NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỦ YẾU CỦA CHẾ ĐỊNH QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 46 - 47)

Những nguyên tắc của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân là những tư tưởng chính trị - pháp lý chủ đạo, làm cơ sở nền tảng cho việc Hiến pháp quy định quy chế pháp lý của công dân.

Theo Hiến pháp năm 1992, Nhà nước ta xây dựng chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, làm cốt lõi cho quy chế pháp lý của công dân dựa trên các nguyên tắc cơ bản (các nguyên tắc hiến pháp) sau đây:

a. Quyền công dân xuất phát từ quyền con người trong các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội hay còn gọi là nguyên tắc tôn trọng các quyền con người.

Nhà nước ta từ khi thành lập cho đến nay luôn luôn tôn trọng các quyền con người, luôn luôn coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được thể chế hóa một cách cụ thể ở các hiến pháp trước đây. Với hiến pháp 1992, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, nguyên tắc tôn trọng các quyền con người được thể chế hóa trong đạo luật cơ bản của Nhà nước. Đây là một bước phát triển quan trọng của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hiến pháp (Điều 50).

b. Nguyên tắc quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân

Thuở mới ra đời trong Cách mạng Tư sản con người chỉ gắn với quyền lợi, mà chưa gắn với trách nhiệm của con người. Thực ra quyền và nghĩa vụ là hai mặt của quyền làm chủ của công dân. Công dân muốn được hưởng quyền thì phải gánh vác nghĩa vụ. Gánh vác, thực hiện nghĩa vụ là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho các quyền công dân được thực hiện. Trong xã hội loài người chúng ta không thể có một số người nào đó chỉ chuyên hưởng quyền lợi, mà không gánh vác nghĩa vụ. Thay vì của những chế độ chính trị trước đó gắn liền với thần quyền, quyền lực nhà nước không thuộc về đa số nhân dân, mà chỉ thuộc về một số ít dòng dõi quý tộc, mà ngược lại đa số nhân dân bị áp bức bóc lột, họ không có nhân quyền. Nên vấn đề nhân quyền được đặt ra như là một điều kiện tiên quyết cho việc thay đổi chế độ nhà nước (Chế độ chính trị). Nhưng sau sự thành công của Cách mạng tư sản, người ta lại phải nhấn mạnh thêm cả nghĩa vụ của các công dân.

Nhưng quyền con người trong nhiều trường hợp vẫn phải được nhấn mạnh, một khi vẫn còn sự hiện diện của nhà nước. Nhà nước đảm bảo cho các công dân những quyền lợi hợp pháp nhưng mặt khác cũng đòi hỏi mọi công dân phải thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Vì vậy, khi mỗi người thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình tức là bảo đảm cho người khác thực hiện quyền lợi của họ. Đối với mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân cũng vậy. Nhà nước chỉ có thể đảm bảo cho các công dân quyền lợi hợp pháp của họ chừng nào mà các công dân và các tổ chức của họ thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ đối với Nhà nước.

c. Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật

Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bản chất của bình đẳng thể hiện ở sự công nhận giá trị bình đẳng của tất cả mọi người trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật, không chấp nhận phân biệt bằng tình trạng giai cấp, tình trạng tài sản.

Theo quan điểm của Mác và Anghen, sự bình đẳng phải được hiểu bình đẳng cả về quyền lợi và nghĩa vụ. Anghen đã viết: "Bình đẳng về nghĩa vụ đối với chúng ta là một bổ sung quan trọng vào sự bình đẳng về quyền lợi của nền dân chủ tư sản". Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ được Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định một cách toàn diện và đầy đủ. Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật". Điều 63 Hiến pháp mới xác định quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và gia đình. Luật pháp không nên phân biệt mọi người dựa trên những cơ sở như tuổi, chiều cao, giới tính, chủng tộc, hay tôn giáo, thì đồng thời luật pháp cũng không muốn buộc tất cả mọi người, dù người đó ở vào hoàn cảnh nào, lại phải bị đối xử giống hệt như nhau. Theo quan điểm của Hiến pháp, dưới con mắt của pháp luật, trên đất nước này không hề có một tầng lớp công dân nào được coi là tầng lớp thượng lưu đóng vai trò thống trị. Theo quy định của Hiến pháp ở Việt nam không có sự phân biệt đẳng cấp. Hiến pháp của chúng ta không quan tâm đến màu da, và sẽ không biết và không chấp nhận bất cứ sự phân biệt giai cấp nào giữa các công dân.

Khả năng thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới được Nhà nước đảm bảo không những bằng cách tạo điều kiện cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng trong lĩnh vực tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội, trong lĩnh vực lao động, tiền lương, nghỉ ngơi; học tập mà còn bình đẳng bằng sự bảo hộ đặc biệt của Nhà nước đối với bà mẹ và trẻ em, bằng cách quy định người phụ nữ có quyền nghỉ trước và sau

khi sinh đẻ mà vẫn được hưởng nguyên lương, bằng việc tăng cường xây dựng hệ thống nhà hộ sinh, nhà trẻ, mẫu giáo, tăng cường giáo dục chính sách dân số và sinh đẻ có kế hoạch vv...

Về quyền bình đẳng, Hiến pháp còn quy định sự bình đẳng của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 5). Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng. Nguyên tắc này được đảm bảo thì xã hội mới có công bằng, pháp luật mới được thi hành nghiêm chỉnh.

d. Nguyên tắc hiện thực của quyền và nghĩa vụ của công dân

Một trong những nguyên tắc quan trọng của chế định quyền và nghĩa vụ của công dân là nguyên tắc tính hiện thực của quyền và nghĩa vụ của công dân. Nguyên tắc này đòi hỏi các quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong hiến pháp và các văn bản pháp luật khác phải là quyền và nghĩa vụ có cơ sở, điều kiện thực hiện được trong thực tế cuộc sống. Các quyền của công dân được quy định trong hiến pháp không là những mong muốn tốt đẹp của nhà nước, mà nhà nước phải có trách nhiệm to lớn trong việc bảo đảm cho những quyền ấy được thực hiện trên thực tế.

Nếu những quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước không thực hiện được trong thực tiễn thì chúng chẳng có giá trị tích cực, mà ngược lại chúng có tác dụng tiêu cực. Hiến pháp 1980 được xây dựng trong giai đoạn còn tồn tại chế độ quan liêu, bao cấp và chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, vì vậy có những điều quy định trong Hiến pháp về quyền của công dân không phù hợp với điều kiện thực tiễn khách quan. Ví dụ: Điều 60 quy định chế độ học không phải trả tiền; Điều 61 quy định: "Nhà nước khám bệnh và chữa bệnh không phải mất tiền". Hiến pháp mới năm 1992 đã khắc phục những nhược điểm của Hiến pháp 1980, bảo đảm tính hiện thực của quyền và nghĩa vụ của công dân bằng những quy định mới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Sửa đổi Điều 60 Hiến pháp 1980, Điều 59 Hiến pháp 1992 quy định: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí, công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hóa và học nghề phù hợp".

Về chế độ bảo vệ sức khỏe, Hiến pháp năm 1992 quy định phù hợp hơn với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Sửa đổi Điều 61 Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 quy định "Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe, Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí..." (Điều 61).

Nói đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng đồng thời là nói đến việc bảo đảm cho những quyền và nghĩa vụ ấy có hiệu lực thực hiện trên thực tế. Việc quy định quyền lợi của công dân trong hiến pháp, không đơn giản là việc ghi nhận, phó mặc việc thực hiện những quyền lợi đó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc ghi nhận quyền lợi kể cả quy định nghĩa vụ cho công dân Nhà nước phải gánh chịu việc bảo đảm cho những quyền và nghĩa vụ đó có điều kiện thực hiện. Quyền của công dân đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, mà các cơ quan Nhà nước phải đứng ra gánh chịu. Đó là những bảo đảm của Nhà nước để những quyền lợi của công dân được thực hiện.

Ví dụ, để quyền tự do kinh doanh của công dân được thực hiện theo Điều 57 Hiến pháp, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng (Điều 28), hoặc "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa" (Điều 23). Hay một ví dụ khác, để công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thì Nhà nước phải có trách nhiệm xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm trong cơ quan Nhà nước làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố xét xử gây thiệt hại cho người khác; và người bị bắt, giam giữ, truy tố xét xử trái pháp luật được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự.

Một phần của tài liệu giáo trình khoa học luật hiến pháp (Trang 46 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w