Dạy Đọc hiểu văn bản

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Dạy Đọc hiểu văn bản

Thuật ngữ Đọc - hiểu được dùng song song với thuật ngữ Đọc văn, tuy nhiên vẫn có sự phân biệt để gọi tên một loại giờ mà đối tượng khám phá, chiếm lĩnh của thầy và trò là văn bản văn học. Đọc - hiểu văn bản văn học là một thuật ngữ theo nghĩa đa nguyên, rộng hơn. Người ta có thể dùng thay thế lẫn nhau hai thuật ngữ Đọc - hiểuĐọc văn, nhưng thuật ngữ Đọc văn khá quen dung, chưa cho thấy rõ tính hướng đích của giờ học hay hoạt động khám phá văn bản văn học theo nhận thức mới hiện nay về các vấn đề hữu quan.

Đọc ở đây không bó hẹp trong đọc diễn cảm mà phải gắn liền với sự hiểu

(theo nghĩa toàn diện nhất). Rõ ràng, trong hệ thống thuật ngữ của môn Ngữ văn, Đọc - hiểu không đơn giản chỉ là nắm bắt một cách đại cương về văn bản như trong lĩnh vực dạy học ngoại ngữ (hoạt động đọc - hiểu).

Với tên gọi Đọc - hiểu, việc dạy học đã có những khác biệt căn bản với giờ Giảng văn, Phân tích tác phẩm văn học hay Dạy học tác phẩm văn chương trước đây. Thuật ngữ mới trong trường hợp này cần được nhìn nhận trong chiều sâu quan niệm gắn với nỗ lực đổi mới một loại hình hoạt động có lịch sử lâu đời nhưng cách thức vận hành nó đã tỏ ra lỗi thời khi mục tiêu dạy học nói chung và dạy học Văn nói riêng đã đổi khác.

Đọc - hiểu là tên gọi của một phân môn trong hệ thống các phân môn khác nhau của môn Ngữ văn. Chúng ta đều biết rằng, trước đây, bộ sách giáo khoa môn Văn thực chất là ba bộ sách: Tiếng Việt, Làm văn và Văn học. Giờ

đây, ba phân môn ấy được tổng hợp lại trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn. Như vậy, đọc - hiểu mang tư cách, tên gọi của một giờ học nhằm phân biệt với các giờ học khác trong hệ thống môn học của môn học Ngữ văn.

Đọc - hiểu văn bản văn học cũng được xem là một hoạt động dạy học để phân biệt và tồn tại song song với các hoạt động dạy học khác như: hoạt động cung cấp, chiếm lĩnh thông tin văn học sử, lí luận văn học hay hoạt động trau dồi kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng có thể rèn luyện kĩ năng làm văn (nói và viết).

Mô hình Đọc - hiểu văn bản phân biệt với các mô hình dạy học Văn cũ là Giảng văn, Phân tích tác phẩm văn học và Dạy học tác phẩm văn chương dựa trên các vấn đề như: quan niệm (tổng thể những quan niệm về giáo dục, về dạy học, dạy học văn cũng như về văn học). Nó cũng phân biệt với mục tiêu, cách tổ chức hoạt động dạy học với các hoạt động khác. Mô hình này đòi hỏi và chấp nhận những cải tiến - cách mạng về phương pháp dạy học: sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng lí thuyết về bản đồ tư duy của Tôni Buzan, ứng dụng các hoạt động thảo luận nhóm, tích hợp trong quá trình dạy học Văn…

Đọc - hiểu là cách đọc cần đạt tới, như là mục đích cuối cùng của cả ba loại đọc (đọc tìm hiểu, đọc biểu hiện và đọc trong nhà trường). Đọc - hiểu là tự mình đối diện với văn bản, tự lực trước văn bản, tập trung và tích đọng, lắng kết thầm lặng năng lực cá nhân. Đây là hoạt động thu nạp và tỏa sáng âm thầm với sức mạnh nội hóa kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm nghệ thuật và kinh nghiệm văn hóa trong cấu trúc tinh thần cá thể. Đọc - hiểu là lối đọc để tự học suốt đời, nó vừa thúc đẩy ý chí và là biểu hiện thầm kín của lòng tự trọng.

Với đọc - hiểu, chúng ta có thể chỉ ra cách đọc sơ bộ bao quát vấn đề của tác phẩm. Ngoài ra, có cách đọc từng mặt, từng phần, đọc tóm tắt, đọc chéo, đọc lướt, đọc thầm. Đọc rất nhiều lần để tái hiện và làm quen với hiện

thực đời sống, cảnh tượng và tâm tình được lựa chọn. Trong đọc - hiểu, nổi lên ba dạng đọc cụ thể sau:

a) Đọc kĩ

Đọc kĩ trước hết phải đọc nhiều lần. Những hoạt động và thao tác của đọc kĩ là: đọc để giới hạn quanh cảnh và bối cảnh xã hội và những vấn đề của nó. Người ta cần biết đến các thao tác đọc phân loại và hệ thống hóa từ ngữ, hình ảnh để tái hiện không gian và thời gian. Đọc để tìm vấn đề (tính có vấn đề) của con người qua việc xác lập đường dây sự kiện, tình huống, trạng thái trong quan hệ với nhân vật văn học.

b) Đọc sâu tác phẩm

Đọc biểu hiện, làm bộc lộ mối liên hệ thống nhất nhiều mặt của đời sống và nghệ thuật, của trí tuệ và tình cảm ngày càng bao quát trọn vẹn văn bản. Những hoạt động và thao tác đọc sâu tác phẩm là:

Đọc chậm, phát hiện những cái mới lạ của từ, của hình ảnh, sự kiện của thế giới suy tư và tâm tình nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại trong giao tiếp với môi trường sống của nhân vật và tác phẩm.

Đọc và thống kê những mối quan hệ với nhân vật và sự kiện, tình huống chính. Phân loại và hệ thống hóa nhân vật theo mối quan hệ đồng hướng và nghịch hướng theo kiểu hòa giải và xung đột để xác định nhân vật (tính cách hoặc trữ tình) trung tâm.

Đọc và sơ đồ hóa mạng lưới hệ thống giữa các yếu tố hình thức và nội dung, bộ phận và toàn thể, chi tiết và chỉnh thể, giữa các tầng chuyển hóa bố cục và kết cấu, bên ngoài và bên trong tác phẩm để tìm ra kiểu tư duy nghệ thuật và phương thức trình bày nghệ thuật của tác phẩm.

Đọc và tham khảo thời điểm sáng tác, chặng đường nghệ thuật, sự chuyển biến tư tưởng của nhà văn để xác định cảm hứng sáng tác của nhà văn trong tác phẩm.

Đọc những hồi kí và ghi chép của tác giả về quá trình sáng tạo tác phẩm và đọc những bài nghiên cứu phê bình về tác phẩm ấy.

Đọc thật nhiều lần để hóa giải những băn khoăn, ngộ nhận về một số điểm sáng thẩm mĩ và chi tiết nghệ thuật chưa có lời đáp phù hợp với văn cảnh và văn bản, với bối cảnh thời đại và lẽ sống.

c) Đọc sáng tạo

Đọc để bổ sung những nội dung mới, làm giàu có về ý nghĩa xã hội và ý vị nhân sinh tích cực trong tác phẩm. Đọc biểu hiện sự đánh giá và thưởng thức giá trị vĩnh hằng của tác phẩm.

Những hoạt động và thao tác đọc sáng tạo:

Đọc tái hiện lại chặng đời của hình tượng nhân vật trung tâm và khái quát sự vận động của hình tượng từ đầu cho đến hết.

Đọc nhận ra giá trị và ý nghĩa của kết thúc tấc phẩm đối với đời sống. Phân tích và đánh giá ý nghĩa thời đại lịch sử, ý nghĩa xã hội, đạo đức và ý nghĩa nghệ thuật thẩm mĩ của hình tượng đối với quá khứ, hiện tại và tương lai.

Đọc và kết nối những yếu tố trữ tình ngoại đề với giọng điệu và tuyên ngôn nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật về con người cùng với thái độ chính trị, tư cách công dân của tác giả.

Đọc để khái quát thành sức sống, tiềm năng sáng tạo của hình tượng trung tâm trong tác phẩm.

Đọc và cắt nghĩa những thuộc tính nghệ thuật khách quan, ổn định của tác phẩm theo quan điểm văn hóa truyền thống.

Đọc tác phẩm và cân nhắc chiều hướng định giá giữa lịch sử tiếp nhận và tiếp nhận cá nhân trên nền tảng văn hóa hiện đại.

Trong lời mở đầu cuốn sách Đọc văn, học văn, tác giả Trần Đình Sử trình bày rõ quan niệm đọc văn. Theo ông, đọc - hiểu văn là năng lực đầu tiên cần có của quá trình học văn. Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa tiềm ẩn của văn

bản, để rồi từ đó đọc - hiểu một “văn bản lớn hơn” là thế giới là cuộc đời, nói cách khác là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua văn bản đọc - hiểu. Để bắc được nhịp cầu cho người đọc đến với tác phẩm văn chương là một cách đọc “tôn trọng ngữ cảnh của văn bản, ngữ cảnh của tác giả với thời đại, ngữ cảnh của văn bản đời sống mà người đọc phụ thuộc vào” [58, tr.3]. Vấn đề đọc - hiểu văn bản đã được đề cập rất nhiều, nhất là ngay khi bộ sách Ngữ văn THCS ra đời năm 2002.

Như ta biết, cái mới trong nội dung môn Ngữ văn là vấn đề đọc - hiểu. Đọc - hiểu là khái niệm cơ bản của môn học có nội dung mới. Trước kia ta xem đọc chỉ là phương pháp trong giảng văn mà thôi và lại thường nhấn mạnh một cách cường điệu phương pháp đọc diễn cảm. Hiểu việc đọc văn như thế chưa thấy hết được hoạt động đọc văn là con đường duy nhất để học sinh tự mình cảm nhận cái hay cái đẹp của hình thức tồn tại của văn bản nghệ thuật tiến tới hiểu nội dung tư tưởng khái quát về nhân tâm, thế sự trong đó. Đọc - hiểu là mục đích cuối cùng của các giai đoạn đọc và mức độ đọc, chẳng những đối với văn bản không hư cấu mà đòi hỏi rất cao đối với văn bản nghệ thuật hư cấu (tác phẩm văn học). Đọc - hiểu là hoạt động truy tìm và giải mã ý nghĩa của văn bản. Ý nghĩa ấy hình thành và sáng tỏ dần nhờ sự soi chiếu, tổng hợp, khái quát hóa từ ý nghĩa tồn tại trong hình thức hóa nghệ thuật của tác phẩm, từ đó ý đồ sáng tạo, quan niệm nghệ thuật của nhà văn và ý nghĩa phái sinh thông qua khả năng tiếp nhận của người đọc. Đọc - hiểu thông qua lôgíc khoa học, đã làm giảm đi tính chất “mơ hồ, đa nghĩa” của tác phẩm văn chương để sự giao tiếp nghệ thuật đi tới chiều hướng thỏa thuận nào đó. Ví dụ: muốn đọc - hiểu văn học dân gian thì người học sinh phải được trang bị tri thức đọc - hiểu về thi pháp văn học dân gian, tri thức về văn hóa dân gian, tri thức về folklore, tri thức về môi trường diễn xướng,… Không có những tri thức đó, không thể đọc - hiểu được những văn bản còn có nhiều điều mù mờ về thời điểm sáng tác, về tác giả, về dị bản, về vùng miền lưu truyền,… như

các thể loại văn học dân gian. Ngoài các kĩ năng như đọc lướt, đọc kĩ, đọc sâu, đọc hóa thân, đọc vận dụng, đọc sáng tạo, phải chăng đọc - ca - diễn sẽ có một tác dụng nào đấy để hiểu đầy đủ về văn học dân gian. Thái độ cần được bồi dưỡng cho học sinh khi đọc - hiểu văn học dân gian là thái độ coi trọng di sản văn hóa lâu đời của nhân dân trong một “quá khứ tuyệt đối” và thái độ trân trọng khi đọc một loại văn bản nghệ thuật được nén chặt trong một cấu trúc nhỏ xinh mà tráng lệ đến thế.

Hoạt động đọc - hiểu của học sinh trở thành trọng tâm khi tiếp cận, phân tích, cắt nghĩa và bình giá tác phẩm văn chương, sẽ kéo theo sự đổi mới tất yếu về phương pháp dạy của giáo viên. Trước tiên, giáo viên phải đưa ra nội dung và yêu cầu đọc - hiểu vào các mức độ đọc văn như đọc đúng, đọc hay, đọc diễn cảm. Cân nhắc những hình thức nào của đọc văn như đọc thầm, đọc to, đọc phân vai, đọc đối thoại, đọc bình chú, đọc tóm tắt, đọc hồi cố, đọc dự đoán,… có tác dụng làm sáng tỏ việc đọc - hiểu và kết quả đọc - hiểu như thế nào. Cũng cần trao đổi với học sinh mục đích đọc và yêu cầu đọc - hiểu khi đề cập đến việc đọc để phát hiện ra điều thú vị hấp dẫn, đọc để tổ chức lại, xây dựng lại tác phẩm rất cần cho kĩ năng đọc chuyển thể văn bản, đọc để lấy thông tin cần thiết cho mình, đọc để nhận xét trên cơ sở tư duy phê phán, đọc để ghi chép những nét chính để thảo luận. Đọc văn, nhất là đọc - hiểu là một hoạt động độc lập và tập trung. Nó thích hợp với phương pháp tự học theo nhịp độ riêng để phát triển kĩ năng “đọc để học”. Đọc thế nào để mang lại giá trị, ý nghĩa khách quan khoa học của văn bản và đọc thế nào là xuyên tạc, bóp méo giá trị văn chương của văn bản. Cần khắc phục khuynh hướng đọc văn bản hời hợt, chiếu lệ và làm mẫu trong dạy học Ngữ văn hiện nay.

Việc dạy học đọc - hiểu hiện nay đối với các văn bản trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT, giáo viên cần vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực nhằm đáp ứng các yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w