải chăng chính thiên nhiên đã làm cho tâm hồn của người Hà Nội trở nên dịu dàng đằm thắm hơn. Với người Hà Nội, chúng ta bắt gặp trong tâm hồn của họ sự tinh tế, nhạy cảm trước sự thay đổi của đất trời. Đối với mọi người, một chút xuân về trên cành đào đủ nói được nỗi mừng vui, một chút mưa xuân giúp thức tỉnh lòng người, nỗi bâng khuâng trong mùi hoa sữa và sự tĩnh lặng trong đêm trở gió gợi con người về với cảm giác bình yên.

Tất cả đều được hiện lên trong sự đón nhận tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn trong sự trầm lặng đáng yêu. Không ồn ào, không xô bồ, tác giả chỉ lặng lẽ nhìn, lặng lẽ thưởng thức để thẩm thấu, để cảm nhận được tinh

hoa của đất trời. Trong niềm chờ đợi đón xuân sang nỗi lòng nhà văn vẫn thao thức cho dù xuân đã cũ: “Ta đợi hoa đào mà tưởng mình là chàng Kim đợi tin nàng Kiều suốt mười lăm năm xa cách bặt âm hao, dù mới chỉ hơn ba trăm ngày đi qua kể từ hoa đào năm ngoái… Ta đã nghe thấy ánh hoa đào mở sắc từ lúc lá đỏ bằng lăng nước ngập đường Thợ Nhuộm, lúc mây rươi vẩn trời, lúc đàn sếu đo mây... biết rằng đây là lúc lá đào về gốc hoa còn ẩn tế bào, nụ còn nằm trong gốc, chưa có hình có dáng, bởi chính nó cũng đợi mùa xuân, đợi dương hòa sinh khí vỗ về…” (Khi mùa xuân đến). Băng Sơn đã nói hộ tâm hồn người Hà Nội trong mỗi khoảng khắc của cuộc sống thường ngày. Dẫu rằng nó vẫn còn biết bao điều trăn trở và giây phút trở về với thiên nhiên như tìm lại chính mình đã giúp cho con người vượt lên mọi gian lao thử thách.

Tâm hồn người Hà Nội còn được thể hiện trong sự trân trọng truyền thống văn hóa của dân tộc. Là chốn đế đô ngàn đời, mảnh đất chứa bao thuần phong mỹ tục, bởi vậy nơi đây hội tụ những phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông từ bao đời. Người Hà Nội ưa lễ nghĩa và thường chu đáo trong tất cả các nghi lễ, chẳng hạn như trong Hoa cúng: “Đĩa hoa cúng thường có nhiều loại hoa, những bông hoa rời, đặt lên cái đĩa nhỏ, khô, sạch. Có thể là những bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất. Cũng có khi có nhánh hoa sói, một bông cúc bán khai, một đóa hoa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa”. Với người Hà Nội, thế giới tâm linh được tôn trọng, bởi vậy việc cúng lễ là nghi thức thiêng liêng và trong những mâm lễ cũng không thiếu được đĩa hoa, đó là lòng thành của con cháu đối với tổ tiên của người thế gian hướng về cõi thánh thiện.

Chú trọng trong việc cúng lễ cho nên bàn thờ là nơi thiêng liêng nhất trong mọi gia đình: “Thử tưởng tượng, nhà không có bàn thờ thì chủ nhà hướng về cái gì nhỉ? Nhất là dịp tết, ngày chứng kiến mọi quây quần sum

họp, bàn thờ chính là nơi cho con cháu thưa lại với ông bà công việc năm qua, hi vọng năm tới, ước mơ gần cũng như ước mơ xa” (Bàn thờ). Không chỉ có người Hà Nội, đối với người Việt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành mỹ tục mà nó nhắc con người nhớ về quá khứ đồng thời cũng là nơi nương tựa để vững bước vào tương lai.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w