Tính trung thực, chính xác, kiến thức rộng về các phương diện văn hóa.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 109 - 116)

đọc cái nhìn toàn diện về văn hóa ẩm thực đất Hà thành. Và từ chuyện ẩm thực được so sánh với văn chương nhà văn cũng phát biểu quan niệm về lĩnh vực nghệ thuật này, đưa cái đẹp, cái ngon trong sự ăn uống, sinh hoạt vào văn chương để làm đẹp, làm giàu cho đời sống vật chất tinh thần của dân tộc, làm đời sống văn hóa dân tộc ngày càng phong phú.

Cách viết biến hóa linh hoạt làm cho Hà Nội băm sáu phố phường

tránh được sự đơn điệu buồn tẻ, luồng thông tin phong phú đa dạng. Muốn thấy được điều đó phải đọc chậm đọc kỹ, đặt mình vào dòng liên tưởng của tác giả mà nắm bắt mạch văn rồi phải đọc lại và lùi xa mới ghi nhận được ấn tượng toàn cảnh thần thái toàn bài. Bố cục tự do là cách viết thử sức và tài của người cầm bút, là một trong những đặc điểm đem đến cái hay cho ký Thạch Lam vì ông đã rất chắc tay và hoàn toàn làm chủ ngòi bút của mình.

3.2. Tính trung thực, chính xác, kiến thức rộng về các phương diện văn hóa. văn hóa.

Nhiệm vụ của ký là ghi chép, tái hiện sự thật đời sống bằng ngôn ngữ văn chương cho nên điều đầu tiên mà người đọc đòi hỏi ở ký là nó phải mang tính chính xác. Đọc tác phẩm ký, trước hết nhu cầu nhận thức của người đọc phải được thỏa mãn, để đạt được điều đó người viết ký phải khảo cứu, huy động những kiến thức từ sách vở, tài liệu thuộc nhiều ngành khoa học, các tác phẩm ký của các nhà văn khác. Theo Từ điển tiếng Việt, khảo cứu tức là “tìm hiểu bằng cách nghiên cứu, đối chiếu với các sách vở, tài liệu cũ”[43,493]. Theo khái niệm đó có thể thấy để viết ký nhà văn cần có những chi tiết trung thực, chính xác, kiến thức rộng về vấn đề mình đề cập.

Sự dày công khám phá, ghi chép tỷ mỉ phải bắt nguồn từ tấm lòng say mê của nhà văn : “lý do tồn tại thiết yếu của bút ký chính là nhiệm vụ thông báo của nó thường được gọi là lượng thông tin chứa đựng trong ký. Trong

lĩnh vực của mình, nhà văn bút ký trước hết được tin cậy như một nhà khoa học thông báo về các hiện tượng, trạng thái để tôn trọng sự - kiện - tính của những gì đã xảy ra” [55,168]. Có khi ký chỉ ghi lại những kiến thức thuần túy thỏa mãn óc tò mò thông thường của con người lại có những trang trí đọc thấy hứng thú như những bộ phim tư liệu. Với sứ mệnh thông báo hiện thực, nhà văn viết những gì mà mình tay nghe mắt thấy, đặt mình trước những kỷ luật của nghề nghiệp để phản ánh chính xác những gì mình hiểu biết và trung thực với hiện thực khách quan. Nói như vậy không có nghĩa là ký chỉ đơn thuần là lát cắt hiện thực đặt vào trang viết nhưng quả thực tính chính xác, trung thực của những thông tin có trong ký luôn là điều đầu tiên độc giả muốn lĩnh hội. Đến nay công thức làm bánh cuốn mà Thạch Lam trình bày trong Nội băm sáu phố phường vẫn là bí quyết cho nhiều người nội trợ: “Cốt bánh để bọc thì dùng bánh cuốn Thanh Trì, là thứ mà bột dẻo và thơm hơn hết. Như vậy, đã được công xay bột và tráng bánh, và vị tất làm đã ngon bằng. Còn nhân thì một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ thật tốt, mấy cái nấm hương, vài lá một nhĩ và một ít tôm tươi hồ Tây, bóc vỏ và thái miếng. Tôm hồ Tây, của những thuyền siết mang lên bán vào khoảng mười hai, một giờ trưa, là thứ tôm ăn ngậy và ngọt vị. Chừng ấy thứ, thêm mấy nhát hành, chút nước mắm ngon, hồ tiêu bắc xào qua với mỡ trên chảo nóng. Rồi lấy bánh cuốn nhân vào; công việc này nên để tay mềm mại và khéo léo của các bà làm, để nâng niu cái màng bột mỏng cho khỏi rách. Xong, bỏ vào nồi hấp. Lúc ăn chấm nước mắm Phú Quốc, chanh, ớt và cà cuống nguyên chất hồ Tây; tùy thích có thể kèm thêm đậu rán nóng”. Hay những biến đổi của các công trình như các biển hiệu, ngôi nhà đến đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, phủ toàn quyền...đến nay vẫn là những tư liệu quý về Hà Nội mà những người muốn biết về mảnh đất này tìm kiếm. Những phong tục đẹp từ ngày 29 đến hết tết trong Trước tết, tết và sau tết được phản ánh chân thực, tỷ mỷ theo tuần tự thời gian cho người

đọc thấy được bức tranh đa diện về phong tục cổ truyền dân tộc. Không chỉ các phương diện văn hóa, khi viết về tệ nạn xã hội trong phóng sự Hà Nội ban đêm viết chung với Tràng Khanh ông cũng thể hiện những chi tiết chính xác, bản chất nhất của những đối tượng hành nghề này từ mục đích, hoàn cảnh, phân loại, địa điểm hành nghề, bệnh tật và cả những hệ lụy mà nó mang lại.

Có được tính chân thực, chính xác của các tác phẩm ký cũng bởi vì Thạch Lam có kiến thức rộng về phương diện văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như sinh hoạt của người Việt đặc biệt là người Hà Nội. Đọc

Người ta viết chữ Tây (Hà Nội băm sáu phố phường) có thể thấy ông không chỉ hiểu biết về “chữ Tây” mà còn am hiểu cả về nghệ thuật viết chữ “nửa chân nửa lệ” của ông cha ngày trước, Thạch Lam không chỉ am hiểu về lịch sử kiến trúc mà ông còn có những đề xuất hợp lý trong sự thay đổi các công trình văn hóa của Hà Nội trong quá trình hiện đại hóa. Bài ký Hà Nội băm sáu phố phường như một công trình khảo cứu ẩm thực Hà thành về cả bề rộng lẫn chiều sâu phản ánh, cho người đọc cái nhìn bao quát về phương diện này mà chưa có công trình nào trước đó làm được. Không chỉ có hiểu biết về ẩm thực, hiểu biết của ông về văn hóa truyền thống, sinh hoạt thường nhật của người Việt ở nhiều vùng đất khác nhau trên đất nước cũng được ghi dấu trong nhiều bài ký đáng nhớ. Đi sâu vào đời sống ở nhiều phương diện, ký của Thạch Lam phản ánh được cả những mặt trái của xã hội bằng ngòi bút chân thực và đậm chất nhân văn.

Có thể nói kết hợp từ những quan điểm thực tế và cách chiếm lĩnh thực tế khác nhau trong một bài ký của Thạch Lam có cả thông tin về đời sống và cả triết luận, sáng tạo. Có kiến thức rộng am hiểu nhiều lĩnh vực kết hợp với đặc trưng của thể loại nên ông dù không chuyên một lĩnh vực nhận thức nào cũng có thể lĩnh hội những điều bất ngờ đến chuyên gia trong lĩnh vực cũng phải ngạc nhiên. Qua 18 bài viết về ẩm thực trong Hà Nội băm sáu phố

phường không ai không công nhận ông là một nhà ẩm thực học. Không phải là nhà văn chuyên viết về phong tục nhưng kiến thức trong lĩnh vực này của Thạch Lam cũng rất phong phú. Cách trình bày những vấn đề của ông khá gần gũi dễ hiểu vì nó rất quen thuộc với mỗi người chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ những hiểu biết của tác giả đã tạo nên đặc sắc của ký Thạch Lam, thu hút được nhiều đối tượng độc giả qua nhiều thế hệ.

3.3. Ngôn ngữ

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, khi nghiên cứu nghệ thuật của một tác phẩm không thể không tìm hiểu phong cách ngôn ngữ nhà văn thể hiện bởi ngôn ngữ là công cụ chủ yếu đề nhà văn truyền đạt nội dung nghệ thuật và tư tưởng của tác phẩm. Ngôn ngữ có thể được hiểu như là hoạt động lời nói, viết văn, thể hiện sâu sắc quan niệm, trình độ văn học nghệ thuật của người viết. Ngôn ngữ văn học thuộc thời kỳ nào thì gắn với tư duy, hình tượng thời kỳ ấy.

Trên văn đàm những năm 40 của thế kỷ XX, có thể nhận thấy ngôn ngữ của các nhà văn đã trở nên giản dị, gần gũi hơn với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đó là ngôn ngữ đầy hài hước của Nguyễn Công Hoan, giọng văn thống thiết của Nguyên Hồng, giọng văn đầy kiêu bạc của Nguyễn Tuân, giọng điệu pha chút tự trào của Nam Cao… Mỗi người một cách chiếm lĩnh ngôn ngữ, riêng Thạch Lam lại đi vào lòng độc giả bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, giàu cảm xúc và nhạc điệu.

Thạch Lam từ trước đến nay vẫn được đánh giá là người có công trong việc “làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, tươi đậm hơn” [27,444]. Ông vốn là một người trầm tính, điềm đạm “ít nói, không bao giờ to tiếng và chỉ nói sau khi đã suy nghĩ chín chắn trong mọi chuyện” (lời nhận xét của Song Kim – Thạch Lam những điều còn nhớ) [3 ,415]. Có lẽ vì vậy mà ngôn ngữ trong văn Thạch Lam thường giản dị, tinh tế, gần gũi và

thân mật: “Vì ta thử vào mua ở hiệu đó mà xem, chẳng có ai săn đón mời chào khách, nhà hàng thản nhiên và dửng dưng như không cần bán, mua hay không, đều tỏ ý không cần. Nếu ta giục lắm, bấy giờ mới có hai cậu nhỏ quần vải, áo nâu, quyệt tay vào tà áo, rồi thò vào lọ bốc kẹo, gói vào mảnh nhật trình cũ, nếu ta mua năm xu hay một hào. Ấy là hồi giấy còn rẻ, chứ bây giờ…” . Những câu văn như chính lời nói hằng ngày, ngôn từ như thủ thỉ nhẹ nhàng, nôm na nhưng lại giàu sức gợi. Cái uể oải trên danh vọng đã có của hiệu bánh Cự Hương được miêu tả trong những hành động rất đời thường. So sánh ẩm thực với các loại hình nghệ thuật khác ông viết: “có nhiều thức quà, tựa như sao băng vút qua bầu trời mùa hạ, hiện ra rồi mất đi, không còn dấu vết gì để lại. Cái đời ngắn ngủi ấy, duyên cớ ở các thức đó chỉ hợp với cái thị hiếu một thời: không phải chỉ có trong y phục, trong trang sức hay trong văn chương mới có những cái “mốt”, những cái đua đòi mà thôi, cả đến trong việc ăn uống cũng vậy”. Cách nói hình ảnh thể hiện những suy nghĩ, đánh giá của Thạch Lam về giá trị của mỗi món quà, chuyển tải quan điểm của ông một cách dễ hiểu và sâu sắc. Đúng như nhận xét của GS Phong Lê và Lê Dục Tú, ông thu hút người đọc bằng “lối văn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi thật là rành rõ những trạng thái sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn” [33,19], và “chiếm lĩnh tâm hồn người đọc bằng một lối văn nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình man mác, giàu cảm xúc và nhạc điệu” [3,23]. Cái đẹp của ngôn ngữ Thạch Lam là cái đẹp của thứ ngôn ngữ “vừa cho ta nhìn, vừa cho ta cảm”. Tâm hồn đa cảm và tinh tế đến độ “có thể thu nhận được sự thay đổi về độ ánh trăng hay âm sắc các loại lá rụng pha vào đất” của ông đã đem đến cho bạn đọc những trang văn đạt đến sự trong sáng, thuần khiết của tiếng Việt: “Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, thấm nhuần cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thứ bánh thanh nhã mà tinh khiết. Các bạn ngửi thấy khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi,

ngửi thấy mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời”. Chỉ trong một đoạn văn mà ông tập trung một cách tài tình nhiều từ vừa gợi được mùi vị, màu sắc, tính chất và phát huy cảm giác, gợi liên tưởng phong phú của người đọc như hương thơm, thơm mát, phảng phất hương vị, trong sạch, thanh nhã, tinh khiết, cánh đồng xanh, thân lúa còn tươi, bông lúa non, vỏ xanh, giọt sữa trắng thơm. Có thể nói đặc điểm ngôn ngữ tinh tế, giản dị , giàu cảm xúc, nhịp điệu như chất men say thấm vào người đọc .

Ông rất có ý thức trong việc cân nhắc, tìm hiểu kỹ cách sử dụng từng từ để tạo nên sự phong phú, đa dạng, thể hiện cách nhìn và suy nghĩ rất riêng về mọi vấn đề. Qua các trang viết có thể thấy sự nhạy cảm của ông về ngữ nghĩa của từ, Thạch Lam hòa hợp được giữa tả và gợi, hình ảnh thực và hình ảnh trong tâm tưởng. Ngôn ngữ vì vậy rất giàu tính tạo hình. Chẳng hạn ta có thể tưởng tượng được một món bún bung ngon lành ngay trước mắt qua miêu tả của nhà văn: “Một vài miếng đầu mẩu sườn để lấy nước ngọt, một ít nghệ để nhuộm thức ăn ấy một mày vàng đầm ấm như màu vàng của ráng chiều những ngày mùa hạ. Thêm dăm quả cà chua đỏ, một vài miếng đu đủ xắt vuông, màu trong mỡ như ngọc quý. Chừng thứ ấy mà có sợi bún trắng vắt qua, như một cái dây liên lạc những thức thực xa nhau, mà vì sự sành ăn của loài người bỗng chốc nên gần gụi” hay chiếc bánh cốm Hàng Than “Vuông vắn như một quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ, cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những ái ân…Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm”. Và ngôn ngữ rất ấn tượng, gợi cảm giác trực tiếp ấy cũng được ông thể hiện qua những lớp từ khơi gợi cảm giác, liên tưởng, sử dụng những từ chỉ trạng thái tâm lý mơ hồ lặp lại nhiều lần như

quyến rũ, thoảng nhẹ, xoa xuýt, đậm ngọt, tê như một lượt rùng mình nhẹ, thơm ngấy...

Nếu như ở Nguyễn Tuân ngôn ngữ nâng những trang văn ẩm thực lên để trình diễn như một môn nghệ thuật theo cách của ông thì Thạch Lam viết về đề tài này bằng ngòi bút giản dị “giản dị tới mức tưởng như ai cũng có thể viết được như Thạch Lam, bởi sự giản dị ấy chính là đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn từ” [57,623]. Ngôn ngữ của ông nhẹ nhàng, cách diễn đạt trầm trầm, dắt dẫn chứ không theo kiểu “cực tả mãnh liệt, gây ấn tượng phi thường” như trong văn Nguyễn Tuân.Viết về Hà Nội băm sáu phố phường

ông nhẹ nhàng khẳng định: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây. Ðể cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi”. Ngôn từ giản dị như chính cuộc sống hàng ngày, không sống sượng của văn Tây, không nặng nề về chữ Hán như không ít các nhà văn cùng thời mắc phải. Nhờ kế thừa và phát triển được tinh hoa ngôn ngữ dân tộc nên đến nay văn của ông vẫn mới mẻ và gần gũi với chúng ta.

Trong một vài suy nghĩ về thể ký sau này Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh thể loại và chất văn chương trong ký “làm thế nào để bút ký còn được thừa nhận như là văn học thực sự”, “ làm thế nào để người viết bút ký còn đáng được gọi là nhà văn” để các tác phẩm ký văn học không bị sa sút thành một thứ “văn chương người thực việc thực” [55,112]. Người viết ký là người làm chủ ngòi bút của mình trong quá trình sử dụng ngôn ngữ. Mỗi nhà văn có cách thể hiện riêng vừa tạo cho tác phẩm nét độc đáo mới lạ

vừa khẳng định phong cách của một cá nhân. Có thể nhận thấy trong quá trình sáng tạo Thạch Lam cũng là một nhà văn rất có ý thức về những điều đó.

Như vậy có thể thấy không chỉ trong tiểu thuyết, truyện ngắn mà cả trong những bài ký tưởng như khô khan Thạch Lam vẫn thể hiện được nét độc

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 109 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w