Đến với tùy bút của Băng Sơn ta đã được gặp phần linh hồn của Hà Nội. Một tiếng rao đêm khắc khoải, một nén hương lúc giao thừa hay một ánh lửa bập bùng của chậu ngô nướng… tất cả như sâu lắng ấm nồng theo thời gian. Phảng phất đâu đây hương hoa sữa nồng say đến ngàn đời, bóng áo dài thướt tha bên dáng liễu ru hồn ta trong giấc mộng cố nhân, rưng rưng xúc động, xốn xang cõi lòng khi tìm lại quá khứ của một thời khốn khó của những hồn làng, bóng mẹ liêu xiêu… Tất cả được tái hiện lại trong
giọng kể chuyện của một con người đã sống thăng hoa quá nửa cuộc đời, nó vừa như thực vừa mộng đầy sâu lắng trữ tình, gợi cho ta yêu mến những gì gần gũi thân thương nhất. Trong mỗi lời văn ta thấy hiện lên đó là tấm lòng đôn hậu nhân từ. Văn Băng Sơn không quá lả lướt cầu kỳ, không quá kiêu bạc nhưng cũng không hề dễ dãi với ngôn từ. Toát lên trong những trang viết của ông, đó là một con người tài hoa và đôn hậu. Mỗi trang viết như truyền cho ta cái ấm áp của giọng nói người từng trải, của người cha, người ông đang kể lại, nhắc nhở ta bên ngọn lửa hồng trong không khí quây quần của đại gia đình đoàn tụ.
Khi kể về sắc xuân hương tết tác giả kể lại những sắc màu của ngày tết: “Những điều kiêng kị phải chăng là mê tín? Không hẳn. Đó là kinh nghiệm, là ấn tượng bao đời truyền lại. Nếu màu đỏ là tượng trưng cho tưng bừng, rực rỡ, phấn khởi say sưa khoáng hoạt trong hoa đào, trong câu đối, trong xác pháo hồng, trong bao màu hoa khác, trong cả cái lạt đỏ gói trên nền lá xanh bánh cốm bánh chưng… thì tết đến, người ta ai cũng thấy cần kiêng màu đen, màu của tang tóc rủi ro, màu của buồn đau chết chóc, màu của bệnh tật xúi quẩy…” (Sắc xuân hương tết). Đó là kinh nghiệm sống đã trở thành văn hóa, nó là những ứng xử văn hóa. Cũng là chuyện tết đến xuân về, tác giả như đi sâu vào mỗi gia đình, hiểu và cảm thông với mọi hoàn cảnh để sẻ chia với niềm vui của mọi nhà: “Người nghèo, quanh năm vặt mũi đút miệng, tết đến cũng không đến nỗi nào. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Ít nhất cũng có thịt ít gạo, có đồng bánh chưng, có con gà nho nhỏ trong chuồng, và may ra vợ chồng con cái dành dụm còn có tấm áo mang quần tươm tất” (Tháng củ mật đen). Cái tết của người nghèo đạm bạc và thật tội nghiệp, ngày xuân là ngày của sự sum họp, ngày của những ước mơ, giao thừa đến xóa đi tất cả những đen đủi của một năm cũ và đem đến niềm hi vọng vào một năm mới tốt đẹp, bởi vậy gia đình Việt Nam cho dù nghèo khó đến đâu cũng cố gắng vun vén một cái tết cho đủ đầy để mong gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Có lúc ta như bắt gặp một ánh mắt trìu mến thân thương của tác giả dõi theo bóng áo dài, kèm theo trong những câu văn là cả niềm tự hào trân trọng vẻ đẹp truyền thống dân tộc: “Áo nhung, áo gấm, áo mình khô hoa ướt, áo lơ-muya, áo cổ thấp rồi cổ cao, tay thụng hay tay bó, tay dài hay tay lửng... đã nhiều thay đổi, nhiều “mốt” tùy thích. Riêng chỉ hai cái tà như hai cánh bướm, như hai dải liễu bay, như hai lá thư tình, như hai nỗi ám ảnh tâm hồn nam giới… là vẫn được trân trọng giữ nguyên. Nó vẫn giữ chiều dài gần sát gót để có đà tung bay, có khi nhấp nhô như sóng lượn, để có đà vẫy gọi những con mắt dõi theo” (Bài thơ áo dài). Và cũng với cái nhìn ấy, tác giả như lặng ngắm từ xa nâng niu và yêu mến khi được nhìn tà áo thiếu nữ, để rồi với tấm lòng Băng Sơn đã “khoe” với mọi người sự duyên dáng của vẻ đẹp nữ sinh một thời để sẻ chia cùng với mọi người: “Chiều Hồ Gươm khoan thai nhịp bước, cắp cặp sau lưng, tóc đung đưa sau lưng, còn hai tà áo dài cứ như trêu cợt, như đùa nô, như vô tư mà nghi ngờ, như nhắn nhủ mà xa xôi” [37, 199]. Nỗi niềm ấy ông chia sẻ cùng với đất trời cảnh vật, phố phường: “Tà áo dài gần chấm gót những ngày ấy đủ sức chuyện trò cùng gió. Mềm mại, uyển chuyển, run rẩy, lung linh… hình như đã lan truyền cả sang gió hồ nên hồ cứ lăn tăn, lan truyền cả vào tầng lá nên cây lá cứ rì rầm lay động. Có phải lúc này là lúc hồn Hà Nội đã mơ màng như bát rượu nếp sáng mùng năm tháng năm đối với cô thiếu nữ chưa quen men rượu, là lúc cung đàn đã tấu lên với trái tim nhạc sĩ, “toan” đã căng lên trên giá vẽ trước nhà tạo hình, nàng thơ đã ốp một cách bí hiểm vào nhà thơ, và mùa vàng chín rộ đã làm rạo rực người gieo cấy…” (Bài thơ áo dài). Một trái tim chân thành, chan chứa yêu thương đã hiến dâng cho Hà Nội. Chỉ một khoảnh khắc áo dài đã làm cho tâm hồn ta đồng điệu cùng nhịp bước khoan thai, đó là tiếng gió, tiếng lá rơi, tiếng mưa thu hay chính là tiếng cõi lòng tác giả. Những câu văn ấm áp lòng người, thể hiện sự yêu thương bao dung của người viết, lời văn thủ thỉ nhẹ nhàng và đằm thắm.
Dường như trong những trang tùy bút của Băng Sơn đều ẩn chứa một kho tàng tri thức của cuộc sống đầy phong phú và đồ sộ, tác giả đã viết mọi mặt, mọi ngõ ngách của đời sống, ở đâu cũng tạo sự bất ngờ đối với người đọc. Từ những trang văn hiện lên chân dung một con người, một cụ già đôn hậu mà hóm hỉnh, mọi sự vật, sự việc được nhắc đến đều mang nét gần gũi. Khi viết về những sản vật từ vườn nhà tác giả nhắc đến những món mứt quen thuộc đó là mứt sen: “Viên mứt sen tròn trịa, trông như viên ngọc màu vàng. Chỗ tâm sen còn một lỗ nhỏ tưởng như đó là chỗ xâu sợi chỉ vàng vào đó làm thành chuỗi ngọc đeo lên cổ cô gái xinh tươi. Nó còn óng ánh những hạt đường kết tinh nhỏ li ti như sương mai đọng lại. Viên mứt sen trần không cần nhiều đường để át mất mùi vị của nhân sen” [37, 308]. Và đâu đó xa xôi tác giả nghĩ về hương đồng gió nội, nơi nước mặn đồng chua đã chắt chiu nên vị ngọt đậm đà này: “Ăn mứt sen trần với chè búp cái chát, cái ngọt cái thơm hòa quện vào nhau, làm ta không thể ăn vội vàng, ăn nhồm nhoàm như ăn thịt chó. Vừa ăn vừa ngẫm nghĩ để hương đồng quê, hương đầm sen, hương vườn nhà thấm vào thần kinh, khiến mùa xuân như vừa đến vừa múa xiêm y ngay từ ngoài cửa đầy hương” (Mùa xuân từ vườn nhà). Tác giả đang kể lại hay chính tác giả đang nhắc nhở chúng ta về cách hưởng thụ sản vật quê hương? Không nặng nề đao to búa lớn, không lên lớp giảng giải, vậy mà sao thấm thía đến vậy. Lời nói đó thiết tha, gần gũi trìu mến thân thương bởi nó là lời của một con người từng trải nói với chúng ta về cách sống làm người từ những điều giản dị nhất. Và cũng thật đáng quý biết bao, từ chốn quê mùa lam lũ nhưng đầy thân thương được sự giàu có phong phú của quê nhà, nói sao hết được tài hoa sáng tạo của các bà mẹ, các chị chúng ta: “Đã để lại cho chúng ta những món ăn kỳ diệu ngon lành thơm thảo không thể thiếu, không thể nào quên, mà nguyên liệu của nó lại rất đơn sơ quen thuộc. hàng ngày ta gặp ngay bên cạnh gian nhà lũy tre, ruộng lúa” (Mùa xuân từ vườn nhà). Tình yêu quê nghèo, hương đồng gió nội phải chăng đó là sự gợi nhớ
về quê hương của tác giả, nơi mà suốt cuộc đời lăn lộn chốn phồn hoa, tác giả vẫn luôn hướng về một phương mà khắc khoải, và tác giả truyền lại cho ta hơi ấm quê nghèo, biết yêu, biết trân trọng những gì thân thuộc nhất.