Kết cấu theo trục cảm xúc suy tư

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 94)

Là một nhà văn đã gặt hái những thành công vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, trong giai đoạn này đất nước đã có nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới nền văn hóa của dân tộc nói chung và truyền thống văn hóa của Hà Nội nói riếng đã có nhiều thay đổi mới so với nửa đầu thế kỷ XX bởi vậy trong quá trình viết về Hà Nội tác giả có sự liên tưởng đa chiều.

Trước hết đó là sự liên tưởng giữa quá khứ và hiện tại, là một nhà văn yêu tha thiết truyền thống văn hóa của dân tộc bởi vậy trong những trang viết của mình Băng Sơn tái hiện lại những nét văn hóa của Hà Nội, trong cách nhìn so sánh giữa hiện tại và những gì đã thuộc về quá khứ để thấy được vẻ đẹp và sự vận động của nó. Cũng là mùa thu tác giả nhìn mùa thu hôm nay với: “Đêm na thơm. Đêm hoàng lan dịu ngọt. Màu nắng mật ong trong vắt vàng ươm mỗi sáng là tiếp nối vị ngọt ngào ấy của vần xoay mùa màng đất nước thiên nhiên, khi những sợ tơ vương còn vương vấn đầu cành, hồi hộp bước chân học trò vào năm học mới, xao xuyến trái tim hò hẹn tình đầu” (Mùa thu nối tiếp). Đấy là mùa thu của hiện tại, một mùa thu biết bao hạnh phúc êm đềm và cùng trong niềm dạt dào ấy tác giả nghĩ về quá khứ với những đau thương mất mát với một mùa thu cả dân tộc đã vùng lên để trở thành: “Hồn thiêng sông núi, thành gió thổi những bàn chân ào ạt xông lên, đi giành lấy độc lập, tự do” (Mùa thu nối tiếp). Trong mỗi sự vật mỗi hiện tượng bao giờ nó cũng được Băng Sơn đặt vào dòng

chảy của thời gian để rồi tác giả phát hiện một sự đồng điệu trong sự phát triển của lịch sử.

Trong tuỳ bút Hồ Tây gương mặt mỹ nhân tác giả đã có những sự liên tưởng độc đáo, từ những số liệu chính xác khi đi dạo quanh Hồ Gươm: ''với cái vòng tròn gần hai nghìn thước'' [37, 484], Băng Sơn đã liên tưởng đến Hồ Tây: ''Con hồ từng mang nhiều tên như nhà thơ có nhiều bút danh, vẫn là gương mặt giai nhân nghìn năm lung linh cho bao thế hệ dân thường cùng bao tao nhân mặc khách gửi lòng mình niềm yêu mến thân thương'', tác giả lại hồi tưởng lại tiếng ''tầu điện leng keng'', kinh thành dâu bể, nhớ lại tích xưa trạng Bùng gặp chúa Liễu Hạnh... chỉ trong một văn bản, nhà văn đã đưa chúng ta về với những thăng trầm, những kỷ niệm, những vẻ đẹp của Hà Nội xưa và nay. Trong tuỳ bút Chữ "hàng'' gợi cảm, Băng Sơn đã xoá bỏ ranh giới của thời gian và không gian, nó vừa là được hiện lên trong ký ức, lại được nhìn bởi góc nhìn hôm nay: ''Người Hà Nội hôm nay đi quanh Hồ Gươm'' [37, 190], và đến với Hàng Quạt, tác giả lại nhớ về nữ sĩ Hồ Xuân Hương... và ông lại nghĩ về tương lai: ''Thế kỷ hăm mốt sắp đến'' [37, 195].

Nhưng cũng có những sự vật, hiện tượng đã mai một qua thời gian, chẳng hạn trong tùy bút Hoa tết tác giả nhắc đến một thú chơi tao nhã của người Hà Nội đó là chơi hoa tết, một phong tục đẹp có từ ngàn xưa của đất kinh kỳ và đơn giản chơi hoa là: “Khoe hương sắc trong mọi nhà” [37, 412]. Vậy mà bây giờ người Hà Nội một số lại có thói quen mới: “Lâu nay có nhiều hoa giả nhập từ nước ngoài vào. Đẹp thật đấy, giống nữa, nhiều người, nhiều cửa hàng như vàng bạc, cắt tóc, ăn uống cắm hoa giả này để trang trí. Cũng lạ nước ta hoa tươi bốn mùa thiếu gì đâu mà người ta lại vác cả của giả vào mà chơi cắm hoa giả khác nào hôn người đàn bà qua cái khẩu trang, khác nào ôm người nộm một bù nhìn mà nằm ngủ. Người ta chơi hoa giả còn chơi cả cây giả: cây noen bằng nhựa nhuộm xanh. Tết của chúng ta không phải là ngày của thiên chúa giáng

sinh, chơi hoa đào cây quất chứ không phải là chơi cây thông, dù cây thật” (Hoa tết). Sự thật, những gì là giá trị thì nó sẽ tồn tại đến muôn đời. Ngày nay hoa tươi vẫn là phần thưởng quý giá nhất của cuộc sống ban cho con người.

Trong tùy bút Ca nhạc ở nhà ông bàn về vấn đề nghe nhạc. Người Hà Nội rất thích nghe nhạc, ngoài những buổi biểu diễn ở nhà hát lớn thì trong mỗi gia đình bao giờ cũng có những phương tiện để nghe nhạc, tác giả nhớ lại một thời khi nghe những cái máy hát đó là lúc người Hà Nội còn nghèo khó: “Cái máy hát lúc gần hết đà, đĩa chạy chậm lại, lời ca thành trầm xuống, nhạc méo đi, nghe rất buồn cười, chủ nhân phải chạy vội đến cầm cái Ma nivan kền sáng loáng quay vài chúc vòng máy mới lại chạy bình thường. Thường ra cứ một vài đĩa là phải vặn dây cót. Tiếng ca nhạc lúc nào cũng hơi the thé, không trung thực lắm” [37, 125]. Và: “Cho đến bây giờ người Hà Nội thưởng thức âm nhạc với âm thanh chính xác hơn, phong phú hơn đáp ứng yêu cầu hàng ngày” [37, 127]. Từ một việc nhỏ nhặt, nhưng Băng Sơn đã khái quát cả một quá trình phát triển của Hà Nội. Từ những cái cũ kỹ cho đến những cái hiện đại, từ sự lạc hậu đến tiên tiến… Con người Hà Nội luôn thích nghi với cái mới và trong dòng chảy của văn hóa cuộc sống mới giúp cho nền văn hóa truyền thống cũng có cơ hội phát triển theo.

Băng Sơn không chỉ có sự liên tưởng so sánh giữa quá khứ và hiện tại, trong những trang viết của ông còn thể hiện so sánh giữa các vùng, các miền văn hóa. Chúng ta từng gặp trong tùy bút Gửi về nơi ấy 300 năm tác giả đã so sánh vẻ đẹp của hai thành phố: “Có một người tưởng Nam Bộ mà là Hà Nội gốc, từ trong ấy ra với Hồ Gươm ăn tết quê hương, ăn lại bát phở Bắc, ngắm lại đào Nhật Tân, trú tạm nơi Ô Đống Mác… một chiến sĩ Nam tiến, chiến đấu cho Sài Gòn, bị bắt, bị đày Côn Lôn, ra tù, ở lại miền nóng bỏng ấy lập nghiệp nhưng vẫn quay nhớ quắt cái mưa xuân Hà Nội, dù Sài Gòn, Tiềng Giang cũng đã thành quê. Thì ra con đường xuôi nam thiên lý của dân tộc đã thành con đường trong mỗi lòng người, không còn phân biệt

Bắc Nam”. Trong một đoạn văn khác tác giả viết: “Từng thời gian dài Hà Nội được gọi là Hà Thành hoa lệ, còn Sài Gòn là viên ngọc viễn Đông, cốm Hà Nội đi máy bay vào đó, xoài cát từ trong đó bay ra” (Gửi về nơi ấy 300 năm). Bây giờ Hà Nội và các miền quê khác đã có sự giao lưu tiếp xúc rộng rãi, Hà Nội làm đẹp thêm cho các miền quê bởi những sản phẩm văn hóa của nó và ngược lại những miền quê trên khắp đất nước đã góp phần làm nên cái hoa lệ của thủ đô. Tác giả đã nhiều lần đi về các miền quê khác để thấm thía vẻ đẹp chung của hồn quê đất Việt và để thấy được vẻ đẹp độc đáo của Hà Nội: “Tôi đã lang thang Sài Gòn, nếm vị phở Bắc trong hương nắng với cả giá đỗ sống và rau ngổ ba lá. Tôi đã nếm món bún ốc trên đường Võ Thị Sáu với sợi bún to và cứng, con ốc hơi dai, ăn quả cóc trên hè phố với muối ớt… để Sài Gòn thấm vào mình để mình hòa vào thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đại đồng tiểu dị, và đồng sàng đồng mộng với người bạn xa nhau lâu, nay gặp giữa ồn ã một Sài Gòn” (Gửi về nơi ấy 300 năm). Từ sự thấm nhuần về vẻ đẹp của Hà Nội trong linh hồn mình Băng Sơn đã mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những tinh hoa của mọi vùng, mọi miền làm giàu thêm tâm hồn. Mặc dù hai thành phố xa cách tác giả đã có sự liên tưởng vẻ đẹp của Hà Nội với vẻ đẹp của Sài Gòn vừa khác biệt trong hương sắc lại hòa hợp nhau ở vẻ đẹp quý phái kiêu kỳ: “Hà Nội có phố Trần Hưng Đạo, dài hơn hai nghìn một trăm mét với bóng sấu tỏa tròn xanh mướt bốn mùa che bóng, những biệt thự có vẻ êm đềm quý tộc của khu phố cũ, nơi thoảng hương hoa sữa đêm thu cho tình ái lấy làm trú ngụ… nơi ta quen thuộc tuổi yêu đương chẳng cần nước hoa cũng mê man cùng mái tóc… còn Sài Gòn, phố Trần Hưng Đạo cũng có cây, con phố dài hơn mười cây số nối Chợ Cũ Sài Gòn vào sâu lòng Chợ Lớn với bóng cây dầu thưa thớt nhưng tấp nập ngày đêm, xe cộ nườm nượp…” (Hai đầu đất nước). Mỗi vẻ đẹp riêng ấy đã làm nên sự duyên dáng Việt Nam: “Hai đầu đất nước, xin chỉ gói gọn hai thành phố có phần tôi quen thuộc chút ít, ở nơi này thì nhớ nơi kia, đến nơi kia lại nhớ về nơi này, chẳng quê hương

nhưng cũng vẫn quê hương… Hà Nội, nơi tôi lớn lên, có đắng cay và hạnh phúc suốt một đời mình, đã nghìn năm tuổi sắp già bạc cả chòm râu cây si nhưng vẫn trẻ như nàng gái đôi mươi, váy ngắn và son phấn tưng bừng. Còn Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mới ba trăm tuổi là sức trẻ đương thì đang thời hứa hẹn” (Hai đầu đất nước). Bước chân lãng du của tác giả đã đi về các miền văn hóa, ở đó có vẻ đẹp kiêu sa và sự ngọt ngào, ở đó đã nuôi dưỡng tâm hồn tất cả chúng ta để thêm nhớ, thêm yêu Hà Nội.

Kết cấu theo mạch liên tưởng cảm xúc - suy tư là một trong những phương thức nhà văn thường sử dụng, đặc biệt là trong tuỳ bút. Khi viết về chiếc chiếu – một sự vật nhỏ bé, quen thuộc trong cuộc sống người dân Việt trong ngàn năm qua, tác giả đã nghĩ đến cuộc đời lam lũ, cực nhọc của những mảnh đời, những kiếp người bé nhỏ, tội nghiệp: “Dân tộc ta hàng ngàn năm, vạn năm bới đất lặt cỏ. Hạt gạo là ngọc thực, con cá lá rau qua ngày, mái nhà, chiếc giường cũng chỉ là tre trúc, vì vậy mà cây lác, cái chiếu cói cũng góp đời mình vào đất này để nâng giấc con người suốt cuộc đời cực nhọc. Cây cỏ thân tam giác ấy, quen với nước lợ đồng chua, không có hoa thơm quả ngọt, nhưng nó dâng hiến hết thân mình, hết đời mình” (Chiếc chiếu). Thì ra, từ những gì nhỏ lúc ấy, qua sự liên tưởng của tác giả ta bỗng thấy nó có giá trị thiêng liêng đến nhường nào. Mỗi đời chiếu chỉ biết hiến dâng, một đời mẹ chỉ biết hi sinh. Giọng văn bỗng tâm tình, đằm thắm ngọt ngào thức tỉnh trong lòng chúng ta niềm thân yêu, lòng tri ân, trân trọng đối với cuộc sống, với mọi người.

Trong tùy bút Con đò, ta thấy con đò vẫn lặng lẽ trôi và cô lái đò vẫn tất tả trong cuộc mưu sinh của mình, nhưng từ trong những bình dị tầm thường đó bỗng vút lên một niềm thơ, êm đềm như làn quan họ quê mình, dạt dào như bản tình ca của mây trời sông nước: “Những cô lái đò là niềm thơ một thời vẫn đang còn đâu đó. Vẫn là nỗi hồi hộp của khách si mê, các cô vẫn là hồn của con đò, hồn của dòng sông, mà có thể dòng sông lại là hồn của đất nước quê hương”.

Khi hồi tưởng lại tuổi thơ tác giả bỗng suy tư về khúc đồng dao một thuở: “Mỗi khi trăn trở, khó khăn, mỗi lúc chán nản thoái chí… tôi nhớ đến những khúc đồng dao ấy cùng với những hư huyền lãng đãng mà có thực ấy… tôi bình tĩnh lại ngay. Nó cũng quý giá không khác nào đang khát được một bát nước ngon lành mẹ cho, không khác nào đang bực dọc ngoài đường, về đến nhà, gặp nụ cười cởi mở, tươi rói của người ta thương yêu, trao cho ta ánh mắt đầy trìu mến, khiến đột nhiên ta thành con người khác, thanh thản, tưng bừng như người yêu dang tay cho ta ôm trọn niềm vui vào trái tim chan chứa” (Khúc đồng dao). Khúc đồng dao là tình quê hương một thuở đói nghèo, là kỷ niệm những tháng năm êm đềm bên mẹ - người mẹ nghèo về tiền bạc mà giàu tình thương và đức hi sinh. Sức sống của đồng dao vì vậy mà nó không phai mờ trong tâm trí của con người suốt đời dấn thân giữa gió bụi thị thành, và ngay cả đến lúc tóc đã pha sương, nó cũng giúp tác giả hồi sinh, có thêm nghị lực trước cuộc đời gian nan vất vả.

Tiếng lòng tha thiết của tác giả với bao hoài niệm đã được thể hiện rõ nhất trong kết cấu theo mạch cảm xúc suy tư. Với kết cấu này người đọc cảm nhận những nét sâu lắng, đầy chất nhạc, chất thơ trong từng trang viết của Băng Sơn.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 94)