Vẻ đẹp của Hà Nội qua bốn mùa thiên nhiên

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 63 - 66)

Việt Nam là một đất nước miền nhiệt đới gió mùa bởi vậy một năm luôn luôn xuất hiện bốn mùa xuân hạ thu đông luân chuyển. Mặc dù là một dân tộc luôn luôn phải gồng mình để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt nhưng thiên nhiên cũng ban tặng cho xứ sở này những vẻ đẹp duyên dáng mà không nơi nào có được. Mùa xuân đến với đất nước ta bằng cây cối đâm chồi nảy lộc, bằng những ánh nắng ban mai tỏa sáng đất trời, mùa hạ với gió nồm Nam đem theo hương lúa, hương sen nuôi dưỡng tâm hồn người, mùa thu phảng phất một chút buồn bâng khuâng và cái lạnh giá của mùa đông làm cho mọi con người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Hà Nội có một sự may mắn đặc điệt đó là nằm giữa vùng đồng bằng rộng lớn, hương sắc thiên nhiên miền Bắc tạo nên bốn mùa thiên nhiên đã làm cho Hà Nội duyên dáng mĩ lệ và trữ tình. Trước hết, chúng ta gặp mùa xuân Hà Nội. Mùa xuân là mùa của sự hồi sinh, và con người bước sang một tuổi mới với những hứa hẹn về cuộc đời, về hạnh phúc. Mỗi lần tết đến người Việt Nam đều náo nức đón xuân về, với người Hà Nội, trải qua ngàn năm lịch sử nơi đây đã kết tinh những nghi lễ, phong tục đẹp của cả dân tộc kết hợp với văn hóa cung đình cho nên Tết của Hà Nội mang vẻ đẹp riêng: “Hà Nội đã phát triển hàng chục chợ hoa tết” [37, 138], nó làm cho không khí đón Tết càng thêm tưng bừng hấp dẫn. Trong tùy bút Hoa Tết ta như bước chân theo tác giả Băng Sơn hòa vào dòng người đi ngắm chợ hoa. Người Hà Nội đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để ngắm cảnh, ngắm hoa và ngắm mùa xuân đang từng bước đến bên mình. Đặc trưng của Tết Hà Nội đó là phải có một cành đào, trong chợ hoa Tết tác giả liệt kê nào là: đào Bích, đào Phai, đào Ta, đào thế, Bạch đào… Tiếp theo là loài cúc với những cúc đại đóa, cúc móng rồng, cúc tím... và cuối cùng tác giả khẳng định: “Hoa là phần thưởng của thiên nhiên đất trời, ai cũng có thể hưởng” [37, 143]. Một đời người chỉ có một lần xuân, một đời hoa cũng chỉ có một

lần nở, hoa đã hiến dâng cuộc sống của mình cho mùa xuân và hiến dâng hương sắc để làm đẹp cho đời.

Trong ngày Tết, miền Bắc thường có những đợt mưa xuân, mưa xuân đã làm ướt nhẹ trên má người thiếu nữ chưa chồng, mưa xuân làm thức tỉnh muôn loài đón nhận một năm mới. Với Băng Sơn: “Cách đây gần một nghìn năm và hai trăm năm, cho đến hôm nay, những sợi mưa xuân ấy vẫn cứ làm say lòng người, trong cái ngày đầu tiên của mỗi năm, như cái nắm tay đầu tiên ấm áp của mối tình đầu” (Tết Thăng Long tết Hà Nội). Có lẽ vì vậy mà trên dải đất này, nắng mưa là chuyện thường tình, suốt một năm trời người ta cứ phải che nắng tránh mưa, ấy vậy với mưa xuân người ta luôn luôn mở lòng để chào đón.

Trong cái tết của hôm nay nó là sự hội tụ của ngàn năm dồn lại: “Những mùa xuân Thăng Long, những cái tết Thăng Long không chết, không mất; mà đã xếp lên nhau, chồng lên nhau thành nền bia của Văn Miếu, thành bức tường xanh chắn lũ sông Hồng, thành hơi sương trên hồ Dâm Đàm, thành sóng xanh Hồ Kiếm”(Tết Thăng Long tết Hà Nội). Ngòi bút tài hoa của Băng Sơn đã đem ta về giữa không khí của Tết đô thành, hồn thiêng của núi sông đã dồn tụ suốt 4000 năm giữa mảnh đất Thăng Long đầy hoa lệ để đón sắc xuân trong ánh hoa đào và cuộc sống cũng được hồi sinh: “Mùa xuân hào phóng không phải trả tiền mà cho tất cả, từ sắc màu rờ rỡ đến âm thanh tíu tít, hương mặt tươi hồng, dáng đi uyển chuyển, cái liếc mắt chết người, bất chấp tóc bạc với má hồng” (Khi mùa xuân đến). Mùa xuân đã làm cho Hà Nội tuổi già thêm trẻ lại, cuộc sống bắt đầu mơn mởn hòa với sương trắng mưa phùn tiếng gọi mùa xuân cũng là sự thức tỉnh hồn người.

Với Băng Sơn mùa nào cũng để lại trong ông những ấn tượng đầy quyến rũ nhưng mùa xuân và mùa thu được tác giả nhắc đến nhiều bởi nó tràn ngập sự sống và nó bao quát được cả bốn mùa. Nếu như mùa xuân Hà Nội đem lại một sức sống nõn nà tràn ngập âm thanh màu sắc thì mùa thu

lại được tác giả giành cho một tình yêu thiết tha đến cháy lòng. Mùa thu Hà Nội là mùa thu của nhạc họa thi ca, đã biết bao tao nhân mặc khách say đắm cõi lòng khi đứng trước mùa thu Hà Nội. Riêng đối với Băng Sơn đã sống với Hà Nội gần trọn cuộc đời, đã bao mùa thu qua đi, nhưng trong ông đối diện với mùa thu vẫn có cảm giác bâng khuâng xao xuyến ngập ngừng của chàng trai 16 tuổi, đứng trước ngưỡng cửa của tình yêu: “Mùa thu là mùa Hà Nội mang trên mình những nét yêu kiều diễm ảo nhất chăng? Cô gái đã bước qua tuổi thiếu nữ chưa phát triển hết, bước vào tuổi thanh niên rực rỡ nhưng hơi đáng sợ... Ôi, sắc đẹp của tuổi vừa đủ độ chín của mặn mà, đằm thắm, nây tròn như quả chín cây. Hà Nội mùa thu là thế chăng” (Hương đêm Hà Nội). Với những thi nhân mùa thu Hà Nội dễ có sức lay động lòng người, một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã đi qua, vậy mà mỗi lần xuất hiện mùa thu vẫn làm cho bao trái tim thổn thức. Mùa thu đã là mối cơ duyên ngàn đời đối với thi sĩ, mùa thu Hà Nội làm cho người ta đắm say, ngây ngất, xao xuyến tê lòng. Cái duyên riêng của mùa thu Hà Nội với Băng Sơn đó chính là làm hương dịu nhẹ khuất lấp trong những vòm lá tiềm ẩn nơi phố phường: “Lẫn trong lá bay vàng rộm mặt đường, lẫn trong sương lam mơ hồ trên mặt sóng… thời tiết cứ dìu dịu như tơ chăng, lọc gió cho mát vai người, cho dẻo bước chân. Lẫn vào những niềm mê man ấy là những làn hương từ đâu đó lan tỏa vào không gian như từng sợi âm thanh của cây vĩ cầm vô hình mà rất thực” (Hương đêm Hà Nội). Những làn hương ấy lan tỏa khắp đất trời, quấn quít với những hương người giữa đêm thu phố phường tĩnh lặng để cho sự cảm nhận của tâm hồn ta không thể nào phân định rạch ròi đâu là hương hoa đâu là hương đất, hương người. Có phải thế chăng mà cả bầu trời, cả Thăng Long- Hà Nội vào thu cũng trở thành niềm thơ nhạc họa. Tác giả đã dùng nhiều cách diễn đạt khi miêu tả làn hương, có lúc làn hương bay thành những thanh âm: “Làn hương cứ réo rắt qua vòm lá gần xa” [37, 203], có khi là: “Những con sóng hương hoàng lan thoảng nhẹ” [37, 203]. Và Hà Nội mùa thu đã trở

thành nỗi nhớ khắc khoải miên man: “Ôi, biết bao tâm hồn đã thao thức khắc khoải khi nhớ về Hà Nội có hoa sữa đêm thu, có hoàng lan, ngọc lan man mác. Dù ở phương trời nào, hương ấy chẳng mất đi, chẳng tan ra, mà nó cứ đọng lại, đậm lại như khối ngọc Trương Chi” (Hương đêm Hà Nội). Nỗi nhớ ấy là tình yêu gửi về Hà Nội, gửi về mùa thu Hà Nội, nơi đó có những con đường có những tiếng rao đêm và nhất là nơi đó đã lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp của một thời để nhớ. Mùa thu Hà Nội đã trở thành tình yêu niềm lưu luyến của những ai đã từng sống và yêu mảnh đất này.

Nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội đã được tô điểm bởi bức tranh bốn mùa thiên nhiên. Mỗi mùa Hà Nội hiện lên với một vẻ đẹp đầy chất thơ, lãng mạn và trữ tình cho khuôn mặt kinh thành. Băng Sơn đã thu được cái thần thái của hương sắc phố phường, để làm vương vấn cho người đi xa là nỗi bịn rịn của những người hàng ngày sống với Hà Nội.

Một phần của tài liệu Hà nội trong tùy bút của băng sơn luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w