QUYỀN CON NGƯỜ I QUYỀN CÔNG DÂN TRONG VIỆC XÂY DỰNG NN PHÁP QUYỀN

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 52 - 54)

1. Như những phần trên phân tích những quy định bảo vệ quyền con người là một trong những nội dung cơ bản của hiến pháp. Những Hiến pháp trước đây của cơ chế tập trung và cơ chế thời chiến, vấn đề quyền con người được đồng nghĩa với quyền công dân. Trong tình hình của một nhà nước độc lập vừa thoát thai ra từ một nhà nước phong kiến thực dân, mọi công dân đều được thoát thai từ thần dân hoặc thuộc dân. Vì vậy, về cơ bản khái niệm quyền công dân và quyền con người hầu như không phân biệt.

Nhưng trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, của nhà nước pháp quyền, và nhất là trong điều kiện của việc khu vực hóa và toàn cầu hóa, thì sự phân biệt sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân là rất cần thiết. Vì sự mở cửa này đòi hỏi các công dân phải có sự giao kết và làm ăn với các công dân các nước khác, và ngược lại. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ quyền công dân, nhà nước Việt Nam còn cần phải có nghĩa vụ rất lớn lao trong việc bảo vệ quyền con người, không những cho công dân Việt Nam, mà còn cả công dân của các nước khác, nên trong nội dung của Hiến pháp Việt nam cần phải có những quy định bảo đảm nhân quyền.

Khắc phục những tồn tại của không có quy định rõ ràng về quyền con người, với tinh thần mở cửa và đổi mới, Hiến pháp hiện này quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

Sự hiện diện của quy định trên của Hiến pháp năm 1992 là một thắng lợi trong sự phát triển nhận thức của chúng ta về lĩnh vực nhân quyền. Nhưng quy định trên vẫn còn những điểm cần phải suy nghĩ: Thứ nhất, nhân quyền không thể hoàn toàn đồng nghĩa với quyền công dân; thứ hai, vấn đề nhân quyền phải được quy định trong nội dung của hiến pháp.

2. Một đặc điểm cần phải chú ý đến việc quy định quyền và nghĩa vụ công dân trong các Hiến pháp của nhà nước Việt Nam là do quá ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo của Khổng tử nên các quyền công dân được quy định theo cách thức thừa nhận, hay nói một cách khác là sự ban phát của Nhà nước cho các thần dân, mà không phải theo một chiều hướng ngược lại, theo cách thức mặc nhiên nhà nước phải thừa nhận.

Nhân quyền mà theo cách quan niệm của thời hiện đại là quyền công dân - những quyền vốn có của con người một cách tự nhiên, không cần thiết đến sự ban phát, hay thừa nhận, hay mặc cả từ bất kể chủ thể nào, kể cả từ phía nhà nước. Mà ngược lại nhà nước phải có trách nhiệm ngăn chặn sự vi phạm của bất kể chủ thể nào đến những quyền mặc nhiên ấy. Đó là một trong những nguyên nhân mà xã hội con người cần đến nhà nước.

Mọi chủ thể trong xã hội đều có nguy cơ vi phạm đến quyền con người. Nhưng một trong những chủ thể quan trọng có nguy cơ cao hơn cả hay vi phạm đến những quyền tự nhiên ấy là các cơ quan nhà nước đại diện cho quyền lực của nhà nước. Sở dĩ như vậy, bởi vì với chức năng của công quyền, các cơ quan nhà nước được trang bị đầy đủ hơn, hơn nữa lại được công khai có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người này trước xâm hại có thể của người kia. Với những khả năng và điều kiện như vậy, trong trường hợp không minh bạch, không có trách nhiệm, không có lương tâm, thì rất dễ rơi vào tình trạng áp bức một cách trắng trợn những người ngay thẳng, chưa nói đến chuyện các công chức của nhà nước lợi dụng chức năng và quyền lực sẵn có trong tay để mưu lợi bất chính cho bản thân và gia đình của họ.

Vì vậy bên cạnh việc được lĩnh trách nhiệm bảo vệ nhân quyền, là việc nhà nước phải có những biện pháp ngăn chặn ngay sự vi phạm nhân quyền từ chính cơ quan nhà nước. Một trong những biện pháp là phải có sự ngăn ngừa từ xa trước những nguy cơ ấy có thể xảy ra. Sự ngăn chặn từ xa trước những nguy cơ vi phạm nhân quyền là một trong những chức năng của đạo luật cơ bản - Hiến pháp. Hiến pháp phải có trách nhiệm ngăn chặn sự xâm phạm của các cơ quan nhà nước thông qua các quan chức của nhà nước đến những quyền con người của công dân.

Tính dưới hai giác độ. Một là nhân quyền là quyền tự nhiên của con người, và hai là nhà nước là một trong những chủ thể rất nghiêm trọng rất hay vi phạm đến nhân quyền, nên các nhân quyền của họ được quy định dưới dạng ngăn chặn, mà không phải là với giác độ thừa nhận như của Việt Nam chúng ta.

Nếu như trước đây của bản Tuyên ngôn độc lập, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công đặt vấn đề với thế giới về quyền tự quyết của các dân tộc được Người suy rộng ra từ Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Mỹ quốc và Pháp quốc, đó là những quyền con người mà tạo hóa ban cho họ, không ai có quyền hạn chế và tước bỏ, thì bằng những ý chí chủ quan hoặc khách quan. Nhưng những suy luận có tính sáng tạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh không được phát huy trong các bản hiến pháp sau này. Điều đó thể hiện ở chỗ, nếu như quyền con người của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được hiểu là những quyền của tạo hóa, thì sang các bản hiến pháp của Việt Nam, nhất là sau này lại được ghi nhận là những quyền được Hiến pháp thừa nhận.

Những điều mang nhiều dấu ấn thừa nhận các quyền cho công dân rất dễ nhận thấy trong cách quy định các quyền cơ bản của công dân trong các Hiến pháp Việt Nam. Các Điều 53, Điều 54; 56; 57; 58 ... của Hiến pháp năm 1992 hiện hành đều quy định dưới dạng nhà nước thừa nhận quyền này, quyền kia cho công dân, một cách chủ quan duy ý chí, chứ không phải là người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên.

Điều 60 quy định: "Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phát minh, sáng chế, sáng kiến kỹ thuật....” Điều này có nghĩa là nhà nước thừa nhận công dân có quyền nghiên cứu khoa học. Nếu nhà nước không công nhận thì, người công dân Việt Nam không có những quyền nghiên cứu khoa học.

Điều 70 Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật."

Cũng tương tự như trên quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân phải được nhà nước thừa nhận thì mới được. Nhà nước không thừa nhận thì người dân không có.

Tổng quát hơn Điều 51, Hiến pháp năm 1992 hiện hành quy định: "Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và Luật quy định." Trong khi đó cách thể hiện quyền công dân và quyền con người của Hiến pháp Mỹ, cách đây hơn hẳn hai thế kỷ, tư duy của họ hoàn toàn khác, không phải là một sự ban phát từ phía nhà nước, mà những quyền con người luôn luôn là mặc nhiên, nhà nước phải nghĩa vụ ngăn chặn sự vi phạm từ bất kể chủ thể nào.Ví dụ, về quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận bản Hiến pháp của họ quy định như sau: "Quốc hội sẽ không được ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và kiến nghị lên chính phủ các điều thỉnh cầu, để bày tỏ những nỗi bất bình của họ."

Tu chính án này không ban cho người dân quyền tự do tín ngưỡng hay quyền tự do báo chí, mà chỉ ngăn cấm việc Quốc hội thông qua những đạo luật can thiệp vào quyền tự do, ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Cá nhân thì được tự do, chính quyền thì chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Quyền bất khả xâm phạm thân thể và tài sản của họ được quy định như sau:

"Quyền của các công dân được bảo đảm về bản thân, nhà cửa, giấy tờ, và tài sản, chống mọi sự khám xét và tịch thu vô lý, sẽ không bị vi phạm, và không một trát khám nhà nào sẽ được cấp nếu không có lý do chính đáng, không được lời tuyên thệ hoặc xác nhận làm sáng rõ, và nếu trát đó không mô tả rõ ràng nơi cần khám xét và người và vật bị bắt giữ...."

"Không ai có thể buộc phải chịu trách nhiệm về một trọng tội, hay một tội xấu xa khác, nếu không có một quyết định cáo trạng của do một bồi thẩm đoàn đưa ra, trừ trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân, hoặc trong lực lượng dân quân dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến, hoặc trong tình trạng báo động. Không một ai có thể bị kết án hai lần về cùng một tội. Không một ai có thể bị ép buộc làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tuớc đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không có một quá trình xét xử theo đúng luật. Không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng."

Tức là họ đi theo một tư duy khác, quyền con người là những quyền mặc nhiên, nhà nước phải có nghĩa vụ ngăn chặn sự vi phạm những quyền đó từ phía vi phạm của các cơ quan nhà nước. Chứ không phải là nhà nước công nhận con người có những quyền đó như của Hiến pháp của nhà nước Việt Nam chúng ta. Chính quyền trong một chế độ dân chủ không ban cho người dân những quyền tự do căn bản, mà chính quyền được tạo ra để che chở những quyền tự do mà mỗi cá nhân sở hữu bởi sự hiện diện của mình trên cõi đời này. Qua sự định chế của các triết gia ở kỷ nguyên Ánh Sáng của thế kỷ 17 và 18, những quyền bất khả chuyển nhượng là những quyền thiên nhiên do Trời ban cho loài người. Những quyền này không bị hủy diệt khi xã hội loài người được thành lập, và không một xã hội nào, cũng như không một chính quyền nào có thể tước đoạt hay cải hoán những quyền đó được.

Bên cạnh vấn đề phương pháp tiếp cận đó ra, việc thừa nhận các quyền quyền công dân của các hiến pháp Việt Nam chúng ta, còn ẩn chứa một nguy cơ khác, những quyền không được liệt kê, tức là không được thừa nhận. Tu chính án thứ chín của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa kỳ giải quyết vấn đề này như sau: "Việc liệt kê một số quyền trong hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp các quyền khác của người dân." (The enumeration in the Constitution of certain rights shall not be construed to deny or disparage others retained by the people).

Sự quy định theo cách trên về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hiến pháp của chúng ta có lẽ cũng có lý do của nó: Thứ nhất, việc quy định theo kiểu thừa nhận trên là kết quả của cơ chế tập trung, mọi quyền lực phải được tập trung ở bên trên, và thứ hai, ở một xã hội chậm phát triển của phương Đông, các quyền của người dân phải được theo cách mở trên thì may ra mới có cơ hội cho việc thực hiện. Trong một tương lai không xa có lẽ chúng ta cũng phải tính đến việc sửa đổi những điểm quan trọng này.

Mặc dù Điều 69 của Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...”, nhưng hiện nay xuất bản vẫn là độc quyền của nhà nước. Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Xuất bản, cho phép tư nhân tham gia xuất bản đến đâu đang là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều người quan tâm. Tại phiên họp ngày 9 và 10 tháng 8 năm 2004 của Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã gợi ý: “Chúng ta cũng cần phải suy nghĩ tại sao nước ngoài cho tư nhân xuất bản được, mà ta thì chưa thể. Quản lý nhà nước không phải là nhà nước phải nắm lĩnh vực đó, và tự mình làm việc đó, nếu không làm được thì cấm. Quản lý tốt là nhà nước không những phải làm tốt mà còn huy động được tối đa lực lượng xã hội tham gia.”

Kết luận

Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong những chế định quan trọng của hiến pháp Việt Nam. Việc quy định những quyền này có 2 ý nghĩa. Thứ nhất, mục tiêu của Hiến pháp Việt Nam cũng như chế độ chính trị Việt nam hiện nay là bảo vệ quyền con người / nhân quyền; thứ hai, nhà nước Việt nam có trách nhiệm bảo vệ những quyền của con người. Bảo vệ quyền con người, và đảm bảo cho quyền con người không bị vi phạm là mục tiêu của nhà nước Việt Nam. Bốn bản Hiến pháp nước ta đánh dấu bốn giai đoạn phát triển của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 là sự thừa kế và phát triển của Hiến pháp 1946, 1959, 1980. Với sự ra đời của Hiến pháp 1992, chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường đi đến sự ngày càng hoàn thiện hơn, nhất là mối quan hệ trách nhiệm giữa công dân với Nhà nước và ngược lại Nhà nước với công dân.

So với các Hiến pháp trước đây, chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 đã được quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn, dễ cho việc thực hiện trên thực tế hơn. Nó không những phản ánh phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội liên quan trọng thời kỳ hiện nay mà còn phù hợp với nội dung của pháp luật quốc tế, nhất là những công ước của Liên Hợp Quốc về vấn đề quyền con người.

Câu hỏi ôn tập

1. Lý do của việc nhân quyền và các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được quy định trong Hiến pháp. 2. Khái niệm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 2. Khái niệm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

3. Những nguyên tắc của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.4. Phân loại quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 4. Phân loại quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

PHẦN THỨ II:

NHỮNG CHẾ ĐỊNH CƠ BẢN CỦA LUẬT HIẾN PHÁP VIỆT NAM VỀ BỘ MÁY NHÀ NƯỚCCHƯƠNG VIII CHẾ ĐỘ BẦU CỬ CHƯƠNG VIII CHẾ ĐỘ BẦU CỬ

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w