0
Tải bản đầy đủ (.doc) (119 trang)

Điểm nhìn từ ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG TRUNG ĐỈNH LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN (Trang 81 -85 )

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Điểm nhìn từ ngôi thứ nhất

Theo M.Bakhtin: “Trần thuật từ ngôi thứ nhất là tương đương với sự trần thuật của người kể chuyện”. Với lối trần thuật này, kết hợp với điểm nhìn của tác giả với tư cách là người trong cuộc, người đọc luôn thấy xuất hiện một nhân vật xưng tôi chủ động kể chuyện của mình. Chính điểm nhìn này đã chi phối rất nhiều đến ngôn ngữ mà tác giả sử dụng để trần thuật. Khảo sát những tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh, chúng tôi thấy ngôn ngữ kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chủ yếu được sử dụng để kể về những câu chuyện cuộc đời mình.

Bằng những nỗ lực đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm con người Trung Trung Đỉnh đã có những thay đổi rất rõ về phương thức trần thuật.

Không chỉ điểm nhìn của người kể chuyện mà điểm nhìn nhân vật cũng là cách trần thuật mà nhà văn đã sử dụng trong sáng tác của mình. Trong Lạc rừng, nhân vật xưng tôi để kể lại hành trình hòa nhập cộng đồng người Ba Nar, biết bao thử thách, gay go, những gì được nhìn, được thấy và trải nghiệm được nhân vật kể một cách sinh động. Với tư cách là người trong cuộc, nhân vật có nhiều điều kiện để giãi bày tâm sự. Là một chàng trai mười tám tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, sau mấy tháng huấn luyện, chân ướt chân ráo vào chiến trường, tham gia đánh trận đầu tiên thì bị lạc đơn vị. Sự khủng khiếp, khắc nghiệt của chiến tranh đã làm cho Bình đi từ ngạc nhiên đến sự sợ hãi, hoang mang: “Hồi còn ở đơn vị huấn luyện, và cả khi hành quân vào Nam, tôi chỉ nghĩ tới những trận đánh lớn, những tiếng hô xung phong và tôi luôn mơ trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Mọi điều giờ đây đảo ngược đến khủng khiếp thế này?...Giống như trong cơn ác mộng. Tôi đã đái ra quần từ lúc nào?” [24; 17]. Nhân vật Bình đã bộc lộ một cách chân thành những suy nghĩ cảm nhận của mình, không hề che dấu sự sợ hãi và yếu hèn rất bản năng của con người.

Trong tiểu thuyết Lính trận, Trung Trung Đỉnh đã lựa chọn điểm nhìn nhân vật, sử dụng ngôi thứ nhất xưng tôi với nhân vật chính là Bỉnh choắt, hay Bỉnh còi để miêu tả sinh động một tập thể những người lính trận sống trong một môi trường mà cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu trở thành một lẽ bình dị như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Xung quanh Bỉnh là đồng đội “tiểu đội chúng tôi còn có thằng Khôi đen. Thằng Năm ú ớ. Anh Tụ già. Thằng Xuyên con, Chính béo, Ton ngồng, tôi Bỉnh choắt, hay còn gọi Bỉnh còi. Rồi Tíu xoăn, Báu chèo, Ty hâm. Ty hâm cả ngày không nói lời nào, lúc rảnh cánh chúng tôi tụ tập đánh tú-lơ-khơ” [23; 15-16]. Nhà văn lựa chọn điểm nhìn của người trong cuộc để miêu tả sinh động những nét tính cách hồn nhiên của người lính trẻ năm xưa. Trong họ có sự đam mê, háo hức của tuổi trẻ, có sự lo âu muộn phiền của nỗi niềm riêng tư.

Với điểm nhìn của nhân vật, nhà văn đã tái hiện trận Pleime-Ia Đrăng là trận đánh đầu tiên của Bỉnh còi và đồng đội. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, đây là một trận đánh ghi dấu ấn đặc biệt trên chiến trường Tây Nguyên. Đồn Plei me là một cứ điểm được xây dựng kiên cố và phòng thủ vững chắc. Tiến hành chiến dịch Plei me khi có 3 trung đoàn bộ binh, và Bỉnh còi cùng đồng đội nằm trong đội hình trung đoàn 320, đánh viện binh địch trên đường 21. Bỉnh còi, trong trận đánh này đã phải chứng kiến sự hi sinh của không chỉ hai mà còn có hàng trăm đồng đội. Trong đó có một cô gái người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, H’Dên đã hi sinh ngay trước mắt anh “Mảnh pháo chém vào đá nhoáng nhoàng những chớp lửa. Bỗng một tảng đá trước của hang rung mạnh, tôi chỉ kịp kéo vai H’Dên giật lại. Tảng đá lở xuống, đè lên một chân H’Dên. Cô ưỡn người nhoài tới trước, nhưng không kịp. Tôi và Chuốt mỗi người một bên dùng hết sức lực lật tảng đá nhưng không nổi. H’Dên níu chặt tôi. Pháo địch vẫn nổ xung quanh đó…Máu từ chân H’Dên chảy tràn trong khe đá…Lửa đạn pháo chớp lóa mắt. Tôi nhảy vào chỗ H’Dên…Tôi như người điên, ngồi bệt dưới đất dùng tay cào phía dưới tảng đá. Máu ở chân H’Dên trộn lẫn đất bột đỏ sậm. Một quả pháo nữa ngoài cửa hang nổ. Một quả nữa. Rồi quả nữa” [23; 243]. Bằng việc lựa chọn điểm nhìn nhân vật, nhà văn đã trình ra trước mắt bạn đọc chân dung sắc nét về người lính.

Nhân vật người kể chuyện từ ngôi thứ nhất trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh trước hết là bộc lộ cái tôi cá nhân. Người kể chuyện cũng là người trong cuộc, xuất phát từ điểm nhìn của người trong cuộc trực tiếp chứng kiến các sự kiện, hoàn cảnh để mô tả, phân tích, bày tỏ thái độ của mình. Chính điểm nhìn này đã chi phối, điều hành toàn bộ hệ thống ngôn ngữ mà tác giả sử dụng. Những nhân vật xưng “tôi” trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh chủ yếu thể hiện cái nhìn về cuộc đời, về bi kịch, số phận và con người.

Chiến tranh đã lùi dần vào ký ức, nhưng nỗi ám ảnh của nó thì không gì có thể xóa được. Trung Trung Đỉnh luôn viết về những ngày tháng chiến tranh, nhân vật tôi trong tiểu thuyết của ông hầu hết là những người lính. Trở về sau cuộc chiến tranh oanh liệt, là những người anh hùng trong cuộc chiến đấu nhưng họ lại là những kẻ bại trận trong cuộc sống thời bình với nhiều bon chen, tính toán và thủ đoạn. Họ luôn lạc lõng nơi phố phường đông đúc ngột ngạt. Xuất phát từ điểm nhìn của tác giả, đã chi phối và tạo điều kiện cho nhân vật tôi thể hiện những trăn trở, suy tư của chính mình về hiện tại và quá khứ oai hùng một cách chân thật nhất. Trong Ngược chiều cái chết toàn bộ câu chuyện được kể lại qua dòng hồi ức của nhân vật nhân vật “tôi”. Câu chuyện bắt đầu từ cái chết của Rơ Lan Thương, người anh em kết nghĩa của “tôi”. Cái chết của Rơ Lan Thương, là nguyên cớ để “tôi” lần hồi tìm về dĩ vãng để truy tìm nguyên nhân. Nhân vật “tôi” lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời của người cha nuôi để cùng sống, cùng cảm nhận và cùng đánh giá, ghi nhận những đổi thay trong nhận thức của người cha. Ông chính là người lãnh đạo buôn làng xây dựng cuộc sống mới. Nhưng chính những sai lầm trong công tác lãnh đạo, chủ quan, duy ý chí, bảo thủ, cứng nhắc đã buộc ông phải trả một cái giá quá đắt bằng chính tính mạng của người con trai yêu quý của mình. Con đường nhận thức, đấu tranh với chính bản thân mình với bao dằn vặt, suy tư, chất vấn được nhân vật “tôi” chứng kiến và kể lại.

Trần thuật theo điểm nhìn của người trong cuộc nên thế giới nghệ thuật của tác giả trở nên gần gũi với người đọc, tạo ấn tượng về một hiện thực đang tiếp diễn. Chính yếu tố cốt truyện bên trong, cốt truyện tâm lý đã kéo theo lối kể chuyện từ ngôi thứ nhất như một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh. Việc sử dụng điểm nhìn nhân vật từ ngôi kể thứ nhất đã đem lại cái nhìn sâu sắc và nhân bản hơn cho câu chuyện. Đó là phương thức trần thuật giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về đời sống nội tâm

của nhân vật. Đó cũng là sự nỗ lực, cố gắng của nhà văn đưa tiểu thuyết gần hơn với cuộc sống đời thường.

Một phần của tài liệu HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA TRUNG TRUNG ĐỈNH LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN (Trang 81 -85 )

×