Hà Nội của hôm nay là sự lắng hồn núi sông ngàn năm, sự hội tụ những tinh hoa văn hóa của mọi miền. Khi viết về Hà Nội tác giả đã dừng lại ở điểm nhìn đương đại để mô tả, nhưng bao giờ cũng vậy, trong mỗi trang tùy bút tác giả cũng thường quay về quá khứ để hoài niệm, để tiếc nuối cho những vẻ đẹp văn hoá đã đi vào dĩ vãng.
Khi hoài niệm về quá khứ ta thường bắt gặp một thời gian hoài niệm của quá khứ xa xôi, một quá khứ không bao giờ quay trở lại. Trong Nhịp
quả đầu mùa, là hoa trái quanh ta, là sự ban tặng của tạo hóa, nhưng khi được tận hưởng hương vị của trái bưởi đầu mùa tác giả hoài niệm về một khoảnh khắc đầu tiên từ lúc nó phôi thai trong tít tận một khu vườn xa xôi nào đó: “Từ quả bưởi he hái sớm để tránh bão đến đến trái bưởi vàng ươm đón Tết, từ con chó bông làm bằng bưởi đến những bông hoa tài tình từ bưởi mà nên, cả cái vỏ bưởi khô đượm lửa đêm đông có mùi thơm nồng nàn, cái cùi bưởi trắng tinh ăn hơi đắng... phải chăng đã kết tinh từ làn hương hoa bưởi tháng giêng hai, trong góc vườn, bên giếng nước, bên đường làng… để bây giờ ta hưởng vị ngọt vị chua thích thú” (Nhịp quả đầu mùa). Giữa cuộc đời vất vả gian nan, giữa cuộc sống xô bồ hồn tạp, chúng ta làm gì cũng vội vã, lúc nào cũng lo toan, và nhiều lúc chúng ta hưởng hoa quả của đất trời như là một sự ngẫu nhiên cho dù nó giúp ta no cái lòng, cho ngon cái miệng, nhưng đến lúc này ta chợt nhận ra, để có được một trái cây cho ta, thiên nhiên đã phải chắt chiu dâng hiến hết mình. Ta cũng mới hiểu những dòng văn ấy chính là sự tri ân đối với vườn xưa xóm cũ, nơi hẻo lánh xa xôi đã hiến dâng trái ngọt cho thị thành.
Có lúc nỗi niềm hoài niệm ấy lại theo tác giả về những tháng ngày ấu thơ bên mẹ - một người mẹ vất vả bùn lầy, nghèo như cuộc đời bao bà mẹ khác: “Mẹ thương con cả khi con đã đi xa, đã ra khỏi vòng tay mẹ. Con đi xa đến đâu vẫn là gần mẹ, gần quê hương đồng lúa, không xa được cái hồn của những lời không nói của mẹ gửi theo. Nắm cơm đã thành hình bóng mẹ, thành hình bóng quê nhà” (Cơm nắm). Thiêng liêng gì hơn bằng tình mẹ, trên đời không ai thương con bằng mẹ. Giờ đây tác giả đã đi gần hết cuộc đời mình, đã dâng hiến cuộc đời mình cho cuộc sống, để có được điều đó là nhờ những nắm cơm của mẹ ngày xưa. Nhắc đến mẹ là nhắc đến kỷ niệm của một thời thơ ấu không bao giờ quay trở lại. Trong tùy bút
Bánh đúc quê hương nỗi hoài niệm về mẹ lại hiện về: “Mẹ cặm cụi ngoài sân, nếu mưa ngâu thì mẹ đặt cái ghế con nơi đầu hè, cho gạo vào rá, xát nhừ thành bột. Tay mẹ thay cho cái cối xoay bột. Con đứng xem mà sốt
ruột, xót ruột. Nhưng mẹ vẫn vừa làm vừa nghĩ đến con sẽ vui sướng ra sao khi cầm miếng bánh đúc…” (Bánh đúc quê hương). “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” (Nguyễn Duy). Nỗi nhớ đau đáu trong lòng con đó là nỗi nhớ về mẹ, một đời tần tảo, một đời hi sinh. Giờ đây nửa cuộc đời dấn thân nơi gió bụi thị thành, người con của bà mới thấm thía được sự hi sinh thầm lặng của bà mẹ nghèo. Bà mẹ vẫn sống mãi trong lòng con cả lúc này khi bà đã yên nghỉ nơi góc bãi ngô, bên đồng lúa xa xôi nào. Có thể nói trong cuộc đời có nhiều nỗi nhớ nhưng nỗi nhớ mênh mang da diết nhất là nỗi nhớ về mẹ, dù rằng đứa con đã tóc bạc da mồi.
Nỗi hoài niệm còn được nhắc đến những kỷ niệm của ngày xưa, của một thời Hà Nội xa xăm, dù cuộc sống hiện tại quá đỗi đủ đầy, nhưng không phải vì thế mà tác giả có thể quên được. Nỗi nhớ từng con đường, góc phố, nhớ cuộc sống thường ngày dâng lên ngậm ngùi man mác như một bản nhạc ngân lên từ trong tận đáy lòng: “Nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng sớm khuya, hơi ấm bắp ngô nướng trên chậu than đỏ hồng… nhớ con đường Bờ Hồ, từ tháp Hòa Phong đến cửa đền Ngọc Sơn, mùa thu hoa cúc trắng ngần…” (Hà Nội - men người). Và có lúc nó còn là nỗi nhớ về những con người của một thời nay chỉ còn trong ký ức đó là bà Hai Tầu, là chú bán phá xang, một hiệu phở đã biến mất khỏi phố phường…
Đâu đó trong những trang văn của Băng Sơn ta còn gặp hình ảnh một cậu bé của mấy chục năm về trước một cậu bé nghèo ở một vùng quê hẻo lánh chỉ có một niềm vui nhỏ nhoi mà duy nhất đó là được bà mẹ yêu thương chăm chút bằng chút quà nhỏ mà cho đến bây giờ đã gần hết cuộc đời vẫn không làm sao quên được: “Tôi không thể nào không nhớ những sợi pháo dây, còn gọi là pháo hoa cà hoa cải, nở tóe ra như một trận mưa sao những đêm tết ấy trong cảnh tối mịt mùng của làng quê không có ánh điện, thiếu cả chút dầu lạc dầu vừng cho ánh lửa sáng lên. Những trận mưa sao ấy cùng làn khói thơm nó tỏa ra, ngoằn ngoèo lung linh đã đưa tôi vào
xứ sở của thần tiên kỳ ảo, có niềm vui ánh lên suốt một đời người” (Quà chợ). Những món quà chợ trong tuổi thơ thật gần gũi mà thiêng liêng: “Những thứ quà đó cũng thân thiết như dòng sông, như cánh đồng, cây lúa, như con đò, như cây đa, như cái tam quan chùa làng có đôi cánh cổng gỗ không bao giờ đóng” (Quà chợ). Nỗi nhớ ấy, giờ đây cũng không phai nhạt, nó là tình mẹ yêu thương, là hồn quê thuần hậu, là kỷ niệm một thuở đói nghèo, nhưng nó cũng trở thành hành trang cho tác giả đi trọn cuộc đời: “Riêng tôi, những món đồ chơi, những món quà chợ đơn sơ tôi có được từ mấy chục năm trước, nay nhớ lại, tôi vẫn còn thấy mình rưng rưng, còn chúng sinh động, mình hồi hộp còn chúng diệu kỳ… khi tôi nhìn thấy mẹ tong tả chiếc đòn gánh trên vai, bước qua cái cổng chống lên bằng một đoạn tre, mẹ chìa tay ra cho tôi nắm rồi chia cho mấy anh em tôi những thứ quà chợ quý đến thế, ngon đến thế, ngon đến lúc tóc tôi bạc trắng mà vẫn còn thấy ngon…” (Quà chợ). Tuổi thơ đã đi qua nhưng nó lưu dấu đậm nét suốt một đời chúng ta. Sống giữa chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội, lại là con người tinh tế về ăn uống và sâu sắc trong tâm hồn ta mới hiểu được Băng Sơn thấm thía về tuổi thơ đến như thế nào. Có thể là một nhà văn yêu Hà Nội, nguyện dâng hiến trọn đời mình cho Hà Nội nhưng chắc chắn trong tận đáy lòng ông vẫn dành riêng cho miền quê xa lắc với tuổi thơ một khoảng lớn trong tâm hồn và cũng có thể chính điều đó nó trở thành niềm tin chỗ dựa vững chắc trong đời văn của tác giả.