7. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Điểm nhìn từ ngôi thứ ba
Điểm nhìn của người kể chuyện là trường hợp người kể chuyện đứng từ ngoài để quan sát câu chuyện. Trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh nhất là ở giai đoạn đầu sáng tác thường sử dụng điểm nhìn từ ngôi thứ ba để trần thuật. Với tư cách là người đứng ngoài quan sát, kể chuyện tuy vắng mặt nhưng lại biết tất cả để miêu tả và kể lại toàn bộ diễn biến sự việc. Điểm nhìn khách quan này đem lại một cái nhìn khách quan cho câu chuyện.
Xuất phát từ điểm nhìn của người kể chuyện, với tư cách là người kể chuyện đứng ngoài để quan sát, miêu tả và kể lại toàn bộ diễn biến sự việc. Điểm nhìn khách quan này đã chi phối ngôn ngữ người kể chuyện đem lại một cái nhìn khách quan cho câu chuyện. Tác phẩm Tiễn biệt những ngày buồn được kể ở ngôi thứ ba, người quan sát là người hàm ẩn, ở bên ngoài thế giới hiện thực trong truyện. Chính điểm nhìn này đã quy định ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm, vì thế lời kể chuyện mang tính khách quan của một người đứng ngoài câu chuyện. Người kể cũng kể theo điểm nhìn của chính mình. Bằng giọng của người kể hàm ẩn thế giới bên ngoài và bên trong được tái hiện một cách chân thực và sâu sắc nhất. Đó là cuộc sống, tính cách, hoàn cảnh của những con người sống trong cùng một khu tập thể: Xoay, Sương, Ron, Bà Mão, Hà, Khoái... Tất cả họ đều là những người lính trở về thủ đô từ những chiến trường khác nhau. Họ đang chật vật xoay xở vì miếng cơm manh áo trong cuộc mưu sinh vất vả nhọc nhằn. Cuộc sống mưu sinh buộc họ phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Nhưng điều đó không dễ đối với những người lính đã “ném tuổi hai mươi vào rừng quần nhau với giặc” [26; 210]. Để tồn tại họ phải lựa chọn cho mình một cách sống, đôi khi còn có sự đánh đổi của ước mơ và danh dự.
Trong Tiễn biệt những ngày buồn, ngay từ đầu tác phẩm, sự trần thuật cho ta thấy người kể chuyện dường như không có vai trò gì ảnh hưởng đến diễn biến của câu chuyện mà chỉ ghi lại, chép lại, kể lại. Đây chính là cách để tạo ra vẻ khách quan, trung thực của câu chuyện. “Xoay cúi mình đạp xe, tránh những luồng gió hút, táp vào mặt. Đêm mùa đông ẩm ướt. Con đường vào khu nhà lổn nhổn những gạch vụn, và tối đặc” [26; 5]. “Xoay không buồn nói lại. Anh cặm cụi đạp xe. Được một lúc chợt ngửng lên. Đường phố, người đạp xe dày đặc, giống như một cuộc xuống đường ào ạt. Xoay tặc lưỡi, cảm thấy tưng tức ở ngực. Hà Nội giờ đây bỗng trở nên ngột ngạt đối với anh. Người ta đông thế kia, mà nhìn ai cũng hớt hải, như đang cố dấn lên phía trước. Hơn nhau một tí, rồi lại cố lách lên nữa. Ở đâu cũng thấy sự chen lấn đến kinh người” [26; 86]. Với tư cách là người đứng ngoài cuộc trong vai tác giả, điểm nhìn của người kể chuyện hướng đến mọi diễn biến của sự việc trong khu tập thể. Cái ngày bà Mão trở về khu tập thể, lần đầu tiên nhìn thấy bà “Xoay bỗng thấy rùng mình. Bà Mão già tọp hẳn đi, nét mặt dài dại, giọng nói cứ như ở đâu. ... mới có mấy năm tóc bà đã bạc gần hết. Những nếp nhăn nhầu nhĩ, không còn cái dáng nhanh nhảu, may mắn của người chị nuôi tận tụy năm nào” [26; 8]. Còn với Ron, cố thủ cho mình niềm tin về mảnh vé số, mọi công sức, tiền của anh đều dốc cạn cho vé số. Anh luôn hi vọng đổi đời bằng vé số. “Ron lững thững ra thăm vạt rau. Những cây bắp đang cuộn, đang lên mơn mởn, cứ mỗi cây là hai cái vé số. Rồi luống su hào, Ron cũng tính bình quân mỗi củ hai vé... Mọi thu hoạch của Ron giờ đây đều tính bằng giá vé sổ số” [26; 63]. Cuộc sống mưu sinh giữa lúc cơ chế bao cấp đang chuyển mình thật khó khăn đối với những người như Ron. Nó nặng nề và u ám khiến cho “Ron quay mặt đi giấu nỗi buồn thoáng phủ lên khuôn mặt hốc hác của mình. Ron đứng tựa cửa, nhìn bát hương ngoài bàn thờ nghi ngút, anh toan ra xô đổ hết cả, nhưng rồi không hiểu sao lại thọc túi quần lững thững bước ra cổng... Ron xòe tay ngước nhìn lên bầu trời xám xịt” [26; 144-145]. Với điểm
nhìn bên ngoài, Trung Trung Đỉnh đã giúp người đọc hình dung được những diễn biến logic của sự kiện diễn ra trong tác phẩm cũng như đối với từng nhân vật một cách bao quát, khách quan.
Trong văn học truyền thống, chủ yếu tác phẩm văn học được triển khai ở cái nhìn tương đối ổn định. Các nhà lý luận cho đó là cái nhìn biết trước. Nghĩa là người kể chuyện miêu tả, tái hiện đời sống chủ yếu ở ngôi thứ ba. Với cái nhìn này, người kể chuyện nắm được sự phát triển của mạch truyện cũng như số phận của nhân vật. Như vậy về cơ bản văn học truyền thống xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài.
Có thể nói, Trung Trung Đỉnh đã vận dụng linh hoạt và khai thác tối đa hiệu quả các điểm nhìn để khắc họa thành công hình tượng nhân vật người lính. Điểm nhìn từ ngôi thứ ba với tư cách là người đứng ngoài để quan sát và kể lại toàn bộ diễn biến của sự việc. Điểm nhìn này đem lại một cái nhìn khách quan cho câu chuyện và có thể lắng nghe được quan niệm, cách nhìn của số đông. Còn điểm nhìn từ ngôi thứ nhất, tác giả với tư cách là người đứng trong cuộc, kể lại diễn biến của câu chuyện cuộc đời mình. Điểm nhìn này Trung Trung Đỉnh có điều kiện đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm nhân vật, lắng nghe mọi rung động tinh vi nhất trong tâm hồn. Vì vậy mà hình tượng người lính được hiện lên chân thực, toàn diện và sống động như nó vốn có. Tác phẩm của ông đã khẳng định được sự cách tân táo bạo trong nghệ thuật tổ chức các điểm nhìn theo lối trần thuật hiện đại, góp phần thể hiện nỗ lực khẳng định bản ngã trong nghệ thuật.