7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Những không gian đặc thù trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh
Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào lại không có không gian, không có nhân vật nào tồn tại ngoài một nền cảnh nào đó. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Nếu như trước 1975 ta thường bắt gặp không gian rộng lớn: cảnh tuyền tuyến hay hậu phương, núi rừng, sông nước rộng lớn... thường là cái nền để tỏa sáng vẻ đẹp người anh hùng cách mạng của con người. Nhưng đến tiểu thuyết sau 1975 đã thay đổi rất nhiều. Ta thường bắt gặp không gian đa chiều, không gian luôn có sự vận động chuyển đổi liên tục. Khảo sát các tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh ta thấy nhà văn luôn đặt nhân vật trong những bối cảnh không gian khác nhau. Đặc biệt là bối cảnh: Không gian Tây Nguyên, không gian chiến tranh và không gian đô thị thời hậu chiến.
Trung Trung Đỉnh là nhà văn có công rất lớn với Tây Nguyên. Từ sau năm 1975 đến nay ông viết về Tây Nguyên khá thành công. Đêm nguyệt thưc, Đêm trắng, Chớp trên đỉnh Kon Từng, Hơ Noanh chị tôi, Lạc rừng... là những tác phẩm để đời của nhà văn về Tây Nguyên. Không những thế, hầu như tác phẩm nào cũng có bóng dáng của Tây Nguyên. Đúng như tác giả Lưu Khánh Thơ đã nhận xét: “Tuy sinh trưởng ở đồng bằng Bắc bộ nhưng cuộc đời quân ngũ gắn bó chặt chẽ với chiến trường Tây Nguyên, quê hương thứ hai này đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt sáng tác của Trung Trung Đỉnh” [92]. So với Nguyên Ngọc trong Đất nước đứng lên, Trung Trung Đỉnh có một kênh mới để tiếp cận Tây Nguyên. Từ những lăn lộn sống chết, đói khổ và máu lửa của cuộc chiến tranh và yêu Tây Nguyên đến rớm máu. “Ông đã tiếp nhận được ở Tây Nguyên một tầng văn hóa khả dĩ để ông hòa nhập một cách tỉnh táo khi bước vào địa hạt văn chương” [100].
Tây Nguyên hiện hữu qua những tên làng trong các tiểu thuyết của ông như: Làng Đê Chơ Rang, buôn A Ma Kơ Lưk... , cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với “cái hang đang trên triền núi cao chất ngất, vừa ngóc ngách lại vừa thoáng”, “sát bờ sông là những vách đá, những hang động với những tảng đá lớn chồng lên nhau. Rễ cây trườn trên đá chằng chịt cùng với những thân cây uốn mình sà sát mặt nước” [24, 90-91].
Mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này không chỉ hùng vĩ mà còn đẹp và thơ mộng: “Một hõm suối nước chảy lờ đờ lại có nhiều hoa gì vàng và đẹp đến ngơ nhẩn như thế. Tôi giật mình khi nhìn xuống bãi cát có một vạt bướm bay túa lên” [24; 54]. Đến với Tây Nguyên ta bắt gặp những con sông nổi tiếng hung dữ nhưng cũng có nhiều chỗ “bắt gặp một thung lũng, những dòng sông nở phình ra với những bãi cát vàng mịn, nước chảy hiền hòa, trên mặt nước tràn ngập những cánh hoa vàng rất thơ mộng” [24; 94].
Dưới ngòi bút của ông, không gian văn hóa Tây Nguyên hiện lên đậm đà bản sắc. Tây Nguyên hiện lên với những phong tục độc đáo, đầy ám ảnh như lễ thề nguyền gia nhập cộng đồng, với cái cách anh Bìn đã làm “Tôi giật phanh cúc
áo, ưỡn ngực đỏ nhòe vào da thịt mình” [24; 25], tục so chiêng, tục nối dây, tục cà răng, thổi tai, lễ bỏ mã, tục bắt vợ... cho đến quan niệm độc đáo về vẻ đẹp phụ nữ của họ: “Khi còn trẻ, nhất là khi chưa chồng, vẻ đẹp cơ thể của người con gái phải được phô ra, chỉ khi đã có con, người ta mới che lại” [24; 104].
Đến với Tây Nguyên là đến với mùa lễ hội cồng chiêng, được xem những trò chơi phóng lao, tập múa khiêng, tập đi cà kheo, uống rượu cần... Với những sinh hoạt văn hóa: uống rượu cần, công trình tượng gỗ nhà mồ, lễ hội cồng chiêng, đó là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người ở đây. Lễ hội không những là dịp để con người Tây Nguyên nghỉ ngơi, ăn mừng mà còn là dịp để họ thể hiện tình cảm của mình với tổ tiên, tự nhiên. Bằng cách đó họ chinh phục tự nhiên và sống hòa thuận với tự nhiên. Bởi vậy, dù hoàn cảnh có chiến tranh, mùa lễ hội ở đây vẫn “có tiếng chinh chiêng chập chờn, cùng tiếng đàn Tơ Rưng, tiếng đàn Goong rạo rực đâu đó” và nơi đây “con trai con gái trộn lẫn vào nhau. Ai ưng uống nữa thì cứ ôm lấy gè rượu mà uống. Ai ưng múa hát với ai thì thả sức đưa đẩy, mời chào, lôi kéo” [24; 116]. Tất cả các lễ hội đó đều được tổ chức ở nhà rông, ở không gian núi rừng bao la. Nhà rông là nét đẹp văn hóa riêng của buôn làng Tây Nguyên, nó chính là vẻ đẹp hồn cốt của nét đẹp văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Tây Nguyên thực sự là “bảo tàng văn hóa cổ”, là mái nhà chung của chúng ta. Đến với xứ sở này không phải chỉ là đến với một vùng đất đầy tiềm năng khai thác mà trước hết là đến từ tấm lòng và với tấm lòng con người.
Đọc tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh, chúng ta được làm quen với văn hóa, con người Tây Nguyên một cách chân thực nhất. Trong lao động họ có cuộc sống thuần phác, đẹp đẽ như được chưng cất, chắt lọc từ mạch nguồn sông suối. Mặc dù cuộc sống của đồng bào nơi đây còn khó khăn, vất vả thiếu thốn “Đã từ lâu bà con anh em ở đây gọi ăn củ mì, tức củ sắn là ăn cơm. Gạo chỉ dành cho người đau ốm” [24; 39]. Sống trong hang đá giữa rừng người dân chỉ có “một cái hăng - gô cà đắng ninh nhuyễn, nắp hăng -
gô đựng muối hầm... một xong canh chua lá bứa nấu với ốc và cá vụn, vài con cua đá và cả mấy con ngóe” [24; 47]. Đời sống vật chất tuy thiếu thốn nhưng họ lại có một tinh thần cách mạng kiên cường, ý thức giản dị và trong sáng: “chạy trốn khỏi nhiệm vụ cách mạng phân công tức là phản bội cách mạng” [24; 66].
Qua cảm nhận của người lính trẻ, nơi đây có nhiều điều thú vị bất ngờ. Mặc dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng những con người nơi đây vẫn lạc quan yêu đời, khắp nơi lễ hội tưng bừng vẫn “có tiếng chinh chiêng, tiếng hát của cánh trai gái các làng đang chờ đón... người ta náo nức gùi rượu cần tới. Hàng chục ghè rượu được bày la liệt trên sàn nhà rông, hàng chục ghè khác bày dưới sân làng... Hầu hết đàn bà con gái đều hối hả gùi nước hoặc bổ củi. Còn cánh đàn ông con trai thì làm thịt heo, sửa sang nhà cửa, chuẫn bị cho ngày vui lễ hội” [24; 96]. Và “chiến tranh đối với họ là công việc hàng ngày. Và họ quen chịu đựng khó khăn, gian khổ một cách tưởng như bản năng, nhưng thực ra rất có ý thức. Cái ý thức ấy đơn giản và dễ hiểu rằng, muốn tồn tại thì phải nắm được địch tình. Cần thì đánh, không cần thì chạy trốn. Mà hình như chạy trốn là chiến thuật sắc sảo nhất, có kinh nghiệm nhất của họ” [24; 64].
Tinh thần yêu nước của đồng bào Tây Nguyên được thể hiện rất rõ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Những con người nơi đây, họ vừa mang vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của núi rừng nhưng cũng rất kiên cường anh dũng trong chiến đấu. Đứng đầu các buôn làng là có các già làng. Già Phới là linh hồn, là sức sống của buôn làng và trách nhiệm thiêng liêng của buôn làng là phải bảo vê già làng. “cụ ngồi trên tấm dồ, ở trần, trên người cụ nhăn nhúm dễ sợ... cụ không có râu, tóc lưa thưa đôi mắt nhỏ tinh anh” [24; 22]. Già Phới hiền lắm, già là tài sản chung của buôn làng. Già đang đến kỳ thay răng, thay tóc, số tuổi của già thì không ai có thể đếm được. Già là linh hồn, là sức sống của buôn làng trong các sự kiện trọng đại của làng đều phải có mặt già Phới. Chính anh lính trẻ đã không khỏi bất ngờ khi được chứng
kiến cảnh “người đàn bà vạch vú. Bộ ngực đồ sộ của chị ta từ từ áp vào miệng già Phới” [24; 26]. Bên cạnh già làng Tây nguyên còn hiện hữu với những người đàn bà suốt ngày quanh quẩn bên bếp lửa và nồi súp đắng thổi đinh- yơng. Họ thổi đinh- yơng như một người nghệ sĩ. Họ là những người phụ nữ xinh đẹp, dũng cảm, thẳng thắn, chân thật, mạnh mẽ nhưng giàu tình cảm và thủy chung, hồn nhiên trong điệu cười “tỏn tẻn”. Những người đàn ông thì “về tới hang đá là sà ngay vào hút rượu cần. Họ uống được một lúc là nghiêng ngả hát ề à. Hát nhỏ và dai, tưởng như không bao giờ dứt, với một giai điệu đều đều, buồn não” [24; 16]. Chính những con người trong trẻo chất phác ấy là lực lượng nòng cốt của cuộc chiến đấu cứu nước trên mảnh đất này.
Yêu con người Tây Nguyên như máu thịt của mình, Trung Trung Đỉnh từ thời “lạc rừng” đã dành trọn tình cảm thân thương nhất cho con người nơi đây. Trong hành trình cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, dù hoàn cảnh nào con người Tây Nguyên không bao giờ rời xa nhau, bởi họ ý thức được rằng, chỉ có sức mạnh cộng đồng mới chiến thắng được bao hiểm nguy. Đọc
Lính trận, độc giả sẽ dễ nhận thấy con người cộng đồng, tập thể biểu hiện ở tinh thần đoàn kết, yêu nước, coi giặc Mỹ là kẻ thù chung của người dân Tây Nguyên. Khi có trận đánh lớn, người dân Tây Nguyên luôn hết lòng hết sức phục vụ cách mạng chứ không thờ ơ, né tránh.
Con người Tây Nguyên rất hồn nhiên, chất phác trong suy nghĩ: “bộ đội chết liền có bổ sung, chứ còn du kích chết thì phức tạp lắm. Du kích chết phải chờ lũ con nít lớn lên mới bổ sung được” [24; 40]. Hồn nhiên, chất phác nhưng họ lại có suy nghĩ chín chắn về cách mạng khiến chúng ta bất ngờ: “làm cách mạng không phải là chuyện bình thường đâu!” [24; 15]. Những con người với “nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu” [24; 14]. Chất phác và hồn nhiên có lẽ là đặc điểm của người dân nơi đây, ngay khi họ sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng họ vẫn vô cùng lạc quan. Con người nơi đây kiên cường nhưng ân tình, gần gũi, có chút gì huyền bí của tôn giáo
vừa lành mạnh vừa linh thiêng. Những con người ở mảnh đất này quả thực rất bí ẩn và đầy thú vị.
Thật đúng như lời Nguyên Ngọc nhận xét về Trung Trung Đỉnh: “đối với Trung Trung Đỉnh Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẫn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết...” [24; 10]. Khi viết về Tây Nguyên ông không chỉ viết về cuộc chiến đấu mà “nhiều trang viết còn mang màu sắc dân tộc hóa” (Nguyễn Hòa). Tây Nguyên cũng hiện ra trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh hùng vĩ và thơ mộng, hoang sơ mà thân thiết. Cao nguyên thì mênh mang, nhà rông thì uyển chuyển đến mê mẩn, những bài trường ca, sử thi thì dài, nhiều và hay như Đăm san, bài ca chim chơ rao... con người thì thô mộc và bí ẩn nhưng rất kiên cường trong chiến đấu. Họ đẹp như một sản phẩm tự nhiên của núi rừng.
Không gian Tây Nguyên trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh đã góp phần làm nổi bật chân dung hình tượng người lính. Nhà văn muốn khắc họa một cách chân thực hơn về cuộc sống chiến trường, giữa cái hiện thực dữ dội của chiến tranh vẫn ẩn hiện thấp thoáng cái đời thường của cuộc sống con người. Những người lính đã phải sống chiến đấu ở một địa bàn có nhiều khó khăn gian khổ nhưng cũng ấm áp tình người. Ở đó, những người lính đã phải vượt qua những ham muốn đời thường, từ bỏ thói quen sở thích cố hữu của một nền văn hóa mẹ đẻ mà hòa hợp với tập tục của người dân tộc, vừa chiến đấu để dành chiến thắng vừa cùng bà con lao động hết mình để chống lại đói nghèo, khắc phục hoàn cảnh. Trung Trung Đỉnh đã viết về “đời sống nhân vật rất chân thực, sinh động. Nhân vật hoàn toàn không được tỉa tót mà hiện lên rất tự nhiên, chân thực với sự bộc lộ tận cùng của đời sống cá nhân” [103]
3.3.1.2. Không gian chiến tranh
Chiến tranh đã đi qua, nhưng ám ảnh của nó vẫn còn đè nặng lên tâm thức của người Việt. Đặc biệt trong tâm hồn của các nhà văn mặc áo lính. Những ám ảnh ấy khiến cho đề tài này vẫn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các nhà văn. Trung Trung Đỉnh đã viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ với cảm
quan của người trong cuộc và một ngòi bút nhạy cảm. Bởi vậy không gian chiến tranh trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh hiện lên sống động và chân thực. Biểu hiện qua dòng suy tưởng hồn nhiên của anh lính lần đầu đăng lính trong Lạc rừng, Lính trận đến sự cứng cỏi mang vẻ mặt từng trải của những người đã mang “toàn bộ tuổi hai mươi ném vào rừng quần nhau với giặc” trong
Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn, Sống khó hơn là chết.
Trong Lạc rừng Trung Trung Đỉnh đã miêu tả không gian chiến tranh hiện lên với sự gian khổ và khốc liệt của cuộc chiến qua các hoạt động đánh phá của địch, khung cảnh chiến trường tan hoang sau mỗi trận đánh, sự chết chóc hoảng loạn sợ hãi và những tàn tích để lại. Không gian đặc quánh trong sự gầm rú của tiếng máy bay và khói súng, chan chát những tiếng nổ và sự thối nát bi thương “máy bay Mỹ quần đảo suốt ngày đêm trên đầu. Chúng bắn đại liên cả đêm. Thỉnh thoảng bom nổ rung chuyển và sau đó tiếng hú của đạn pháo” [24; 16]. Sự hủy diệt được chúng ủy thác khắp nơi: “Địch thả biệt kích khắp núi, khắp rừng,... Máy bay chúng thả bom liên hồi. Pháo từ các cao điểm dội nát những chòm rừng nghi vấn” [24; 22]. Chúng phá hoại không biết mệt mỏi: “Có tới gần hai tiếng đồng hồ, hết bom rồi lại pháo. Rồi lại bom. Chỏm rừng ấy thành đồi trọc”. “Bom nổ rung chuyển. Tôi giật bắn người mỗi lần có đợt bom và nhất là có tiếng gầm rít, tiếng hú của máy bay phản lực”. Mới tờ mờ sáng mà “máy bay trinh sát các loại của địch đã lượn sát sạt trên các triền núi. Rồi chúng phóng hỏa mù, bắn rốc-két, kêu pháo bầy nã cấp tập. Giữa trưa thì chúng thả bom. Bom hết đợt này tới đợt khác chồng lên nhau. Có dấu hiệu chúng càn lớn, sẽ đổ quân nống ra” [24; 51]. Những đợt ra tàn sát dã man của địch, với bầy trực thăng từ nhiều phía bâu lấy một chỏm rừng xanh và những luồng rốc két thay nhau phụt xuống “một dàn trực thăng đang hối hả chúi xuống trảng trống phía xa. Tiếng động cơ sôi réo. Tiếng súng nổ sát rạt. Cả cái thung lũng rộng lớn mịt mù sâu thăm thẳm này chìm trong tiếng động cơ máy bay và tiếng nổ” [23; 207]. Bom đạn tàn phá khắp núi rừng, nơi đâu cũng
in hằn dấu vết của những tàn tích đau thương của khói lửa chiến tranh: “những con đường mòn rách nát vì bom đạn và cây đổ, và ụ mối, và hầm hố, và chiến hào sạt lở, và trên hết vẫn là những dây tiếng nổ, có lúc đạn lửa vọt lên vẽ những đường vòng cung đan chéo nhau, có lúc côi pháo địch nã thành đợt dài đinh tai phía trước mặt... chúng tôi chạy trên con đường mòn nóng rẫy đầy khói và những hố đạn pháo” [24; 145]. Không khí hoảng loạn của cuộc chiến tranh diễn ra khắp nơi, nó đe dọa và phá tan cuộc sống sinh hoạt bình yên của buôn làng “tiếng máy bay sà thấp hơn. Không phải một chiếc mà có tới vài ba chiếc cùng bay một lúc, cùng sà xuống ngay trên chỏm rừng. Có