Tiêu đề cuốn sách Theo dòng cũng là tên gọi của một mục tờ báo do Thạch Lam quản lý. Tập tiểu luận bao gồm 17 bài báo đã đăng tải trên các báo Ngày Nay và Chủ nhật từ năm 1939-1940, được in xong năm 1941 bởi nhà xuất bản Đời nay. Có thể nói tiểu luận Theo dòng là sự đúc kết những ý tưởng, những suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề lý luận văn học qua thực tế sáng
tác của nhà văn Thạch Lam. Tập tiểu luận là một hệ thống quan niệm đúng đắn, sâu sắc với cái nhìn vượt tầm thời đại mang đậm phong cách ngòi bút Thạch Lam. Theo dòng được nhà văn triển khai thành ý nhỏ, tản mạn nhưng súc tích dễ hiểu, dễ tiếp cận những vấn đề thiết yếu của văn học.
Theo dòng là những quan điểm mang tính lý thuyết và cũng in dấu trong thực tiễn sáng tác của Thạch Lam, có nhiều vấn đề ông nêu quan điểm của mình nhưng nổi bật là những vấn đề sau:
- Quan niệm về nhà văn, tác phẩm
Ông phê phán những biểu hiện lệch lạc của những người sáng tác và bàn những yêu cầu cơ bản về văn chương và nhà văn. Theo Thạch Lam phẩm chất đầu tiên của nhà văn là phải kiên trì chịu khó, luôn băn khoăn trăn trở, khổ luyện nhưng vấn đề lớn nhất và trọng yếu nhất đối với một nhà văn là sự thành thực. Thành thực trong cảm xúc, trong quan sát phản ánh và đặc biệt với chính mình thì mới là nhà văn chân chính. Bàn về tác phẩm văn học, Thạch Lam viết: “Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời để suy xét đến tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi”. Quan niệm này của Thạch Lam tuy không phải không có những hạn chế, nhưng ở thời điểm đầu thế kỷ XX mà Thạch Lam đã chỉ ra được những yêu cầu toàn diện cả về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học, thấy được vấn đề nhất thời và vĩnh cửu của tác phẩm văn học là điều đáng trân trọng.
- Quan niệm về Tiểu thuyết
Sau khi điểm lại các quan niệm của các trường phái tiểu thuyết nổi tiếng thế giới và phát biểu chủ kiến riêng của mình ông nêu ra những đòi hỏi về một số yếu tố cơ bản của tiểu thuyết.
Đối với nhân vật, Thạch Lam quan niệm không có con người “hoàn toàn” trong đời sống (hiểu theo nghĩa hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu), do
vậy không thể có kiểu nhân vật “hoàn toàn” được. “Chính vì một nhân vật hoàn toàn là một nhân vật không có thực, một nhân vật được đặt bởi tác giả và vì thế không linh động chút nào”.Nhân vật tiểu thuyết hiện đại phải là những nhân vật thật và hoạt động, muốn vậy phải quan sát đúng, cặn kẽ, cụ thể bởi “những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt, vụn vặt hay tỷ mỷ chính lại là nhưng cốt yếu của tiểu thuyết hay”. Con người trong tiểu thuyết phải là con người của cuộc sống, nhà văn phải đặc biệt quan tâm đến thế giới bên trong, thế giới nội tâm của nhân vật. Như vậy Thạch Lam đã là một trong những người đề cao tính đa diện, phức tạp của nhân vật trong tiểu thuyết.
Quan niệm về chức năng của tiểu thuyết và người đọc tiểu thuyết của Thạch Lam cũng có nhiều điều mới mẻ thể hiện cái nhìn đa dạng của ông về thể loại này. Ông xem trọng chức năng giáo dục và thẩm mỹ khi bàn đến chức năng chủ yếu của tiểu thuyết là “dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng”, “tiểu thuyết sẽ đem sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng ta”.
Tiểu thuyết sẽ lay động tâm hồn, dạy nó biết rung động trước cái đẹp, cái cao cả và làm “chúng ta là người một cách hoàn toàn hơn”. Mong muốn đó của Thạch Lam về chức năng của tiểu thuyết là mong muốn của một người nghệ sĩ thực thụ, sáng tạo thực thụ để những sản phẩm từ tâm hồn mình sẽ đến với người tiếp nhận, góp phần thay đổi cuộc sống không chỉ một người mà còn thay đổi tất cả “những người sống như cây cỏ, một đời sống tẻ ngắt và khó khăn, phẳng lặng như mặt nước ao tù” đang hiện diện trên cõi đời này.
- Quan niệm về độc giả
Thạch Lam chia độc giả thành hai hạng. Hạng độc giả thứ nhất chỉ cốt xem cốt truyện để mua vui, không biết thưởng thức cái đẹp. Hạng độc giả thứ hai thích tìm tòi, suy nghĩ, theo đuổi cái đẹp. Thạch Lam đề cao hạng độc giả thứ hai này, xem họ là mực thước đo trình độ văn chương. Trong thực tiễn sáng tác, Thạch Lam đã giành tất cả tài năng và tâm huyết để sáng tác phục vụ
hạng độc giả thích tìm tòi, suy nghĩ và theo đuổi cái đẹp. Bằng chứng là văn Thạch Lam thường không có cốt truyện đặc biệt mà chỉ là những tiếng lòng, những cảm xúc cảm giác, những quá trình tâm lý của con người.
- Quan niệm về tiếp nhận văn học
Thạch Lam một mặt thừa nhận sự ảnh hưởng của nền văn học Pháp. Mặt khác, ông chủ trương tiếp nhận một cách chủ động, sáng tạo, bình đẳng, không chịu ép mình theo một khuôn sáo nào. Quan niệm này của Thạch Lam là hết sức tiến bộ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đọc tác phẩm của ông ta thấy, Thạch Lam có cái hiện đại giống với nhiều nhà văn ngoại quốc, nhưng Thạch Lam vẫn được xem là một nhà dân tộc học trong trang văn của mình.
Như vậy, tập tiểu luận Theo dòng đã kết tinh những tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của Thạch Lam. Những quan niệm văn chương của ông trong cuốn tiểu luận này tuy chưa phải đã là mẫu mực, chưa phải đã là chân lý nhưng trong hơn 50 trang viết của Thạch Lam chúng ta vẫn nhận thấy sự ngắn gọn, hấp dẫn, sâu sắc, chứa đựng những phát hiện bất ngờ trong tư tưởng nghệ thuật của ông. Quan niệm văn chương của Thạch Lam nhìn chung là mới mẻ, tiến bộ, vẫn giữ nguyên giá trị đến nay. Thạch Lam đã đề cập khá toàn diện đến những vấn đề cốt yếu của văn chương, từ phẩm chất của nhà phê bình văn học, chức năng giá trị văn học, cái đẹp, thể loại tiểu thuyết đến vấn đề nhà văn, tác phẩm, bạn đọc và tiếp nhận văn học. Những vấn đề ông đề cập vẫn là những thước đo của bất cứ nhà văn nào trên con đường sáng tạo nghệ thuật chân chính. Những quan niệm sắc sảo của Thạch Lam đã góp phần không nhỏ vào việc làm phong phú tư duy lí luận và hiện đại hoá nền văn học nước ta chặng đường đầu thế kỷ XX. Ngày nay khi lí luận văn học đã phát triển mạnh mẽ, những quan niệm của Thạch Lam về văn chương vẫn còn nhiều giá trị bởi những quan niệm, nhận định, những trăn trở của Thạch Lam về văn chương không khô héo trong hình thức lí luận mà được ấp ủ trong thực
tiễn sáng tác sinh động. Hệ thống tác phẩm của Thạch Lam từ “Gió đầu mùa”, “Sợi tóc”, “Nắng trong vườn” đến tiểu thuyết “Ngày mới” chính là sự minh chứng cho quan niệm văn chương nghệ thuật của ông.
Ngoài các thể loại trên, góp phần tạo nên sự nghiệp văn chương của Thạch Lam còn có thể loại ký. Theo nội dung chính của đề tài chúng tôi khảo sát một số vấn đề chung về ký trong văn nghiệp Thạch Lam trong mục dưới đây.