Với sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tạị Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra một nhà nước kiểu mới - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ khi ra đời cho đến nay, Nhà nước ta luôn luôn coi Tòa án - cơ quan thực hiện quyền xét xử - "là một cơ quan trọng yếu của chính quyền". Ngay sau khi ra đời Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh ngày 13 tháng 9 năm 1945 về việc thiết lập các Tòa án quân sự ở Hà nội, Hải phòng, Thái nguyên, Ninh bình, Vinh, Huế, Quảng ngãi, Sài gòn, Mỹ tho để trừng trị bọn việt gian, phản quốc làm tay sai cho giặc. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời lại ra sắc lệnh thành lập thêm Tòa án quân sự ở Nha trang. Các Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm tất cả người nào phạm vào một việc có phương hại đến nền độc lập của nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Những bản án của Tòa án quân sự được thi hành ngay không có chống án trừ trường hợp bản án tuyên tử hình thì phạm nhân đệ đơn lên Chủ tịch nước xin ân giảm. Ngày 24 tháng 1 năm 1946 Chủ tịch Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 13 quy định việc tổ chức Tòa án ở nước ta như sau:
Các Tòa sơ cấp được tổ chức ở mỗi quận (phủ, huyện, châu).
Ở các tỉnh và các thành phố Hà nội, Hải phòng, Sài gòn - Chợ lớn có một Tòa đệ nhị cấp làm nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự và thương sự.
Ở mỗi kỳ có một Tòa thượng thẩm có thẩm quyền xét xử các vụ án bị kháng cáo.
Để giữ vững kỷ luật trong Quân đội nhân dân, ngày 23 tháng 8 năm 1946 Chủ Tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 163 về việc thành lập Tòa án binh để xét xử những quân nhân hay những người làm việc tại cơ quan chuyên môn của quân đội phạm pháp hoặc những kẻ phạm pháp khác làm thiên hại đến quân đội. Ngày 9 tháng 11 năm 1946 Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ hai đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp 1946. Tổ chức của Tòa án ta theo quy định tại chương VI của Hiến pháp 1946 bao gồm: Tòa án tối cao, các Tòa phúc thẩm, các Tòa đệ nhị cấp và các Tòa sơ cấp. Cách thức tổ chức Tòa án lúc này không phải theo nguyên tắc lãnh thổ mà theo cấp xét xử.
Theo quy định của Hiến pháp 1946 và sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 hệ thống Tòa án được tổ chức theo các nguyên tắc sau đây:
- Tòa án biệt lập đối với hành chính. Chỉ có Tòa án mới thực hiện chức năng xét xử. - Các thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm (Điều 64)
- Xử các việc hình sự có phụ thẩm nhân dân tham gia (Điều 65)
- Khi xét xử các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được phép can thiệp (Điều 69) - Các phiên tòa đều công khai, trừ những trường hợp đặc biệt (Điều 67)
- Bị cáo có quyền tự bào chữa lấy hoặc tìm luật sư (Điều 67)
- Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Tòa án (Điều 66)
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, mười ngày sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do hoàn cảnh chiến tranh mà việc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước có nhiều thay đổi so với quy định của Hiến pháp 1946. Theo Nghị định số 5 ngày 1 tháng 1 năm 1947 của Bộ trưởng bộ Tư pháp hoạt động xét xử của Tòa án Thượng thẩm tạm thời đình chỉ. Nghị định số 13 ngày 29 tháng 1 năm 1947 của Bộ trưởng bộ Nội vụ đã giao cho Ủy ban kháng chiến khu quyền thành lập Tòa án quân sự khu để xét xử các tội phản cách mạng. Tiếp theo đó, ngày 16 tháng 12 năm 1947 Chủ tịch Chính phủ đã ký sắc lệnh giao cho Bộ quốc phòng nhiệm vụ thành lập các Tòa án binh ở các khu. Ngày 25 tháng 4 năm 1947 Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 45 thành lập Tòa án Trung ương. Các Tòa án binh là tiền thân của các Tòa án quân sự ở nước ta hiện nay.
Năm 1950 cuộc cải cách tư pháp đầu tiên được tiến hành. Ngày 22 tháng 5 năm 1950 Chủ tịch Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp. Với Sắc lệnh này Tòa án Sơ cấp đổi tên thành Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp đổi tên thành Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án đổi tên thành Tòa phúc thẩm, phụ thẩm nhân dân đổi tên thành Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán và luật sư không mặc áo chùng đen khi làm việc như trước đây. Mục tiêu của cuộc cải cách tư pháp này là làm dân chủ hóa bộ máy tư pháp làm cho Tòa án thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với mục tiêu này Sắc lệnh quy định khi xét xử thành phần Hội đồng nhân dân phải chiếm đa số trong Hội đồng xét xử. Hội thẩm nhân dân trước đây chỉ tham gia trong xét xử các vụ án hình sự giờ đây tham dự xét xử cả hình sự và dân sự và có quyền biểu quyết bình đẳng với thẩm phán. Mặt khác ở các huyện còn thành lập Hội đồng hòa giải. Hội đồng hòa giải là hình thức giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hòa giải tất cả các vụ việc dân sự kể cả vấn đề ly hôn mà trước đây chỉ có Tòa đệ nhị cấp mới có thẩm quyền xem xét. Cải cách tư pháp đã mở rộng thẩm quyền cho ban tư pháp xã về việc xử phạt vi cảnh nhằm mục đích giải quyết nhanh chóng những vụ việc ít quan trọng làm giảm bớt sự tốn kém và phiền hà cho nhân dân. Khác với quan niệm trước đây cho rằng các vụ việc dân sự chỉ liên quan đến lợi ích và các mối quan hệ giữa tư nhân với tư nhân, xã hội không nên can thiệp đến, thì nay công tố viên có quyền kháng cáo các án dân sự nếu xét thấy cần thiết.
Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để công dân thực hiện quyền bào chữa của mình. Sắc lệnh số 144 ngày 22 tháng 12 năm 1949 đã cho phép bị cáo và các đương sự ngoài việc nhờ luật sư bào chữa có thể nhờ một công dân được Tòa án nhân dân công nhận bào chữa cho mình. Sắc lệnh này cũng đã quy định việc lập danh sách các bào chữa viên nhân dân do các đoàn thể nhân dân bầu ra.
Từ năm 1958 đến năm 1961 cuộc cải cách tư pháp lần thứ hai được tiến hành. Tháng 4 năm 1958 Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện công tố nhân dân trung ương, tách hệ thống Tòa án nhân dân và Viện công tố ra khỏi Bộ Tư pháp thành hai cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội ngày 1 tháng 7 năm 1959 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256 quy định nhiệm vụ và tổ chức Viện Công tố. Ngày 27 tháng 8 năm 1959 Thủ tướng Chính phủ lại ra nghị định số 321 về thành lập các viện công tố phúc thẩm. Theo các văn bản pháp luật nói trên, Viện công tố được thành lập từ trung ương đến cấp huyện tạo thành một hệ thống độc lập trong hệ thống bộ máy Nhà nước.
Ngày 31 tháng 12 năm 1959 Quốc Hội khóa I tại kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp sửa đổi nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Hiến pháp 1959 đã xác định lại vị trí của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Hai hệ thống cơ quan này không còn trực thuộc Hội đồng chính phủ mà trực tiếp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo Hiến pháp 1959, hệ thống cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân địa phương (gồm Tòa án nhân dân tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân huyện và thành phố thuộc tỉnh, các Tòa án quân sự và trong trường hợp xét xử những vụ án đặc biệt Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt (Điều 97). Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1959 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân 1960 ở các địa phương được thành lập các Tòa án địa phương.
Nguyên tắc bổ nhiệm thẩm phán được thay thế bằng nguyên tắc bầu thẩm phán. Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp ở địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Nguyên tắc tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ kết hợp với thẩm quyền xét xử và nguyên tắc bầu cử thẩm phán ở các Tòa án địa phương được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 3 tháng 7 năm 1981. Tuy nhiên việc quản lý của Tòa án địa phương có sự thay đổi. Học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Luật ngày 3 tháng 7 năm 1981 đã trao quyền quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức cho Bộ Tư pháp.
Với sự ra đời của Hiến pháp 1992, Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28 tháng 12 năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28 tháng 10 năm 1995 cuộc cải cách tư pháp lần thứ ba được thực hiện. Theo quy định của các văn bản pháp luật trên đây, Nhà nước ta có các Tòa án sau đây: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án quân sự; các Tòa khác do luật định. Trong tình hình đặc biệt Quốc hội có thể quyết định thành lập các Tòa án đặc biệt. Các Tòa án quân sự ở nước ta, theo quy định của Điều 2 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự bao gồm Tòa án quân sự trung ương, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực. Hệ thống các cơ quan Tòa án về cơ bản vẫn như trước đây song có một số cải cách cần đáng lưu ý:
- Chế độ bầu thẩm phán được thay thế bằng chế độ bổ nhiệm thẩm phán. Theo quy định tại Điều 38 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992 chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Còn các Phó chánh án và thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án, thẩm phán Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Tòa án quân sự đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Trước năm 1993 trong các Tòa án nhân dân ở nước ta chỉ có Tòa hình sự và Tòa dân sự. Các tranh chấp kinh tế do Trọng tài kinh tế giải quyết. Nhưng thực tiễn cho thấy rằng việc giải quyết của trọng tài kinh tế mang tính chất hòa giải, trọng tài nhiều hơn là tính chất xét xử thể hiện quyền lực tư pháp của Nhà nước. Vì vậy luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 28 tháng 12 năm 1993 đã quy định: "Tòa án nhân dân Tối cao và các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập thêm tòa chuyên trách là Tòa kinh tế để giải quyết các tranh chấp kinh tế".
Theo quy định của Bộ luật lao động được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 6 năm 1994 và có hiệu lực thi hành ngày 1tháng 1 năm 1995 thì các tranh chấp lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể và trong quá
trình học nghề, nếu qua hòa giải hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết mà không thành, các bên có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết (Điều 164).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 166 của Bộ luật Lao động một số tranh chấp lao động cá nhân có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở. Đó là những tranh chấp sau đây:
- Tranh chấp vềxsử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. - Tranh chấp về bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 176 Bộ luật Lao động thì việc kết luận cuộc đình công hợp pháp hay không hợp pháp thuộc thẩm quyền cùa Tòa án nhân dân. Những quy định đó của Bộ luật lao động là tiền đề để thành lập thêm Tòa lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân.
Việc giải quyết các khiếu kiện của nhân dân đối với các quyết định hành chính sai trái làm thiệt hại đến quyền lợi của dân cũng là một vấn đề bức xúc mà xã hội đặt ra đối với tổ chức Tòa án. Trước tình hình đó Quốc hội lại một lần nữa ban hành luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật tổ chức Tòa án nhân dân (Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ tám thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995). Theo quy định của luật mới trong hệ thống tổ chức Tòa án cấp trung ương và cấp tỉnh còn có thêm Tòa Lao động và Tòa Hành chính để chuyên xét xử các tranh chấp lao động và hành chính. Ở cấp huyện, quận có thẩm phán chuyên trách xét xử tranh chấp lao động và các khiếu kiện hành chính.