7. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Về hình tượng người lính trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
Chiến tranh có lẽ là một đề tài lớn của văn chương nhân loại. Riêng với dân tộc Việt Nam, từ xa xưa đến nay, đã quen với chinh chiến khói lửa, chỉ riêng ký ức của những người lính cũng đủ làm chất liệu cho những kho tiểu thuyết lớn. Trong đó, hình tượng người lính đã trở thành hình tượng trung tâm xuyên suốt quá trình vận động của nền văn học. Tuy nhiên, trong phạm vi của luận văn, chúng tôi chỉ giới hạn sự khảo sát, mô tả một cách sơ giản và khái quát nhất về hình tượng người lính trong văn học Việt Nam từ 1945 đến đầu
thế kỷ XX. Riêng giai đoạn 1945 – 1975, chúng tôi cũng giới hạn việc khảo sát hình tượng người lính trong văn học Cách mạng chứ chưa có điều kiện khảo sát rộng hơn.
1.3.1.1. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết chống Pháp
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó đánh dấu một mốc son chói lọi mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi ấy cũng mở ra một thời đại mới cho văn học nghệ thuật.
Trong văn học giai đoạn này, nhà văn đã phát hiện ra hình tượng nghệ thuật quan trọng bậc nhất của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp là con người của quần chúng. Hướng về quần chúng, phục vụ quần chúng là mục tiêu của văn nghệ kháng chiến. Hàng loạt cây bút đi tiên phong như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao... Với quan niệm cháy bỏng là “sống đã rồi hãy viết”, những nhà văn - chiến sĩ luôn luôn có mặt ở mũi nhọn của cuộc sống, một nền văn nghệ thấm đẫm mồ hôi, máu và nước mắt. Nhà văn trở thành người “thư ký trung thành của thời đại” theo sát từng chặng đường của cách mạng bên cạnh các tiểu thuyết như Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Con Trâu (Nguyễn Văn Bổng)... Văn học giai đoạn này cũng sôi nổi với các thể loại như kịch, truyện ngắn, thơ.
Tiểu thuyết viết về người lính giai đoạn này nhìn chung chưa có thành tựu nổi bật. Tiểu thuyết Con trâu (Nguyễn Văn Bổng) đi sâu khám phá trận chiến sản xuất phía hậu phương của bà con nhân dân Quảng Nam với kẻ thù dành lại từng con trâu. Cuộc chiến này không kém phần gay go quyết liệt, nhưng với một ý chí quyết tâm bền bỉ, người dân đã chiến thắng kẻ thù hung bạo. Cuộc chiến không đơn thuần là quyền đòi hỏi sở hữu con trâu, mà còn cho thấy được sức mạnh quật khởi của nhân dân, khẳng định sự quan trọng của mặt trận hậu phương đối với tuyền tuyến. Sự thắng lợi đó là thành quả của cả một tập thể anh hùng, cùng đồng lòng chung sức, cùng hướng về tuyền tuyến để chiến đấu, bảo vệ sản xuất.
Tiểu thuyết Xung kích (Nguyễn Đình Thi) lấy bối cảnh chiến tranh gay go của quân và dân ta trên chiến trường Bình Trị Thiên, Vĩnh Yên. Tác phẩm là bức tranh thu nhỏ về cuộc kháng chiến âm thầm mà quyết liệt, nhưng khó khăn gian khổ và tràn đầy lạc quan tin tưởng của nhân dân du kích, tình quân dân gắn bó sâu nặng. Tác phẩm đã khái quát một giai đoạn lịch sử của dân tộc với những sự kiện biến cố quan trọng.
Tiểu thuyết thời kì này đã đem lại cho văn học một sức sống mới cái náo nức, sôi nổi, khí thế tưng bừng được gửi gắm qua hình tượng những con người mới, con người làm chủ thời cuộc. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, đông đảo quần chúng công nông binh chiếm một vị trí quan trọng trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết thời kì này đã thực sự chĩa mũi nhọn vào lực lượng thù địch, góp phần động viên cổ vũ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, khắc họa hình tượng con người anh hùng trong sản xuất và trong chiến đấu. Những vấn đề nóng hổi của cuộc sống đã được các nhà văn kịp thời ghi lại và phản ánh một cách chân thực. Tuy nhiên tiểu thuyết trong thời kì đầu này không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Văn học giai đoạn này chưa xem xét con người như một cá nhân mà nó khám phá và thể hiện con người ở phương diện tập thể. Văn học chỉ chú ý đến xây dựng con người đám đông, thiên về hành động mà không chú ý nhiều đến nội tâm, tâm lí riêng biệt với những suy tư, dằn vặt, giằng xé nội tâm.
Tiểu thuyết giai đoạn chống Pháp tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã mở ra một hướng tìm tòi mới trong việc tiếp cận và phản ánh đời sống xã hội lịch sử. Nó đặt nền móng vững chắc cho các tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính sau này.
1.3.1.2. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết chống Mỹ
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân ta bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Miền Bắc tạm thời giải phóng bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Miền Nam vẫn tiếp tục cuộc kháng chiến. Văn học đứng trước yêu cầu đa dạng trong sự nhìn
nhận về xu thế chung của xã hội. Quan niệm về con người lúc này vẫn tiếp tục về con người kháng chiến và phát triển trong điều kiện lịch sử mới trên nền tảng con người tập thể. Nét đặc trưng cơ bản trong quan niệm con người thời kì này đó là con người thống nhất trong sự riêng chung.
Viết về cuộc kháng chiến chống Pháp có những tác phẩm tiêu biểu như
Đất nước đứng lên - Nguyên Ngọc (1955), Trước giờ nổ súng (1955) - Lê Khâm, Sống mãi với thủ đô - Nguyễn Huy Tưởng (1961), Cao điểm cuối cùng
(1961) - Hữu Mai... Những sáng tác này đã làm sống lại hình ảnh cuộc kháng chiến trường kì và anh dũng của toàn dân ở nhiều địa phương trên nhiều mặt trận, trong những hoàn cảnh đầy khó khăn, thách thức nghiệt ngã, những chiến công to lớn và cả sự hi sinh thầm lặng. Tiểu thuyết thời kì này đã phần nào khắc phục được cái nhìn đơn giản, một chiều, công thức sơ lược so với giai đoạn trước đó.
Viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ có các tiểu thuyết như: Cửa sông
(1976), Dấu chân người lính (1972) - Nguyễn Minh Châu; Hòn Đất (1966) - Anh Đức; Vùng trời (1971) - Hữu Mai; Mẫn và tôi (1978) - Phan Tứ; Đất Quảng (1971) - Nguyễn Thành Trung; Vỡ bờ (1962) - Nguyễn Đình Thi...
Tiểu thuyết kháng chiến chống Mỹ đã mở rộng về dung lượng và khả năng khái quát phạm vi phản ánh. Tiểu thuyết vẫn chú ý đến nhân vật đám đông, tập thể nhưng hình tượng trung tâm là những cá nhân điển hình. Chất sử thi và cảm hứng lãng mạn kết tinh đậm đặc trong hình tượng người lính. Họ là những con người sử thi, con người đại diện cho đầy đủ tầm vóc ý chí, khát vọng của cộng đồng, dân tộc, đất nước. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên những người anh hùng trong cuộc sống. Tiểu thuyết chống Mỹ đã tạo nên một thế giới hình tượng điển hình, phong phú mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đó là hình tượng đĩnh đạc của lớp cán bộ già dặn trưởng thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến, chính ủy Kinh (Dấu chân người lính), Tám Thân (Hòn Đất). Họ có sự thâm trầm, trải nghiệm giàu kinh nghiệm trong chiến đấu, ý chí sắt đá. Họ là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Tiếp bước cha anh ta
những con người trẻ tuổi như: Lữ, Khuê (Dấu chân người lính), Mẫn (Mẫn và tôi)...cũng khẳng định được ý chí vững vàng, sự thông minh, nhanh nhẹn, dũng cảm trong chiến đấu. Đặc biệt tiểu thuyết giai đoạn này còn xây dựng hình tượng người phụ nữ điển hình. Họ là những người vợ, người mẹ giỏi việc nước đảng việc nhà như chị Sứ (Hòn Đất), Sâm (Mẫn và tôi)...
Tuy nhiên tiểu thuyết chống Mỹ vẫn có những hạn chế nhất định. Con người trong văn học giai đoạn này được nhìn nhận đánh giá chủ yếu ở thái độ chính trị, ở tư cách công dân. Họ hiện ra với tư cách đại diện cho cộng đồng hơn là cá nhân, ít đề cập đến đời sống riêng tư cá nhân, khía cạnh đời tư ít được chú ý tới. Đây là những hạn chế mang tính tất yếu của thời đại.
Nói tóm lại tiểu thuyết giai đoạn này đã tái hiện lại một cách chân thực sinh động khí thế hào hùng của toàn dân tộc. Nó thực sự trở thành nguồn động viên cổ vũ tinh thần lớn lao cho toàn thể dân tộc trong cuộc kháng chiến. Tiểu thuyết giai đoạn chống Mỹ đã tạo nên mạch nguồn cảm hứng cho giai đoạn sau phát triển và hoàn thiện.
1.3.1.3. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết từ 1975 - 1985
Sau chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc đã bước sang trang mới. Khi tiếng súng đã lắng xuống thì cuộc sống thời bình lại mở ra với muôn vàn biến động của đời thường. Trước những thay đổi của lịch sử dân tộc thì văn học cũng có những thay đổi để phù hợp với xu thế chung của thời đại. Đề tài chiến tranh và người lính vẫn là nguồn cảm hứng lớn, là mảnh đất màu mỡ, đầy hứa hẹn cho các nhà văn khai thác. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có nhiều trăn trở “chúng ta mới nói được một phần rất nhỏ sự tích của những người anh hùng vô danh ngoài mặt trận cũng như những người mẹ, người vợ ngoài hậu phương. Rất nhiều cuộc đời của những con người bình thường nhưng chứa đựng số phận của cả đất nước, chứa đựng cả một bài học lớn về đương thời, đang cần ngòi bút của nhà văn soi rọi trên trang giấy” [10; 124].
Văn học từ 1975-1985 viết về chiến tranh vẫn giữ nguyên cảm hứng sử thi khi viết về chiến tranh. Tiểu thuyết ở giai đoạn này phải kể đến các tác
phẩm tiêu biểu như: Miền cháy (1977) - Nguyễn Minh Châu; Năm 75 họ đã sống như thế (1978) - Nguyễn Trí Huân; Đất trắng (1979) - Nguyễn Trọng Oánh; Sao đổi ngôi (1985) - Chu Văn... Ở những tác phẩm này nhà văn vẫn viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đó là những tác phẩm nhận thức lại thời kì chống Mỹ của chúng ta và vẻ đẹp anh hùng vĩ đại của những người lính trong kháng chiến chống Mỹ vẫn là vấn đề trọng tâm, nghiêng về ngợi ca, tôn vinh và khẳng định. Tiểu thuyết giai đoạn này đã có sự đổi mới về dung lượng phản ánh các cây bút đã thể hiện khả năng bao quát vấn đề, tránh được cái nhìn đơn giản, sơ lược về cuộc chiến. Đến Đất trắng
của Nguyễn Trọng Oánh ít nhiều bộc lộ những khuynh hướng, dấu hiệu ban đầu của sự đổi mới. Với Đất trắng người đọc có thể tìm thấy những suy nghĩ mới về chiến tranh. Đó là sự dữ dội trong cuộc chiến tranh giữa ta và địch, những thất bại nặng nề của ta, những vùng đất trắng hoang vu của sự chết chóc tàn khốc. Tất cả được phản ánh khá đậm nét và chân thật, tác giả không né tránh phản ánh hiện thực và không thi vị hóa.
Có thể nói, văn xuôi từ sau 1975 đến nay được đánh dấu bằng hai mốc thời gian. Từ 1975 đến những năm 80 văn xuôi nghiêng về các sự kiện, bao quát hiện thực trên bình diện rộng, cảm hứng sử thi vẫn là mạch nguồn chủ đạo, phải sau nhũng năm 80 mới có dấu hiệu của sự đổi mới.
Với tiểu thuyết Sao đổi ngôi, Chu Văn đã đem đến cho người đọc một sự cảm nhận mới về chiến tranh. Tiểu thuyết này nêu lên những chủ đề mới đó là số phận cá nhân của những con người trước cuộc cuồng phong của lịch sử, trước những thử thách mới của cách mạng về cái thiện, cái ác cái đẹp, cái xấu trong tình đời, tình người. Sao đổi ngôi đã tái hiện lại cụ thể, sinh động cuộc sống thời bình với bao biến động, khó khăn mà cuộc chiến để lại. Tác giả không đặt nhân vật vào hoàn cảnh anh hùng mà đưa họ tới những nẻo đường khác nhau của cuộc sống đời thường. Bởi vậy hình
ảnh người chiến sĩ càng nổi bật, sinh động có sức thuyết phục rất lớn trong lòng bạn đọc.
Nói tóm lại tiểu thuyết giai đoạn này vẫn nghiêng về cảm hứng sử thi, vào cuối giai đoạn này đã xuất hiện một số dấu hiệu chuyển biến, đổi mới, cách tân. Điều này góp phần vào sự nghiệp phát triển tiểu thuyết sau này.
1.3.1.4. Hình tượng người lính trong tiểu thuyết sau 1986
Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã tạo nên một luồng gió mới vào đời sống văn nghệ thuật mở ra thời kì đổi mới của văn học Việt Nam trên tinh thần đổi mới tư duy và nhìn thẳng vào sự thật. Xu hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản phát triển mạnh.
Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới đã thực sự có những đổi mới sâu sắc trên tất cả mọi phương diện. Chiến tranh và người lính đã được khám phá ở những tầng vỉa mới, chưa bao giờ con người và cuộc sống lại được soi rọi từ nhiều chiều đến như vậy. Người lính được nhìn nhận với những nét mới, họ không còn vẻ đẹp nguyên phiến mà đã có sự xen lẫn giữa cao cả và thấp hèn, bóng tối và ánh sáng. Thiên thần và quỷ dữ, rồng phượng và rắn rết. Hình tượng người lính được các nhà văn khám phá ở những bình diện mới, ở phương diện đời tư, đời thường với những mối quan hệ đa chiều, phức tạp trong cuộc sống. Cảm hứng bi kịch được thể hiện một cách rõ nét. Người lính hôm nay được nhìn nhận khám phá từ những nỗi đau mất mát không chỉ trong chiến tranh mà cả sau chiến tranh. Trở về thời hậu chiến, người lính cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách và mất mát, gánh nặng quá khứ mãi mãi đè nặng lên thân phận họ khiến họ mất đi khả năng sống của một người bình thường. Người lính vốn quen với những chuẩn mực, ứng xử trong thời chiến, chưa thể và không thể thích ứng ngay với cái thực tại phức tạp, gai góc, nhiều cạm bẫy, với những con người tưởng quen thân mà đa đoan, đa sự. Cuộc sống mưu sinh, hành trình kiếm tìm tình yêu hạnh phúc quá đỗi mong manh và nhọc nhằn khiến cuộc sống của nhiều người trở nên bi kịch.
Tiểu thuyết đánh dấu mốc cho khuynh hướng này đó là Thời xa vắng
của Lê Lựu. Đây là một hiện tượng nổi bật của những năm 1986-1987. Bảo Ninh, Chu Lai viết những dòng tê tái, xót đắng về thân phận con người sau chiến tranh với những ám ảnh, giằng xé khắc khoải, về những năm tháng đã qua và cuộc sống hiện tại đầy nhọc nhằn nghiệt ngã. Người lính hôm nay được nhìn nhận, khám phá từ những nỗi đau, mất mát không chỉ trong chiến tranh. Bởi chiến tranh đã kết thúc, không còn bom rơi, đạn nổ, không còn chết chóc nhưng vẫn còn biết bao di chứng, bao nỗi đau vô hình và hữu hình đang âm ĩ, nhức nhối trong từng số phận con người. Rõ ràng sau ngày hòa bình cuộc sống không hề bình lặng, đơn giản xuôi chiều, lấp lánh rực rỡ cờ hoa mà phức tạp hơn nhiều so với những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Đúng như lời Nguyễn Khải nhận xét: “Chiến tranh ồn ào náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó. Hòa bình yên tĩnh mà chứa chấp bao nhiêu sóng ngầm, bao gió xoáy bên trong” [61]. Sự choáng ngợp, vầng hào quang của chiến thắng đã chóng vánh mai một đi trên từng thân phận. Người ta bắt đầu nhận thức, chiêm nghiệm lại những giá trị đã đi qua và sự được - mất mà chiến tranh đem lại một cách đầy trăn trở, nhức nhối hơn. Điều này được thể hiện rõ trong các tiểu thuyết: Thân phận tình yêu (Bảo Ninh); Bến không chồng
(Dương Hướng); Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Vòng tròn bội bạc (Chu Lai); Lạc rừng, Tiễn biệt những ngày buồn (Trung Trung Đỉnh).
Những vết thương của con người sau vầng hào quang chiến thắng được các nhà văn nói đến khá nhiều. Trong Thân phận tình yêu của Bảo Ninh không có nhân vật nào tâm hồn còn nguyên lành sau những năm tháng máu lửa. Bị chấn thương nặng nhất có lẽ là Kiên và Phương. Sau mười năm chiến tranh, Kiên thành một kẻ “cuồng dại và dị mọt” vết thương tâm hồn Kiên