II. HÌNH THỨC CHÍNH THỂ NHÀ NƯỚC 1 Lý thuyết tổng quát về chính thể
3. Chính thể Nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp hiện hành
Chính thể Nhà nước Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 1992 vẫn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Việc giữ nguyên mô hình tổ chức về mặt tên gọi cũng là sự thể hiện tinh thần đổi mới chính trị chậm chắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Khi Quốc Hội thảo luận về vấn đề này không ít có ý kiến muốn từ bỏ tên gọi này. Nhưng Quốc Hội với đa số phiếu tuyệt đối của mình vẫn quyết định giữ nguyên tên gọi của Nhà nước Việt Nam là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù về tên gọi chính thể vẫn giữ nguyên nhưng hình thức biểu hiện có một số thay đổi đáng kể. Những thay đổi này là do cả quá trình nhận thức lại chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Khác với Hiến pháp năm 1980, việc tổ chức quyền lực Nhà nước của Hiến pháp năm 1992 không có mục đích xóa bỏ hình thức sở hữu tư nhân, mà ngược lại thừa nhận sự tồn tại lâu dài của nó. Đây là nội dung thay đổi quan trọng bậc nhất thể hiện nhận thức mới của Đảng và Nhà nước ta trên con đường quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về cơ cấu tổ chức Nhà nước vẫn theo nguyên tắc tập quyền mọi quyền lực Nhà nước tập trung vào Quốc Hội, nhưng có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan. Quốc Hội không như trước đây được quyền làm tất cả ít nhất là về mặt nhận thức, thì bây giờ tập trung vào công việc lập pháp. Hội đồng Nhà nước được tách ra làm hai cơ quan độc lập theo chức năng của chúng là Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Chủ tịch nước. Hội đồng Bộ trưởng được đổi thành Chính Phủ. Nếu như trước đây việc tổ chức và chế độ làm việc của Nhà nước quá sa đà vào cơ chế lãnh đạo tập thể, thì ngày nay cần phải tính thêm và tăng cường sự chịu trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu Chính phủ, và của các thành viên khác về những phần việc được phân công.
Như những vấn đề về được phân tích ở phần trên, chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa bên cạnh những điểm chung với chính thể cộng hòa đại nghị và Cộng hòa tổng thống, vẫn có những đặc điểm riêng. Những đặc điểm riêng này vừa thể hiện cách thức tổ chức nhà nước Việt Nam nói riêng và của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung:
Thứ nhất, Chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua Hiến pháp khẳng định rõ việc tổ chức quyền lực Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khác với chính thể của các Nhà nước tư bản đặt dưới sự lãnh đạo của đảng giai cấp tư sản. Việc xây dựng một xã hội không có người bóc lột người, từ xã hội phong kiến, thực dân, không thể khác hơn nếu không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Đảng có nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng Cộng sản phải lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Nhà nước. Bên cạnh việc tổ chức hoạt động của các cơ quan hợp thành hệ thống Nhà nước, theo pháp luật, phải dựa trên những đường lối, chính sách của Đảng.
Trong hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Là nhân tố chủ yếu và vận động nhân dân làm nên những thắng lợi huy hoàng, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3 - 2 - 1930, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đào tạo và rèn luyện. “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”. Mới mười lăm tuổi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng tháng Tám thành công thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Hiện nay Đảng đang lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”.
Khắc phục những sai lầm trong quản lý kinh tế trước đây do nóng vội, chủ quan, duy ý chí, Đảng ta đã chủ trương đổi mới và đã thu được những thắng lợi quan trọng, đặc biệt là sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không những là một thực tế khách quan mà nó còn được thể chế hóa trong Điều 4 Hiến pháp 1980 và trong Điều 4 Hiến pháp 1992 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Như vậy sự lãnh đạo của Đảng đã được pháp luật hóa. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng không phải nhờ thế sự thể chế hóa thành quy phạm pháp luật, Đảng ta mới giữ được quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng ta đã lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, nhân dân chúng ta mới có thể thoát khỏi cuộc sống nô lệ của những người thuộc dân phụ thuộc vào sự áp bức của đế quốc thực dân. Sau cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là công cuộc xây dựng đất nước, từng bước thoát khỏi đói nghèo, sánh vai cùng các nước khác trên thế giới.
Công cuộc xây dựng đất nước này cũng đang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Không những thế qua các cuộc bầu cử Quốc Hội, cơ quan đại diện cao nhất quyền lực nhà nước nhân dân cả nước luôn luôn bỏ phiếu cho những người ứng cử viên của Đảng Cộng sản. Tới hơn 90 % tổng số đại biểu Quốc Hội được nhân dân bầu ra là người của Đảng Cộng sản. Nhân dân Việt bỏ phiếu cho người của Đảng Cộng sản cũng chính là việc nhân dân Việt Nam tán thành với đường lối chính sách của Đảng Cộng sản. Chính vì lẽ đó Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, Đảng cầm quyền nên lẽ đương nhiên cũng giống như các đảng cầm quyền khác trên thế giới, được quyền đứng ra thành lập Chính phủ. Và người đứng đầu Chính phủ là một trong những hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Việc quy định mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là hết sức cần thiết. Quy định này phủ định quan điểm của một số người cho rằng “Đảng cầm quyền”, có nghĩa là Đảng quyết định trực tiếp mọi việc của Nhà nước, có thể lấy nghị quyết, chỉ thị của Đảng thay cho pháp luật Nhà nước, cơ quan Đảng là cơ quan cấp trên của Nhà nước. Muốn xây dựng một xã hội có trật tự pháp luật, có pháp chế. Các tổ chức của Đảng, mọi Đảng viên phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Nội dung cơ bản của sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được Đại hội VI của Đảng vạch ra bao gồm các mặt sau đây: - Đảng đề ra đường lối, chủ trương chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển của toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực trong từng thời kỳ nhất định.
- Đảng vạch ra phương hướng và những nguyên tắc cơ bản nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, một Nhà nước có bộ máy Nhà nước chính quy, quy chế làm việc khoa học với đội ngũ làm việc có năng lực tổ chức và quản lý hết lòng vì dân.
- Đảng phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn những Đảng viên ưu tú và những người ngoài Đảng có phẩm chất và năng lực giới thiệu với cơ quan Nhà nước để qua cơ chế bầu cử, tuyển chọn của Nhà nước bố trí vào công tác trong các cơ quan Nhà nước.
- Đảng giáo dục Đảng viên nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu tập hợp quần chúng, giáo dục, động viên họ tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, ủng hộ và tích cực thực hiện đường lối chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước.
- Đảng kiểm tra Đảng viên và các tổ chức của Đảng trong các cơ quan tổ chức Nhà nước trong việc chấp hành và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, các nghị quyết của Đảng, đồng thời theo dõi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát hiện những lệch lạc, sai lầm trong chỉ đạo, quản lý để uốn nắn, tiến hành tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để không ngừng bổ xung và hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thực chất sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là sự lãnh đạo chính trị mang tính chất định hướng, tạo điều kiện để Nhà nước có thể độc lập tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ viên chức, hoạt động đúng chức năng, quản lý, điều hành bằng những công cụ, biện pháp của Nhà nước.
Đảng lãnh đạo Nhà nước nhằm đảm bảo cho Nhà nước hoạt động theo đúng chức năng của nó để quản lý kinh tế - xã hội có hiệu quả cao nhất. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước không chỉ ở cấp Trung ương mà còn thể hiện ở cấp địa phương, thể hiện trong mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức Đảng với cơ quan, thủ trưởng các đơn vị, tổ chức cơ sở.
Để lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta đã xây dựng cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những phương hướng lớn cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội những quan điểm cơ bản của chính sách đối nội và đối ngoại. Cương lĩnh, chiến lược, đường lối đúng đắn khoa học là điều kiện cơ bản để Đảng phát huy được vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Muốn cho cương lĩnh và chiến lược đúng đắn, khoa học thì chúng phải là sản phẩm của toàn bộ hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cách mạng của Đảng, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn Dân, là sự tiếp thu những thành tựu của tất cả các nền khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, đồng thời thể hiện nhân sinh quan chính trị, tầm nhìn chiến lược của Đảng cũng như sự phân tích và đánh giá đúng đắn, dự báo chính xác sự phát triển của thực tiễn tình hình trong nước và quốc tế.
Vì vậy, các dự thảo cương lĩnh chiến lược, đường lối chính sách của Đảng phải được toàn dân tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến. Phương pháp lãnh đạo của Đảng là phương pháp dân chủ, giáo dục thuyết phục và bằng uy tín của các đảng viên của Đảng. Đảng không dùng phương pháp mệnh lệnh cưỡng bức. Đó chính là sự khác nhau giữa phương pháp lãnh đạo của Đảng và phương pháp quản lý của Nhà nước.
So sánh vị trí, vai trò của Đảng ta trong hệ thống chính trị với vị trí, vai trò của các đảng phái chính trị ở Nhà nước tư sản, chúng ta thấy sự khác nhau cơ bản. Ở nước ta vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được quy định trong Hiến pháp còn ở các nước tư bản không có nước nào quy định vai trò lãnh đạo của một đảng nào đó trong Hiến pháp. Ở nhiều nước tư bản cũng có đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là đảng chiếm được đa số ghế trong nghị viện. Thủ lĩnh của đảng đó thường giữ chức vụ Thủ tướng chính phủ. Các thành viên Chính phủ thường thuộc về đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Một số đảng nắm quyền lãnh đạo chính trị ở các nước tư bản hiện nay là: Đảng Bảo thủ ở Anh, Đảng Dân chủ ở Mỹ, Đảng Quốc địa ở ý, ở ấn độ v.v... ở nhiều nước tư bản không có đảng cầm quyền vì không có đảng nào chiếm đa số ghế trong nghị viện. Ở những nước này thành lập chính phủ liên hợp bao gồm đại diện của hai hay nhiều đảng mạnh tùy theo tương quan lực lượng của họ. Ví dụ ở Cộng hòa Liên bang Đức, ở Italia, ở Pháp.
Nhờ có Đảng cầm quyền và được thể chế hóa trong đạo luật cơ bản của Nhà nước trên so với các nước tư bản, chế độ chính trị của chúng ta có tính ổn định cao. Ở các nước tư bản nhất là các nước không có đảng cầm quyền thể chế chính trị thường không ổn định. Ở Pháp giai đoạn Cộng hòa Thứ Tư tồn tại 12 năm mà đến 26 lần thay đổi chính phủ.
Tuy nhiên, thể chế chính trị nào cũng có những nhược điểm nhất định. Cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của chúng ta cũng dễ dẫn đến hiện tượng các cơ quan của Đảng bao biện làm thay chức năng của các cơ quan Nhà nước, can thiệp vào chức năng các cơ quan Nhà nước. Vì vậy chúng ta phải phân định rõ chức năng của các cơ quan của Đảng và các cơ quan Nhà nước, tránh hiện tượng nhầm lẫn chức năng của các cơ quan của Đảng và Nhà nước, và nhất là không được lợi dụng Đảng mà vụ lợi cho bản thân, tham nhũng, ức hiếp quần chúng nhân dân. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên được cử vào các cương vị khác nhau trong bộ máy Đảng, chính quyền đoàn thể từ trung ương đến cơ sở. Được trao quyền nhưng nhất thiết không được lạm quyền, hết lòng phục vụ, mang lại lợi ích cho nhân dân, làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, tuyệt đối không được quan cách, hách dịch, cửa quyền, ức hiếp dân, hà lạm công quỹ, tham ô, lãng phí tài sản tiền bạc của dân”.
Thứ hai, việc tổ chức quyền lực Nhà nước không theo nguyên tắc phân quyền như nhiều chính thể của các Nhà nước khác mà tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Thực ra mà nói, nguyên tắc phân chia quyền lực Nhà nước từ khi sinh ra cho đến ngày nay được hiểu là một học thuyết dân chủ mang nhiều sắc tiến bộ so với việc tổ chức quyền lực trên thực tế. Trên thực tế, quyền lực Nhà nước bao giờ cũng có xu hướng tập trung cho thế lực cầm quyền nào đó. Cho nên để hạn chế sự quá tải của sự tập trung này, cần phải có sự phân chia. Hiến pháp được nhiều nhà luật học phân tích rằng, cố gắng phân chia quyền lực một cách cụ thể, nhưng mọi cố gắng của các nhà lập hiến đều tan biến khi có hoạt động của đảng phái chính trị cầm quyền. Vì vậy, cho dù phân chia có như thế nào đi chăng nữa thì quyền lực Nhà nước tư bản vẫn nằm trong tay giai cấp tư bản cầm quyền. Quyền lực thuộc về nhân dân chỉ được tiến hành khi có bầu cử trong thời gian ngắn. Hết bầu cử họ lại trở thành những người bị thống trị. Vì vậy, việc không áp dụng học thuyết trong tổ chức quyền lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng có lý do của nó.
Bên cạnh giá trị dân chủ có tính cách hàn lâm, học thuyết vẫn có một giá trị thực tế nhất định. Đó là việc phân công phân nhiệm rạch ròi giữa các cơ quan. Hoạt động của Nhà nước ngày càng trở nên phức tạp, nếu không có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng thì các cơ quan Nhà nước