Củng cố tri thức về ngữ cảnh, nhân vật giao tiếp

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 57)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Củng cố tri thức về ngữ cảnh, nhân vật giao tiếp

Trong hoạt động giao tiếp, ngữ cảnh là yếu tố hết sức quan trọng. Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ làm cơ sở cho việc tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói. Do đó, ngữ cảnh luôn luôn ảnh hưởng và chi phối nội dung và hình thức của câu. Mọi yếu tố ngôn ngữ được sử dụng phải thích hợp với ngữ cảnh (với các nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng và hẹp, hiện thực được đề cập đến hay với văn cảnh,…). Mặt khác, ngữ cảnh cũng để lại dấu ấn trong các yếu tố ngôn ngữ, sản phẩm của hoạt động giao tiếp. Đây chính là mối quan hệ giữa môi trường và sản phẩm tạo ra trong môi trường ấy.

Chúng ta biết rằng, mỗi một tác phẩm văn học đều ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định. Khi dựa vào hoàn cảnh ra đời của tác

phẩm văn chương, người đọc có thể hiểu được những nét khái quát nhất về nội dung tư tưởng của tác phẩm ấy. Chính vì vậy, trong dạy đọc - hiểu, giáo viên phải hướng cho học sinh tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm - nhân tố góp giúp học sinh đi vào khám phá văn bản. Đây cũng là một biểu hiện của kiến thức về ngữ cảnh - một kiểu ngữ cảnh đặc biệt. Không ít từ ngữ, câu văn trong các văn bản đọc - hiểu phải được đặt trong ngữ cảnh cụ thể thì mới xác định đúng ý nghĩa của chúng.

Dạy học bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương, ngoài việc cung cấp các

kiến thức về hoàn cảnh sáng tác chùm thơ tự tình, giáo viên có thể định hướng cụ thể hơn cho học sinh về các vấn đề thuộc phạm trù ngữ cảnh như: bối cảnh giao tiếp rộng, bối cảnh giao tiếp hẹp, hiện thực được nói tới. Như vậy, chúng ta có thể đi từ những kiến thức, những lớp ý nghĩa của hình ảnh, câu thơ để hiểu được tâm trạng cô đơn, buồn chán của nhân vật trữ tình và hơn thế biết được sức phản kháng trước hoàn cảnh xã hội mà thân phận người phụ nữ không được tôn trọng, đề cao. Từ hiện thực được nói tới trong bài thơ, học sinh có thể củng cố được tri thức tiếng Việt về ngữ cảnh trong hoạt động giao tiếp, từ đó hiểu được phần nào về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đồng thời thấu hiểu được tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Chính mối liên hệ này mà hình thành nên hình thức, nguyên tắc dạy học tích hợp trong dạy học nói chung và dạy học Ngữ văn nói riêng.

Trong các nhân tố của ngữ cảnh thì nhân vật giao tiếp có một vị trí riêng và được tách ra làm một bài học của phần tiếng Việt ở chương trình Ngữ văn lớp 12 tập 2. Không phải ngẫu nhiên mà bài Nhân vật giao tiếp được đặt giữa hai văn bản đọc - hiểu Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân. Đó là một dụng ý của các nhà biên soạn chương trình nhằm mục đích tích hợp kiến thức giữa đọc - hiểu và tiếng Việt. Những đoạn hội thoại giữa các nhân vật trong hai văn bản đó là những ngữ liệu rất sống động giúp học sinh hiểu sâu hơn về nhân vật giao tiếp.

Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân vật giao tiếp xuất hiện trong vai người nói (người viết), hoặc vai người nghe (người đọc); ở giao tiếp dạng nói, các nhân vật giao tiếp thường đổi vai và luân phiên lượt lời với nhau. Các nhân vật giao tiếp có thể có vị thế ngang hàng hoặc cách biệt, có thể xa lạ hay có quan hệ thân tình. Những đặc điểm riêng biệt của từng nhân vật (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hóa,…) khiến cho những yếu tố ngôn ngữ được lựa chọn trong lời nói cũng có những nét riêng, cá biệt. Ở một số bài học, các nhà soạn sách giáo khoa đã trích dẫn những đoạn hội thoại làm ngữ liệu để phân tích, giúp học sinh nắm được kiến thức về nhân vật giao tiếp, từ đó rèn luyện kĩ năng nói cho các em. Nhân vật giao tiếp có ảnh hướng rất lớn đến nội dung cũng như cách thức giao tiếp. Đặc biệt, nó sẽ qui định việc lựa chọn từ ngữ, kiểu câu, ngữ điệu trong nói năng. Chẳng hạn, khi nói chuyện với một người lớn tuổi hơn bản thân mình thì phải chọn

cách xưng hô nào cho phù hợp. Từ lâu, người Việt đã có phương châm “xưng

khiêm, hô tôn” nghĩa là tự xưng thì phải hạ mình, khiêm tốn, gọi người thì phải tôn trọng, đề cao. Nhưng khi giao tiếp với những người cùng trang lứa, cách nói năng có thể bỗ bã, suồng sã, tạo nên sự thoải mái, gần gũi, thân tình.

Có thể thấy, sau hai tiết học về nhân vật giao tiếp trong chương trình Ngữ văn 12 là hàng loạt những văn bản đọc - hiểu thuộc về tác phẩm văn

xuôi và tác phẩm kịch như: Vợ nhặt của Kim Lân, Rừng xà nu của Nguyễn

Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Chiếc thuyền

ngoài xa của Nguyễn Minh Châu hay Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Trong mỗi văn bản đọc - hiểu trên, đều có các cuộc hội thoại giữa các nhân vật, chính những cuộc đối thoại ấy giúp cho học sinh củng cố được các kiến thức về nhân vật giao tiếp, ngữ cảnh,… Chẳng hạn, khi dạy học Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, chúng ta nhất thiết phải phân tích các cuộc đối thoại giữa người đàn bà hàng chài với chánh án Đẩu, nghệ sĩ Phùng ở tòa án huyện. Mới đầu đến phiên tòa, người đàn bà van xin

để không phải bỏ chồng “Con lạy quý tòa… Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đứng bắt con bỏ nó…” [37, tr.74]. Nhưng khi đã không còn e ngại trước Đẩu và Phùng như ban đầu, người đàn bà đã có sự thay đổi trong xưng hô:

“ - Chị cảm ơn các chú!

- Đây là chị nói thành thực, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc…” [37, tr.74].

Như vậy, khi phân tích những câu nói của người đàn bà hàng chài, chúng ta có thể hình dung được tình huống mà người đàn bà hàng chài thay đổi cách xưng hô từ “con” với “quý tòa” (mang tính chất trân trọng cầu khẩn van xin) sang “chị” với “các chú” (mang màu sắc của sự sẻ chia trong cuộc sống, mong được thông cảm và thấu hiểu). Từ đây, người học có thể đúc rút được những kinh nghiệm thiết yếu trong hoạt động giao tiếp, khi các em đặt mình trong những tình huống giao tiếp khác nhau thì việc lựa chọn ngôn ngữ, cách xưng hô như thế nào để hợp lí nhất. Sau bài học này là đọc - hiểu văn bản kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Đặc trưng của thể loại kịch chính là những đoạn hội thoại của các nhân vật làm nên các xung đột, mâu thuẫn, hành động kịch. Cũng như những cuộc đối thoại khác trong văn xuôi, tác phẩm kịch cũng hướng cho học sinh các kĩ năng giao tiếp, lựa chọn từ ngữ, cách xưng hô. Bên cạnh đó, đọc - hiểu văn bản kịch còn giúp cho học sinh củng cố được những kiến thức, kĩ năng về nhân vật giao tiếp, về ngữ cảnh, cách thức lựa chọn, sử dụng cử chỉ, điệu bộ, nét mặt hợp lí nhất trong hoạt động giao tiếp. Cụ thể, trong đoạn trích chúng ta bắt gặp cuộc đối thoại giữa nhân vật Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt với cách xưng hô suồng sã, thậm chí mang tính chất phàm tục; còn đối với vợ và cháu gái cùng cô con dâu thì cách xưng hô thân mật hơn, ăn nói nhã nhặn đúng bản chất của nhân vật Trương Ba; cuối cùng là cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích thể

hiện được những băn khoăn, giằng xé trong thâm tâm của một người khát khao sống đẹp muốn chọn cái chết để người khác được sống. Đó là một ý nghĩa nhân sinh tích cực mà nhà văn muốn hướng đến độc giả. Chính việc phân tích những đoạn đối thoại giữa Trương Ba với các nhân vật, chúng ta có thể giúp học sinh củng cố được nhiều kiến thức tiếng Việt khác nhauư, nổi bật là về ngữ cảnh và nhân vật giao tiếp.

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w