Nghệ thuật khai thác chiều sâu tâm lý

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 123 - 128)

Khai thác chiều sâu tâm lý là sở trường trong truyện ngắn, tiểu thuyết và cũng phát huy trong các tác phẩm ký của Thạch Lam. Ngay chính bản thân nhà văn đã từng phát biểu: “Nhà văn cốt nhất phải đi vào tâm hồn mình, tìm thấy những tính tình và cảm giác thành thực, tức là tìm thấy tâm hồn của mọi người qua tâm hồn mình, đi đến chỗ bất tử mà không tự biết”... “Nếu không có con mắt của linh hồn thì không bao giờ soi thấu được cái bí mật của tâm lý” [33,300]. Quả thực qua các tác phẩm của ông ta có thể thấy nhà văn đã nắm bắt những nét tâm lý trong đời sống sinh hoạt thường nhật thật tinh nhạy. Đúng là nhiều thức quà ăn ở ngoài thì ngon còn nhà mình làm lấy dù bà vợ khéo tay đến đâu ăn cũng không thấy ngon bằng mua của các hàng rong: “Cùng họ nhà bún, riêu cua và thang cuốn vốn là quà sở trường của các bà. (Mà nghiệm ra cái triết lý sâu sắc này: thứ quà nào bán cho các bà bao giờ cũng đắt hàng, vì hai lẽ: một là vì các bà nội trợ bao giờ cũng sẵn tiền, hai là các bà ăn quà đã thành tục ngữ, ca dao). Lạ có một điều: nhà mình làm lấy, dù bà vợ khéo tay đến đâu, ăn cũng không thấy ngon bằng mua các hàng rong, nhất là hai thứ thang riêu”. Ông phát hiện những biểu hiện tâm lý trong cách mua, cách ăn hàng của người nghiện thật tài tình: “Nhìn kỹ thì biết là những người nghiện nên mới biết đưa miếng giò lợn lên ngắm nghía một cách âu yếm

và tha thiết nhường ấy, mới biết khà hớp rượu một cách ngon lành như vậy, mới biết đưa tay có móng đen véo đĩa xôi một cách chắt chiu như thế kia; họ tính từng xu, thêm bớt từng tí mỡ và mặc cả từng khoanh giò; nhưng cái nhắm nhía, cái lờ đờ mắt ngẫm nghĩ đến vị miếng ăn, đủ tỏ một tâm hồn cảm giác không thường, cùng với một sự từng trải đã quá nhiều đau đớn”. Sở trường của ông cũng thể hiện qua cách tả tâm lý khách chơi, đêm tìm ăn bánh cuốn không nhân của bà cụ xóm hai mươi bốn gian, ăn bánh dày giò, bát sún ỉn … trong Hà Nội băm sáu phố phường. Trong Trẻ con lấy vợ tâm lý của một đứa trẻ con mới lớn đã phải trở thành chú rể được ông miêu tả tài tình qua câu văn hóm hỉnh: “Tôi cố nghĩ mãi cũng không hiểu, chỉ biết lấy vợ thì được mặc áo đẹp, được pháo đốt mà có lẽ được tiền tiêu nữa thì phải”. Đọc lên đã biết đó là suy nghĩ của một đứa trẻ con trước những sự kiện mà tuổi mười bốn chưa bao giờ nghĩ đến, không thể hình dung ra được. Đứa trẻ con tội nghiệp trước ngưỡng cửa của cuộc sống mới, nghe nói cưới vợ mà “cứ đờ cả người, nghẹn ngào không biết nói ra sao, dơm dớm nước mắt chỉ muốn khóc”, cái tâm lý trẻ con ấy vẫn không thay đổi khi đón dâu “chúng nó cứ chỉ chỉ trỏ trỏ, thầm thì với nhau làm tôi xấu hổ quá, đã đứng lẩn sau lưng u tôi mà cũng không xong”. Đến khi nhập phòng cậu bé con ấy vẫn chưa hết lo lắng “Chết thật! Vợ như thế nó lại còn ăn đầu gà thì nó bắt nạt mình đến chết, ngồi xuống ghế càng ngẫm nghĩ càng lo”. Tâm trạng của chú rể trẻ con ấy diễn biến từ lúc thoáng nghe sự việc cách một tháng đến khi được mẹ thông báo sẽ phải lấy vợ, ngày cưới vợ và nhập phòng được Thạch Lam miêu tả rất thành công nhờ vào khả năng khai thác những biến chuyển tinh vi của tâm lý con người.

Không chỉ miêu tả thành công những suy nghĩ của người ăn hàng quà hay tâm lý của trẻ con lấy vợ ông cũng hiểu được nỗi khổ của những cô gái bán dâm trong Hà Nội ban đêm. Đó là nỗi đau đớn khổ sở đằng sau cái vẻ mặt đăm đăm của chị em hành nghề khi đi khám bệnh. Khám bệnh là nhục hình

của những người bán thân xác để nuôi thân đang đứng trước sự dày vò của bệnh tật : “Bao nhiêu sự khổ sở đắm đối làm cho phần nhiều chị em hết hi vọng. Cái đời của họ trở nên một cái đời lạnh lẽo, tối tăm không có thể làm cho nên sáng sủa, đầm ấm được”. Ông lý giải bênh vực các hành động đáo để của chị em bán dâm: “Đấy cũng chẳng qua là một cách báo thù của các cô. Những khách các cô tiếp phần nhiều là bọn hạ lưu cả, ta biết như vậy thì dễ tưởng tượng cái đời khốn khổ của chị em ra sao. Mà những cái khốn khổ ấy đã khiến cho chị em sinh ra một bọn thù hằn ngập người chỉ muốn xử một cách bạo động, ngạo mạn” và vì sao những cô gái ấy như một bọn điên:“Điên cuồng cũng phải: không có cái luân lý của gia đình nâng đỡ, chị em đều là những người bơ vơ không biết đi về đâu. Cái đời hiện đại thì như thế, mà cái tương lai lại mờ mịt, tối tăm, nguy hiểm hơn nữa”. Hiểu đời, hiểu người như vậy nên Thạch Lam càng cảm thông trước cảnh ngộ bi thương Xung quanh cái thây ma trong phóng sự này của các cô đào. Ông đã lý giải được tại sao các cô phải “ gượng cười,gượng hát ở nhà ngoài, bên cạnh cái cảnh chết đau lòng sau bức màn đỏ”. Dường như để miêu tả tâm lý tài tình như thế Thạch Lam cũng đã vận dụng phân tâm học của F.rớt, hiểu rất sâu rộng về tâm lý con người đã làm cho các tác phẩm của ông trở nên hấp dẫn, gần gũi hơn với người đọc.

Bên cạnh những nét độc đáo về nội dung, về nghệ thuật ký của Thạch Lam cũng có một số thành công đặc sắc thể hiện qua các yếu tố bố cục, tính khảo cứu, ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật khai thác chiều sâu tâm lý…như đã trình bày ở trên. Có thể thấy đặt trong mối quan hệ tổng thể với tác phẩm của Thạch Lam ta thấy điểm nổi bật của các tác phẩm ký của ông là tính nhất quán trong phong cách bút pháp của một ngòi bút trữ tình luôn thiên về cảm xúc, cảm giác, hướng về cái đẹp và vì cái đẹp bình dị đậm chất nhân văn nhân bản. Các tác phẩm đã thể hiện sở trường của ngòi bút Thạch Lam, nhất quán

giữa truyện ngắn, tiểu thuyết, ký và tiểu luận trong quan hệ bổ trợ, soi chiếu vào nhau, thống nhất chung trong một hệ thống quan niệm nghệ thuật của nhà văn.

KẾT LUẬN

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước và văn học, dưới cái nhìn công bằng và khoa học hơn, văn nghiệp của Thạch Lam được nhiều người tiếp cận đánh giá một cách khách quan, nghiên cứu cặn kẽ, xác đáng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Thạch Lam thuộc nhiều thể loại, khẳng định vị trí vững chắc của ông trong Văn đoàn nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Tạo được vị trí như vậy có sự góp phần của các tác phẩm ký, đặc biệt là Nội băm sáu phố phường.

Từ kết quả nghiên cứu đã trình bày ở các chương trên chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, kiểu bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống với nguyên tắc phải tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng miêu tả. Thạch Lam viết ký không nhiều tuy vậy vẫn được đánh giá cao nhất là tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường. Bên cạnh ký ông là nhà văn sáng tác trên nhiều thể loại:

truyện ngắn, tiểu luận, tiểu thuyết trong đó truyện ngắn thu được nhiều thành công nổi bật nhất.

2. Nhắc đến đặc sắc của ký Thạch Lam trước hết phải kể đến Hà Nội băm sáu phố phường với hai mảng văn hóa nổi bật là những vật thể văn hóa và những giá trị văn hóa phi vật thể, nổi bật là văn hóa ẩm thực. Ở phương diện thứ nhất dù chiếm dung lượng không nhiều trong bài ký nhưng đây là mảng Thạch Lam cũng dành rất nhiều tâm huyết, thể hiện những quan điểm cá nhân đúng đắn, tiến bộ của ông về những vật thể, công trình văn hóa Hà Nội. Ở mảng thứ hai từ những thức quà rất đỗi bình dân, đứng ở vai trò của người bình dân để thưởng thức Thạch Lam đã khái quát cả một nền văn hóa ẩm thực Hà thành. Ở mảng văn hóa này Hà Nội 36 phố phường thực sự là tập ký sâu sắc, là đóng góp quan trọng của Thạch Lam cho Tự Lực văn đoàn, mở ra cho tùy bút một đường hướng phát triển mới. Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và một số người khác tiếp nối Thạch Lam và tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Viết về những giá trị văn hóa phi vật thể ngoài tập bút ký trên thì những giá trị văn hóa phi vật thể khác cũng được ông thể hiện thành công trong các bài ký như Trước tết, tết và sau tết , Trẻ con lấy vợ (viết chung với Phạm Xuân Cảnh), Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng Giang, Hà Nội ban đêm. Các bài ký đã khắc họa những nét đặc sắc về phong tục truyền thống, thói quen sinh hoạt, văn hóa giải trí và cả tệ nạn xã hội, thể hiện vốn sống phong phú của nhà văn Thạch Lam.

3. Các tác phẩm ký của Thạch Lam không được chú ý nhiều bằng các thể loại khác như truyện ngắn nhưng qua thể hiện ở nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm chúng ta có thể khẳng định trong thể loại này ông cũng có nhiều đóng góp đặc sắc. Nhất là trên một số phương diện ký Thạch Lam mở đường cho một hướng đi mới cho ký hiện đại nhất là giai đoạn 1930-1945. Ký là bộ phận không thể thiếu của văn nghiệp Thạch Lam và mang đậm dấu ấn phong

cách nhà văn. Những đóng góp của ông trong thể loại này nói riêng và các thể loại khác trong văn nghiệp nói chung sẽ mãi là vô giá đối với nền văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 123 - 128)