Giọng điệu triết lý suy tưởng

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 104 - 108)

Băng Sơn đã yêu thiết tha mỗi hình ảnh, giây phút của cuộc đời, có lúc chỉ là tà áo bay trong chiều thu lộng gió, một hương đêm lãng đãng mặt hồ, hay chỉ là một món “bốc mả” nghe khủng khiếp rụng rời, cũng có thể đó chỉ là làn gió nhẹ bay qua cách đồng có hương đầm sen lam lũ. Những trang văn lúc thì mênh mang đằm thắm, lúc lại thấm thía đượm buồn, nhưng ở đâu đó ta còn bắt gặp nỗi u hoài trăn trở. Ông đã dành cho nghiệp viết văn của mình khi tuổi đời đã đi vào lúc xế chiều, là lúc mà ông đã thấm thía, từng trải với những buồn vui cơ cực của kiếp người, cũng là giai đoạn tâm hồn được thăng hoa. Đất nước đã đi vào con đường đổi mới, cuộc sống dần đi vào hiện đại, Hà Nội cũng vươn lên tỏa rạng năm châu bởi vậy bên cạnh những gì mừng vui phấn khởi, đâu đó vẫn gặp những dòng văn tâm sự, nỗi bâng khuâng suy tưởng. Tác giả đã đặt mình vào vị trí của con người hôm nay (cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI) để chiêm nghiệm về cuộc đời về con người.

Ta thấy Băng Sơn ưu tư nhiều nhất đó là khi nghĩ về cuộc sống. Cuộc sống ngày càng hiện đại đủ đầy, con người không còn phải thiếu thốn như xưa, những thèm thuồng của con nhà nghèo không còn là quá khó khăn đối với cha mẹ: “Thời đại mới đã đổi khác tất cả mọi sự việc. Đồ chơi chạy bằng pin tóe lửa, đồ chơi điện tử cứ bấm ngón tay là nhạc nổi lên, là hình ảnh hiện ra như có bùa phép… nghĩ mà thương cho bao bà mẹ nghèo, bao kiếp trẻ thơ những thế kỷ đằng đẵng. Quà chợ mua cho con chỉ đơn sơ mộc mạc, cốt tạo ra một nụ cười và thêm một chút no lòng” (Quà chợ). Và ông cũng đầy cảm thông: “Những thứ đồ chơi dù là rẻ tiền cũng là tình mẹ, là sự thương yêu của trái tim mẹ bao la như biển trời… con sẽ mang theo niềm hạnh phúc ấy suốt cuộc đời” (Quà chợ). Đó là sự chiêm nghiệm khi tác giả

nhìn thấu suốt cuộc đời mình. Thời gian đã trôi đi, tất cả đi vào dĩ vãng, nhưng tất cả những gì là giá trị nhân văn cao cả sẽ còn mãi là tình mẹ và cũng từ trong niềm suy tư ấy tác giả lo âu về sự mai một của cuộc sống, sự thay đổi những giá trị văn hóa khi cuộc sống đã quá đủ đầy.

Niềm suy tưởng của tác giả, có lúc là nỗi hoài niệm về quá khứ, sự băn khoăn trăn trở những gì đã một đi không trở lại bao giờ, nó như một “Thăng Long thành hoài cổ” làm day dứt lòng người: “Mỗi phố lặng tờ kia hay âm vang tiếng phách gõ rao món ngon “Xực tắc” nọ, ta nhớ đến một người rao đã ra đi thành lữ thứ bặt tin, nửa trăm năm không trở lại, hay một bóng hình đã vĩnh viễn trong cỏ thu vàng chẳng bao giờ về lại cùng ta” (Hồn sâu Hà Nội). Đó còn là sự ra đi, sự vắng mặt của những gì quen thuộc gắn bó bao đời: “Trà xanh đã bị đẩy lùi về các làng xa trên những nẻo đường dài có quán tranh bên đường lặng lẽ… Có một món đồ uống đã bền như màu áo nâu của mẹ ta, bà ta, thanh thanh, man mát, ngọt thoáng như cam thảo... cũng đã bị phiêu bạt về nơi nào không rõ. Đó là Nước vối” (Thanh trong nước vối). Nhưng tác giả đã khẳng định giá trị bất biến, vĩnh hằng của những hương vị dân dã: “Ta cảm nhận được một điều gì đáng yêu đáng quý biết bao, trong đó có món nước vối quê nhà, chát mà ngọt, trong vắt như hồn người, để tìm ra điều sâu thẳm vô thường” (Thanh trong nước vối).

Trong cuộc lữ hành của một đời người, Băng Sơn đã từng nếm trải mùi ngọt ngào cay đắng của kiếp nhân sinh. Nhưng trong đó cái đích cuối cùng là được tìm thấy một bến bờ hạnh phúc. Hạnh phúc của tác giả tìm được là ở đâu? Có lúc nó là quá khứ xa xăm nhạt nhòa trong dĩ vãng khi quay trở về với mái nhà xưa nơi lam lũ ruộng đồng, có lúc là tương lai xa thẳm, nhưng ông cũng phát hiện ra một điều hạnh phúc đôi khi ta gặp ở những ngày thường trong buổi chiều với mâm cơm đoàn tụ: “Một đời người – đương nhiên trừ kẻ cô đơn – những bữa cơm chiều như lễ hội tiễn một ngày thiêng rời khỏi đời ta đi vào quá khứ, ta ăn niềm không khí, ta ăn

sự chan hòa, ta nâng ánh mắt nhập đầy lòng… thì không chỉ là no cái bụng mà chính là no nê một cõi người” [37, 827]. Đó là bài ca về hạnh phúc, một niềm hạnh phúc chúng ta không thể tìm thấy nơi thiên đường, hạnh phúc ở bên ta trong những gì gần gũi thiêng liêng nhất.

Trong tùy bút Một ngày đáng nhớ tác giả lại suy tư trước sự vô thường của cuộc sống. Trong chuỗi ngày ta đang sống có ngày: “ta tiễn nhau đi thì đã thành Kim Tự Tháo hay Vạn Lý Trường Thành của Vụ Trụ lòng ta” [37, 935]. Và có những ngày lùi vào dĩ vãng, có ngày đáng nhớ suốt đời. Trong sự mênh mông sâu thẳm ấy, mỗi ngày vẫn qua đi trong sự bình yên và khắc khoải: “Một hôm chuyển mùa hay một đêm mưa rả rích, một chiều thu muộn hay lảng bảng gió xuân… có bao nhiêu ngày như thể sống lại. Cái ngày cô gái thành đàn bà. Anh con trai thành đàn ông. Ngày hoàng hậu Dương Thị quyết định chung sống với chồng thứ hai là tướng quân Lê Hoàn. Ngày ta bị tiếng sét của mối tình đầu chụp lấy, ngày ta thi đỗ và thi trượt. Ngày mẹ ta và cha ta tay bắt chuồn chuồn chưa nói hết câu đã thành người thiên cổ mà giọt lệ chưa khô trên hốc mắt đớn đau. Ngày ta thả nắm đất trên nắp quan tài người tri kỷ…” [37, 935]. Đã có biết bao ngày như thế trôi đi, hữu hạn và vô hạn, bất tử và vô thường… Tác giả như nhìn thấu suốt cuộc đời mình, dù những ngày đã quên hay đáng nhớ cũng góp vào cuộc đời mình những trăn trở hay yêu thương. Cái nhìn ấy cũng là điều giúp cho ta trở nên thanh khiết thánh thiện để sống tốt hơn.

Trong triết lý suy tưởng, có lúc tác giả lại quay trở về chính bản thân mình. Mặc dù trong những trang tùy bút của mình, bao giờ chúng ta cũng bắt gặp một cái tôi chân thành tha thiết với cuộc đời, nhưng đó là cái tôi hiến dâng, sẻ chia, đồng cảm, còn khi quay về trở lại chính mình ta thấy như là một sự kiểm điểm, có lúc là dằn vặt bản thân mình hay đó là sự cô đơn: “Còn ta vô danh, ta hạt bụi, ta làn gió mỏng, ta con muỗi, con kiến con ong, ta chiếc lá trong rừng đại ngàn vô số... ta đang trở mình ê ẩm giấc thức, ta thơ bé và già nua, ta đúng trong vòng phấn causase của Brecht,

không ra ngoài mớ rau và hạt gạo. Ai thở dài thế nhỉ? Thì ra ta tự thương mình như bao nhiêu triệu con người giống ta như thế” (Đêm không ngủ). Cái nhìn về bản thân mang chiều sâu triết lý, con người ý thức về sự tồn tại của mình để sống tốt hơn, ý thức về thời gian để thức tỉnh bản thân mình phải biết tận hiến và tận hưởng: “Ta đang ăn đêm và đêm đang ăn ta đây. Ta ăn đêm có nghĩa là ta ăn thời gian, ăn đời ta thêm ngắn đi một chút. Còn đêm ăn ta như nó từng ăn cả loài người từ vùng cực đầy rét buốt đến xích đạo ngút ngàn khói nắng. Mọi cái ăn nhau chỉ có thời gian chứng kiến, thời gian trọng tài” (Đêm không ngủ). Con người chỉ một lần sinh ra và một lần ra đi vào cõi vĩnh hằng. Hạnh phúc nhất là khi chúng ta được sinh ra làm một kiếp người cho dù những vui buồn sướng khổ rình rập quanh ta. Nhưng cuộc sống cũng ban tặng cho ta bao điều hạnh phúc. Với Băng Sơn khi chiêm nghiệm về thời gian là sự thức tỉnh đã giúp ông có cái nhìn cuộc sống đa chiều.

Tiểu kết

Nhà văn đều khẳng định mình trước độc giả bằng những sáng tạo nghệ thuật. Với Băng Sơn ông đã đem đến cho người đọc những trang viết đầy chất thơ trong ngôn ngữ hình ảnh khi mô tả về Hà Nội, cùng với sự linh hoạt trong kết cấu hình tượng và cả vẻ đẹp trong sự đa dạng của giọng điệu trần thuật nó đã trở thành nét duyên dáng và độc đáo trong những trang tùy bút. Tất cả đã góp nên sự thành công của Băng Sơn khi viết về đề tài Hà Nội, đó là sự cống hiến, là tình yêu tha thiết với mảnh đất thiêng liêng.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 104 - 108)