TỔNG QUAN VỀ HIẾN PHÁP

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 61 - 63)

Như những điều đã được phân tích ở những phần trên, nhà nước rất cần cho cuộc sống của con người chúng ta. Sự phát triển của nhà nước cùng với những cách thức thực hiện quyền lực của nó tạo nên các thời đại khác nhau. Từ thời đại của một nền chuyên chế độc tài chuyển sang một nền dân chủ như hiện nay. Nhà nước không tổ chức và quản lý xã hội theo mệnh lệnh, chỉ thị không được minh định trước, mà phải theo một quy định rõ ràng được đặt ra từ trước. Những quy định này không những chỉ cần thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, mà nhiều khi còn thể hiện cả sự đồng thuận của cả nhân dân.

Đó là hoạt động lập pháp của nhà nước. Hoạt động này thuở ban đầu chỉ là của riêng nhà vua trong chế độ chính trị quân chủ chuyên chế, trong chế độ chính trị dân chủ kể cả dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa được giao hẳn cho một cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra đảm nhiệm. Những cơ quan đó được gọi là nghị viện, hoặc Quốc hội như ngày nay.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng gần giống như con người vậy. Có bộ phận suy nghĩ để quyết định, có bộ phận tổ chức thực thi các quyết định đã được nghĩ ra. Và cũng có bộ phận kiểm tra lại chất lượng các hoạt động thực theo quyết định đã được ban hành. Bộ máy Nhà nước theo lịch sử hình thành thường được cấu thành ba bộ phận: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lập pháp là bộ phận đảm nhiệm công việc ban hành pháp luật, hành pháp - thực thi pháp luật, và tư pháp là bộ phận đảm nhiệm chức năng xét xử của Nhà nước. Mỗi một bộ phận do một hay nhiều cơ quan đảm nhiệm.

Kể từ khi Vua Anh Edward, một giáo sỹ dòng Xưng tội, vào thế kỷ XI vấn đề trung tâm của thực tiễn và lý thuyết chính trị là mối quan hệ giữa Vua và các thần dân. Trải qua những cuộc đấu tranh lâu dài, một nghị viện mạnh mẽ đã nổi lên để cạnh tranh và cuối cùng lấn át cả quyền lực của Hoàng gia. Sự phát triển các thiết chế đại nghị trên quy mô quốc gia bắt đầu ở châu Âu thời Trung cổ.

Các vị quốc vương cát cứ ở những vùng lãnh thổ rộng lớn, và những vùng lãnh thổ mà người dân sống tại đó phân chia thành các nhóm xã hội - như giới quý tộc, giới tăng lữ, tầng lớp địa chủ nhỏ và những quan chức thành phố. Các quốc vương nhóm họp các vị lãnh đạo các nhóm này, hay còn gọi các đẳng cấp của vương quốc, không phải để tạo ra một chế độ đại nghị, mà để tạo ra một chính thể đại nghị, mà để bổ sung thêm vào các kho báu của Hoàng gia. Charles A.

Beard và John Lewis đã nhận xét rằng: "Ngay cả vị quốc vương Trung cổ chuyên quyền nhất cũng không thể đánh thuế và bóc lột thần dân của mình một cách vô hạn định; vì lý do thiết thực mà ông ta còn nhắc đến cách thức và phương tiện khi làm điều này".

Các nhóm này - đã được gọi là các nghị viện - phát triển qua nhiều thế kỷ để trở thành các hội đồng đại nghị như chúng ta thấy ngày nay. Đã xác định được bốn giai đoạn phát triển rõ rệt. Mới đầu các nghị viện, đại diện cho các đẳng cấp khác nhau, đã nhóm họp để biểu quyết thuế khóa nộp cho ngân khố hoàng gia, mà hầu như không có một sự bàn luận nào cả. Tiếp đó những cơ quan biểu quyết thuế khóa tiến thành các cơ quan lập pháp, trình ra nhà Vua những khiếu nại về tình trạng quan liêu, cửa quyền. Thứ ba, trải qua một quá trình tiến hóa đến cực điểm là cuộc cách mạng Thế kỷ XVII và XVIII, các nghị viện đã giành lấy quyền lập pháp và biểu quyết thuế từ tay nhà Vua, biến bản thân chúng thành các cơ quan có chủ quyền thực sự. Cuối cùng vào Thế kỷ thứ XIX, sự đại diện trong nghị viện đã vượt ra ngoài phạm vi các nhóm đặc lợi lâu đời để bao gồm toàn thể quần chúng nhân dân, hầu như tất cả mọi người, nam cũng như nữ".

Trong lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, nhiều người thường cho rằng quê hương của Nghị viện tư sản là nước Anh. Vì vậy, việc nghiên cứu lịch sử hình các chế định chính trị của nhà nước Anh cũng giúp cho chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc thêm những đặc điểm của loại hình chính thể đại nghị kể cả quân chủ lẫn cộng hòa.

Nhất là những điều kiện hoàn cảnh ra đời của chúng, cũng là nguyên nhân gây ra các đặc điểm của chính thể này.

Vào khoảng thế kỷ thứ 13 - 14, do nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của ngân sách hoàng gia, nhà vua thường triệu tập những cuộc họp bao gồm đại diện các lãnh địa trực thuộc nhằm mục đích vừa thăm dò, vừa yêu cầu thực hiện tốt việc thu thuế tăng hơn so với mức bình thường trước. Khoản chi tiêu ngày càng tăng lên của ngân sách hoàng gia, và các cuộc họp như trên diễn ra nhiều hơn, từ bất thường thành ra thường kỳ, rồi trở thành tục lệ. Bên cạnh việc đồng ý thu tăng thuế cho ngân sách của hoàng gia, đại diện các lãnh địa đã khôn khéo yêu cầu hoàng đế chỉ được cai trị những lãnh địa mà họ là người đại diện theo một quy định nhất định. Chính những cuộc họp đại diện này đã dần dần thành Nghị viện Anh - một điển hình cổ điển của Nghị viện ngày nay. Chính những yêu cầu gia tăng thu thuế trở thành một chức năng tài chính (thông qua ngân sách) của Nghị viện bây giờ và cũng chính những quy định yêu cầu của các đại diện trở thành những văn bản luật như hiện nay.

Nếu đứng dưới giác độ các khoản thu chi ngân sách (thu tăng thuế cho ngân sách của Hoàng gia) cũng là những quy định có tính chất pháp luật, thì việc làm luật đã trở thành một chức năng duy nhất cơ bản của Nghị viện. Và để cho chức năng này được thực hiện tốt trên thực tế, Nghị viện cần có một chức năng cơ bản tiếp theo nữa là giám sát việc thực hiện các văn bản luật mà Nghị viện đã đặt ra.

Trong thời kỳ cách mạng tư sản và thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, việc tăng cường quyền hạn của Nghị viện trở thành một đòi hỏi dân chủ của mọi người dân Anh. Những đòi hỏi tăng cường quyền hạn của Nghị viện đồng thời là những biện pháp (yêu cầu) hạn chế quyền lực phong kiến đã hết thời của Anh. Lúc này câu:"Nghị viện có quyền được làm tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà" đã trở thành một câu thành ngữ của người Anh.

Để Quốc hội/ Nghị viện có được như hiện nay, nhân loại phải trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. "Thuở mới ra đời người ta không thể quan niệm Quốc hội có thể có biện pháp để kiểm soát sự cai trị của nhà Vua. Tuy nhiên theo từng giai đoạn sự bổ nhiệm các vị đại diện cho giai cấp phong kiến, được biến thành Quốc hội có trách nhiệm kiểm soát nhà Vua, và sau đó Quốc hội dần đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân. Nhưng phải chờ một thời gian mới có sự cải biến này."

Sự phát triển quyền hành của Quốc hội hiển nhiên khi Quốc dần dà có quyền tu thảo các dự án gia tăng hay giảm thiểu các khoản chi tiêu. Hậu quả là sự ủng hộ của Hạ nghị viện là rất cần thiết cho nhà Vua. Cuộc cách mạng đổ máu năm 1688 đã đưa William lên ngôi, và ông đã công nhận địa vị ưu thế của Quốc hội. Những giới hạn của vương quyền chuyên chế của Anh quốc đã biến thành những giới hạn quyền hành của nhà Vua bởi Quốc hội. Vấn đề trọng yếu là nhà Vua chỉ có thể ban hành đạo luật khi có sự chấp nhận của Quốc hội. Cuộc nội chiến đã xác định rằng nhà Vua phải tôn trọng pháp luật và pháp luật chỉ có thể sửa đổi bởi Quốc hội. Trong giai đoạn này mặc dù có những nhà Vua có thế lực, nhưng Quốc hội vẫn có quyền kiểm sát và biểu quyết luật. Rút cuộc vì sự tiến triển êm ái của các định chế chính trị Anh quốc, quyền hành của nhà Vua bị giảm sút.

Nhiều nhà Vua am hiểu công việc và có tài thuyết phục, có ảnh hưởng trong công việc cai trị, nhưng chính trị, tức là những vấn đề lớn của đất nước vẫn do Quốc hội nắm giữ.

Việc Chính phủ - hành pháp phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện- một đặc điểm quan trọng bậc nhất của chính thể đại nghị kể cả quân chủ lẫn cộng hòa, đồng thời cũng là một trong những biểu hiện quan trọng của sự hạn chế quyền lực nhà nước của loại hình tổ chức nhà nước này, không phải hình thành ngay từ những ngày đầu của cách mạng tư sản, mà cũng phải dần dần theo trình tự lịch sử của nhà nước Anh. Hạn chế quyền lực nhà nước bằng quy định chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện là một đòi hỏi của tiến trình dân chủ. Thuở ban đầu, chính phủ hoàn toàn của nhà Vua, là cơ quan giúp việc hàng ngày của Nhà Vua, phải chịu trách nhiệm trước Nhà Vua, nhưng dần dần với hình thức hoạt động một cách tượng trưng, nhà Vua bao giờ cũng nghe theo sự cố vấn của Viện Cơ mật. Cho đến tận ngày nay chính phủ của Anh quốc vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhà Vua, nhưng sự chịu trách nhiệm nay chỉ còn là hình thức.

Theo lịch sử của chế độ tư bản, sự phát triển Nghị viện có thể được phân làm hai giai đoạn ứng với hai giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản - tư bản tự do cạnh tranh - là thời kỳ hoàng kim của Nghị viện. Nghị viện thực sự có ưu thế hơn hẳn các cơ quan nhà nước khác. Mặc dù lúc bấy giờ có nhiều nước quyền lực nhà nước phải chia sẻ, nhưng Nghị viện vẫn có một ưu thế nhất định so với các cơ quan nhà nước khác.

Với hoạt động của Nghị viện trong nhà nước tư sản mới đang lên, chế độ xã hội có Nghị viện đã trở thành một chế độ đại nghị. Theo quan điểm của V.I. Lênin: chế độ đại nghị là chế độ mà ở đó nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân chia quyền lực: quyền lực lập pháp, quyền lực hành pháp và quyền lực tư pháp (xét xử). Trong đó quyền lực lập pháp của Nghị viện có ưu thế hơn hẳn và những thành viên của Nghị viện do nhân dân trực tiếp bầu ra có nhiều đặc quyền đặc lợi, nhưng lại không chịu trách nhiệm trực tiếp trước cử tri.1

Trong thời kỳ của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn, nhà nước thành chủ nghĩa đế quốc và hiện nay, chế độ đại nghị bị khủng hoảng do sự lấn quyền của bộ máy hành pháp và Nghị viện tư sản đã trở thành cơ quan hình thức, nơi bị bộ máy hành pháp thao túng.

Mặc dù ở chính thể này Quốc hội thường có cơ cấu hai viện, nhưng về cơ bản Hạ viện có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Lúc đầu quyền cai trị đất nước thuộc về nhà Vua thông qua Đại hội đồng Hoàng gia, tiền thân của Thượng viện bây giờ. Nhưng ngày nay hầu hết các thành viên Thượng viện là các công hầu thế tập truyền ngôi. Với sự phát triển của dân chủ, Thượng viện và nhà Vua, không ai có thể dám chống lại ý chí của Hạ viện. Thượng viện còn sống được cho đến hiện nay cũng là do truyền thống của người Anh, bao giờ cũng muốn giữ những định chế cổ truyền, nếu vẫn còn thì có thể được dùng vào một việc gì đó hữu ích sau này. Sự hiện diện của của Thượng viện cổ truyền minh chứng một nét độc đáo vô nhị của nền dân chủ tư sản Anh quốc khác với của các nhà nước phương Tây khác như: Pháp, Đức... Ngoài chức năng lập pháp cùng với Hạ viện, Thượng viện Anh quốc còn có chức năng tư pháp, Tòa phúc thẩm tối cao. Nhưng trên thực tế, các Thượng nghị sỹ thường không ngồi xử án nếu không có chuyên môn tư pháp. Thượng nghị sỹ có chuyên môn là 9 vị công hầu và Chủ tịch Thượng viện sẽ đảm đương chức năng xét xử này.

Trước năm 1911, mỗi viện Quốc hội đều có quyền phủ quyết đối với dự luật đã được Hạ nghị viện thông qua, sự tranh chấp quyền lực giữa hai viện đã xảy ra, Thượng viện muốn đòi quyền cao hơn Hạ viện. Nhưng cuối cùng bằng Đạo luật về nghị viện được ban hành năm 1911 có hai thay đổi lớn làm cho Thượng viện không còn quyền năng như của Hạ nghị viện:

- Mọi dự luật về tài chính- ngân sách đã được Hạ Nghị viện thông qua được gửi sang Thượng viện ít nhất 1 tháng trước ngày bế mạc khóa họp đều trở thành luật, bất chấp Thượng viện có thông qua hay không. Vì vậy vấn đề tài chính - ngân sách dần dần thuộc thẩm quyền của Hạ nghị viện; - Bất cứ một dự luật nào khác, trừ dự luật tư (private bill), nếu được Hạ viện thông qua ở 3 khóa họp liên tiếp và chuyển tới Thượng viện ít nhất 1 tháng trước khi khóa họp thứ 3 kết thúc, đương nhiên sẽ trở thành luật, cho dù Thượng viện ở khóa họp nào cũng bác bỏ.

Những điều trên có nghĩa là quyền phủ quyết của Thượng viện qua lần cải cách Quốc hội năm 1911 chỉ còn là quyền trì hoãn.

Có thể sơ đồ hóa sự biến chuyển chức năng của Nghị viện trong lịch sử hình thành và phát triển của Nghị viện như sau: Từ chức năng biểu quyết thuế để thu tăng cho nhà Vua, đến giám sát nhà Vua, đến ép nhà Vua bằng cách đồng ý thu tăng thuế cho nhà Vua, nhưng nhà Vua phải cai trị lãnh địa theo một quy định cho trước (luật), đến có quyền thành lập ra hành pháp bao gồm các quan lại thượng thư chỉ được chọn trong thành phần có uy tín trong nghị viện, đến việc bỏ rơi sáng quyền lập pháp, chỉ thông qua các dự án do hành pháp chuẩn bị, đến cuối cùng chỉ còn là giám sát hành pháp, biểu quyết luật và thuế theo sự chuẩn bị của hành pháp (có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ).

Sau mỗi một cuộc Tuyển cử, tân Quốc hội nhóm họp các chính đảng tổ chức các cơ cấu của Hạ viện. Nữ Hoàng bổ nhiệm lãnh tụ đảng chiếm đa số làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng bắt tay vào việc bổ nhiệm các cộng sự của mình vào các chân trong Chính phủ.

Thủ tướng sẽ bổ nhiệm 17 đến 24 bộ trưởng vào một nhóm thân cận, chuyên việc hoạch định ra các chính sách của chính phủ gọi là Nội các. Nội các là chính phủ của nước Anh là trung tâm của toàn thể nhà nước Anh, nên nhiều người đã định danh nhà nước Anh là "chính thể Nội các." Vì vậy nói Chính phủ chịu trách nhiệm tức là nói đến Nội các phải chịu trách nhiệm.

Trên đây là việc hình thành Nghị viện Anh quốc một mô hình cổ điển cho nhiều Quốc hội các nước trên thế giới. Từ chức năng giúp việc cho nhà Vua quyết định việc thu tăng thuế, Nghị viện đã nhanh chóng chuyển sang chức năng làm luật, cho đến việc thành lập ra chính phủ, và cuối cùng giám sát chính phủ như hiện nay. Mọi hoạt động của Nghị viện đều gắn liền với chức năng lập pháp, vì vậy Nghị viện được gọi là cơ quan lập pháp – một trong những ngành quyền lực quan trọng tạo thành cơ cấu tổ chức của nhà nước dân chủ hiện nay.

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w