7. Cấu trúc luận văn
2.3.2.1. Người lính với cuộc mưu sinh nhọc nhằn và sự hụt hẫng niềm tin
Chiến tranh chấm dứt, đất nước chuyển sang thời kỳ mới, không còn tiếng súng, không còn đạn bom nhưng cuộc sống thời bình chẳng hề đơn giản, mà đầy khó khăn, thử thách. Những người lính một thời chỉ quen cầm súng, chỉ biết sống rõ ràng, minh bạch trên chiến trường, giờ cuộc sống mưu sinh đặt họ trước trận chiến mới. Từ vị trí anh hùng, niềm kiêu hãnh đã góp sức mình làm nên những chiến công hiển hách vang dội về vị trí người dân, bên cạnh niềm vui, niềm tự hào, thì người lính phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh trong cuôc sống. Cuộc sống hối hả chảy trôi, sự thay đổi mọi cái đều diễn ra một cách chóng vánh, người lính ngơ ngác không sao có thể thích nghi được. Xét cho cùng, khi trút bỏ bộ quần áo kiêu hùng của quá khứ, họ cũng chỉ là những thân phận cá nhân nhỏ bé, vất vả cùng quẫn trong cuộc mưu sinh. Phần lớn họ đã để lại tuổi trẻ ở chiến trường, chưa kịp học lấy một cái nghề thực sự ngoài việc cầm súng. Và gay go hơn là họ đã quen với những chuẩn mực ứng xử trong thời chiến. Họ chưa hề và không thể thích nghi với cái thực tại phức tạp, gai góc nhiều cạm bẫy, với những con người tưởng quen thân mà đa đoan, đa sự.
Nếu như trong chiến tranh, những người lính phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ, khốc liệt để giành lấy sự sống, ranh giới giữa sống và chết rất mong manh nhưng trở về với thời bình, phải đối mặt với cơn bão táp của nền kinh tế thị trường thì vấn đề mưu sinh lại đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Họ phải đương đầu với cuộc chiến không kém phần quyết liệt: “đầu đường đại tá bơm xe. Giữa đường trung tá bán chè đỗ đen. Cuối đường thiếu tá bán kem. Trong làng đại úy thổi kèn đám ma. Thượng úy thì đi buôn gà. Trung úy ở nhà cuốc đất thay trâu. Còn thằng thiếu úy chạy đâu? Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam” [26; 292].
Tiễn biệt những ngày buồn là bức tranh về cuộc sống đầy khó nhọc của những người lính trở về sau chiến tranh. Sống cùng trong khu tập thể, Xoay, Khoái, Ron, Luân và chị Mão, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau song đều bị chi phối bởi gánh nặng cơm áo, gạo, tiền. Đời sống nhân vật được khắc họa rõ nét đến mức, cái khổ sở của từng người dễ dàng nhận thấy từ dáng đi, cách nói chuyện đến sở thích. Xoay là một nhà văn đã từng đi qua cuộc chiến, chỉ biết mê mải với nghề và luôn chân thành, chân chất, thật thà trong tình yêu với Sương, mà không hề biết những toan tính thực dụng của cô. Sự va chạm giữa hai lối sống thực dụng, cơ hội, với chân thật, hồn nhiên được ẩn dưới những câu chuyện tưởng chừng hài hước nhưng không thiếu bi kịch. Cũng như hai người bạn thân là Luân, Hà, Xoay vốn dĩ là người lính trở về sau chiến tranh nhưng cuộc chiến đấu để sinh tồn trong cơ chế bao cấp đang chuyển mình thật chẳng dễ dàng chút nào. Công việc chính của Xoay là viết văn, anh chỉ biết mải mê với nghề, bởi vậy anh “đâu có tưởng được chính anh lại phải lao đầu vào việc chạy chọt, xin xỏ, nhục nhã đến ghê rợn”[26; 6]. “Bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu tầng nhà, những cơ quan nối tiếp cơ quan, vậy mà xin mãi, đi đến mòn lốp xe vẫn không kiếm được cho vợ cái chỗ làm” [26; 87]. Và gánh nặng cơm áo đè nặng lên vai Xoay hơn bao giờ hết. Rồi vợ Xoay cũng tìm được công việc, làm phụ giúp cho gia đình chị Khải sản xuất giò chả. Mỗi tối sau khi hết giờ làm anh chị lại bảo Sương cầm gói thịt vụn, bạc nhạc về cho chó hoặc lợn ăn. Nhưng nào ngờ đây là món thịnh soạn, thêm gia vị cho mỗi bữa ăn của gia đình cô. Vợ Xoay chuyển dạ, anh không cần tính toán gì nhiều, lên nhận việc thay cho vợ. Chính anh cũng không ngờ được, anh “nhà văn Trần Xuyên lại có thể ngồi giã giò suốt mấy tiếng đồng hồ. Cả vợ chồng anh chủ cũng bất ngờ về anh” [26; 133].
Tuy nhiên gánh nặng cơm áo gạo tiền, với bốn bề lo toan, chật vật cho cuộc sống gia đình anh, cũng không làm anh quên đi được lời hứa danh dự với đồng đội, đó là một cuốn sách về họ. Để rồi, hằng đêm anh vẫn lần mò về
quá khứ với những giấc mơ và mộng mị xen lẫn sự hối lỗi vì tâm nguyện chưa thành với những người lính chưa một lần được thấy hòa bình. Bi kịch giữa khát khao sáng tạo và những lo toan vật chất dường như lúc nào cũng thường trực bên trong những nhà văn, nhất là những con người đã từng vào sống ra chết cùng biết bao đồng đội anh em nơi chiến trường. Quá khứ và ước mơ viết một cuốn sách về số phận, cuộc đời những đồng đội đã hi sinh “Nhất định mình phải viết, ít nhất là một cuốn về mười tám thằng bạn, mười tám cuộc đời, mười tám cái chết. Cuộc chiến ấy đã qua rồi nhưng đối với mình, thế hệ mình vẫn còn dư âm mãi” [26; 198]. Đó như là một sự tri ân với đồng đội cũ mà anh đã từng sống và chiến đấu. Nhưng thực tế không bao giờ dễ dàng đối với những người lính chỉ quen cầm súng. Nhiều đêm ôm con mà nước mắt anh ứa ra từ lúc nào. Trách nhiệm làm cha không cho phép anh dứt bỏ tất cả để thỏa mãn những khát khao của cá nhân anh.
Cũng như Xoay, Ron là lính chuyển ngành, suốt đời cung cúc, tận tụy với công việc, thủ trưởng bảo đúng là đúng, suốt đời tin vào cơ chế, chính sách... mong có một vị trí để được phục vụ xã hội. Anh luôn tự hào về quá khứ có hai mươi ba năm quân ngũ, hai mươi năm tuổi Đảng nhưng cứng nhắc, duy ý chí. Hoàn cảnh gia đình rất đáng thương, vợ suốt ngày lặn lội lo toan, chật vật cho cuộc sống gia đình, con ốm đau nheo nhóc “cứ đi học được vài tháng lại phải nghỉ đi bệnh viện”. Vợ anh luôn phàn nàn vì “cái đận gạo thiếu, thức ăn cũng thiếu. Tiền thiếu, thức ăn cũng thiếu. Tiền thiếu, thuốc men cho con lại càng thiếu, càng khó khăn” [26; 49]. Đôi lúc Ron đã phát uất lên, muốn bỏ việc xin về nhưng rồi vì quá tận tụy với công việc, anh luôn nghĩ “của cải không có thì phải có cái lý lịch trong sạch, vững vàng” để lại cho con. Cuối cùng anh tự thủ cho mình một niềm tin thái quá vào sự may rủi của số phận, “cái số Ron thế nào cũng tự dưng vớ được của” [26; 53]. Tất cả tiền kiếm được anh đều dành mua vé số với mong ước sẽ có thật nhiều tiền để mua một cái xe đạp và chữa bệnh cho con. Bao nhiêu tiền anh đều dồn vào mua vé số. Thế nhưng, mấy năm trời làm kẻ cống nạp sức lao động của mình
cho ông già bán vé số, Ron chỉ nhận lại được một mớ giấy loại, vận may không thấy đâu chỉ thấy sự viếng thăm của số phận nghiệt ngã. Vợ ốm hao gầy vì vé số, con ốm đau bệnh tật chết vì vé số, anh thất thểu ra về với bàn tay trắng, trở thành người lẩn thẩn.
Cùng sống trong khu tập thể của những người lính trở về sau chiến tranh còn có bà Mão - một người cựu chiến binh có số phận đầy bi kịch, cuộc đời đầy nổi bất hạnh. Bị đuổi ra khỏi căn nhà của chính mình, thất bại, mất niềm tin vào cuộc sống thực tại bà tìm niềm tin, hạnh phúc ở chốn hư vô. Quanh năm hương khói, nương nhờ nơi cửa phật nhưng rồi cũng bế tắc. Cuối cùng thân tàn ma dại, bà chết trong lặng lẽ tức tưởi.
Những người lính trong khu tập thể đáng thương này, họ quên mất mình, mải mê với những điều mà mình không hiểu, để đến nỗi đánh mất mình, lâm vào bi kịch. Để bây giờ đây họ vẫn lạc lối loay hoay đi tìm cho mình một hướng đi trong cuộc đời này.
Từ bi kịch thứ nhất, bi kịch của người lính trở về, họ thoát khỏi bàn tay của thần chết trở về với cuộc sống đời thường. Họ không thể hòa nhập được vào cuộc sống đời thường đầy toan tính nhỏ nhen của cuộc sống thời bình sinh ra bi kịch thứ hai: bi kịch đổ vỡ niềm tin. Ròng rã hàng mấy chục năm chiến tranh, tất cả mọi người đều chung một quyết tâm chiến đấu cho hòa bình, độc lập và tất cả đều có chung một niềm tin sắt đá ở tương lai: cuộc sống mới nhất định là tự do, hạnh phúc. Nhưng, hiện thực lại chưa được như mong ước và niềm tin của họ. Xã hội thời hậu chiến bắt đầu xuất hiện những “lỗ thủng”. Những quanh co lừa lọc, những toan tính thấp hèn, vun vén cá nhân có đất để nảy nở. Trước hiện thực trần trụi ấy, niềm tin bắt đầu đổ vỡ, bắt buộc con người phải có cách nhìn khác về hiện thực, về cuộc đời.
Bà Mão, người chị nuôi cũ trở về bằng thân tàn ma dại, chỉ vì suốt đoạn đời cuối bà không xác định được tin vào đâu? Bà đem hết niềm tin vào thần thánh, vào tín ngưỡng, không còn nhớ cho đúng hoàn cảnh của mình, nên mới ném tiền, ném bạc, ném toàn bộ cơ ngơi vào cúng lễ, bói toán lo chuyện tìm
mộ con... Quanh năm hương khói thờ phật, nhưng phật đâu có phù hộ cho bà, suốt đời bà cứ phải sống dựa vào người khác. Nhân vật Ron, bản chất là con người thật thà, nhưng cứng nhắc, duy ý chí, bỏ mặc vợ con nheo nhóc, thiếu thốn sống ở quê, sống độc thân như người lập dị, cuối cùng về nghỉ chế độ, tìm đến vé số để hi vọng vào một niềm tin mù quáng, tay trắng thất thểu trở về quê, trở thành người ngớ ngẩn. Xoay viết văn, tin vào những điều tốt đẹp, tôn thờ những giá trị tốt đẹp, thiêng liêng nhưng lại trốn chạy thực tại, ngao ngán với cuộc đời. Các nhân vật trong tác phẩm đều bị chấn lột về mặt tinh thần và thể xác.
Ta có thể nhận ra một quan niệm nhân sinh của tác giả gửi gắm qua nhân vật Ron: “Con người ta sinh ra để làm gì mà cứ mỗi ngày sống là mỗi ngày chồng thêm nỗi cay cực. Niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều quá. Ấy thế mà rồi con người ta cứ bấu víu lấy cuộc sống!” [26; 240]. Cuộc sống như cái dây leo, còn con người ta cứ như diễn viên xiếc, leo lên chao đảo trên đó. Những ngày tháng sống sao mà buồn quay quắt, những lỗ thủng niềm tin trong mỗi con người không dễ gì có thể hàn gắn được.