ĐẶC SẮC NỘI DUNG CỦA KÝ THẠCH LAM 2.1 Vật thể văn hóa và quan niệm của Thạch Lam.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 37 - 43)

2.1. Vật thể văn hóa và quan niệm của Thạch Lam.

Nhắc đến đặc sắc của ký Thạch Lam trước hết phải kể đến Hà Nội băm sáu phố phường với hai mảng văn hóa nổi bật là những vật thể văn hóa và những giá trị văn hóa phi vật thể, nổi bật là văn hóa ẩm thực. Ở phương diện thứ nhất dù chiếm dung lượng không nhiều trong bài ký nhưng đây là mảng Thạch Lam cũng dành rất nhiều tâm huyết, thể hiện những quan điểm cá nhân đúng đắn, tiến bộ của ông về những vật thể, công trình văn hóa Hà Nội.

Những biển hàng trong Hà Nội băm sáu phố phường là bài viết ngắn, nhẹ nhàng ghi lại những quan sát của Thạch Lam về biển hàng ở phố Hàng Đào. Những biển hàng gắn với loài vật làm nên nét độc đáo của phố, là hiện thân của đời sống mua bán của người dân. Chỉ có Hàng Đào là con phố duy nhất trong ba sáu phố phường Hà Nội có các biển hàng về hình con vật và chỉ là những con vật hiền “không có con nào dữ cả”. Đó là trâu vàng, bò vàng, cá chép vàng, lạc đà, con gà sống, con hươu sao, con kỳ lân, con phượng (lai hoàng), con rùa, con vịt che ô, con voi, và con tê giác...“Con tê giác thì kể là vật dữ, nhưng con tê giác ở Hàng Đào thì lành lắm: nó không cắn ai bao giờ”.

Ông liệt kê từng con vật, phân loại từng loài và cố lý giải sự tồn tại của nó trong lôgic của hiện tượng. Ông băn khoăn “không hiểu tại sao bỗng dưng lại có con lạc đà. Con vật này hình như lạc loài vào đám ấy, giữa những con vật mà nó không quen bao giờ”, cái băn khoăn đáng yêu của người ưa khám phá, tìm tòi và lý giải. Ông tự tìm câu trả lời cho hiện tượng này trong nụ cười ý vị: “Vì những con vật trên kia là những con vật thần linh chăng, hay là những con vật chỉ lành có thể gợi lòng tin của khách mua? Con trâu, con hươu, con bò ... Những con vật này có làm hại được ai bao giờ đâu? Vào nhà con trâu, con hươu mua vải, lụa, chắc không bị hớ, chắc sẽ được nhà hàng tiếp

đãi niềm nở và tử tế (như các bà bán hàng Việt Nam biết tiếp khi khách chỉ mặc cả mà không mua, hay muốn mua mà trả rẻ), và nếu họ có bị dại như một con bò thì cũng được an ủi rằng ít ra cũng là một con bò vàng”. Và gắn với các biểu tượng này là những câu chuyện mang tính chất giai thoại, không xác định tạo nên sức hấp dẫn đầy bình dị. Nhận thấy nét độc đáo này của Hà Nội thì người viết phải chuyên tâm tìm hiểu và yêu mảnh đất này nhiều lắm.

Cũng nói về các biển hàng nhưng không phải gắn với loài vật mà là chữ viết. Dẫu không thể biết “Cái biển hàng nào viết bằng chữ Pháp đầu tiên treo ở phố Hà Nội” nhưng nhà văn ước tính cũng đã hơn sáu chục năm. Và cái chữ “phong phú nhất phương Tây” ấy đã trở thành phương tiện giao dịch hàng hóa phổ biến trong các biển hàng:“Bây giờ các biển hàng viết chữ Pháp chiếm đến chín phần mười trong các biển hàng. Nhiều hàng, tuy chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi, cũng để toàn chữ Pháp, cũng như ngày xưa họ toàn dùng chữ nho”. Từ lúc chưa thông thạo, sử dụng còn sai lỗi chính tả đến buồn cười, lai căng đến nay trên ba sáu phố người Việt đã tiến bộ hơn rất nhiều khi dùng chữ Pháp. Thạch Lam đã khảo sát các biển hàng ở tất cả các tuyến phố từ P.T. Coiffeur élégant (Bạch Mai), Boulangerie élégant (Hàng Bông), A la coupe de Paris - D.M. tailleur élégant (Hàng Quạt), - Aux paradis des élégant (Hàng Trống),- Aux trousseaux des élé-gants ... (Lê Quý Đôn), hiệu này đâu trước là: Au gout des élégant ... P.T. Tailleur des élégants (Hàng Quạt) ...” và kết luận “Toàn những Élégancel à Élégance, thật xứng đáng với (Hà thành hoa lệ)”. Ông đặc biệt chú ý đến các hiệu thợ may với những câu chữ Pháp lạ lùng. Từ phố đông đúc đến hang cùng ngõ hẻm đâu cũng thấy biển hàng, đâu cũng có chữ Pháp như biểu hiện của khả năng hợp thời của những người kinh doanh buôn bán.

Nhưng tất cả đều là những thứ học đòi. Người sử dụng không hiểu biết nên dùng sai luật, sai nghĩa, sai chính tả. Những biển hiệu tân thời ấy lại thành

ra lố bịch, phản văn hóa. Ông chắc cũng không lấy gì làm vui vẻ khi khảo sát nhiều, dẫn ra nhiều những cái sai sót, cái buồn cười của các của hiệu, của các tờ báo nhưng không thể không lên tiếng trước những cái lố lăng đang diễn ra ấy. Nói đến các biển hàng chữ Pháp Thạch Lam lại nhắc đến các biển hàng ngày xưa. Trong hơn hai trang văn cái quá khứ xưa - nay cứ đan xen hiển hiện như một sự so sánh thể hiện thấm thía những gì ông nuối tiếc. Thạch Lam không phải là người hoài cổ, đi tìm sự cầu kỳ nhưng ông thực sự tiếc những cái đẹp mang chiều sâu văn hóa của dân tộc đang dần mai một. Cái “nghệ thuật biển hàng" ở Hà Nội đã mất,“Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ gì liền với cơ nghiệp và số vận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện của những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng. Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng, và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ở những cái biển cũ đã tróc sơn, mà gió mưa bao nhiêu năm đã làm lạt cả vàng son, những nét chữ mạnh mẽ và rắn rỏi vẫn còn như nguyên mới”. Thạch Lam nâng niu trân trọng giá trị văn học, những nét đẹp ẩn chứa trong những vật thể này. Ở đó kết đọng những phẩm chất tốt đẹp của một thương hiệu, là kết tinh của những giá trị thư pháp, truyền thống quý báu, là công sức vun đắp của nhiều thế hệ mới có được.

Đem đến cho người xem, người mua cái khoái cảm, cái tin cậy, thể hiện uy tín của người treo cũng là giá trị đặc biệt của các biển hàng :“Tôi không khỏi bao giờ đi qua không dừng bước lại ngắm nghía ba chữ đại. "Vạn Thảo Đường" trên cái biển cũ kỹ của hiệu thuốc ấy ở đầu phố Hàng Đường. Ba chữ "Đông Hưng Viên" cũng sắc nét và còn mới hơn. Ngày trước còn mấy chữ "Cộng Hòa Đường" viết bằng son đỏ tươi, lối nửa chân nửa lệ, chữ bay bướm, trông đến thích cả mắt”. Nay không những thay đổi chữ mà cách trang trí biển hiệu cũng khác, đầy màu sắc và hào nhoáng “những ánh sáng và thức

hàng làm lóe mắt” và Thạch Lam ngỡ ngàng và đau buồn khi thấy “Tất cả cái gì cũng thay mới người ta không những thấy có biển hàng, người ta thấy cả bề mặt cái cửa hàng nữa. Và sự thay đổi bề ngoài ấy đem đến cho phố xá Hà Nội một vẻ mới riêng, hơi lạ lùng và đột ngột.”

Nhắc đến biển hiệu chúng tôi lại nghĩ đến những tên cửa hàng toàn tiếng Anh hiện nay, những biển hàng mà không đọc tên từng con đường thì ngỡ như mình lạc vào một đất nước khác. Nhưng có lẽ những giá trị chân thực của truyền thống vẫn níu giữ những tâm hồn Việt. Những giá trị nguồn cội bây giờ đang lại trở về không chỉ trong tàu lá chuối ở những quán cà phê, những tấm phên nứa hay bộ ghế mây trong những nhà hàng ẩm thực mà đang trở về trong chính tâm thức mọi người. Bên cạnh các biển hiệu @, Coffe, KFC...các tên gọi thuần việt như Tĩnh quán, Lối xưa, Hồn quê...đã và đang nhắc lại cho ta những khoảng lặng tâm hồn trong cái ồn ào náo nhiệt của cuộc sống.

Trước những gì đang diễn ra Thạch Lam bày tỏ sự bất bình của mình, thẳng thắn phản đối sự pha tạp, lai căng đang thay đổi những công trình văn hóa ở Hà Nội. Những câu văn từ dí dỏm bông đùa nay lắng lại xúc cảm “Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm”. Ông luyến tiếc “Những phố cũ, hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bậc như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo” và ông không quên nhắc lại

“những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa”. Hà Nội cũ đó chỉ còn lại chút dấu vết trong lòng người ở “một vài cái ngõ con ... ngõ Phất Lộc, ngõ Trung Yên ... mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng ô Quan Chưởng”. Dạo qua ba mươi sáu phố phường ở đâu cũng có “những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng.

Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh”, nhưng cái văn minh ấy chẳng đem đến cho người “lòng thư thả và mải tìm sự đẹp” cái gì thú vị để khám phá nữa. Thạch Lam đang vẽ một bức tranh từ hoài niệm về con đường, cửa hàng, nhà, bộ tràng kỷ, sân vuông lộ thiên, bể cá, bể đựng nước, các vật trang trí trên tường, cây cảnh cùng những con người sống động. Tất cả hiện ra như trước mắt, như mới đâu đây. Các cấu trúc vật thể cũ, lối kiến trúc riêng của những nhà cũ, những con người trở thành dĩ vãng, chỉ còn trong nỗi nhớ của những người yêu Hà Nội như Thạch Lam mà thôi.

Nỗi niềm hoài cổ được thốt lên thành lời. Hà Nội của “năm sáu mươi năm trở về trước” đã không còn gì huống hồ là “Thăng Long của vua Lê, của chúa Trịnh”. Nhà văn thảng thốt “đâu còn những cung điện ngày xưa, những phụ đế của các bậc công hầu khanh tướng?”. Nỗi niềm hoài niệm này của ông có thể giải thích bằng nhận định của Hoàng Quốc Hải trong Tản mạn Thạch Lam: “Thạch Lam là dân Âu học, lại ở trong một văn đoàn chủ trương cách tân xã hội, phá bỏ cơ cấu gia đình truyền thống. Riêng ông lặng lẽ gìn giữ những giá trị văn học cổ truyền, như gìn giữ các ngôi đền thiêng bằng các tác phẩm vừa giàu tính nhân văn, vừa sâu sắc chất phong tục. Vì sao vậy? Ấy là bởi ông có cái thiên bẩm của tâm linh phương đông và tâm thức dân tộc”[57,627].

Thạch Lam vẫn cố tìm những dấu vết còn sót lại của quá khứ trong đêm khuya, khi Hà Nội “phô bày vẻ thật” của mình. Ông nhận ra “Các nhà chỉ thay đổi có phía dưới sự thay đổi ít khi lên đến tầng trên” bởi vậy ông mong muốn “nếu người ta có phép gì cắt bỏ các tầng dưới và đặt các tầng trên xuống đất, chúng ta sẽ có một hàng phố cũ kỹ với những hàng bát quái, mảnh gương và dơi bay một phố từa tựa như phố của kinh kỳ xưa, chắc thế”.

Cái mong muốn có thể là buồn cười, vô lý nhưng đó là mong muốn của một người yêu cái đẹp văn hóa. Các công trình mới xuất hiện chẳng làm thành phố

đẹp thêm mà trở nên lệch lạc, vô duyên. Đó là tượng dựng trước cửa phủ toàn quyền hay các cột điện thừa vô duyên làm “giảm mất đến chín phần mười” vẻ đẹp của đền Ngọc Sơn. Cái cột ngay bên cổng đền ấy “chằng chịt và cả đèn điện với những cái "bình tích" bằng sứ trắng, khiến cho cái cột sắt sơn hắc ín đó như một thứ cây già mọi rợ vụng về” . Đó là một cái ruột thừa làm đau những cơ thể văn hóa đến lúc phải cắt bỏ nếu không sẽ làm đau đớn và hủy hoại cơ thể đó. Đền Ngọc Sơn là địa chỉ văn hóa linh thiêng kết tinh cả đời sống tâm linh của người Hà Nội nhưng không chỉ một lần bị thêm thắt các chi tiết tân thời lạc điệu. Hết cột điện rồi đến những vòng sắt nền, cái văn minh công nghiệp đặt không đúng chỗ làm những người như Thạch Lam chướng mắt vô cùng. Ai cũng biết công dụng của việc mắc đèn, ông cũng đồng tình với việc đưa văn minh công nghiệp vào để tăng vẻ đẹp và lợi ích sử dụng nhưng phải theo một cách khác “mắc đèn vào những chỗ lõm khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, không kể cái lối ánh sáng đập lại ấy dịu dàng và làm tôn cảnh đền hơn lên”.

Bóp ở đền Quán Thánh dù đã xây dựng để giống hình một ngôi chùa nhưng không thể nhận được sự đồng tình của Thạch Lam bởi “cái chùa giả ấy trong đó thấy cảnh sát thay nhà sư không đánh lừa được ai hết, nhất là người yêu mỹ thuật, yêu Hà Nội, yêu cái vẻ cổ kính của đền chùa”. Và một lần nữa ông đề xuất một phương án khác vừa đảm bảo việc trị an của thành phố vừa không xâm hại đến các di tích văn hóa đó là dời sang vườn hoa đầu đường Quan Thánh bởi “những đường vạch thẳng ngay ngắn của vườn hoa ấy lại hòa hợp với cái hình thù vuông vắn của nhà bóp lắm”.

Thạch Lam không phải là người bảo thủ, không thấy được giá trị của những tiến bộ của thời đại mới. Ông có vốn tây học lớn, hiểu biết nhiều nền văn hóa tiên tiến thời bấy giờ, là người của thế hệ trẻ có khả năng tương tác

nhạy cảm với cái mới nhưng ông luôn có ý thức nâng niu và bảo tồn những giá trị truyền thống. Ông biết cái ích lợi của những phố gạch và dãy nhà thẳng và đứng hàng nhưng ông vẫn tiếc vì nó làm mất đi vẻ tự nhiên, vẻ yên tĩnh và tốt đẹp của những giá trị ổn định trong đời sống dân tộc, của một Thăng Long cổ kính mang vẻ đẹp xưa. Hình ảnh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn luôn thiêng liêng, cao quý trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung. Mọi sự thay đổi, gán ghép dù chỉ mới trong ý định cũng không thể chấp nhận. Với tầm nhìn văn hóa vượt thời đại, bằng cảm quan nghệ thuật tinh tế Thạch Lam sớm nhận ra vẻ đẹp hoàn mỹ và giá trị đích thực của các công trình, những di sản văn hóa đó. Những việc làm dù với dụng ý tốt đẹp nhưng thiếu mất cái nhìn của người có thẩm mỹ thì đều là “sự thêm thắt xấu xa”, “bôi nhọ vẻ đẹp” mà thôi.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w