Văn hóa ẩm thực một nét đặc trưng của đất kinh kì

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 63)

Thăng Long là mảnh đất hội tụ không chỉ thơ ca, nhạc họa mà còn được hấp dẫn bởi vẻ đẹp của văn hóa ẩm thực. Từ ngàn đời nay, người Hà Nội đã được thừa hưởng một nền văn hóa vô cùng đa dạng. Mùa nào Hà Nội cũng được thưởng thức những thời trân – hương sắc hoa quả bốn mùa của tất cả mọi miền đất nước hội tụ về, tô điểm thêm đó là tài năng của những người phụ nữ Hà Nội đã đem lại cho con người nơi đây tùy từng mùa mà có những thứ quà độc đáo.

Người Hà Nội nổi tiếng là sành ăn, bước chân ra khỏi cửa là họ đã gặp những thức quà luôn luôn bày sẵn hợp khẩu vị với tất cả mọi người. Điều đặc biệt là ngay cả trong cuộc sống hiện đại người Hà Nội cũng rất yêu các món quà quê giản dị mà đậm đà. Nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng người Hà Nội đã được thừa hưởng những sản vật của xứ sở. Băng Sơn đã hồi tưởng lại một tuổi thơ êm đềm sống bên mẹ - một người mẹ nghèo như bao người mẹ Việt Nam. Người mẹ ấy đã sưởi ấm đứa con mình bằng một tình cảm thiêng liêng qua món Quà chợ: “Những bà mẹ nghèo của chúng ta trên khắp đất nước này có thể quanh năm mặc áo vá đi chân trần trên đá dăm, trên gai nhọn, trong bùn lầy... Nhưng không đành lòng để con thơ thiếu đồ chơi, thiếu đồng quà tấm bánh, chỉ đơn sơ thôi, nhỏ nhoi thôi mà mọi người quen gọi là QUÀ CHỢ”. Đó là kĩ niệm của những năm đã lùi xa trong kí ức, còn hôm nay người Hà Nội đã có nhiều những thứ quà để phục vụ cho đời sống riêng của mình. Khi viết về Xôi lúa ta thấy đậm đà hương đồng gió nội: “Bao giờ xôi lúa cũng có màu hoàng yến, màu vàng chanh. Cái phớt trắng của hạt ngô đã nhừ, xen kẽ với hạt gạo đã nở, mọng như nhân hương sen non, mềm mà không nát. Lớp đỗ xanh đánh vào xôi cho xôi tơi xốp là đỗ xanh đã chín, giã nhỏ, nắm từng nắm như chuẩn bị gói bánh chưng, nhưng to hơn nhiều, gọt ra từng lớp mỏng tang, rơi lả tả xuống thúng xôi, có lát hơi dày còn uốn cong như một mảnh bìa vàng, như

nửa cây bài tam cúc”. Người Hà Nội ăn quà không phải để cho no mà là để thưởng thức, bởi vậy món quà không chỉ ngon miệng mà còn phải đẹp mắt nữa. Mỗi một món quà góp phần làm nên vẻ duyên dáng của phố phường.

Có những thứ quà đến với người ăn không phải bởi cái nét đáng yêu mà có khi lại hấp dẫn con người bởi vì nó quá đơn giản chẳng hạn như

Bánh đúc – một thứ quà bình dị: “Mẹt bánh đúc như một khối vàng đục, với con dao bài thoăn thoắt chỉ chớp mắt, bát bánh đúc đã đầy, bà bốc bằng tay (hình như không ai gắp bánh bằng đũa), chan lên đó thứ riêu còn nóng, được ủ trong cái giành đậy bao tải hoặc đặt trên bếp lửa liu riu” (Bánh đúc quê hương). Bánh đúc là một thứ quà gắn liền với cuộc sống lam lũ của người nông dân không biết từ đời nào, thế nhưng trong sự thưởng thức của nhà văn nó không thua kém cao lương mỹ vị bởi vì trong một cái bánh đơn giản ấy nó mang cả hương vị đất trời, mang cả vị mặn mòi của cuộc đời người dân lao động. Là một thứ quà quá đỗi đơn giản, nó không chỉ giúp mọi người ăn cho no bụng mà chủ yếu là giúp mọi người tìm về một chút bình yên: “Điểm nó vào giữa các món khác, như có người ưa rượu Tây chợt hôm nào bỗng thèm ngụm nước mưa lưu niên, khà một tiếng, mát ruột làm sao, hoặc ai nghe nhạc điên rồ nhiều quá bỗng một hôm thổn thức vì một làn điệu dân ca…” (Bánh đúc quê hương). Thì ra giá trị của miếng bánh đúc cũng lớn lao đấy chứ! Trong cái giản dị nó đã tiềm ẩn những điều phi thường và trong cái nghèo nàn cũ kĩ lại đánh thức ta trở về với nguồn cội yêu thương. Ngoài bánh đúc, người Hà Nội còn được ăn bánh giày, bánh giò, cốm vòng… tất cả nó đã tạo nên hương sắc của bốn mùa Hà Nội.

Không chỉ có những món ăn dân dã mang vẻ đẹp thanh lịch mà ngay cả những món được xem là trần tục nhất với cái tên ghê rợn nhất lại vẫn được thưởng thức một cách đầy thi vị: “Trong rổ là một mớ hỗn độn, những xương lợn, xương bò, xương ống, xương sườn, xương sống, xương bả vai” (Món bốc mả). Tác giả gọi với cái tên làm người đọc

kinh hồn”, đó là Món bốc mả nhưng người thưởng thức nó lại là một người sành ăn nhất trên đời: “Ai phê phán cách ăn này là thô tục hẳn chưa một lần thưởng thức. Thanh cảnh là lúc khác, món khác. Còn bốc mả là ăn cho ngon, ăn cho nhiều, ăn cho đã..” [37, 90]. Trong những trang tùy bút của Băng Sơn cũng thường thấy xuất hiện những món ăn lạ, cái thú lang thang đã đưa ông đi đến khắp các nẻo đường để rồi cho ông có cơ hội nếm trải. Nếu như Món bốc mả đầy phàm tục thì khi ăn một bắp ngô nướng, người Hà Nội lại thể hiện tất cả vẻ đẹp của nghệ thuật thưởng thức món ăn: “Người Hà Nội ăn ngô nướng không ngoạm cả cái ngô mà cạp theo thứ tự từng hàng. Ngón tay cái phải đưa đều từ hàng nọ sang hàng kia như nhấn trên dây đàn, không vang lên âm thành mà bừng lên sự ấm áp ngọt bùi thơm thảo” (Bánh cuốn bà Hai Tầu), để rồi trong hương vị của bắp ngô gợi cho những người thưởng thức những mơ hồ xa xăm về hương đồng gió nội: “Hương ngô nướng thơm nhè nhẹ bay ra, bay xa như thức tỉnh một thứ hương đồng nội xa xôi có ổ rơm, có tiếng gió hú ở ống tre tròn nơi đầu hồi nhà, có tiếng xuýt xoa vì rét, có bước chân ai đi vội bên lũy tre um tùm đầy tiếng gió kẽo kẹt” (Bánh cuốn bà Hai Tầu). Giữa phố phường ta như gặp hương đồng quê thân thương gần gũi qua vị ngô nếp nướng. Món bánh cuốn cũng là món quen thuộc đối với người Hà Nội và người ăn cũng phải biết cách thưởng thức: “Ăn thong thả, không phải ăn cho no, mà ăn cho ấm, cho ngon, ăn cả cái hay cái đẹp, ăn cả sự chờ đợi, cái rét mướt của mình” (Bánh cuốn bà Hai Tầu).

Đối với người Hà Nội khi gặp những món ngon hay những thứ quà bao giờ người ta cũng thưởng thức cầu kì bởi với họ ăn uống cũng là một nghệ thuật. Để có được một sản vật cần phải trải qua biết bao mồ hôi công sức cho nên ăn là để thưởng thức và ăn còn là sự tri ân đối với cuộc đời và con người.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w