Nghi lễ phong tục của người Hà Nội xưa và nay

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 57 - 60)

Hà Nội là mảnh đất hội tụ khí thiêng của sông núi xứ sở, mang trong lòng nó nền văn hóa lâu đời, một trong những nét độc đáo của nếp sống người Hà Nội được thể hiện qua nghi lễ phong tục. Trước hết đó là phong tục thờ cúng những vị thánh của đất nước: “Hãy gạt ra ngoài ý nghĩ xem có dị đoan hay không có dị đoan mà ta chỉ nghĩ về nước non rừng biển, về những con người mở nước, dựng nước, truyền lại cho ta tài sản quý báu nhường này, từ bạt ngàn rừng núi đến trùng trùng biển cả, từ những áng mây trôi đến cánh đồng chan chứa những dòng sông bề thế… Ta là du khách hay là thần dân của một nước non, có những con người không bao giờ mất được toàn dân phong thánh” (Lễ hội thờ mẹ). Cho dù lễ hội ở vùng đất nào đi chăng nữa chúng ta đều thấy sự xuất hiện của người Hà Nội, trong tiềm thức của người Hà Nội, cuộc sống của họ còn được tô đậm bởi đời sống tâm linh sâu sắc, với họ, đi lễ là thể hiện lòng hiếu kính đối với thánh thần nhưng hơn hết là tấm lòng tri ân những người có công

mở nước. Và điều thật đẹp là trong không khí thiêng liêng vô hạn của đời sống tâm linh, người ta như thức tỉnh để trở về với thế giới hiện tại gần gũi hơn để nghĩ đến những con người đang sống. Thánh mẫu Liễu Hạnh là hiện thân của sự bất tử hiển linh đời đời, trong mỗi đứa con còn có một vị thánh nữa đó chính là người mẹ: “Mẫu Liễu là công chúa. Còn mẹ ta chỉ chân trần, áo vải, nhưng ta vẫn thấy cả hai như một, gần gũi với hồn ta sâu thẳm, mùa xuân trẩy hội, mùa xuân về thăm mẹ cách xa cho đỡ nhớ nhung, có Tứ Bất Tử, trong đó là Mẫu Liễu Hạnh. Mẹ ta không bất tử nhưng với mỗi lòng con, thì mẹ của con ơi, mẹ cũng là bất tử” (Lễ hội thờ mẹ).

Trong thời đại ngày nay con người có nhu cầu tâm linh, quay trở về với nguồn cội, đó không phải là điều mê tín dị đoan mà là sự trở về với giá trị nhân văn cao cả để đánh thức tâm hồn ta trở lại với chính cuộc sống đời thường, sống tốt hơn, đẹp hơn, thánh thiện hơn. Trong phong tục thờ cúng tổ tiên, người Hà Nội luôn luôn chu đáo trong từng chi tiết một, họ không câu nệ về vấn đề sắm sành lễ vật lớn mà quan trọng nhất là dâng lễ cho chu đáo: “Hoa tươi có quanh năm, bốn mùa, ngày nào cũng sẵn, nên đĩa hoa cúng đã thành một phần nhất thiết phải có của lễ cúng. Đĩa hoa cúng còn là sự chu đáo của bà chủ nhà, là lòng hiếu thảo của cô con dâu, là tính nề nếp của cô con gái… đối với ông bà tổ tiên, đối với gia đình. Thế mới biết đâu cần mâm cao cỗ đầy mới tỏ được tấm lòng mình” (Hoa cúng). Mỗi đĩa hoa cúng thể hiện tất cả lòng thành nhưng nó cũng thể hiện một nét văn hóa và phong tục đẹp của dân tộc, mặc dù đĩa hoa dành cho người đã khuất nhưng nó lại có ý nghĩa lớn lao đối với người đang sống.

Trong tùy bút Bữa ăn hoan lạc tác giả miêu tả về một đêm giáng sinh: “Mẹ già, chị gái đảm đang đã chuẩn bị từ hôm trước, có khi từ tháng trước, từ chiều, từ chập tối lúc mọi người sửa soạn áo quần đi đến nhà thờ. Bây giờ lễ trọng đã xong mọi người trong nhà đông đủ, bữa ăn được dọn ra sau khi đã hâm nóng dưới ánh nến chập chờn hay ánh đèn ống chan hòa rạng rỡ, làm mặt người cũng rạng rỡ theo, trước niềm vui cả tinh thần và

vật chất”. Một bữa liên hoan của ngày giáng sinh thật đầm ấm. Dẫu biết rằng đây không phải là một phong tục cổ truyền nhưng chúng ta vẫn cảm thấy gần gũi ấm cúng thân thiết như một dịp lễ tết hàng ngày của người Việt. Từ một chỗ nào đó tác giả lặng lẽ ngắm nhìn vào tái hiện để kéo sát lại tình cảm gia đình đàm ấm, tình cảm dân tộc đậm đà: “Với người Việt Nam bữa Réveillon mới có trên dưới trăm năm nay, không nhất thiết phải có như thế, mà tùy theo hoàn cảnh kinh tế, tập tục địa phương mà có các món ăn khác nhau”(Bữa ăn hoan lạc). Băng Sơn đã giúp cho chúng ta hiểu đằng sau một phong tục, một tôn giáo không có gì chặt chẽ thiêng liêng bằng truyền thống dân tộc. Nó là cái bền bỉ muôn đời khó lòng có thể thay đổi.

Cho dù vất vả quanh năm nhưng người Hà Nội vẫn chờ đợi ngày tết đến xuân về. Tết Nguyên Đán đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng trọng đại. Trong không khí thiêng liêng của đất ngàn năm văn hiến ta thấy thấp thoáng trong những trang viết của Băng Sơn hình ảnh của một nét đẹp từ ngàn xưa nơi kinh đô hoa lệ của một đất nước trọng chữ nghĩa và sự học hành: "Ông đồ già gù lưng phủ phục viết câu đối trên giấy hồng điều đâu chỉ là bán chữ, bán văn chương, mà là mang niềm vui cái đẹp đến cho từng nhà, đẹp đôi cột trước bàn thờ, trên hai cánh cổng, trước sân trước hiên..." (Tết Thăng Long tết Hà Nội). Trong ngày tết người ta cầu chúc cho nhau nhiều điều tốt đẹp băng tất cả tấm lòng chân thành của mình: "Có một tục lệ hay mà người Thăng Long duy trì hàng nghìn năm, thật đẹp thật quý là quà biếu. Hoàn toàn không phải là sự hối lộ như người nghĩ mà chỉ là tấm lòng nghĩ đến nhau, mang niềm vui, sự biết ơn, cảm tấm lòng tri ngộ. Lễ bạc nhưng tâm thành" (Tết Thăng Long tết Hà Nội).

Phong tục, lễ tết của người Hà Nội mang dư vị chung của dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm, nó vẫn được giữ vững và phát huy trong cuộc sống hôm nay, nó đã trở thành tài sản vô giá để hồn dân tộc vẫn sáng bừng lên trong đời sống tâm linh của người Hà Nội.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w