Kết cấu theo trục không gian thời gian

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 94 - 97)

Khi khảo sát những tùy bút của Băng Sơn, chúng ta phát hiện thời gian của quá khứ được nhắc đến rất nhiều, hầu như trong tất cả các tùy bút bao giờ quá khứ cũng hiện về. Quá khứ là hình ảnh của những người đã cũ, sự việc đã qua, hiện tượng xuất hiện từ lâu, bởi vậy chúng ta có thể chia quá khứ trong tùy bút của Băng Sơn thành những loại sau:

Trước hết, quá khứ gắn với một nhân vật cụ thể. Những nhân vật này vốn là những con người có đời sống tâm hồn phong phú, có trí tuệ uyên bác và hơn hết đó là có một vốn văn hóa sâu đậm. Khi tác giả nhắc đến họ là nhắc đến những nhân chứng của văn hóa, đôi khi họ là cái cớ để tác giả dẫn dắt câu chuyện của hiện nay:

“Nhà văn Nguyễn Tuân đã có một bài về giò lụa rất hay” [37, 78] -

Bánh giày bánh giò.

“Nguyễn Du từng viết : “Nghề chơi cũng lắm công phu” [37, 114] -

Tản mạn về chơi.

“Sinh thời nhà thơ Thanh Tịnh là người sưu tập đồ cổ” [37, 130] - Thú sưu tập.

“Rồi cụ cụ chúng ta, những thế hệ nghìn đời nối tiếp” [37, 185] -

Tiếng ru.

“Cụ chúng ta, bà chúng ta, mẹ chúng ta từng chẳng mặc áo dài đó ư? [37, 197] - Bài thơ áo dài.

Mặc dù có thể chỉ là cái cớ trong một dòng văn ngắn, nhưng những con người hữu danh hay vô danh được nhắc trong quá khứ, họ là những con người làm nên nền văn hóa dân tộc mà trong buổi hôm nay khi viết về văn hóa tác giả không thể quên họ. Băng Sơn nhắc đến họ như mà là một sự tri ân.

Quá khứ là những sự kiện đã xảy ra trong một thời gian nhất định. Thời gian ấy có thể là cụ thể, có lúc lại rất mơ hồ. Tuy nhiên dù không xác định hay rất chính xác cũng khiến cho người đọc hoài niệm về một thời đã qua và cũng để nuối tiếc những giá trị cũ, hay cũng là dịp để nhìn nhận đánh giá lại một sự việc:

“Trước đây có nhiều gánh cà phê đầu đường…” [37, 113]- Tản mạn về uống.

“Mấy năm trước có phong trào dùng bàn ghế trúc Lạng Sơn” [37, 30] -

Cái bàn nước.

“Mấy năm trước, các bà các chị bán đào bày hàng như một thứ nghệ thuật” [37, 36] - Nhịp quả đầu năm.

“Truyền thống Hà Nội là món ăn bao giờ cũng tinh khiết, thanh đạm…” [37, 47] - Gia vị.

“Mấy chục năm trước đây ai đi trên đường Hà Nội - Hải Phòng…” [37, 81] - Bánh giày bánh giò.

“Cách đây mấy chục năm, có câu : “Nước vôi Sơn Tây, điếu cày Hà Nội'' [37, 111] - Nhớ ai như nhớ…

“Từ lâu cái khu phố tập trung những rạp hát…” [37, 119] - Xem hát

“Nhớ lại mấy chục năm trước…” [37, 227] - Đám tang ngày trước…

Trong sự phát triển của phố phường, dường như những tinh hoa văn hóa của một thời vàng son đang bị mai một dần, trong nỗi niềm thắc thỏm lo âu về sự mai một đó, chúng ta thấy Băng Sơn nhớ về quá khứ như là sự tìm một điểm tựa cho tâm hồn mình. Những ngày xưa nay chỉ còn vang bóng, nỗi u hoài phảng phất, tác giả như cố níu kéo những gì thuộc về quá khứ để nhớ, để giữ được vẻ đẹp vàng son cho cuộc sống hôm nay và cho ta thấy được một cách toàn diện sự phát triển của sự vật, hiện tượng văn hóa.

“Ngày trước gói xôi có một nét riêng” [37, 85] - Xôi lúa.

“Bẵng đi mấy chục năm, không còn thấy ai nhắc đến món bánh cuốn của bà” [37, 102] – Bánh cuốn bà Hai Tầu.

“Xưa dân ta có tục nhuộm răng đen” [37, 144] - Hàm răng.

“Mấy chục năm trước đây, áo dài có chiều dài gần chấm gót” [37, 167] -

Nét mặc một thời.

“Trong ký ức của những người Hà Nội” [37, 189] - Chữ “hàng” gợi cảm.

Và cũng có lúc quá khứ là tuổi thơ của chính tác giả, một tuổi thơ gắn bó với cuộc đời lam lũ của người mẹ nghèo tần tảo sớm chiều.

“Vào khoảng trước năm lên mười tuổi, có lầm tôi suýt chết đuối ở ao làng” [37, 56] - Cơm nắm.

“Thuở nhỏ tôi ở cạnh một lò bún” [37, 71] - Bún.

“Ngày trẻ trong đi học, đi chơi túm năm tụm ba cùng nhóm bạn bè cùng lớp” [37, 94] - Phố ngắn nhất và thịt bò khô.

“Tôi, anh chàng Băng Sơn này, tức thằng cu Bốn” [37, 722] - Món Hà Nội.

Những mảng lắp ghép của quá khứ được hiện về khi tác giả nhìn vào thực tại càng làm cho sự vật trở nên lung linh huyền ảo. Quá khứ xa xôi của những ngày thơ ấu là quá khứ đẹp, để rồi từ đấy chúng ta như thấy sự tiếc nuối, nỗi nhớ nhung.

Kết cấu theo trục không gian - thời gian đã làm cho những trang tùy bút Băng Sơn thấm đẫm chất thơ của sự hoài niệm đồng thời nó có tác dụng tái hiện hiện thực một cách khách quan, sinh động trong cái nhìn đa chiều.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w