Cái nhìn của Thạch Lam về văn hóa ẩm thực qua các món quà Hà Nội

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 76 - 80)

quà Hà Nội .

Thạch Lam chú ý đến các thức quà dưới góc độ vật phẩm chứa đựng các giá trị văn hóa. Bởi bản thân quà đã là vật tương giao giữa các mối quan hệ giữa người mua -người bán,người cho- người nhận, người trên -người dưới…cùng những ý nghĩa kèm theo ngoài giá trị trực tiếp của vật phẩm: “Quà Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng ngon lành và lịch sự. Ở các thôn quê, chút "quà Hà Nội" là của mong đợi, và tỏ được lòng quý hóa của người cho. Con cháu ngày giỗ ky đưa về dâng cha mẹ, hay các bà mẹ ra tỉnh mua về cho các con, và chồng đi làm Nhà nước ngày nghỉ mua tặng cho cô vợ mới cưới ... Bao nhiêu ý tốt tình hay gửi vào trong chút quà nơi đô hội, món quà đem đến cho khắp nơi các vị sành và trang nhã của băm sáu phố phường”.

Không chỉ nhìn bởi con mắt của một thực khách sành ăn Thạch Lam còn thấy sự tương đồng giữa các món quà Hà Nội và tác phẩm văn chương. Không thể liệt kê hết tất cả quà Hà Nội, ông “chỉ chú ý đến những thức quà vĩnh viễn, mà có chút gì đặc biệt, đáng yêu”. Sự tồn tại dài hay ngắn của một món ăn cũng như sự tồn tại của tác phẩm văn học đều phụ thuộc vào giá trị tiềm tàng của nó: “ Cũng như một cuốn tiểu thuyết, nếu không có cái hay tiềm tàng, mà mỗi ngày một tỏ ra mới lạ, thì chỉ được hoan nghênh nhất thời, hoặc dài hay ngắn. Sự bất tử ở văn chương và ở thực phẩm thật có giống nhau” .

ẩm thực. Ông đã đưa cái đẹp, cái ngon trong sự ăn uống, sinh hoạt vào văn chương làm đẹp, làm giàu cho đời sống vật chất tinh thần của dân tộc.

Quà Hà Nội không còn là món quà ăn đơn thuần nữa mà là hiện thân của tình người, của văn hóa phi vật thể của không chỉ Hà Nội mà còn là tinh hoa ẩm thực của đất nước. Ở đây Thạch Lam và Nguyễn Tuân gặp nhau trong quan niệm cái đẹp, cụ thể là ăn đẹp. Cũng như Nguyễn Tuân, Thạch Lam trọng phẩm hơn trọng lượng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dùng đúng lúc, phải phù hợp mùa nào thức nấy và phải tinh. Cái ngon phải gắn với cái tinh, sạch và đẹp: “ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy, mới là người sành ăn”. Cũng như Thạch Lam, cái đẹp, cái ngon của quà Hà Nội cũng được Vũ Bằng nhắc đi nhắc lại đầy tự hào “Hà Nội ngon không phải chỉ ngon về những miếng ngon đặc biệt, nhưng ngon từ cách ăn uống ngon đi, ngon từ cách rao quà ngon xuống, ngon từ cách trình bày ngon tới, ngon từ cách thái miếng thịt, chia miếng bánh ngon lui”. có thể nói về quà Hà Nội như Băng Sơn, đó là sự kĩ càng trong thú vui ăn uống, ăn cho ngon chứ không phải ăn cho no, “Ăn lấy thích lấy vui chứ không phải ăn cho đầy bụng, ăn để cảm ứng mình với đất trời thiên nhiên, mưa nắng đêm ngày chứ không phải ăn thứ gì vào lúc nào cũng được”[59,117]. Mang trong lòng sự tự hào ấy nên Thạch Lam cũng như các nhà văn sau này luôn cảm thấy không thể viết hết được hết những gì mình muốn gửi gắm về ẩm thực Hà Nội: “vừa ý làm sao được khi mà trong óc mình sôi nổi bao nhiêu ý nghĩ hay, bao nhiêu hình ảnh đẹp, mà làm cách nào đi nữa cũng không thể phô diễn được hết cả ra cho người ta cùng cảm thấy! Ấy đấy cái kẻ nói về miếng ngon Hà Nội đây cũng vậy.”[28,258].

Quà Hà Nội đầy tinh tế, tài hoa, trang nhã. Cách ăn uống cũng được nhà văn quan tâm đến từng nét tinh vi, diễn tả một cách gợi cảm, hấp dẫn, hút người đọc vào sự tưởng tượng một không gian ẩm thực thanh lịch của mảnh

đất kinh kỳ. Qua các vấn đề xung quanh các thức quà Hà Nội Thạch Lam đã thẳng thắn phát biểu những quan niệm của mình về vai trò của nghệ thuật ẩm thực trong đời sống. Ông coi ăn uống là thước đo giá trị của con người, có thể đánh giá được một người qua cách ăn của họ: “hãy để ý quan sát bọn người ngồi ăn trong hiệu kia, nhận xét những cử chỉ, những nét mặt, và những tiếng cười của họ. Một cách cầm đũa, một cách đưa lên húp canh, bảo cho ta biết nhiều về một hạng người hơn là trăm pho sách. Và nhất là những thức mà họ ăn… Bảo cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào”. Quan điểm có vẻ như phiến diện này cũng được Băng Sơn sau này đồng tình: “Nhìn một người ăn quà, nhai nhỏ nhẹ hay nhồm nhoàm, và lùa hay thanh cảnh, nhai tóp tép hay ngậm miệng, người ta có thể đoán người đó thuộc thành phần nào, có phải là người Hà Nội gốc hay không”. Có thể nói không chỉ am hiểu về ẩm thực các nhà văn còn quan tâm đến nó như một cầu nối trong giao tiếp, văn hóa ứng xử của đời sống, xã hội. Không chỉ thể hiện cái tôi cá nhân trong sinh hoạt ăn uống mà Thạch Lam còn đòi hỏi người khác cũng có thái độ trân trọng, gìn giữ những phép tắc cơ bản trong lĩnh vực tưởng như phàm tục này. Đó là chưa kể phải biết thưởng thức những món ngon, quý, sang trọng ở các nhà hàng có tiếng ở Hà Nội, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của người nước khác. Chúng ta chưa có được lối ăn chơi thanh tao, cầu kỳ như người Tàu nhưng cũng không nên quá “luộm thuộm”, “cẩu thả” mà thành “tục tằn”. Do vậy việc phát hiện và đề xuất cần ứng xử với việc ăn, chơi như là thước đo sự hiểu biết và tầm độ văn hóa là một đóng góp của Thạch Lam cho văn hóa dân tộc và là nội dung độc đáo của Hà Nội băm sáu phố phường. Ẩm thực cũng có vai trò lớn thể hiện tinh túy văn hóa của từng vùng đất. Ăn uống cũng là quốc hồn quốc túy của một đất nước mà mỗi người dân phải có trách nhiệm học tập, gìn giữ và phát huy tinh hoa của dân tộc. Đinh Gia Khánh khi tổng quát phong tục người Việt trong ăn uống cũng có những điểm tương đồng với

Thạch Lam: “món ăn, cách thức ăn uống ở từng nước tức là quê hương lớn, ở từng làng xóm tức là quê hương nhỏ là biểu hiện của lối sống dân tộc, lối sống địa phương và bắt đầu rễ sâu xa vào truyền thống lịch sử, truyền thống của văn hóa của dân tộc địa phương. Món ăn là nội dung quan trọng góp phần tạo nên phong vị quê hương và có tác động không nhỏ vào tâm tư, tình cảm, vào cách ứng xử của mỗi tập đoàn người, của mỗi con người”.

Qua tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường Thạch Lam cũng cảnh báo một thực tế mảng văn hóa này cũng như văn hóa Hà Nội đang dần mai một, với một tinh thần đầy trách nhiệm ông nhắc nhở mọi người cần phải có thái độ đúng mực, phải biết trân trọng giữ gìn những gì mình đã có. Không phải là ngòi bút ưa bốp chát nhưng ông cũng phải đau xót thốt lên “thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần, và những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước nước ngoài: những kẻ mới giàu vô học có biết đâu thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn?”. Trước cái mới người ta thường háo hức khám phá mà vô tình quên đi những giá trị quý báu của dân tộc. Đó là thái độ rõ ràng của Thạch Lam trước những biến đổi của quà Hà Nội nói riêng và ẩm thực cả nước nói chung, yêu cầu khẩn thiết chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả yêu Hà Nội, yêu những không gian ẩm thực đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Viết về Hà Nội ba sáu phố phường, những thức quà rất đỗi bình dân, ông đứng ở vai trò của người bình dân thưởng thức ẩm thực. Từ góc độ của phong tục, cái đẹp của Thanh Lam làm sống dậy cái bình dị của cuộc sống một cách nhẹ nhàng không kém phần nên thơ. Nếu như Nguyễn Tuân viết về “ẩm thực” để cố đào sâu triết học bằng giọng điệu lý luận như khi ông viết về Cốm, Phở… chung quanh vấn đề bát phở ông đã bàn rộng ra bao nhiêu vấn đề to tát bất ngờ: nào là lịch sử biên thiên của Phở, nào là dân tộc tính, quần

chúng tính, nào là giá trị mỹ học của bát phở, nêu lên những vấn đề gọi là “tâm hồn của phở”, “một nền lý luận cho món phở”… Thạch Lam lại khác, ông viết về “ẩm thực” là tình quê hương giản dị quen thuộc. Đó là những thức quà rong, thức mặn có, thức ngọt có, những thức quà đó đi cùng với những tiếng rao hàng thân thuộc dường như không thể thiếu trong tâm thức của người Hà Nội từ bấy lâu nay.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 76 - 80)