Bãi nhiệm là khái niệm pháp lý mang nét đặc trưng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bãi nhiệm thể hiện tính ưu việt của xã hội ta khi đại biểu được nhân dân bầu ra luôn chịu sự giám sát của nhân dân, bị nhân dân bãi miễn nếu không được nhân dân tín nhiệm. Khái niệm bãi nhiệm thể hiện
bản chất của Nhà nước ta. Nhà nước, trong đó “các cơ quan dân cử có thể được coi là thực sự dân chủ, thực sự đại diện cho ý chí của cử tri khi nó công nhận và thực hiện quyền bãi nhiệm của cử tri đối với đại biểu của mình”.
Trong báo cáo của nguyên Tổng bí thư trong hội nghị BCH TW 8 khóa VII ngày 25 tháng 1 năm 1995 nói: “Dân làm chủ đất nước vừa trực tiếp vừa gián tiếp, thông qua những người đại diện cho mình bầu ra. Người đại diện phải luôn luôn phấn đấu xứng đáng với lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân. Phải nghiên cứu xác định cơ chế rõ ràng và tổ chức để dân chủ thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình. Dân có quyền bầu, thì cũng có quyền bãi miễn những người phụ lòng tin của mình”.
Quyền bãi nhiệm đại biểu được ghi nhận ngay từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Công dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra” (Điều 20). Hiến pháp 1959 cũng khẳng định điều đó. Theo quy định tại Điều 7 của Hiến pháp 1980 và của Hiến pháp 1992 thì “Cử tri có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu đại biểu đó không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.
Hiến pháp chỉ nêu một căn cứ duy nhất, để cử tri bãi nhiệm đại biểu. Căn cứ đó là sự mất tín nhiệm. Đối với đại biểu không có hình thức kỷ luật nào cao hơn là bị bãi miễn. Theo quy định của pháp luật hiện hành có hai hình thức bãi nhiệm đại biểu.
Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể bị Hội đồng nhân dân bãi miễn hoặc đưa ra để cử tri ở đơn vị bầu ra đại biểu ấy bãi miễn theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy theo mức độ sai phạm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc tỉnh hoặc của cử tri. Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Khác với luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trước đây, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Luật bầu cử đại biểu hiện nay không quy định quy trình bãi nhiệm đại biểu, mà nhường lại cho một văn bản khác, có thể là pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội.