Mục đích của tác giả là đóng góp cho đơn vị những giải pháp hiệu quả để đơn vị đạt được những mục tiêu đề ra, vì thế phương hướng hoạt động và mục tiêu của đơn vị từ nay đến năm 2015 được trình bày ngay đầu chương 3. Sau đó là những nhóm giải pháp tác giả đề ra trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của đơn vị trong chương 2, đồng thời qua đó đã đề xuất một số kiến nghị với cơ quan quản lý thuế cấp trên, với ngay chính đơn vị và với các cấp chính quyền địa phương. Mong muốn chủ yếu của tác giả là những giải pháp và kiến nghị này có thể giúp cho Chi cục Thuế Biên Hòa tháo gở những khó khăn trước mắt và hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015.
KẾT LUẬN
Gắn liền với công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đảng và Chính Phủ cũng đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác đổi mới chính sách thuế. Hệ thống chính sách thuế mới được ban hành, được bổ sung, sửa đổi và triển khai thực hiện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng có tác động tích cực trong việc đổi mới cơ chế quản lý nền tài chính quốc gia ở Việt Nam. Những tác động tích cực đó góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, hướng dẫn phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh hơn; bước đầu cải thiện nguồn thu, kiểm soát được thâm hụt ngân sách, đẩy lùi khủng hoảng, kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường.
Đặc điểm của chính sách thuế trong luật tài chính là nó có phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh quyền uy, trong đó chủ thể Nhà nước có quan hệ pháp luật không bình đẳng đối với chủ thể là đối tượng nộp, nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp, của công dân được Nhà nước quy định và đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước; cho nên vấn đề hoàn thiện hệ thống chính sách thuế là vấn đề lớn trong toàn bộ chính sách tài chính quốc gia, có liên quan đến nhiều mặt đời sống xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện không đồng bộ, nhiều lần sẽ tạo tâm lý không ổn định cho người sản xuất kinh doanh, không có lợi cho sự phát triển chung. Cơ quan thuế các cấp cần quan tâm chỉ đạo hơn nữa trong việc góp ý dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
Các biện pháp đề ra có những biện pháp cơ bản nhưng nếu chỉ riêng ngành thuế sẽ không thể giải quyết nỗi. Điều này phụ thuộc vào những đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm phân công quản lý Cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị. Cơ quan thuế trong tổng thể bộ máy quản lý Nhà nước, thì việc đổi mới, việc hoàn thiện đòi hỏi sự đổi mới, hoàn thiện đồng bộ trong tổng thể đó.
Tóm lại một giải pháp dù có hợp lý, hiệu quả đến đâu, thì kết quả thâm nhập vào cuộc sống thực tiễn tùy thuộc rất lớn vào công tác tổ chức thực hiện. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết; Trước hết cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên tập trung chỉ đạo
công tác này, thực tiễn cho thấy ở những Chi cục Thuế mà cơ quan thuế tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra theo dõi của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì việc thực thi nhiệm vụ thu ngân sách đều vượt qua mọi trở ngại khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành thuế.