Cái nhìn về đời sống nhân sinh, thế sự

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 49)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2.Cái nhìn về đời sống nhân sinh, thế sự

Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với khuynh hướng đấu tranh phê phán xã hội, nhận thức lại quá khứ với một cái nhìn khách quan, thành thực hơn. Vì vậy trên những trang văn cuộc sống được hiện lên với đầy đủ sự sinh động, phức tạp và nhiều màu sắc như nó vốn có. Đồng thời con người được nhìn nhận là một tiểu vũ trụ vô cùng phức tạp, con người được soi ngắm từ chiều sâu tâm hồn khó nắm bắt. Với cái nhìn thế sự, nhân sinh sắc sảo, Trung Trung Đỉnh đã cho ra đời nhiều cuốn tiểu thuyết không chỉ hướng tới miêu tả số phận của con người mà còn đề cập đến khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc cá nhân, tình yêu đôi lứa... Nhà văn không ngần ngại khi miêu tả con người tự nhiên, bản năng, miêu tả sắc dục, tình yêu nhục thể, góp phần đưa lại một cái nhìn nhân bản hơn về con người.

Trung Trung Đỉnh đưa đến bạn đọc những trang viết đầy chất tự nhiên khi viết về con người với những ham muốn nhục thể, khao khát tình yêu. Anh Gù tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng bị tật nguyền phải đi bằng hai tay trên ghế, vì vậy mà hai khối u trên vai Gù ngày một đầy lên. Sẽ không có chuyện gì đến với Gù và Gù sẽ không phải bận tâm suy nghĩ, trăn trở dằn vặt nếu như không có sự giúp đỡ của Hạnh vào cái ngày làm giỗ bố. Trong sâu thẳm tâm hồn Gù đã xuất hiện một tình cảm âm thầm mà mãnh liệt dành cho Hạnh. Sau cái hôn bất ngờ của cô dành cho Gù, con người bản năng trong Gù được thức dậy “anh đưa tay vuốt mặt, rồi liếm môi, cái vị đắng của son sao mà hấp dẫn, hấp dẫn đến nao lòng Gù” [21; 49], Gù trở nên thẫn thờ, cái cảm giác đê mê ngây ngất ấy cứ bao trùm lấy tâm trí Gù khiến anh “phát cuồng lên vì hạnh phúc”! [ 21; 49]. Phần bản năng trong con người anh trỗi dậy, và Hạnh cũng không ngờ cái thằng đàn ông trong anh Gù lại dữ dằn và quyết liệt thế [21; 97]. Việc

khám phá con người ở phương diện bản năng tự nhiên đã cho thấy Trung Trung Đỉnh có một cái nhìn đầy tính nhân văn về con người.

Chủ đề khát vọng hạnh phúc cá nhân và tình yêu đôi lứa nổi bật trong nhiều trang viết của Trung Trung Đỉnh. Đây là những nhu cầu hết sức tự nhiên của con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt tới mong muốn đó. Nhiều nhân vật của Trung Trung Đỉnh thường rơi vào bi kịch của tình yêu.

Trong tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng, Hạnh là một cô gái xưa nay chỉ sống bằng những điều tai tiếng, theo như lời ác ý của những người xung quanh, cô là một cô gái “bán trôn nuôi miệng”, thế nhưng Hạnh đã từng khao khát hạnh phúc, khao khát đi tìm tình yêu hạnh phúc. Hạnh rất khéo tay, có tài đan len, khâu tay như khâu máy, Hạnh có một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm yêu thương, sẻ chia chân thành đối với những người xung quanh. Tuy nhiên “cô cũng đã từng đi tìm tình yêu nhưng tình yêu làm gì có. Đứa nào nói tới tình yêu nhiều nhất đối với cô, đứa ấy là thằng đểu giả, lừa lọc nhất” [21; 98].

Nhân vật Nhài trong Sống khó hơn là chết cũng đã từng theo đuổi một tình yêu, một mái ấm gia đình để chăm lo. Từ một cô gái xinh đẹp hát hay ở nông trường chè, cô yêu bằng tất cả tâm hồn của người mới biết đến tình yêu lần đầu nhưng người tình đã phụ bạc cô, đã chối bỏ cô khiến cô lâm vào bi kịch tưởng không thể đứng lên được. Kể từ đó cuộc đời cô phiêu dạt nay đây mai đó. Cô đã từng lấy chồng, chăm lo con cái chồng nhưng hạnh phúc vẫn không mỉm cười với cô, một lần nữa cô lại phải ra đi. Một mẹ, một con đi tha phương cầu thực khắp nơi. Cuộc gặp gỡ tình cờ với con ma men tưởng chừng cô sẽ tìm thấy hạnh phúc nhưng rồi lại rơi vào bi kịch mới. Cuộc đời cô là một chuỗi dài những bất hạnh, khổ đau và bi kịch.

Với cái nhìn hướng về đời tư thế sự nhân sinh, ngòi bút nhà văn đã đi sâu khám phá thế giới nội tâm con người, theo sát những rung động tinh vi nhất trong tâm hồn mỗi con người. Trung Trung Đỉnh đã cho người đọc thấy được niềm khao khát hạnh phúc của những con người bình thường. Khát vọng

về hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc lứa đôi là một ước nguyện cao đẹp của con người bởi đó chính là cái đích mà tất cả mọi người đều hướng tới. Nhưng, ngòi bút này cũng đi sâu vào những mất mát, đổ vỡ, những bi kịch… mà con người phải gánh chịu.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 47 - 49)