Người lính với những hi sinh đau đớn và thảm khốc

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 56)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1.2.Người lính với những hi sinh đau đớn và thảm khốc

Chiến tranh bao giờ cũng gắn liền với những nỗi mất mát, đau thương, đó là những khoảng lặng đau đớn nhất mà con người phải gánh chịu. Trong đại hội VI (1986) của Đảng, đã thật sự đánh dấu một bước ngoặt của sự chuyển mình trong văn học. Khi nhìn vào hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh, trên cái bề mặt phẳng phiu và rực rỡ của chiến công ấy, còn biết bao nhiêu mất mát, hi sinh mà người lính phải gánh chịu. Trung Trung Đỉnh đã không né tránh, mà ngược lại đã mạnh dạn đưa những phần hiện thực đau thương lên trang viết một cách khách quan như nó vốn có. Chiến tranh giờ đây không còn là những lấp lánh của ánh hào quang với những chiến công vang dội làm náo nức lòng người, mà nó còn là những số phận, những mảnh

đời, những vất vả, thiếu thốn, gian nan, thử thách khốc liệt và cả những sự hi sinh thầm lặng của những người lính bị chiến tranh nghiền nát và cuốn theo.

Sự khốc liệt của chiến trường được bộc lộ trong suy tưởng của những chiến sĩ cách mạng: “sự tồn tại của con người trong chiến tranh, nhiều khi không chỉ lệ thuộc vào hoàn cảnh. Thực tình khi ấy, chúng tôi chỉ tìm cách tồn tại để hoàn thành nhiệm vụ”. Họ hành quân không biết mệt mỏi. Họ “đi trong thứ ánh sáng chập chờn của pháo sáng đèn dù. Thỉnh thoảng từ trên một chóp núi rất cao ở phía trước, có một luồng ánh sáng cực mạnh quét xuống” [24; 81]. Sự chết chóc được rao bán khắp nơi, số phận của người lính vì vậy mà hiện ra trần trụi, mong manh hơn. Cái chết in hằn trên những thân cây, những con đường, trong không khí ẩm mốc mùi thuốc súng và tiếng gầm rú của bom đạn. Sự khốc liệt hiện hữu trên những gương mặt hốc hác - dấu tích của những đêm hành quân không ngủ, rồi những đêm quần nhau với giặc trong những trận đánh đối đầu. Hiện hữu trọn vẹn trong những cái chết, những cái chết do bom đạn, bệnh tật...

Tiểu thuyết Lính trận, Trung Trung Đỉnh miêu tả những người lính ra trận có sự đam mê, háo hức của tuổi trẻ, có sự âu lo muộn phiền của nỗi niềm riêng tư, trong đói khát thiếu thốn, dưới thiên nhiên khắc nghiệt nắng và gió Tây Nguyên. Trên mỗi bước đường hành quân gian khổ với những thiếu thốn, khó khăn, vất vả, ngày lại ngày bữa nào cũng vậy “rau tàu bay, thứ rau cải rừng làm chủ lực cho các món rau, rồi đến măng, nấm rồi nước gạo rang hòa muối... cơm chỉ phụ thôi [23; 118], mà cơm nào có ra cơm, gạo nào có ra gạo! “mọt bò lổm ngổm như xe tăng phát xít, hôi mùi thum thủm nữa...” [23; 98]. Trong khó khăn vất vả thiếu thốn họ đã có những sáng kiến để khắc phục khó khăn “nấu cơm cháy, ăn thơm và dễ nuốt hơn” [23; 99]. Cơm không đủ no, đói rét, bệnh tật hoành hành, sốt rét rừng là nỗi đe dọa và ám ảnh, sẵn sàng lấy đi sinh mạng của người lính trên đường hành quân. Nhìn khuôn mặt những người lính ta mới thấy hết sự gian khổ, ác liệt của cuộc chiến “ngồi đầu gối cao vượt mặt, da xanh, mặt vàng bủng, tướng nào tướng nấy đúng là rệu

rã [23; 89]. Trong chiến đấu, có người bị thương tưởng sẽ không cứu được. Ngay sau khi trái đạn của kẻ thù trùm lên, người lính ngã xuống và giờ phút hấp hối bắt đầu từ đó. Họ vẫn kề vai sát cánh bên nhau, khi buộc phải gửi lại đồng đội của mình trên bước đường hành quân gian khổ “họ nhìn anh lần nữa với lời chào thầm kín nhói lên... có người bật khóc, có người bặm môi không nói không rằng. Lại có người tự nén lòng mình bằng cách mắng mỏ người kia” [20; 93]. Tiểu đội tôi lúc nào cũng có cái không khí “nhớ nhớ, thương thương” [23; 85], không nguôi nỗi nhớ về đồng đội. Sau mỗi trận đánh kẻ mất người còn, sự thấm thía về những hi sinh, mất mát vì thế cũng trở nên sâu sắc hơn, lắng đọng hơn.

Đời lính hành quân đêm trời mưa đường trơn lên dốc, xuống dốc cũng là chuyện thường tình, cứ đi sâu vào trong ngày nào là họ lại dấn sâu thêm vào chốn rừng thiêng nước độc với vô vàn bất trắc. Sốt rét ác tính lại tiếp tục quật ngã những chàng trai trẻ. Sau cái chết bất ngờ của thằng Xuyên con, tiểu đội chưa hết bàng hoàng, xót thương về đồng đội của mình. Giờ đây, họ lại tiếp tục phải gạt nước mắt, đau buồn tiễn biệt anh Tíu nghỉ lại chốn rừng thiêng nước độc “anh Tíu lên mấy cơn co giật rất khủng khiếp trước lúc lìa đời. Mấy anh em chúng tôi không kịp kinh hoàng... chúng tôi lấy võng tăng trải xuống hố trước, sau đó lấy bộ đồ Tô Châu còn mới toanh, chưa hề mặc (!) trong bồng của anh ra để gối đầu cho anh” [23; 86]. Cái chết của anh Tíu lại một lần nữa là một cú sốc lớn đối với cả tiểu đoàn. Bởi mới hôm qua thôi, họ còn là đồng đội của nhau, họ đã từng vào sinh ra tử, chia nhau mọi thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn. Vậy mà, hôm nay đôi ngả đôi đường, gạt nước mắt, nói lời chào vĩnh biệt gửi lại đồng đội giữa rừng thiêng để tiếp tục vào sâu chiến trường. Bởi, họ hiểu hơn ai hết lịch sử và tổ tiên giao cho thế hệ họ phải hi sinh, phải chịu thiệt thòi để mầm xanh của dân tộc được hồi sinh. Họ không có gì phải hối hận hoặc phải so đo tính toán. Những người chiến sĩ ấy vẫn tiếp bước trên đường với lòng yêu nước khôn nguôi cho dù

vẫn biết phía trước là đói rét, đạn bom, khói lửa chiến tranh thậm chí còn là cái chết đang đợi họ.

Dưới cái nhìn của Trung Trung Đỉnh, sự hi sinh của những người lính thật nghiệt ngã, nó không hề nhẹ nhàng giản đơn chút nào. Tất cả đã trở thành nỗi ám ảnh khắc khoải trong lòng những người còn sống sót. Trong không gian mênh mông, âm u của rừng thiêng nước độc biết bao nhiêu sinh mạng của người lính ra đi trong đau đớn, khốc liệt. “Tôi bò lên và nhận ra đúng là anh em mình đang kéo một cái xác nằm ngửa, mặt úp sấp ra sau, vai gáy lưng tan tành, chân thì gãy nát. Đau đớn thay vì xác anh em mình đã thối quá rồi! Dưới ánh sáng của đèn dù nhìn thấy rõ cả ruồi nhặng giòi bọ nhung nhúc vô vàn” [23; 254], “tôi ôm anh em để đưa đến chỗ chôn cảm thấy nặng kinh khủng, có người rơi mất cẳng chân, có người rụng mất cả bàn tay” [23; 267]. Những cái chết của đồng đội trên bước đường hành quân thật đáng thương tội nghiệp. “Thực ra xác đồng đội chết, tên tuổi thế nào, quê quán ở đâu bọn tôi không có cách nào xác định được, ngoài đôi vật kỷ niệm bất li thân kiểu lính tráng như khăn mùi xoa, cái gương tròn con con, cái ảnh người yêu” [23; 267]. Sự ra đi của họ im lìm nhòa tan vào nắng gió cỏ cây của cuộc đời. Chính vì vậy nỗi buồn về kiếp người, về thân phận nhỏ nhoi, mỏng manh, yếu ớt của con người mới càng thấm thía và xót xa.

Trên bước đường hành quân gian khổ người lính đã hi sinh thầm lặng, lặng lẽ đến ngỡ ngàng. Người lính đã tự thắp sáng mình lên trong những giờ phút ngặt nghèo ấy. Với chiến tranh, cái chết đã trở thành một điều gì đó như lẽ thường tình. Nhận thức rõ điều đó, Trung Trung Đỉnh đã dũng cảm nói lên một sự thật rằng: không phải sự hi sinh nào cũng lấp lánh ánh hào quang, những hi sinh chết chóc vốn đã trở thành lẽ thường tình trong thời buổi chiến tranh, nên sự ngã xuống của một con người cũng mang vẻ lặng lẽ, nhạt nhòa dần theo thời gian. Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh với xu hướng viết về dư âm của chiến tranh, đã tinh tế nhận ra con người là nạn nhân với

những bi kịch đau đớn. Những tổn thất, mất mát có thể bù đắp, các vết thương đã lành, đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn đối với những người lính đã từng đi qua những năm tháng của chiến tranh.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 56)