Giá trị mở đường về đề tài ẩm thực trong tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 80 - 84)

băm sáu phố phường.

Đánh giá về vai trò, vị trí của Hà Nội băm sáu phố phường đã có nhiều người với nhiều ý kiến ở những góc nhìn khác nhau và nhìn chung đều thỏa đáng. Ở đây chúng tôi thấy cần xem xét thêm trên một số phương diện.

Mặc dù hoàn cảnh xã hội trước 1945 khá phức tạp: Văn học lãng mạn thi vị hóa cuộc sống, văn học hiện thực phơi bày cuộc sống khổ cực lầm than của các tầng lớp nhân dân, văn học nô dịch thì cổ súy cho phong trào ăn chơi, vui vẻ trẻ trung…Thực tế cuộc sống đầy khó khăn nhưng trong Hà Nội băm sáu phố phường Thạch Lam vẫn đặt vấn đề biết ăn và biết chơi như một thước đo trình độ văn hóa của con người. Đó là một cách nhìn mạnh bạo, mới mẻ và tiến bộ. Để biết ăn và biết chơi người đó phải lịch lãm, hiểu biết rộng, tiếp xúc nhiều và có vốn sống phong phú. Ông cũng thể hiện một tầm nhìn văn hóa rất rộng và khá dũng cảm khi vượt lên trên những định kiến xã hội để chỉ ra sự yếu kém trong nếp sống của dân tộc.

Trong những thiên truyện ngắn của mình, Thạch Lam có nhắc đến chuyện ăn uống. Nhưng vấn đề “miếng ăn” ông đặt ra là thước đo phẩm chất con người trước thử thách của những lo toan cơm áo. Chàng Sinh trong truyện ngắn Đói, trước miếng ăn với sự hấp dẫn “mùi thịt ướp và mùi giò” mới thoang thoảng đưa qua chàng đã rung động sung sướng đến không nén được niềm vui. Khi biết được đó là miếng ăn đáng khinh bỉ, miếng ăn của sự

lọc lừa, đáng nhục nhã, nhận thức được điều đó nhưng cơn đói cồn cào xé ruột, xé gan sai khiến chàng không thể cầm lòng được, đã nuốt những miếng ăn mà chính mình đã vứt bỏ đi như vứt một miếng nhục vào lòng. Ở đây viết về chuyện ăn, với cách khai thác từ những phương diện rất trần tục, rất đời sống. Nhân vật đã đánh mất bản thân vì cái đói, phần tốt đẹp của con người đã bị cái đói cướp đi một cách tàn nhẫn. Có khi vấn đề “ẩm thực” lại thể hiện trong một cung cách sinh hoạt rất đời thường. Là đồng quà tấm bánh mà người em mong chờ khi chị đi chợ về trong Cô hàng xén. Một niềm vui nho nhỏ ánh lên khi Tâm chuẩn bị Gói kẹo bỏng cô đã gói cẩn thận để dưới thúng, mỗi đứa sẽ được hai cái, chắc hẳn chúng sẽ vui mừng lắm…” [52,184]. Nhưng ở trong Hà Nội băm sáu phố phường vấn đề “ẩm thực” là đối tượng của những rung động thẩm mỹ, của nét văn hóa. Khi đọc những trang văn viết về ẩm thực của nhà văn ta nhận thấy được giá trị đẹp đẽ trong chuyện ăn chuyện uống. Bởi tác giả có chủ định, có ý thức và quan tâm nhiều khi viết đề tài này. Không phải là nhân tiện mà nhắc đến, không phải là nhắc đến bởi mục đích nào khác của sáng tạo nghệ thuật, mà các nhà văn viết về ẩm thực là vì nó, bản chất cái đẹp, cái giá trị tự thân của nó. Chính vì nhìn nhận đề tài ẩm thực từ góc độ cái đẹp, của đối tượng tạo nên những rung động thẩm mỹ cho nên giá trị văn chương của tác phẩm ngày càng được khẳng định. Không chỉ đơn thuần là xây dựng lại nét văn hóa, phong tục thói quen của dân tộc, quê hương mà nó thực sự là đối tượng trực tiếp khơi gợi sáng tạo nghệ thuật văn chương. Đọc Hà Nội băm sáu phố phường người ta thấy tự hào về một đất nước tươi đẹp, về một nền dân tộc có văn hóa lâu đời, thể hiện ở cốt cách đàng hoàng, cách cư xử tao nhã, ở lối sống đẹp và sang, ở những cảm nghĩ và tinh tế, ở những thú ẩm thực tinh vi, đầy tài hoa.

Hà Nội băm sáu phố phường cũng đánh dấu một bước thành công lớn của thể loại tùy bút trong loại hình ký Việt Nam, nhất là về đề tài văn hóa ẩm

thực của Hà Nội và của dân tộc nói chung. Trước đó cũng có một số người viết như cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi sỹ Tản Đà. Theo Nguyễn Thành Thi: cụ Hải Thượng Lãn Ông ghi chép tới 28 loại mứt, 16 loại xôi, 71 loại bánh và 9 loại tương… trong Nữ công thắng lãm nhưng đó là một cái nhìn dưới góc độ dinh dưỡng của một bậc lương y hơn là chuyện văn chương. Còn Tản Đà trong cuốn Tản Đà thực phẩm (1942) lại “Nặng duyên với món cháo lòng tiết canh Hà Nội; Tú Mỡ có bài thơ Phở đức tụng, nhưng chưa có nhà văn nào viết các loại đồ ăn thức uống thành một tác phẩm có dung lượng như Thạch Lam.

Nếu như ở truyện ngắn Thạch Lam có khả năng lôi cuốn, kéo theo mình một dòng truyện ngắn trữ tình gồm nhiều cây bút tiêu biểu thì ở thể tùy bút ông cũng là người mở đường, người dẫn đầu, đặt nền móng cho một dòng ký về văn hóa dân tộc nhất là văn hóa ẩm thực của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Đó là một dòng ký ít chất ghi chép, đẫm chất trữ tình, giàu cảm xúc, cảm giác gắn với cái đẹp mang chiều sâu văn hóa dân tộc. Trong đó người nối tiếp tiêu biểu sau Thạch Lam là Nguyễn Tuân và Vũ Bằng.

Vũ Bằng tuy là nhà văn cùng thời cùng với Thạch Lam nhưng phải sau 1945 ông mới thực sự đi vào đề tài và thể loại này. Cụ thể là cuốn Miếng ngon Hà Nội “ bắt đầu viết tại Hà Nội mùa thu 1952, sửa chữa viết thêm tại Sài Gòn 1956, 1958, 1959” (Vũ Bằng) và xuất bản năm 1960. Cuốn Thương nhớ mười hai “bắt đầu viết tháng 12 năm 1960, tiếp tục 1965, viết hết năm 1970 – 1971 (Vũ Bằng). Trước 1945 ông viết nhiều tác phẩm thuộc các thể loại ký, tiểu thuyết, truyện ngắn nhưng theo khuynh hướng khác hẳn. Còn Nguyễn Tuân cũng sau 1945 mới trực tiếp viết một số món theo đề tài và thể loại này. Trước đó ông chỉ đề cập cái đẹp ẩm thực ở sự cầu kỳ trong một số truyện ngắn mà thôi.

Điều đặc biệt là sự tiếp nối ở đây diễn ra rất ngoạn mục. Đúng như Văn Giá nhận xét: “Nếu Thạch Lam hay hình dung món ăn như một tác phẩm nghệ thuật hiện ra ngay trước mắt ta trong khoản thời gian từ khi nó hoàn thành là miếng ngon khi nó được ăn thì Nguyễn Tuân mô tả miếng ăn như một quá trình khâu bày dọn và thưởng thức, còn Vũ Bằng lại đặc biệt chú trọng đến sự khoái khẩu, khoái cái “khẩu cái” của người háu ăn (…). Trước miếng ăn nếu Thạch Lam hiện ra như một thi nhân, Nguyễn Tuân như một cao nhân còn Vũ Bằng như một thường nhân không chỉ viết về phở bò lại còn viết về phở gà và viết cũng say mê không kém; không chỉ viết cốm Vòng, bánh Xuân Cầu mà viết cả thịt cầy, tiết canh cháo lòng, hẩu lốn… trong khi đó bậc cao nhân chỉ viết có phở bò, cốm Vòng, bánh Trung thu, giò lụa – toàn là những thứ thanh tao cả. Còn thi nhân của chúng ta cứ lặng lẽ quan sát, ngắm nghía, nếm thử xem, nghĩ ngợi để rồi… làm thơ bằng văn xuôi về các món quà Hà Nội”. [57]. Xét về yếu tố không gian nghệ thuật thì mỗi nhà văn chọn cho mình một không gian thích hợp: Thạch Lam tìm nét đẹp của văn hóa

Hà Nội băm sáu phố phường, Nguyễn Tuân tìm các tiệm hiệu, quán xá, bếp núc, chế biến…. còn Vũ Bằng hướng tới không gian gia đình. Bao trùm, quán xuyến trong các tùy bút này là giọng điệu trữ tình đằm thắm “Vũ Bằng. Thạch Lam, Nguyễn Tuân, mỗi người một cách, xong điểm gặp nhau lớn nhất là ở chỗ qua ăn uống thấy được cá tính Việt, tâm hồn Việt với tất cả những nét đặc sắc và tinh tế của Hà Nội và miền Bắc, rộng ra cả dân tộc và cả nước” [34].

Sau đó còn một số người tiếp nối khuynh hướng này như Băng Sơn với hai tập Thú ăn chơi người Hà Nội; ở các địa phương trong phong trào phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống, một số người cũng đang học tập Thạch Lam và những người đi trước để viết về các sản vật mang giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Như vậy qua cái nhìn, cách thể hiện đặc sắc của Thạch Lam trong nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội có thể nói, Thạch Lam là người sớm nhận ra giá trị đích thực của văn chương: Nội lực để văn chương tồn tại là cái đẹp, cái bình dị, gắn với đời sống dân dân, đời sống dân tộc, cái đẹp trong các sản vật văn hóa, của đất nước. Ông không đưa ngòi bút vào những diễn biến cụ thể từng chặng, từng thời của lịch sử, không phân tích những mâu thuẫn gay gắt của xã hội. Thạch Lam đã rất nhận ra sở trường của mình và hướng ngòi bút báo chí và phóng sự của mình để viết tùy bút. Hà Nội 36 phố phường là tập ký đặc sắc, là đóng góp quan trọng của Thạch Lam cho Tự Lực văn đoàn, mở ra cho tùy bút một đường hướng phát triển mới. Nguyễn Tuân, Vũ Bằng và một số người khác tiếp nối Thạch Lam và tiếp tục gặt hái nhiều thành công.

Một phần của tài liệu Đặc sắc của ký thạch lam luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 80 - 84)