Thiết chế Viện Kiểm sát là một thiết chế của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, mà đứng đầu là Liên xô, khi mà họ thấy cần giám sát theo nguyên tắc không phải là song trùng trực thuộc, mà chỉ trực thuộc một chiều của cấp trên, để bắt các chủ thể, nhất là địa phương và cấp dưới phải luôn luôn tuân theo pháp luật, quyết định và cũng như ý chí của cấp trên - trung ương. Viện kiểm sát như là một thiết chế đại diện cho cấp trên – trung ương, buộc cấp dưới phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên và quyết định của Viện Kiểm sát mặc dù chỉ là kiến nghị, nhưng bao giờ cũng phải được thi hành, buộc các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành trực thuộc cấp dưới, kể cả công dân phải chấm dứt hoặc thay đổi ngay các hoạt động không phù hợp với các quyết định và luật của các cơ quan Nhà nước cấp trên.
Mặc dù quyết định của Viện Kiểm sát chỉ được dừng ở dạng kiến nghị, nhưng bao giờ cũng phải được các cơ quan khác thực thi. Chính vì lẽ đó chỉ cùng một chữ “kiến nghị”, nhưng có lúc là cái cớ cho bị cáo Phạm Sỹ Chiến và Luật sư của bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố trắng án cho mình, ngược lại lúc thì Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử lại viện ra rằng, đó lại là cơ sở của lời buộc tội, và kết tội đối với bị cáo nói trên(xem, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cáo trạng vụ án Trương Văn Cam cùng bọn tội phạm, tr. 207)
Vì những lẽ đó khi mới ra đời chức năng quan trọng có tính bao trùm của Viện Kiểm sát nhân dân là kiểm sát chung – kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cấp chính quyền từ các bộ trở xuống các địa phương.
Trên cơ sở của việc thực hiện chức năng kiểm sát chung, mà Viện kiểm sát có thêm chức năng phụ là công tố buộc tội. Sang đến thời kỳ hiện nay của công cuộc đổi mới và nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, chức năng kiểm sát chung theo hiến pháp hiện hành không còn, Viện kiểm sát chỉ còn lại chức năng buộc tội và kiểm sát hoạt động tư pháp như phần trên đã nêu.
Trong tinh thần của việc xây dựng nhà nước pháp quyền Viện kiểm sát vẫn cần phải tiếp tục đổi mới. Đó là việc tiếp tục hoàn thiện lại thể chế Viện Kiểm sát theo xu hướng phân công rõ ràng giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Trên tinh thần đó Viện Kiểm sát cần phải hoàn thành tốt chức năng cần có của mình là công tố. Để là được những đòi hỏi trên Viện Kiểm sát cần phải tiếp tục đổi mới theo 2 hướng sau:
1. Để có một lời buộc tội chính xác đồng thời phải nhanh chóng với mục đích không oan người vô tội, thì các cơ quan điều tra phải trực thuộc trực tiếp Viện Kiểm sát – cơ quan buộc tội. Hay nói một cách khác các cơ quan điều tra tội phạm phải trực thuộc Viện Kiểm sát;
Vấn đề thứ nhất, phải nhập chức năng điều tra các tội phạm vào chức năng công tố buộc tội của Viện kiểm sát, hay nói một cách khác chức năng buộc tội phải gắn chặt với chức năng điều tra không tách rời, làm cho các hoạt động của các cơ quan điều tra phải trực thuộc trực tiếp cơ quan tiến hành buộc tội.
Hoạt động điều tra là hoạt động quan trọng bậc nhất của tố tụng. Khâu đầu tiên đồng thời cũng là khâu có tính quyết định nhất trong toàn bộ quy trình của hoạt động tư pháp. Vì rằng tất cả các hoạt động công tố, xét xử như thế nào đi chăng nữa, cũng là những hoạt động tiếp theo để nhằm mục đích tìm ra tính xác thực kết quả của các hoạt động điều tra, mà giai đoạn kết - hệ quả của hoạt động này là công tố - buộc tội hay là không buộc tội (đình chỉ hoạt động điều tra tội phạm). Vì vậy hoạt động điều tra rất gắn và hoặc ít nhất là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hoạt động buộc tội. Nếu không điều tra, hoặc trong trường hợp đặc biệt không chỉ đạo hoạt động điều tra, thì công tố ủy viên không có khả năng kết được tội. Ý rằng muốn kết được tội thì phải là người rất am hiểu tội phạm nhất.
Anh không trực tiếp điều tra hoặc anh là cơ quan điều tra thì làm sao anh nắm được mọi ngóc ngách của tội phạm mà buộc?
Hiện nay người tiến hành buộc tội trên các phiên tòa không là người trực tiếp, hoặc không trực tiếp lãnh đạo người điều tra vụ án. Cơ quan tiến hành điều tra không phải là cơ quan buộc tội. Tức là điều tra và buộc tội không cùng một chủ thể. Chắc chắn rằng giữa các chủ thể không ít những mâu thuẫn xẩy ra trong quá trình tố tụng, không có sự thống nhất giữa điều tra và công tố. Trong hoạt động chính trị cũng như quản lý Nhà nước để hạn chế tình trạng lạm dụng quyền lực, người ta đã dùng quyền lực để hạn chế quyền lực, theo kiểu tham vọng, phải kìm chế bằng tham vọng, mà không bằng một con đường nào khác, phải chia các công đoạn của một hoạt động quản lý, hoạt động chính trị ra một số các công đoạn nhỏ và giao cho các chủ thể khác nhau cùng đảm nhiệm, và có thể dùng công đoạn này kiềm chế, thậm chí là đối trọng công đoạn kia. Nhưng trong hoạt động điều tra và buộc tội thì lại là hoàn toàn khác. Mặc dù chúng là hai công đoạn đấy nhưng vì phải đảm bảo độ chính xác và nhanh chóng cần phải nhập chúng lại. Bởi lẽ rằng cả hai hoạt động ấy đều cần đến một lời cáo trạng chính xác và nhanh chóng, cùng chưa là kết quả chính thức, chúng đều phải được kiểm nghiệm lại tại Hội đồng xét xử - Tòa án.
Trong trường hợp của những vụ án phức tạp, người tiến hành điều tra cần chuyên môn nghiệp vụ, thì hoạt động điều tra này phải được đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của kiểm sát viên thực hiện quyền công tố của vụ án.
Việc nhập vào như vậy, chắc chắn việc điều tra, buộc tội sẽ chính xác hơn, vì không phải thông qua khâu trung gian, và sẽ nhanh chóng hơn. Vấn đề thời gian, vấn đề chính xác bao giờ cũng là đáng quan tâm hiện nay của bất kể hệ thống xét xử nào. Những hoạt động này luôn luôn mang trong mình nó tính hành pháp, và phải đặc biệt thống nhất 100% giữa điều tra và lời buộc tội.
Không có lý gì mà Bộ trưởng Tư pháp của Hợp chúng Mỹ châu lại là Tổng Chưởng lý (như Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao của nhà nước ta) và Cục Điều tra liên bang (FBI) là một bộ phận của Bộ này.
Thực tế hiện nay các hoạt động điều tra của Việt Nam do các cơ quan trực thuộc Bộ Công an thực hiện, hoạt động công tố thì lại thuộc chức năng của Viện Kiểm sát làm cho không ít trường hợp công tố ủy viên không biết được mọi chi tiết của tội phạm, vì họ phải buộc tội thông qua các kết luận các cơ quan điều tra. Mặc dù pháp luật hiện hành vẫn có quy định hoạt động điều tra phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của Viện Kiểm sát.
Nhưng sự kiểm tra, giám sát này không dễ gì thực hiện, chỉ bởi một lẽ rằng, các cơ quan điều tra không trực thuộc Viện Kiểm sát. Vấn đề thứ hai, là vấn đề kiểm sát xét xử. Viện kiểm sát vừa là chủ thể buộc tội, một bên của tố tụng, vừa là lại đứng ra kiểm sát việc xét xử. Thật là chẳng khác nào ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Câu chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi", trong công cuộc đổi mới, và nhận thức lại giai đoạn đầu tiên của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã được thải hồi ở nhiều tổ chức, nhiều cơ quan. Nhưng cho đến nay vấn đề này trong hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân vẫn còn là hiện hữu.
Viện Kiểm sát một thiết chế đặc thù của hệ thống xã hội chủ nghĩa của hệ thống bao cấp tập trung. Viện kiểm sát có chức năng căn bản là kiểm sát chung, sau đấy là kiểm sát tư pháp: kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát việc thi hành án. Từ chức năng cơ bản này mới sinh ra chức năng buộc tội. Mà đã là lời buộc tội (trong bản cáo trạng) thì bao giờ cũng là đúng, Tòa án chỉ được tuyên án theo cáo trạng của Viện kiểm sát. Cũng từ đây không những Viện Kiểm sát trong khi xét xử giữ quyền công tố buộc tội, mà còn có cả quyền giám sát hoạt động xét xử của chính phiên tòa, mà Viện Kiểm sát đang đóng vai trò là người buộc tội.
Trong các quy phạm Hiến pháp của Nga, cũng như của chúng ta, chức năng công tố không được ghi nhận. Mãi đến Hiến pháp năm 1980 và của Hiến pháp năm 1992 chức năng công tố buộc tội mới được ghi nhận cho Viện Kiểm sát, nhưng cũng được đặt sau chức năng kiểm sát chung. Hay nói một cách khác buộc tội - công tố là chức năng đi kèm theo, phái sinh từ chức năng kiểm sát chung.
Sau bao nhiêu năm trăn trở, nay theo quy định Hiến pháp sửa đổi, Viện Kiểm sát không còn chức năng cơ bản của nó nữa là kiểm sát chung – mà chúng ta gọi chủ yếu là kiểm sát văn bản. Cho đến nay không ít người trong Viện Kiểm sát vẫn còn là nuối tiếc sự mất đi chức năng này của Viện Kiểm sát. Chức năng kiểm sát chung bị mất đi không chỉ giản đơn bởi lẽ rằng, cần phải tập chung cho việc hoàn thành chức năng buộc tội của Viện Kiểm sát, mà chủ yếu theo tinh thần của nhà nước pháp quyền sự đúng – sai theo kết luận của Viện Kiểm sát không được kiểm nghiệm bằng hoạt động xét xử - tài phán.
Cũng nên được nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp này, chức năng công tố lại trở thành chức năng chính, và chức năng kiểm sát tư pháp, còn rơi lại, lại được lật ngược thành chức năng đi kèm. Việc "vừa đá bóng vừa thổi còi" vẫn cứ được quy định, chỉ có cái là kém quan trọng hơn theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, vì phải nhường bước trước chức năng công tố – buộc tội.
Như những điều phân tích ở phần trên đổi mới việc tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân theo tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những công việc cấp bách hiện nay, một trong những việc đó phải nhanh chóng chuyển đổi Viện Kiểm sát thành Viện Công tố với chức năng duy nhất là thay mặt cho nhà nước thực hiện chức năng buộc tội. Sau khi đã loại bỏ cả chức năng kiểm sát xét xử, kiểm sát điều tra và kiểm sát việc thi hành án, thì Viện chỉ còn lại chức năng công tố - buộc tội, thì Viện Công tố sẽ trực thuộc cành quyền lực nào lập pháp hay là hành pháp?
Câu trả lời chắc chắn là công tố là hoạt động của hành pháp và Viện Công tố phải trực thuộc Hành pháp – Chính phủ, mà không thể là một quyền đứng riêng rẽ giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp như hiện nay.
Kết luận
Viện Kiểm sát nhân dân là một thiết chế tương đối đặc biệt của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa và trong đó có ở nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức ra từ quy định của Hiến pháp năm 1959, theo nguyên tắc thống nhất chỉ trực thuộc cấp trên của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với hai chức năng cơ bản kiểm sát việc tuân thủ các quy phạm pháp luật và công tố thay đổi nhau lúc đậm lúc nhạt tùy theo thời gian tương ứng với yêu cầu của công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, càng ngày càng có xu hướng tập trung vào chức năng công tố buộc tội.
Câu hỏi ôn tập
1. Địa vị pháp lý của Viện Kiểm sát Nhân dân theo Hiến pháp hiện hành. 2. Sự biến đổi chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ. 3.Phân tích lý do của việc thay đổi chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân. 4. Cơ cấu của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo hiến pháp đang hiện hành. CHƯƠNG VIII
TÒA ÁN NHÂN DÂN