Cái nhìn về chiến tranh

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 43 - 47)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Cái nhìn về chiến tranh

Hơn nửa thế kỷ trước văn hào Nga Aimatôp đã viết: “Không thể nói về chiến tranh một cách giản đơn, không thể từ đó tạo nên một truyện cổ tích cho ta vào giấc ngủ, chiến tranh đọng lại thành máu, trong trái tim sâu thẳm của con người và kể về nó không phải là chuyện dễ dàng” (Gamilya - câu chuyện núi đồi và thảo nguyên). Chiến tranh bao giờ cũng gắn liền với những nỗi mất mát đau thương, đó là những khoảng lặng đau đớn nhất mà con người phải gánh chịu. Nhưng cái nhìn về được - mất mà chiến tranh mang lại ở mỗi thời kỳ lại khác nhau. Trong văn học 1945-1795, do nghiêng về mạch chảy sử thi nên người ta chỉ nói về những chiến công và những phẩm chất anh hùng của người lính. Sự mất mát, hi sinh, gian khổ, những tổn thất được nói đến nhưng rất đẹp, rất nhẹ nhàng, nó chỉ như một lớp phông nền để tô điểm cho vẻ đẹp hào hùng của người lính. Nguồn cảm hứng chủ đạo của

văn học 1945-1975 là nguồn cảm hứng sử thi lãng mạn cách mạng, thiên về ngợi ca, tôn vinh.

Nhưng từ sau năm 1975 với một độ lùi thời gian cần thiết, những nhà tiểu thuyết đã có điều kiện để nhìn nhận lại một cách khách quan về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Vì thế viết về chủ đề chiến tranh trong văn học Việt Nam sau 1975 là câu chuyện không dễ dàng. Khi ánh hào quang chiến thắng của một thời đã qua và nỗi đau mất mát cả một thế hệ mới bắt đầu ngấm đau trở thành nỗi ám ảnh thường trực, dai dẳng. Trung Trung Đỉnh, ông nhìn nhận chiến tranh từ nhiều phía. Cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa. Hàng triệu người con của Tổ quốc ra đi không tiếc đời mình, đó là sự thực. Cuộc kháng chiến hào hùng vĩ đại, đáng ca ngợi là sự thực. Song còn một sự thực nghiệt ngã khác đó là chiến tranh đã cuốn vào đó bao nhiêu số phận, làm dang dở, biến dạng biết bao cuộc đời. Trong tiểu thuyết của mình, Trung Trung Đỉnh đã khắc họa một cuộc chiến tranh đầy tính hủy diệt đối với cuộc sống con người. Không khí của buôn làng Tây Nguyên trong bom đạn “Máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trên đầu. Chúng bắn đại liên cả đêm. Thỉnh thoảng bom nổ rung chuyển và sau đó tiếng hú của đạn pháo” [23; 16], “tiếng máy bay sà thấp hơn, không phải một chiếc mà có tới vài ba chiếc cùng bay một lúc, cùng sà xuống ngay trên chỏm rừng. Có tiếng kèn đám ma, tiếng trẻ con khóc, tiếng lợn kêu, tiếng gà tục tác và cả tiếng người ta ý ới gọi nhau lúc gần lúc xa” [24; 71]. Chiến tranh tàn phá thiên nhiên, núi rừng, tàn sát mạng sống con người. Chiến tranh khủng khiếp đến nỗi đã làm cho kết cấu xã hội của người bản địa Tây Nguyên cũng phải thay đổi mới tồn tại được. Đối với bà con dân tộc Tây Nguyên rừng là tất cả. Cuộc sống của con người ở đây nương tựa vào rừng, không ai yêu rừng, tôn trọng rừng và giữ rừng hơn họ. Bởi chính họ là những đứa con thiêng của rừng. Mỗi thành viên trong cộng đồng làng gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh để tồn tại và hòa nhập với rừng, với thiên nhiên. Mọi niềm vui nỗi buồn của mỗi người, cũng là niềm vui nỗi buồn

chung của buôn làng “cái sợ lớn nhất của con người ở đây là khi buộc phải tách khỏi cộng đồng. Điều đó còn sợ hơn cả cái chết. Vậy mà chiến tranh đã làm cho “làng Đê Chơ Rang của Bin giờ đây không còn được như xưa nữa. Nó phải chia thành nhiều tổ, mỗi tổ vài gia đình, vài du kích, và trẻ nít, vài ông bà già, chiếm lĩnh một vài khe núi, một vài suối nước, một vài chỏm rừng” [24; 34]. Chiến tranh không những tàn phá núi rừng mà nó còn có nguy cơ hủy diệt văn hóa cộng đồng bền vững của một dân tộc. Đó chính là hậu quả đau đớn, lâu dài và tàn bạo nhất.

Chiến tranh đối với nhà văn Trung Trung Đỉnh còn có sức hủy diệt đối với số phận con người. Trong chiến tranh mạng sống của con người trở nên hết sức mong manh những cái chết bất ngờ của thằng Xuyên con, anh Tíu, và những người lính khác đã để lại một nỗi ám ảnh rất lớn đối với đồng đội. Bởi mới hôm qua thôi, họ cùng chung một tiểu đoàn, cùng chia sẻ mọi gian khổ, thiếu thốn, nguy hiểm trên đường hành quân. Mới hôm qua thôi họ vẫn còn rất lạc quan yêu đời, thế nhưng “sốt rét ác tính đã quật đổ người ta khi bên ngoài đang rất khỏe” [23; 64]. Họ nói lời chào vĩnh biệt trong nghẹn ngào tiếc nuối “Xuyên ơi! em nằm lại chân Ngàn Lẻ Một, các anh tiếp tục đi vào” [23; 64]. Những cái chết trong chiến tranh không phải lúc nào cũng “oanh liệt”, thậm chí vô lý đến khó tin. Nhưng, đó chính là sự khốc liệt của chiến tranh mà chỉ có những con người đã từng cầm súng tham chiến như Trung Trung Đỉnh mới có thể nhận diện một cách chính xác.

Trung Trung Đỉnh luôn nhìn chiến tranh bằng cái nhìn hướng nội, bằng trái tim yêu thương của con người, luôn hướng về hạnh phúc của con người. Chiến tranh hủy diệt mọi thứ, nó không chỉ hủy diệt sinh mạng mà ghê rợn hơn, nó còn có khả năng hủy diệt tâm hồn con người. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này qua sự bộc bạch tâm sự từ tận đáy lòng của Bin: “Chô cha, tui ớn nhiệm vụ diệt ác hung, anh Bình ạ”, “Một lần được, hai ba bốn lần, ớn hung” [24; 81]. Rõ ràng, Bin ý thức rất rõ cảm giác, tâm trạng của mình khi cầm súng

bắn vào người khác, người mà mình không quen biết. Cái công việc ghê rợn đó trở nên ám ảnh tâm hồn những con người hồn nhiên chất phác. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng họ vẫn phải thực hiện. Đó là bi kịch lớn nhất trong đời sống tinh thần con người trong chiến tranh.

Sức hủy diệt của bom đạn chiến tranh đối với cuộc sống nói chung, có thể thống kê được bằng những thiệt hại về sinh mạng, về vật chất, nhưng cái mất mát lớn lao thuộc về đời sống tâm hồn thì khó có thể đong đếm được. Nhà văn không ngần ngại chỉ ra những “vết thương” nghiêm trọng do chiến tranh gây ra trong tâm hồn mỗi con người. Chiến tranh là một cỗ máy vô nhân tính, sẵn sàng nghiền nát những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn mỗi con người.

Trung Trung Đỉnh không phải là tác giả duy nhất, cũng không phải là tác giả viết nhiều nhất những mất mát của đời sống do chiến tranh. Thậm chí công bằng mà nói, những mất mát mà Trung Trung Đỉnh đề cập đến trong tiểu thuyết của mình còn chưa được tô đậm đến độ khốc liệt như Chu Lai đã làm trong Ăn mày dĩ vãng hoặc Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh. Nhưng không phải vì thế mà không thể nhìn nhận những đóng góp của ông cho vấn đề này. Không thể phủ nhận rằng, Trung Trung Đỉnh đã đề cập đến những mất mát trong chiến tranh theo một cách khác. Nếu Bảo Ninh hay Chu Lai rất thành công trong việc nhấn mạnh những mất mát của chiến tranh ở những chết chóc, hoang tàn do bom đạn và những méo mó về đời sống tinh thần đầy ám ảnh, thì Trung Trung Đỉnh lại nhìn thấy và tập trung miêu tả nó trong mối quan hệ với văn hóa, với nghĩa là sợi dây ràng buộc của cộng đồng, bên cạnh những mất mát, tổn thất mà các tác giả khác cùng đề cập. Vì vậy, những người lính trong tác phẩm của ông không mong chiến thắng với vòng nguyệt quế trở về mà chỉ mong chấm dứt chiến tranh, để cuộc sống con người trở lại bình yên như nó vốn có. Ông cầu nguyện cho những người lính mau chóng được trở về đoàn tụ cùng với gia đình thân yêu của họ, máu thôi chảy và

mảnh đất nghèo trở lại bình yên, khắp nơi ca hát, hội hè, rộn ràng âm vang cồng chiêng.

Một phần của tài liệu Hình tượng người lính trong tiểu thuyết của trung trung đỉnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w