Cái nhìn đầy chất thơ

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 49)

Là một nhà văn, đồng thời là một nhà văn hóa bởi vậy Băng Sơn luôn có cái nhìn tinh tế nhạy cảm đối với sự vật sự việc xung quanh. Dường như những vị tế nhỏ nhất trong cuộc sống luôn được tâm hồn mở rộng của tác giả thu nhận lấy, tái hiện thật sâu sắc và độc đáo bằng cái nhìn đầy chất thơ. Nhà văn đã cảm nhận từng bước đi của thời gian, từng nhịp

thở của cuộc sống, từng làn hương của phố phường… tất cả đã tạo nên chất thơ trong văn chương của ông.

Là một con người đi nhiều, có một cảm nhận hết sức tinh tế về cuộc sống, tác giả đã phát hiện trong những bước đi của thời gian là, những nét đẹp tiềm ẩn sâu lắng của ngàn năm Hà Nội. Có lúc nó chỉ là một làn hương nhẹ trong đêm, có khi là một ánh trăng hiếm hoi của thành phố, rồi cũng có lúc là vẻ đẹp của một lẵng hoa đời thường, có khi ta còn được phiêu diêu cùng tác giả đi về miền kí ức xa xăm để tìm lại vẻ đẹp xưa cũ. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, chúng ta quên đi chính bản thân mình, để rồi lăn lộn với cuộc sống đời thường tất bật lo toan, hay dằn vặt cùng những trăn trở, Băng Sơn đã thức tỉnh hồn ta, dìu ta về dĩ vãng lắng lòng cho ta thấy được vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của những gì tưởng như quá nỗi bình thường: “Hình như mỗi năm khi mùa thu về gạt mùa hè vào quá khứ, đều có một điều gì báo trước, lăn tăn trên gương hồ, se se nơi vai áo… còn lúc chuyển mùa, xuân nhường cho hạ, thì không gian dường như cũng có những “anh bưu tá” của nhà trời đi báo tin vào đêm qua, đêm kia bằng những cơn gió nồm lồng lộng, và lơ đãng để quên màu vàng trên ngọn cây xà cừ, trên tầng lá sấu… Sáng ra, mặt đường có ai trải thảm tơi bời. Anh chàng lực sĩ xà cừ rì rào điều gì tâm sự, trong khi những cô nàng sấu màu áo quan lục thẫm lại tươi vui, tự dệt cho mình màu áo mới bằng thứ sa tanh màu mỡ gà, màu lá mạ non, cũng có nàng là màu đồng điếu bắt chước màu nõn cây bồ đề nơi cửa Thiền, hay trên ngọn hàng bằng lăng nước tở mở chưa thành lá nõn” (Mùa chuyển). Thiêng liêng thay là phút giao mùa, trời đất đổi thay, lòng người cũng lâng lâng dịu nhẹ, một cảm giác ấm áp mà mát mẻ, bởi vì bắt đầu từ đây trời đất đã thay sắc mới, con người lại bước tiếp vào một hành trình, cây cối khoe duyên sắc độc đáo của mình. Từ góc nhìn bao quát cụ thể ông đã thu lại phần hồn linh thiêng nhất của Hà Nội.

Trong Mùa say đắm từ một góc nhìn rất hẹp rất nhỏ có thể từ một ban công nhà mình, từ một góc vườn lẻ loi, tác giả thu lại được cái thần

thái của khoảng khắc lúc giao mùa: “Hoa quỳnh nhà ai nở muộn trong ánh trăng thơm khiêu khích, dạ hương vườn nào chắp đôi cánh đa tình bay trong hơi sương lành lạnh. Vị giác ta vừa được ướp trong hương trà sen man mát mà chợt nghĩ về một hương sắc chóng tàn phai, mà ngây ngất trong hạnh phúc đang có trong tay như là sự thật. Trăng mùa cưới như bài thơ trữ tình của thi sĩ tài hoa. Những sợi trăng như tơ, giọt trăng như mật, không, trăng chỉ là một biển ánh sáng không thể phân chia, không có biên khu, không có đường viền, chỉ là một khối trong vắt không hình không chất bên trong, như nắng lạnh như gió sáng, như ánh mắt người tình một đêm thức cùng ta không nỡ ngủ vì sợ đêm qua mất, sợ trăng trôi mất, sợ trăng tủi buồn”. Những dòng văn sắp tan chảy thành thơ, những luồng cảm xúc như đang lâng lâng đi tìm tâm hồn đồng điệu. Tác giả đã thu lại cái thần thái của cỏ cây, của thiên nhiên để tô điểm cho cuộc sống ngày càng trở nên duyên dáng.

Không những vậy tác giả còn vươn hồn mình ra đến thế giới của ngoại ô để thu lấy cái thanh khiết của hương đồng cỏ nội: “Hồ ngoại ô đã nảy tiền sen, chắc là ngó sen vương tơ lên trời, trả tiền cho mây trắng lãng du để những bông hoa tinh khiết ấy mua về màu thắm và hương ngát, để chia cùng ta niềm bồng bềnh mà ta không biết đang là mùa nào, đang ở đâu, đang có điều gì làm đắm cả hồn ta vào bao la bát ngát” (Mùa chuyển). Vẻ đẹp của làng quê hàng ngàn đời nay đã được tô điểm bởi hương sen, nó là phần thanh khiết nhất của hương đồng gió nội. Băng Sơn đã khơi dậy trong tâm trí người đọc chút thuần khiết dân dã để rồi hoài niệm về một tuổi thơ. Ta có cảm giác như tác giả không chỉ nhìn bằng mắt cảm nhận thấy hương vị mà còn nghe bằng chính tâm hồn mình, một tâm hồn nhạy bén và tha thiết đối với cuộc đời.

Cái nhìn đầy chất thơ của Băng Sơn còn chú ý đến những sự vật sự việc rất đổi bình thường, nó là bộ mặt, là sự sống của cuộc sống. Những sự vật ấy được tác giả khám phá trong tầm nhìn của giá trị văn hóa nhân văn

cao cả, nhưng cũng đầy chất thơ: “Một đời người, từ du tử đến lão nông chôn chân trong làng xanh tre lũy, chỗ nào in dấu bóng mình cúi xuống chuyện trò cùng đất. Bãi tha ma nơi mẹ ta nằm, con đường làng nơi cha ta dắt trâu ra ruộng, mảnh vườn quen thuộc cho ta hoa lá chim muông, hương thơm và quả chín cho chị gái ta thả gầu nước giếng khơi mát lạnh trên đôi vai trần đêm trăng bí mật, nơi em ta đu mình trên chạc cây tưởng mình bay lên tầng cao vũ trụ… đất hào phóng, chẳng tiếc gì người, quên tuổi mình đã bấy triệu năm” (Hồn của đất). Trên chốn khô cằn, nơi đã ươm mầm sự sống cho ta tưởng không gì quen thuộc bằng mảnh đất, vậy mà giờ đây nó bỗng trở nên lạ hóa và thiêng liêng đến nhường nào. Từ mảnh đất quê hương đã biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận và giờ đây chúng ta là người tiếp tục. Trong tùy bút của Băng Sơn, ông thường đưa những sự vật nhỏ bé, bình dị hàng ngày như tấm bánh, chiếc chiếu, cái quạt, bàn thờ, con đò… dường như bất kể cái gì phục vụ cho con người cũng dễ dàng được ông trân trọng nâng niu bởi nó là linh hồn của cuộc sống, nhờ nó mà cuộc sống này trở nên thân thiết và ý vị biết bao nhiêu.

Đến với Băng Sơn ta như được đưa vào nỗi niềm xa vắng trong nỗi bâng khuâng nhớ phố phường Hà Nội đến nao lòng: “Hoa sữa đã hết mùa. Hoa quỳnh chưa nở. Bằng lăng nước còn trong giấc mệt mê. Hoa nhài đang đi vắng. Tiếng dế không âm thầm nỉ non làm não dạ người trong gió đông. Con ve sầu cũng chưa lột xác. Hình như chỉ thoảng nhẹ, lãng đãng đâu đây một làn hương mơ hồ của hoa loa kèn, một thứ họ hàng cùng hoa huệ, thơm về đêm, làm cho làn hương ấy cũng mang màu trắng tinh khiết băng trinh của một thiên nhiên đang tự mình lột xác, thứ hương con gái, thứ hương hoa mộng ảo, thứ hoa đầy xuân tình…” (Giao mùa). Những làn hương trên phố man mác đâu đây như mời như đón, như một chút quyến rũ của xuân tình, dòng văn ngân vang gợi cho người đọc niềm lâng lâng thoát tục.

Hãy nghe tác giả nói về Hương đêm Hà Nội: “Hương đêm Hà Nội không phải là nước thơm nhân tạo, mà là món quà thanh sạch của thiên

nhiên, trời đất gửi cho người. Cái lồng nan ngực thiếu dưỡng khí thường xuyên kia được no nên những làn hương này sẽ tươi lại dòng máu, mát dịu lại cảm giác, trẻ trung lại tâm hồn, say đắm lại tình người”. Và đây nữa một vẻ đẹp thiêng liêng ngàn năm hội tụ, nơi lắng hồn núi sông để bây giờ gặp tri kỷ, tri âm mới bật lên những dòng văn dạt dào cảm xúc: “Nước xanh cầu đỏ, tháp nhọn đèn thiêng, hoa tươi cổ thụ… như thêu như dệt, như mời như đón. Phồn hoa tấp nập đấy mà lâng lâng thoát tục cũng ngay đấy. Giữa những đua chen mà có nơi trầm lắng tịnh liêu. Bật ra khỏi bao chật chội là mây bay sóng đuổi thoáng đãng… Hồ Gươm đã thành niềm ao ước, say mê, lưu niệm của bao người” (Ngõ Hà Nội). Hà Nội đã trở thành nguồn thi hứng cho bao thế hệ thi nhân, với Băng Sơn một con người đã từng gắn bó suốt một đời với Hà Nội, ông yêu từng con đường, từng ngõ phố, từng bước đi của thời gian, từng khoảnh khắc lúc giao mùa, bởi vậy sức sống Hà Nội đã hoà nhịp đập cùng trái tim tác giả, thành niềm thơ trong những trang sách của ông. Trong mỗi dòng văn có tất cả sự chân thành của một tâm hồn yêu tha thiết Hà Nội.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w