Phong tục cổ truyền

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 91)

Viết về những giá trị văn hóa phi vật thể ký Thạch Lam thành công nhất trong văn hóa ẩm thực với Hà Nội băm sáu phố phường. Tuy vậy ngoài tập bút ký trên thì những giá trị văn hóa phi vật thể khác cũng được ông thể hiện thành công trong các bài ký như Trước tết, tết và sau tết , Trẻ con lấy vợ

(viết chung với Phạm Xuân Cảnh), Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang.

Đặc sắc của ký Thạch Lam viết về phong tục cổ truyền không quá nổi bật nhưng cũng đáng ghi nhận ở các điểm sau:

Trước hết khái niệm phong tục tập quán, theo Từ điển tiếng Việt của nhà xuất bản Đà Nẵng được hiểu đó là thói quen tục lệ đã ăn sâu vào đời sống xã hội được mọi người công nhận và làm theo (phong tục), là thói quen đã hình thành nếp sống xã hội, trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày được mọi người công nhận và làm theo (tập quán).

Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những phong tục tập quán riêng của quốc gia mình. Việt Nam cũng không nằm ngoài điều đó. Những tập tục riêng, những thói quen riêng đã hình thành ngay trong đời sống

tâm thức của con người và ổn định thành nền nếp, được cộng đồng thừa nhận và tự giác thực hiện, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên tính tương đối thống nhất của cộng đồng. Phong tục không mang tính cố định và bắt buộc như nghi lễ, nghi thức, tuy nhiên nó cũng không tuỳ tiện, nhất thời như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững. Phong tục thể hiện qua nhiều chu kì khác nhau của đời sống con người, là một bộ phận của văn hoá, có vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống của một dân tộc, địa phương, nó ảnh hưởng, thậm chí chế định nhiều ứng xử của cá nhân trong cộng đồng. Cùng với sự phát triển của xã hội, một số phong tục không còn phù hợp với thời đại mới, bị đào thải, trong khi một số phong tục mới được hình thành.

Thạch Lam không phải là một trong những nhà văn, nhà viết ký viết nhiều về các phong tục tập quán của người Việt. Tuy vậy đến với ký về đề tài này của ông chúng ta vẫn được khám phá và tìm hiểu những phong tục rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày đầy thú vị.

Trong Trẻ con lấy vợ (viết chung với Phạm Xuân Cảnh), một đám cưới được tác giả diễn tả dưới con mắt một đứa trẻ mười bốn tuổi và cũng là chú rể của đám cưới ấy. Ngày xưa người ta thường lấy vợ sớm “mới có mười bốn tuổi đầu, hãy còn để chỏm”, mục đích cũng rất giản đơn: “lấy nó về cho nó đỡ đần u lúc tuổi già” và lấy vợ theo kiểu “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Vì vậy chú rể không biết trước mặt vợ và thụ động làm theo người lớn tất cả những thủ tục lễ nghi trong đám cưới của mình cũng là điều dễ hiểu.

Cũng như các đám cưới khác ở thời điểm ấy, đám cưới của “tôi” được Thạch Lam và Phạm Xuân Cảnh miêu tả tỷ mỉ, cụ thể tất cả các công đoạn từ chuẩn bị tổ chức, sắm sửa đồ đạc đến các tục lệ trong ngày cưới, sau đám cưới...Với ngòi bút đầy dí dỏm dưới con mắt trẻ thơ các phong tục truyền thống cưới hỏi của người Việt được tác giả khắc họa chân thực, sống động.

Nhà trai chuẩn bị sắm sửa tổ chức đám cưới thật công phu, đầy bận rộn và tốn kém, sửa soạn lỉnh kỉnh, kéo mành mành, rải chiếu mới, và “ănuống mất tiền trăm, bạc chục”. Những ngày chuẩn bị đám cưới là những ngày bề bộn và đòi hỏi nhiều công sức nhất của cả nhà. Vừa phải chuẩn bị mâm cỗ lại thêm nhiều lễ vật, thêm vào đó trang phục chú rể cũng phải khác ngày thường rất nhiều: áo cộc bằng lụa nhuộm đỏ mới nguyên, quần chúc bâu chưa giặt lần nào vừa dầy vừa cứng, thắt một cái thắt lưng nhiễu điều, áo ngoài màu hơi đo đỏ, gấm tàu, hoa to bằng cái miệng bát, khăn và giầy mới. Tất cả làm nên diện mạo mới, không khí mới đầy háo hức cho ngày trọng đại nhất của cả đời người.

Chỉ trong vài nét mà Thạch Lam và Phạm Xuân Cảnh đã vẽ được bức tranh đón dâu tươi vui của làng quê Việt Nam. Họ hàng đông đủ, quần áo mới, náo nức đòi xem mặt chú rể. Lúc bắt đầu đi thì “đốt một bánh pháo điện”, qua nhà cô dâu “hết mâm nọ đến mâm kia bưng ra, cười nói luyên thuyên, mà giọng nói cứ thấy nhè nhè dần”. Ngay cả tục thách cưới ở đám cưới này cũng rất đặc biệt: “nhà gái thách chẵn một trăm, u tôi bớt đi có hai chục mà họ nhất định không, nhất định không cho dâu ra. Rồi hai nhà sinh ra to tiếng”, “bớt một thêm hai, kỳ kèo mãi mới ngã giá đúng tám mươi nhăm đồng, không bớt một trinh”. Thách cưới là một lệ tục không thể thiếu trong đám cưới ngày xưa. Đây là một phong tục lạc hậu trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái có khi làm cho chàng rể phải bỏ cuộc. Ngày nay, tục thách cưới gần như đã không còn nữa, mà đó chỉ còn là một thủ tục để nhà trai tỏ lòng tôn trọng nhà gái. Trước khi ăn hỏi, nhà trai đến nhà gái xin ý kiến về vấn đề này, thường thì nhà gái không nêu yêu cầu cụ thể mà nói "Tuỳ thuộc vào nhà trai", âu cũng là nét đẹp văn hoá thể hiện tình cảm và mối giao hoà giữa nhà trai và nhà gái.

Sau khi đón dâu hai vợ chồng mới cưới đi lễ đền thờ theo phong tục truyền thống: “họ giải một cái chiếu cạp điều xuống đất, rồi bà Bá, cụ Bá ngồi

trên sập để chúng tôi lễ”. Người nhận lễ mừng cưới, chúc phúc cho đôi vợ chống mới. Đây là những nghi thức tốt đẹp thể hiện sự kính trọng người lớn tuổi, ghi nhớ công đức và tiếp nối giá trị truyền thống của tổ tiên. Sau khi lễ đền thờ trở về đôi tân lang, tân nương còn phải thi hành nhiều lễ khác đến

“mỏi dừ cả đầu gối mà vẫn chưa thôi”. Ngay cả đến lúc nhập phòng cũng chưa phải đã hết lo cho chú rể nhỏ tuổi, tân lang phải “tìm con gà bẻ đầu ăn ngay về sau vợ không bắt nạt”, lo lắng thế nhưng cũng không thể nhanh chân bằng vợ mới. Tục cưới có nhiều phong tục đẹp nhưng cũng có nhiều điều phiền hà, rắc rối mà sau này, cùng với sự phát triển của xã hội các phong tục không phù hợp dần bị loại bỏ.

Khác với phong tục cưới hỏi, những phong tục ngày tết dành cho tất cả mọi lứa tuổi, mọi người dân đất Việt. Trước tết, tết và sau tết là bài ký ngắn ghi lại trình tự diễn biến của những ngày này với một giọng văn vui tươi, đầm ấm.

Ngày tết luôn là ngày mong đợi trong tâm trạng của người Việt: “mong từ tháng một mong đi, lần tính từng ngày”. Đó là cột mốc đánh dấu những thay đổi trong năm, ghi dấu những năm tháng cuộc đời. Trẻ con ngày xưa thích tết đơn giản chỉ vì được mặc quần áo đẹp, pháo đốt chơi, được tiền tiêu còn người lớn thì thích tết bởi nhiều lý do khác. Tết quả thực lắm cái vui: “xác pháo để rải rác trước thềm nhà, vì rượu mùi, vì hoa cúc hay vì gió lạnh làm cho người ta gần gũi bên ngọn lửa mà kể chuyện tết năm ngoái, năm xưa”. Và không chỉ vậy tết là thời điểm đoàn tụ, là những khoảng khắc thiêng liêng để mỗi người thấm thía thêm giá trị của nguồn cội, của gia đình.

Những ngày tết được diễn tả theo trình tự. Ngày 29 là ngày dọn dẹp để chờ tết nên “nhà cửa tự nhiên có vẻ khác hẳn, trông ngăn nắp, sạch sẽ, sáng sủa”. Nhà cửa được trang hoàng ở mọi nơi “Trên cột, trên tường, giấy đỏ dán lung tung mảnh thì ba chữ, mảnh thì năm. Tôi đã mua của các cụ đồ nho còng

lưng viết ở các bờ hè”. Thêm vào đó cánh cửa được gián hai ông Tiến tài, Tiến lộc, tranh gà lợn, chuột mèo xanh xanh đỏ đỏ thì được lũ trẻ con rất yêu thích. Tục xin chữ, mua chữ, mua tranh ngày tết và trang hoàng nhà cửa làm nên sự thay đổi của ngôi nhà người Việt, tạo không khí và niềm vui đón tết cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Ngày 29 cũng là ngày trồng cây nêu cho năm mới: “chặt một cành tre thật cao để trồng nêu. Trên đầu nêu buộc một cái chổi phất trần để làm ma quỷ sợ, treo một bộ nhạc và khánh đất nung”, “buộc thêm cái đèn lồng cho sáng ngõ”. “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là các thứ không thể thiếu cho một cái tết Việt, xong công việc ban ngày, tối 29 thường là thời điểm nấu bánh chưng của mọi gia đình. “Không có bánh trưng thì không ra tết”, đêm nấu bánh chưng là một đêm đặc biệt ấm áp và nhiều cảm giác thú vị: “ngoài phên, đêm đông rét mướt, gió lạnh thổi vù vù. Mà trong nhà, bên lò bánh trưng ấm áp, ngồi trùm chăn lên cái ổ rơm nhìn ngọn lửa thì còn gì thú hơn nữa”. Thêm vào đó còn có cô hàng xóm xinh xinh ngồi nói chuyện khiến cho thời khắc này trở nên đáng nhớ đối với chàng trai tuổi mười tám đôi mươi.

Ngày 30 là ngày cuối cùng của năm cũ nên tất cả mọi công việc chuẩn bị đều trở nên khẩn trương hơn. Tuy vậy “theo lời thánh dạy thì ngày hôm nay ta phải tĩnh tâm mà nhìn lại năm cũ, ngẫm nghĩ đến những ngày đã qua, để xem trong năm vừa đi mình đã làm được nhưng sự gì hay ho hoặc đã làm sự gì không tốt, thì biết lấy để tránh về năm sau”. Ngày cuối cùng của năm cũng là ngày tổng kết những việc làm của cả năm và định hướng những mục tiêu cho năm mới. Phút tĩnh tâm qua đi nhường chỗ cho những háo hức trong công việc trang hoàng nhà cửa, đốc thúc nhà bếp giã giò, đơm cỗ để cúng giao thừa, thăm mấy chậu cúc, sửa sang chăm chút cho mấy giò thủy tiên. Chơi

hoa ngày tết cũng lắm công phu, đòi hỏi phải chăm cho hoa nở đúng thời điểm mới có giá trị.

Chiều 30 theo lệ cũ mọi người rắc vôi xung quanh nhà, vẽ cung tên, súng ống đuổi ma quỷ, vẽ bàn cờ, đeo hài giấy ở ngoài ngõ. Tất cả những sự chuẩn bị ấy làm cho không khí những ngày chuyển giao năm cũ và năm mới thêm linh thiêng đầy thành kính. Những phong tục đẹp ngày tết cổ truyền của dân tộc được Thạch Lam tái hiện lại với tất cả sự bí ẩn, thành tâm và tin tưởng. Trong từng việc làm đều gửi gắm niềm hi vọng những điều xui xẻo của năm cũ sẽ qua đi, một năm mới với bao điều tốt đẹp sẽ tới.

Thời khắc chuẩn bị đến giao thừa luôn là thời khắc mà mỗi người hồi hộp chờ đợi nhất. Mỗi người chuẩn bị đón giao thừa theo từng lứa tuổi và vai trò của mình. Mấy đứa bé thì mong chờ được phá cỗ giao thừa, những người phụ nữ thì thể hiện tài năng của mình qua việc sửa soạn các món ăn thật khéo léo, thật đẹp. Cái niềm vui giản dị của người phụ nữ biết mình làm tròn thiên chức. Thời điểm giao thừa được đánh dấu bằng tiếng pháo kêu vang, mùi pháo thơm và xác pháo đỏ. Tiếng pháo được cộng hưởng từ nhiều nơi dội lại như bản nhạc trầm hùng chào đón một cái tết bắt đầu, một năm mới đầy an khang hạnh phúc. Không khí tết tỏa lan trong những ngôi nhà ấm cúng, sạch sẽ thơm tho đầy màu sắc. Thời điểm chuyển giao của đất trời và của lòng người được ghi lại đầy xúc cảm. Đêm giao thừa trong lòng Thạch Lam cũng như bao người dân Việt từ xưa đến nay là hồn cốt tâm hồn dân tộc, là nguồn cội luôn thúc giục ngày đoàn tụ của những kẻ tha phương.

Không khí háo hức đầu năm mới thức dậy những kẻ lười biếng nhất để nhập cuộc với cái rộn ràng tấp nập của mọi người. Quan niệm những gì làm trong ngày mồng một sẽ ảnh hưởng đến cả năm của người Việt thật thú vị

“Năm mới mà ngủ trưa thế thì cả năm chỉ chăm ngủ mất”. Ai cũng ăn mặc thật đẹp, hớn hở vui vẻ hòa cùng sự tươi mới của hoa lá, đất trời. Trong nhà

mừng tuổi lẫn nhau, chúc rượu, chia mứt mừng tết cho mọi người. Phong tục đẹp và thú vị nhất của tết cổ truyền Việt Nam có lẽ là tục xông đất. Người xông đất cực kỳ được coi trọng và mỗi năm ai cũng có tâm trạng hồi hộp chờ đợi người sẽ đến nhà mình đầu tiên trong năm mới: “Sông nhà cho mình năm nay không biết là ai? Người sông nhà tất phải là người có nhiều tiền mừng tuổi, mà phải là người có can đảm mới được, vì nếu giông cả năm thì người ta trách cứ”. Quan niệm là thế nhưng người ta cứ đến nhà nhau với tất cả niềm vui chia sẻ cho nhau. Ngày tết cũng là dịp để trai gái tìm hiểu, chúc nhau nên duyên mới, trẻ con náo nức nhận tiền mừng tuổi từ người thân. Ai cũng thấy quý giá những ngày lễ tết, những niềm vui giản dị của người thân láng giềng, tình người dành cho nhau luôn báo hiệu một năm mới đầy kết quả tốt đẹp.

Đi lễ nhà thờ, chúc mừng năm mới những người họ hàng cũng là phong tục đẹp của người Việt. Đó là cách mọi người biết ơn và ghi nhớ nguồn gốc của mình. Dù còn nhiều lễ nghi “hết lên gối lại xuống gối” nhưng chính các lễ nghi đó sẽ làm tăng thêm sự thiêng liêng thành kính của những người con đối với tổ tiên. Từ nhà thờ và họ hàng không khí chơi xuân theo bước chân mọi người đi lễ chùa. Những cô gái “áo mới, răng mới nhuộm đen, cô nào cũng có vẻ xuân lắm”, các cô đi bẻ lộc cầu phúc, cầu may cho năm mới đắt chồng chăng. Nhưng người ta cũng chạnh lòng khi các cô nỡ dang tay bỏ cả cành đào hoa nở bởi “hoa đào xuân cũng như các cô xuân”, tất cả đều điểm tô cho đất trời cuộc sống này thêm sắc hương tươi thắm.

Chuỗi ngày ăn chơi hưởng thụ ngày xuân tiếp diễn với “tam cúc, bất rồi lại rượu, lại cỗ bàn”, “cỗ bàn, rồi lại rượu, lại tam cúc”. Chỉ đến mồng bảy không khí ăn chơi mới lắng xuống “hạ cây nêu thế là hết tết”. “Quần áo mới lại xếp vào hòm để dành đến tết sang năm mới giở ra. Trong nhà lại lặng lẽ dần dần, rượu hết..cỗ bàn hết. Mấy giò thủy tiên, mấy chậu hoa cúc đã gần tàn, tuy cành đào vẫn nở hoa tươi nhưng không đủ giữ lại cái tết nữa. Cái vui

của ngày tết đã theo với xác pháo người ta quét mà đi, không trở lại, thế là một năm đã qua”. Cái nuối tiếc những ngày tết trôi qua của Thạch Lam cũng là tâm trạng chung của những người Việt Nam. Tết luôn là thời khắc sum vầy, đoàn tụ, thời khắc của những niềm vui, sự thành kính thiêng liêng đối với tổ tiên, đất trời. Hết tết nhưng cũng là sự khởi đầu của những công việc mới, những dự định mới của mỗi người. Khép lại những ngày vui chơi, tưng bừng lễ hội, khép lại những ngày hưởng thụ cỗ bàn mọi người trở lại với nhịp sống thường ngày mang theo niềm hi vọng mới.

Qua hai bài ký có thể thấy Thạch Lam đã tái hiện được những nét cơ bản nhất, đặc sắc nhất của phong tục truyền thống Việt trong cưới hỏi và lễ tết. Dù xã hội đã có nhiều đổi khác, quá trình du nhập những nền văn hóa khác diễn ra mạnh mẽ nhưng các phong tục này cơ bản vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Nét đẹp của phong tục làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, làm nên nét riêng độc đáo của Việt Nam trong cộng đồng Đông Nam Á và thế giới.

2.3. Đặc sắc của ký Thạch Lam viết về sinh hoạt thường nhật củangười dân và tệ nạn xã hội ở Hà Nội.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 84 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w