I. CHẾ ĐỘ KINH TẾ 1 Khái niệm chế độ kinh tế
1. Sở hữu toàn dân (hay sở hữu nhà nước)
Đây là hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nó bao quát những tư liệu sản xuất chủ chốt quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: Đất đai, rừng núi sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước (Điều 17).
Tài sản thuộc sở hữu toàn dân là tài sản chung của toàn xã hội. Chủ thể của sở hữu này là toàn thể nhân dân mà Nhà nước là đại diện. Nhà nước với tính cách là đại diện chủ sở hữu của toàn dân định đoạt toàn bộ tài sản nhà nước, thực hiện thẩm quyền của nhân dân đối với tài sản đó. Nhà nước là chủ thể thống nhất và duy nhất đối với tất cả tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước giao những tài sản thuộc sở hữu của mình cho các tập thể, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, một khi nhà nước sở hữu và kiểm soát doanh nghiệp, thì nhà nước có xu hướng sử dụng quyền sở hữu và kiểm soát đó để phục vụ những lợi ích khác hơn là phục vụ khả năng tạo ra lợi nhuận lâu dài và do đó sở hữu nhà nước thông thường khác với mục tiêu về tính hiệu quả của thị trường.
Hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam là một vấn đề đang được công cuộc cải tổ kinh tế hiện nay rất quan tâm. Vì hiệu quả hoạt động của chúng ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập quốc dân lẫn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cũng như hầu hết các nước khác, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được gọi là các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang ở tình trạng kém hiệu quả hoạt động. Đa số các doanh nghiệp này có mức lợi nhuận thấp hoặc thậm chí âm ngay ngay cả trong trường hợp được bảo hộ khỏi sự cạnh tranh quốc tế và trong nước, và được hưởng cả lợi thế độc quyền thị trường trong nước. Sự hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã đẩy hệ thống tài chính rơi vào tình trạng nguy ngập, hạn chế sự đầu tư của tư nhân và nước ngoài, và dẫn đến sự làm mất sự ổn định nền kinh tế. Chính vì lẽ đó hiện này nhà nước Việt Nam đang tiến hành cải cách thành phần kinh tế này bằng nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những biện pháp quan trọng là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Điều quan trọng trong công cuộc cải tổ nền kinh tế hiện nay ở Việt Nam là thúc đẩy nhanh thành phần kinh tế tư nhân, cần có một khu vực kinh tế tư nhân năng động. Nhà nước cần phải loại bỏ mọi rào cản đối với sự phát triển của khu vực này, giải phóng mọi tiềm năng của họ.
Đất đai là tài sản đặc biệt thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Khác với trước đây, Hiến pháp 1992 quy định: Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Họ có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất, được chuyển quyền sử dụng đất được nhà nước giao theo quy định của pháp luật (Điều 18). Đây là cách giải quyết hợp tình hợp lý trong điều kiện hiện nay. Nó bảo đảm cho Nhà nước vừa là chủ sở hữu duy nhất đối với đất đai, thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, đồng thời bảo đảm cho người được giao đất yên tâm sử dụng, đầu tư, khai thác lâu dài. Bản thân sở hữu nhà nước (toàn dân) không phải là không hiệu quả. Tính không hiệu quả này nảy sinh từ những hạn chế về quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng, và cầm cố đất đai.
Trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường càng cần phải củng cố và tăng cường sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Bởi vì chỉ có phát huy ưu thế của các thành phần kinh tế này thông qua cạnh tranh lành mạnh thì mới chế ngự mặt tiêu cực của sở hữu tư nhân, lôi cuốn chúng theo định hướng chung đã chọn. Vì thế Hiến pháp quy định "Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân" (Điều 19).