Ký trong văn nghiệp Thạch Lam

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 37)

Trước khi trở thành nhà văn Thạch Lam đã là một nhà báo. Ông đóng góp nhiều cho báo Phong hóa, Ngày nay cả về phương diện quản lý (chủ nhiệm báo Ngày nay) và viết bài. Với bút danh Việt Sinh, ông viết rất hăng hái thử bút trên các thể loại: “ngoài những bài ký sự, phóng sự, phóng sự ảnh, những bài báo giới thiệu những cái mới, cái đẹp, phù hợp với nền văn minh nhân loại, những bài báo phê bình những hội hè tốn kém chỉ làm khổ dân lành v…v, ông còn viết thường xuyên ở các mục Điểm báo, Người và việc, Cuộc đời mới, Văn chương…”[58].

Những thiên phóng sự tiêu biểu của ông như: Một năm cao đẳng, Hà Nội ban đêm (viết chung với Trần Khang), Bóng người Yên Thế, Một tháng ở nhà thương, Đánh cá Hồ Tây, Thượng Hải mĩ dạ nương, Ném đá ( Viết chung với Nhất Chi Mai) đăng trên Phong hóaNgày nay lần lượt trên nhiều số đã tạo được sự chú ý và ấn tượng tốt trong độc giả. Nhiều bài báo Thạch Lam đã trực diện bộc lộ thái độ của mình trước các vấn đề bức thiết của xã hội như các Ông Nghị và Viện dân biểu chỉ là một thứ hình thức, dân chủ giả hiệu, chẳng lợi ích gì cho dân trong các bài báo Mở màn, Cẩm nang ông Nghị hoàn toàn. Bởi vì“ Viện họp để bàn cãi như mọi năm, xét những việc đã qua, đã làm rồi mà cũng không thể khác được, vì chính phủ vẫn có những quyền nghe hay không những lời của Viện, chuẩn hay không những yêu cầu của Viện”. Các

ông Nghị vào được Viện dân hiểu không phải để ích quốc lợi dân, để thay mặt cho dân và để đạt ý nguyện của dân lên chính phủ, để tỏ ra là mình là người biết thương nước, thương nòi” mà là “để được gọi là quan Nghị, được bắt tay quan sứ, ra vào dinh quan Tuần, đi xe hảo hạng nhất, hát cô đào, ăn cơm tây, uống sâm banh và lĩnh tiền phụ cấp”.Hoặc ông phê phán cách ăn, ở những thói hư tật xấu, những hủ tục gây lãng phí cho dân qua các bài Ngày nay ở với hội hè, Nhà cửa An Nam, Quần áo mới, Ăn tiêu tết v…v. Có thể nói trong tư cách nhà báo, một người viết phóng sự, Thạch Lam thể hiện quan điểm, thái độ khá thẳng thắn, mạnh bạo, khác nhiều với một Thạch Lam nhà văn nhẹ nhàng, điềm tĩnh, trong truyện ngắn, tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhìn chung so với các tác giả khác thì phóng sự Thạch Lam không thành công bằng. Bởi phóng sự là một thể đòi hỏi người viết đi sâu vào từng ngóc ngách của đời sống hiện thực khách quan, phải trực diện tiếp xúc, phanh phui những sự việc cụ thể đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày với một ngòi bút phân tích, phê phán mạnh mẽ. Điều đó có thể rất hợp với Vũ Trọng Phụng, Tâm Lang, Trọng Lang v…v còn đối với ngòi bút Thạch Lam thì không được hợp cho lắm.

Do vậy, ngòi bút viết ký của Thạch Lam đã dần chuyển hướng. Ông không chuyên chủ vào phóng sự và trong phóng sự cũng không chọn hướng đi sâu vào đời sống tối tăm lầm than nơi ngõ hẹp ngoại ô như Nguyễn Đình Lạp, không đi theo hướng hồi ký, kể lại những mảnh đời vất vả thương đau như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, không hoài cổ cầu kỳ như ký Nguyễn Tuân mà ông chọn cho mình một hướng viết mới đi sâu vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu cho những nét đẹp dân tộc, kết đọng những tinh hoa văn hóa từ trong đời sống sinh hoạt bình dị của người dân nhất là những người dân Hà Nội.

Tóm lại từ các đặc điểm chung của ký, sự nghiệp văn học của Thạch Lam và ký trong văn nghiệp Thạch Lam đã trình bày ở trên có thể thấy ký là một thể loại có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền văn học hiện đại, chiếm vị trí đáng kể trong văn nghiệp của Thạch Lam. Nghiên cứu về thể loại này nói chung và đặc sắc của ký trong sự nghiệp sáng tác của ông là việc làm cần thiết mà chúng tôi góp một phần nhỏ thể hiện trong các chương đặc biệt là đặc sắc ký Thạch Lam về mặt nội dung và nghệ thuật sẽ được trình bày cụ thể trong các chương tiếp theo.

Chương 2

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 37)