Quan hệ giữa Nhà nước và dân cư (các cá nhân) sống trên lãnh thổ là mối quan hệ nền tảng trong mỗi quốc gia. Quan hệ đó thể hiện trong các quyền và nghĩa vụ được quy định tạo thành địa vị pháp lý của cá nhân. Địa vị pháp lý này nhiều, ít tùy thuộc vào tính chất của Nhà nước (quân chủ chuyên chế, dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa) và vào tính công dân của người đó (là công dân, người không quốc tịch hay người nước ngoài). Do đó việc xác định tính công dân (quốc tịch) của một cá nhân là một yếu tố trong việc quy định địa vị pháp lý của cá nhân.
Công dân là bộ phận dân cư chủ yếu của một Nhà nước bao gồm những người được xác định lệ thuộc pháp lý đối với Nhà nước đó. Người là công dân của Nhà nước sở tại thì được hưởng đầy đủ những quyền và lợi ích tương xứng và đồng thời phải gánh vác những nghĩa vụ do Nhà nước quy định. Những cá nhân không phải là công dân thì chỉ được hưởng một số quyền lợi và gánh vác những nghĩa vụ không đầy đủ so với những người là công dân theo quy định của pháp luật nước sở tại và các hiệp ước được ký kết hoặc phê chuẩn.
Khái niệm công dân được gắn liền với khái niệm quốc tịch. Người là công dân của Nhà nước nào thì có quốc tịch của nước đó. Điều 49 Hiến pháp nước ta quy định "Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam". Khái niệm quốc tịch được dùng để phân biệt công dân của một nước với công dân của nước khác và với người không phải là công dân của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Khái niệm quốc tịch được định nghĩa thông dụng trên thế giới. Theo từ điển Bách khoa luật của Liên Xô cũ thì "Quốc tịch là sự quy thuộc về mặt pháp lý và chính trị của một cá nhân vào một Nhà nước thể hiện mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và cá nhân.
Nhà nước quy định các quyền cho cá nhân là công dân của mình, bảo vệ và bảo hộ công dân đó ở nước ngoài. Về phần mình, công dân phải tuân theo pháp luật của Nhà nước và hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước1. Theo Từ điển luật của Mỹ "Quốc tịch là một đặc tính phát sinh từ sự kiện quy thuộc của một người vào một quốc gia hay một Nhà nước. Theo Từ điển Oxford của Anh "Quốc tịch là sự quy thuộc của một người vào một quốc gia nào đó". Luật quốc tịch Việt Nam (1998) định nghĩa: "Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam”.
Như vậy, quốc tịch là trạng thái pháp lý xác định mối quan hệ lệ thuộc giữa một cá nhân với một Nhà nước nhất định. Người có quốc tịch (là công dân) sẽ chịu sự tài phán tuyệt đối của Nhà nước, đồng thời được hưởng đầy đủ mọi năng lực pháp lý với sự bảo hộ của Nhà nước cả trong đất nước cũng như ở nước ngoài.
Trong trạng thái pháp lý trên, mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân có quốc tịch (công dân) được thể hiện như sau: Thứ nhất, Nhà nước bằng pháp luật, quy định quyền và nghĩa vụ công dân; Thứ hai, công dân phải có nghĩa vụ tuân theo pháp luật mà Nhà nước của mình đặt ra dù họ ở trong hoặc ngoài nước; Thứ ba, Nhà nước có quyền phán xét, xử lý tuyệt đối các hành vi của công dân của mình đồng thời phải có trách nhiệm bảo hộ quyền và lợi ích của công dân cả ở trong và ngoài nước.
Khi nói quốc tịch hay công dân là nói tới sự lệ thuộc của một cá nhân vào một Nhà nước nhất định chứ không phải đối với một đất nước. Trên một đất nước, qua các giai đoạn lịch sử có thể có những nhà nước (chế độ) khác nhau tồn tại. Quan hệ Nhà nước công dân bao giờ cũng là quan hệ giữa công dân với một Nhà nước cụ thể. Hiện nay ở nước ta đó là quan hệ giữa công dân Việt Nam đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công dân Việt Nam của các chế độ trước được hưởng quyền và sự bảo hộ kế thừa của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Sự tồn tại của Nhà nước luôn luôn gắn liền với một quốc tịch thống nhất. Trong từng trường hợp Nhà nước được tổ chức dưới hình thức liên bang thì quốc tịch (công dân) của các lãnh thổ hợp thành (bang, cộng hòa) đồng thời là công quốc tịch (công dân) của Nhà nước liên bang.
Để xác định công dân (quốc tịch) của mình, Nhà nước ban hành luật quốc tịch. Đó là một chế định luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xác lập tính lệ thuộc giữa một bên là các cá nhân sống trên lãnh thổ và bên kia là Nhà nước. Luật quốc tịch là tổng thể các quy phạm quy định về sự có, mất, thay đổi quốc tịch, quốc tịch của người chưa thành niên, thẩm quyền và thủ tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch. Hiện nay, ngoài Hiến pháp, có Luật quốc tịch Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành luật Quốc tịch Việt Nam - là những văn bản điều chỉnh vấn đề quốc tịch.