Cái nhìn cởi mở và hồn hậu

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 45)

Trong tâm trí các thế hệ độc giả của Băng Sơn, một hình ảnh quen thuộc khi hồi tưởng về ông đó là: một cụ già với mái tóc bạc bồng bềnh, ánh mắt nhân hậu yêu thương. Và ông đã sẻ chia tấm lòng của mình đến với mọi người, bởi vậy trong những trang tùy bút chúng ta đều bắt gặp cách nhìn cuộc sống của tác giả đầy cởi mở, giản dị và hồn hậu. Để có được cái nhìn này có thể từ chính cuộc đời của tác giả đã từng phải kinh qua những gian khổ những nghèo nàn khốn khó, và cũng chính từ đó một tuổi thơ êm đềm nơi đồng bằng chiêm trũng với người mẹ thân yêu của mình, một người mẹ nghèo như bao bà mẹ Việt Nam khác đã truyền cho con lòng yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống với tấm lòng rộng lượng bao dung.

Trong những trang tùy bút, điều đầu tiên chúng ta gặp đó chính là lòng yêu quý và trân trọng nền văn hóa của dân tộc và đôi khi chính tác giả đã nhập thân vào nền văn hóa và sống cùng với nền văn hóa. Trong mọi ngõ ngách của cuộc đời, trong mỗi góc phố, mỗi con đường Hà Nội đã lắng đọng hồn thiêng của núi sông, nó đã hội tụ những hạt bụi vàng để rồi nó được thăng hoa trong những trang tùy bút của ông. Quả thật phải là một con người yêu quý nền văn hóa đến nhường nào mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Tác giả đã lắng nghe âm thanh của cuộc đời, nhặt nhạnh từng chút hơi thở của cuộc sống với tất cả sự nếm trải. Điều này chúng ta đã từng gặp trong những sáng tác của Thạch Lam, Vũ Bằng và đâu đó trong sáng tác của Nguyễn Tuân, nhưng Băng Sơn là con người của hôm nay, con người của hiện đại và ông sống trong một giai đoạn những giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một dần. Băng Sơn đã đi đến tận cùng ngõ ngách của sự vật, sự việc mọi nếp sống của người Hà Nội.

Khi viết về một món dân giã quê mùa, đó là món rươi, tác giả lắng nghe với tất cả trìu mến thân thương: “Tiếng rao như một khúc hát, có bổng có trầm, có ngắn có dài, và tiếng rao ấy, nét nhạc ấy thay đổi năm này qua năm khác, người ca sĩ ấy hát đúng “son phe” một cái kì lạ: “Ai mua rưới da mùa…”. Nét nhạc ấy, câu hát ấy, lời rao ấy cứ hối thúc, giục giã, mời mọc, kêu gọi, không thể nào bỏ qua cho được” (Rươi). Một món quà đơn giản, một người lao động bình dị, một tiếng rao quê mùa vậy mà nó đã góp thêm một âm thanh trong trẻo làm cho hương sắc phố phường thêm ngọt ngào.

Cả một năm trời vùi đầu vào công việc, vất vả với những lo toan thường nhật nhưng mỗi con người đều náo nức chờ đợi chào đón xuân sang bằng khoảnh khắc giao thừa. Bắt đầu từ đây con người bước sang tuổi mới, trời đất tiếp tục chuyển mình. Từ ngàn xưa đến nay tết Nguyên Đán là nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp văn hóa của truyền thống dân tộc. Nhà văn Băng Sơn

đã nhiều lần được chứng kiến trời đất sang xuân nơi chốn đô thành, tác giả đã trung thực ghi lại những cảm xúc khi mùa xuân về và từ trong sâu thẳm, một nỗi hoài niêm về chốn xưa nghèo khó với tấm lòng thương nhớ khôn nguôi: "Cho ta nao nao về quê mẹ, cột nhà nghèo khó, chỉ bương, tre, chẳng vàng son lộng lẫy, tết mới có đôi câu đối giấy hồng điều, nhưng hồn ta ở đó, tim ta về đó, ta kính cẩn nghiêng mình trước làn khói nhang phảng phất anh linh tiên tổ, những người tạo ra chất dân tộc, vượt núi băng sông, làm ra hạt gạo, chắt nên ca dao, may chiếc áo đổi vai, tạc đầu đao ngôi đình cong như với bầu trời gần lại” (Xuân dân tộc). Là giây phút thiêng liêng, giây phút giao mùa, con người nghĩ về cội nguồn tổ tiên cũng chính là hướng về tương lai, nó như một nền tảng để cho chúng ta vững bước vào tương lai. Và cũng trong tâm trạng, cảm xúc khi đất nước vào xuân, tác giả đã day dứt: “Mùa xuân dân tộc cũng đã biến thiên nhiều, có chuyển giao và áp đặt, ta chấp nhận những gì làm đẹp cho đất nước quê hương, nhưng ta không thể bằng lòng với ai từng bỏ mẹ mình để nhận một người đàn bà xa lạ phương trời khác làm mẹ chỉ vì người này giàu hơn, đẹp hơn, vàng đeo rủng rỉnh chân dép chân giầy…” (Xuân dân tộc). Yêu nền văn hóa, yêu những con người trong cuộc sống đời thường, tác giả cũng yêu cái nghèo cái vất vả, tấm lòng bao dung nhân hậu ấy không thể chấp nhận những ai có thể phản bội lại đất nước quê hương.

Trong tùy bút, bao giờ cũng vậy, những trang văn của Băng Sơn đều thể hiện con người của ông - giàu lòng bao dung rộng lượng. Là một con người hiểu sâu sắc về nền văn hóa, cũng là một con người lấy tiêu chuẩn văn hóa làm thước đo nhưng Băng Sơn không phải là một ông già cố chấp, thủ cựu. Những nơi tác giả đến ít khi là những nhà hàng trang trọng, có khi nó chỉ là những quán nhỏ ven đường, một không gian tối với những người phục vụ bình dị và những bộ bàn ghế đã xỉn màu. Chưa hết những món ăn lại thật là đơn giản, ai cũng biết, ai cũng được thưởng thức và nơi nào cũng có, điều quan trọng hơn hết là sở thích của mỗi người: “Có người Việt

Nam nào không ăn bánh đúc? Và có ai dám nói to lên rằng “Tôi khinh món bánh đúc”. Chắc là không. Dù no nê tiệc tùng những bào ngư vây cá, những chim quay gà tần, những gì gì chăng nữa, thì những người ấy cũng do mẹ sinh thành, mà mẹ chúng ta lam lũ ngàn năm, nuôi ta bằng giọt sữa chắt chiu từ quê hương có món bánh đúc bánh đa… Món bánh đúc cũng quen thuộc như thế như lá lúa như hương cau, hoa bưởi mãi mãi vẫn còn” (Bánh đúc quê hương). Phải chăng sinh ra từ một làng quê nghèo khó như bao làng quê của đất Việt , được nuôi sống thể xác và cả tâm hồn từ những sản vật bình dị, lớn lên bàn chân đã từng đi qua nhiều thành phố, xóm làng nên Băng Sơn thấy yêu thấy quý những sản vật quê hương đến như vậy.

Và thế hệ của ông, biết bao nhiêu con người đã phải chứng kiến sự giành giật của sự sống và cái chết, bởi vậy hơn ai hết Băng Sơn hiểu sâu sắc những giá trị của từng chi tiết cuộc đời. Nhà văn đã thể hiện niềm vui trước sự đổi thay của cuộc sống: “Trồng hoa ở công viên, quét vôi mặt phố cũng là làm đẹp cho đời. Sao ta không mạnh dạn khuyến khích động viên phụ nữ mặc áo dài ra đường, đến cơ quan, trường học… Phụ nữ mặc áo dài chỉ đẹp thêm. Nam giới cũng được thơm lây. Cuộc đời rực rỡ là điều hẳn ai cũng mong muốn” (Bài Thơ áo dài).

Với tình yêu tha thiết Hà Nội, bằng cái nhìn cởi mở và hồn hậu, trong những trang tuỳ bút của mình, Băng Sơn tái hiện lại chân thực bức tranh Hà Nội với muôn màu muôn vẻ của nó và tác giả đã để lại trong tâm hồn độc giả niềm yêu mến, niềm tự hào và cả sự trân trọng đối với thủ đô ngàn năm văn hiến.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w