7. Cấu trúc luận văn
2.3.1.1. Người lính mang vẻ đẹp lạc quan, yêu đời, hồn nhiên
Trong suốt chiều dài lịch sử của toàn dân tộc, trải qua các cuộc chiến tranh, người lính mang trong mình vẻ đẹp lạc quan, yêu đời, hồn nhiên đã trở thành hình tượng trung tâm xuyên suốt quá trình vận động của nền văn học. Hình tượng đẹp đẽ, chói ngời của họ đã đi vào lịch sử như một huyền thoại đẹp, là niềm tự hào, ngưỡng vọng của biết bao thế hệ. Tiếp nối truyền thống đó, Trung Trung Trung Đỉnh cũng đã xây dựng thành công chân dung tinh thần người lính. Đúng nghĩa lính trận, họ mang trong mình vẻ đẹp lạc quan yêu đời hồn nhiên, hội tụ đủ mọi trạng thái tâm lý, tình cảm, đủ mọi tính cách nhưng đã ra trận là không thoái lui. Một vẻ đẹp không gượng gạo, không thổi phồng, với mọi hành vi đều đã được lý giải.
Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh đã vẽ lên một bức họa khốc liệt về cuộc chiến tranh. Số phận người lính hiện lên trần trụi, mong manh. Đi trong khốc liệt của cuộc chiến, người lính cách mạng trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh vẫn mang dáng vẻ lạc quan, yêu đời, tràn đầy niềm tin và đức hi sinh vì Tổ quốc. Tất cả họ “có một tư tưởng và sự thể hiện tư tưởng ấy chỉ có một cách, một con đường, ấy là không sợ khó khăn gian khổ, không quản ác liệt, hi sinh”. Trên mỗi bước đường hành quân xa có nhiều gian khổ mà họ đâu biết mình đang gian khổ. Bởi hơn ai hết họ luôn ý thức được lúc này “ai cũng ở trong gian khổ nên chẳng có gì để mà so bì, tỵ nạnh” [23; 12]. Những người lính trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh đều có chung một hoàn cảnh,
một con đường đó là con đường từ làng quê, từ mái trường phổ thông tiến thẳng ra mặt trận, đối diện với quân thù mà không hề cân nhắc thiệt hơn. Người trẻ nhất chỉ vừa mười tám, đôi mươi, người già nhất cũng chưa tới hai ba. Những người lính đi vào trận chiến chỉ mang trong lòng duy nhất một khát vọng làm người anh hùng cứu quốc. Hành trang của họ, thậm chí, còn chưa kịp có một cái hôn đầu. Cả thế hệ tuổi trẻ đã lên đường chỉ vì một lẽ giản đơn: khi Tổ quốc lâm nguy, mỗi công dân đều góp sức mình, góp tính mạng mình cho đất nước.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, với tư cách là một người trong cuộc, đã miêu tả rất sinh động những nét tâm lý hồn nhiên và cũng rất đời thường của những người lính trẻ năm xưa. Bước vào cuộc sống chiến trường, họ được tập trung trong một trung đội, mang những cái tên rất lính: Bỉnh choắt hay Bỉnh còi, Khôi đen, Năm ú, Xuyên con, Chính béo, Ton nồng, Tíu xoăn, Báu chòe, Ty hâm, Tu già, Hiến đẹp trai... Mỗi người mỗi tính, mỗi tật. Những người lính trẻ với tâm hồn lãng mạn, lạc quan yêu đời phải sống trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống chiến trường. Họ chia sẻ với nhau những câu chuyện vui, tinh nghịch, những khát khao được ngắm nhìn một cô gái trẻ, người “sờ ngực”, được “sờ ty, bóp vú”, và cả cái hôn đầu tiên của anh lính trẻ trong lần đầu được về phép rất hồn nhiên “tôi chỉ nghe mấy đứa ở đơn vị bảo, hôn “đấu lưỡi” sướng lắm. Tối hôm ấy tôi rủ được cái Hằng đi chơi và tôi hôn nó ngay sau khi tới gốc cây để ở chân cống Thiên Bồng. Tôi chẳng thấy sướng gì. Cái Hằng giẫy giụa trong tôi và tôi quyết hôn bằng được... Ấy thế mà khi trở lại đơn vị, tôi khoe với chúng bạn rằng, tôi đã có người yêu. Rằng không những được hôn mà còn tha hồ sờ ti nữa” [24; 30-31]. Những mối tình hầu hết đều vội vã, vồ vập phóng túng và không có ước hẹn vì ở phía trước ranh giới giữa sự sống và cái chết còn quá mong manh. Nhưng cũng chính nhờ mối tình chớp nhoáng mà đắm đuối ấy mà người ra đi có điểm tựa để nghĩ về cuộc sống thường nhật giữa những khoảng lặng hiếm hoi của chiến
tranh. Đó là liều thuốc tinh thần đặc hiệu để vượt qua bom đạn, những cơn sốt rét run người và cả cái chết có thể rất dễ dàng lắm khi thậm chí vô lý. Chiến trường dữ dội và khốc liệt, là những ngày chiến chinh gian khổ, hôm nay sống mà chưa biết mai thế nào. Chiến trường là những bãi thây người chết cả ta và địch mà có khi, mùi tử khí bốc lên đến ngợp cả một khoảng trời. Chính sự lãng mạn, hồn nhiên trẻ trung của người lính đã làm mềm đi những cánh rừng đầy bon đạn, làm giảm đi sự khốc liệt của chiến trường. Niềm hạnh phúc trong những ngày gian khổ ác liệt đánh Mỹ được nhà văn khắc họa thật giản dị với suy nghĩ của nhân vật “tôi” (Thương) Ngược chiều cái chết. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là: “những lần thức suốt đêm đi nắm cơ sở về, chiều xuống nhà hầm, gặp cái sạp nứa mát lạnh, mọi vất vả tan biến rất nhanh vào giấc ngủ. Đó cũng là lần, cùng Rơ Chăm Rót, sau khi kiếm được thùng bơ trên trận địa pháo cũ quân Mỹ bỏ lại, chúng tôi nướng những củ sắn vàng rộm, thọc cả vào thùng bơ, cắn ăn ngon lành. Lúc ấy hạnh phúc lan tỏa một cách rõ ràng cụ thể... Miếng cơm không độn...” [22; 126-127]. Hạnh phúc là “có lần tôi bị sốt phải nằm ở bệnh xá phía sau. Rơ Chăm Rót viết thư cho tôi... Tôi cứ ngắm nghía mãi những dòng chữ lít nhít ấy, từng lời hỏi giản đơn, thật thà tự cho phép mình thỏa mãn vì niềm vui và hạnh phúc tràn trề’’ [22; 127]. Niềm hạnh phúc ấy cũng chính là niềm lạc quan cách mạng của người lính khi họ nhận thức một cách đầy đủ nghĩa vụ công dân của mình.
Tinh thần chiến đấu cũng thể hiện niềm lạc quan cách mạng của những “con người đơn giản đến cả tin” trong Lạc rừng. Sống giữa núi rừng heo hút, gian khổ, nay đây mai đó, thiếu thốn đủ đường nhưng những con người trong buôn làng Đê Chơ Rang của Bin vẫn luôn lạc quan yêu đời. Tinh thần lạc quan ấy của đồng bào Tây Nguyên nhiều khi biểu hiện hết sức ngộ nghĩnh “tôi rất lấy làm lạ, trong tình thế này, không hiểu sao họ vẫn gùi được rượu theo để uống”. Họ là những con người chuyên “đóng khố cởi trần, nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu” [24; 14]. Dù
hoàn cảnh chiến tranh, mùa lễ hội ở đây vẫn có “tiếng chinh chiêng chập chờn cùng tiếng đàn Tơrưng, tiếng đàn Goong rao rực đâu đó... Trên bãi rộng của dân làng một tốp thanh niên đang tập phóng lao, tập múa khiên và tập đi cà kheo” [24; 111]. Những con người nơi đây có một tinh thần chiến đấu kiên cường, ý thức giản dị và trong sáng “chạy trốn khỏi nhiệm vụ cách mạng phân công là phản bội cách mạng”[24; 66]. Và “chiến tranh đối với họ là công việc hàng ngày. Họ quen chịu đựng gian khổ một cách bản năng nhưng thật ra rất có ý thức. Cái ý thức vô cùng giản dị và dễ hiểu rằng muốn tồn tại thì phải nắm được địch tình. Cần thì đánh không cần thì chạy trốn. Mà hình như chạy trốn là chiến thuật sắc sảo nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất của họ” [24; 65] khi bị phục kích họ vẫn giữ cho mình tinh thần chiến đấu lạc quan cách mạng, vẫn “vừa đi vừa chạy địch càn, vừa hát bài hát tự giễu mình và để động viên mình” [ 24; 50].
Vẻ đẹp lạc quan, yêu đời hồn nhiên của người “lính trận” trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh chính là sức mạnh vô hình tiếp thêm nghị lực cho người lính để hoàn thành nhiệm vụ, giúp họ vững tin đi hết những cánh rừng đầy trận mạc.