7. Cấu trúc của luận văn
1.2.4. Vấn đề tích hợp trong dạy đọc hiểu và dạy tiếng Việt
Nói đến dạy học Ngữ văn là đề cập đến những vấn đề: dạy cái gì?
Dạy như thế nào? Hay dạy để làm gì? Mỗi một môn học trong chương trình trung học phổ thông đều có vị thế riêng của nó. Với những môn học mang tính chất đa phân môn như: Toán, Ngữ văn thì giữa các phân môn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Dạy học Ngữ văn chính là việc dạy học các vấn đề như: Đọc - hiểu, Tiếng Việt, Làm văn, các kiến thức về Văn học sử, Lí luận văn học. Mỗi một văn bản đọc - hiểu đều là một sản phẩm ngôn ngữ đầy tính sáng tạo, có khi là những mẫu mực trong việc sử dụng tiếng Việt. Chính vì thế, Tiếng Việt và Đọc - hiểu có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Vận dụng nguyên tắc tích hợp vào dạy học đọc - hiểu cũng như dạy học tiếng Việt vừa là đòi hỏi có tính khách quan, lại vừa phản ánh tính liên thông tất yếu giữa hai phân môn.
Như đã trình bày ở trên, tích hợp là quan điểm, nguyên tắc, phương pháp trong dạy học cũng như trong biên soạn chương trình sách giáo khoa, tích hợp cũng mang tính đa diện: tích hợp tri thức, tích hợp các kĩ năng, tích
hợp các môn học, tích hợp phương pháp, hình thức, quy trình kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực tế đó đặt ra vấn đề: dạy học theo hình thức tích hợp là một khâu then chốt trong dạy học nói chung và dạy học đọc - hiểu, tiếng Việt nói riêng.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi nhấn mạnh vấn đề tích hợp trong dạy học đọc - hiểu và dạy học tiếng Việt. Giữa hai phân môn này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng với nhau tạo nên sự thống nhất trong chương trình Ngữ văn phổ thông cùng với phân môn Làm văn. Ở đây, chúng ta cần hiểu, không phải bất cứ phương pháp hay hình thức dạy học nào được xem vạn năng, mà chính việc vận dụng chúng như thế nào mới thể hiện năng lực đích thực của người giáo viên. Tích hợp trong dạy đọc - hiểu và tiếng Việt cũng đòi hỏi người giáo viên phải có kĩ năng sư phạm, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức và phương pháp dạy học khác nhau để tạo nên tính liên thông về kiến thức đồng thời phát huy được sự tích cực, chủ động, của người học, tránh được tình trạng truyền thụ một chiều, đặt học sinh vào thế thụ động.
Chúng ta đã đề cập đến nguyên tắc tích hợp trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành. Từ tinh thần ấy, các soạn giả đã đặt ra nhiều vấn đề hết sức thiết thực trong dạy học Ngữ văn. Các văn bản đọc - hiểu được xem là trục chính trong sách giáo khoa, từ đó, chúng soi chiếu những vấn đề liên quan đến kiến thức của Làm văn, Tiếng Việt.
Dạy đọc - hiểu không đơn thuần cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng cho học sinh về tiếp nhận văn bản, mà người giáo viên phải linh hoạt trong việc tổ chức dạy học để khai thác sự liên thông về kiến thức, rèn luyện tư duy tổng hợp cho học sinh. Với giờ dạy đọc - hiểu, giáo viên và học sinh có thể sử dụng các hình thức tích hợp như: tích hợp ngang, tích hợp dọc hay tích hợp tổng hợp, trong đó tích hợp ngang thể hiện rõ nhất sự tương hỗ giữa các phân môn, cụ thể ở đây là Đọc - hiểu và Tiếng Việt.
Chúng ta biết rằng, trong các giờ Đọc - hiểu, giáo viên chỉ định hướng cho học sinh khám phá được một phần văn bản. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến văn bản mà thời lượng giờ học không cho phép giáo viên và học sinh làm hết trên lớp. Vì thế, tích hợp với tiếng Việt là một cách mà học sinh có điều kiện tìm hiểu thêm về văn bản nhất là các kiến thức về ngữ âm, từ ngữ, câu văn hay phong cách nghệ thuật của từng nhà văn. Có thể thấy, tích hợp ngang là hình thức tích hợp mà giáo viên và học sinh vận dụng khá nhiều và thường xuyên trong các giờ học, đặc biệt là dạy đọc - hiểu văn bản. Bởi lẽ, một văn bản đọc - hiểu muốn khám phá được ý nghĩa, dụng ý mà nhà văn gửi gắm vào trong đó thì đòi hỏi người học và người dạy biết vận dụng linh hoạt các kiến thức thuộc các phân môn khác, nhất là Tiếng Việt. Tiếng Việt là môn học công cụ giúp cho Đọc - hiểu có thể khai thác sâu hơn các kiến thức về nghĩa của từ, của câu trong hành chức. Mặt khác, tích hợp kiến thức tiếng Việt lại cũng giúp cho người học khám phá được những nét riêng về cách sử dụng ngôn từ của các tác giả. Đó chính là con đường sử dụng, khai thác kiến thức tiếng Việt để nâng cao hiệu quả của dạy đọc - hiểu.
Cũng như dạy học đọc - hiểu, dạy học Tiếng Việt rất cần vận dụng khả năng tích hợp.
Có thể nói, nguyên tắc kế thừa và phát triển thể hiện rõ nét nhất ở phân môn Tiếng Việt. Học sinh được làm quen với những tri thức tiếng Việt có tính chất “vỡ lòng” ở bậc Tiểu học, tiếp tục được mở rộng ở bậc THCS và nâng cao hơn ở bậc THPT. Như trên đã đề cập, tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn THPT là sự kết kợp các kiều bài học cung cấp kiến thức lí thuyết, cả lý thuyết lẫn thực hành và những bài thiên về thực hành luyện tập. Như vậy ta có thể nhận ra những bài học nghiêng về luyện tập, cơ bản là việc củng cố kiến thức đã được học ở cấp dưới hoặc những bài đã được học trước đó về các vấn đề như: khái niệm, vai trò ý nghĩa, cách thức tạo lập, phân loại,... Việc sắp xếp đơn vị bài học như thế đã tuân thủ theo nguyên tắc tích hợp trong biên
soạn chương trình sách giáo khoa hiện hành. Từ đây, một vấn đề đặt ra: trong dạy học tiếng Việt, giáo viên cũng cần vận dụng các hình thức, nguyên tắc, phương pháp tích hợp khác nhau.
Giống với đọc - hiểu, dạy học tiếng Việt cần sử dụng các hình thức tích hợp như: tích hợp ngang, tích hợp dọc và tích hợp tổng hợp. Mỗi hình thức tích hợp đều có ưu thế đặc trưng riêng, việc vận dụng linh hoạt các hình thức tích hợp vào từng bài học cụ thể chính là dựa vào tài năng của người giáo viên để đem lại hiệu quả cao cho giờ học.
Tích hợp ngang trong dạy học tiếng Việt là việc vận dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau để tạo nên tính chất liên môn. Khi dạy học tiếng Việt, chúng ta cần biết cách vận dụng kiến thức của Đọc - hiểu, Làm văn và các môn học khác để cung cấp và củng cố thêm về kiến thức, kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Ở đây, chúng ta cần chú ý việc tích hợp giữa Đọc - hiểu và Tiếng Việt, bởi như thế sẽ đem lại hiệu quả cao trong dạy học. Chẳng hạn, khi dạy bài Từ Hán Việt, chúng ta không thể không lấy các ngữ liệu trong các tác phẩm thơ trung đại trong sách giáo khoa Ngữ văn. Khi phân tích các ngữ liệu đó, một mặt, giáo viên giúp các em hiểu được ý nghĩa của từ ngữ được sử dụng trong văn bản đọc - hiểu, mặt khác, các em sẽ biết được cách thức sử dụng từ Hán Việt như thế nào cho phù hợp với các tình huống giao tiếp cụ thể. Cũng từ cách dạy học này, học sinh sẽ hiểu thêm ý nghĩa của văn bản đọc - hiểu có chứa các ngữ liệu được lấy để dạy học giờ Tiếng Việt.
Dạy học tiếng Việt theo nguyên tắc, hình thức tích hợp dọc là việc vận dụng kiến thức, kĩ năng trong cùng phân môn Tiếng Việt nhưng có sự liên kết giữa các bài học trong cùng phân môn ấy. Giữa các đơn vị kiến thức tiếng Việt của mỗi bài đều có sự kế thừa, phát triển, nên khi dạy học Tiếng Việt, giáo viên biết vận dụng các kiến thức ấy tạo nên hình thức tích hợp ngang. Chẳng hạn, trong phân môn Tiếng Việt của chương trình Ngữ văn, học sinh được học sáu phong cách chức năng. Khi dạy các bài học này, giáo viên cần
hướng học sinh so sánh để nắm vững các khái niệm, đặc trưng, chức năng cũng như việc sử dụng các phương tiện biểu đạt của từng phong cách khác nhau. Dạy học một số bài về thực hành như: Thực hành một số phép tu từ ngữ âm, Thực hành một số phép tu từ cú pháp, Thực hành hàm ý,… giáo viên cũng cần sử dụng tích hợp ngang để giúp học sinh nắm được cách thức tạo lập, ý nghĩa của việc sử dụng các biện pháp tu từ khác nhau.
Tiếng Việt luôn gắn liền với thực tiễn sử dụng trong hoạt động giao tiếp. Vì thế, trong dạy học tiếng Việt, giáo cần biết cách sử dụng hình thức tích hợp tổng hợp, nhất là tích hợp kiến thức về kĩ năng sử dụng tiếng Việt, văn hóa giao tiếp. Đặc biệt, khi cung cấp các kiến thức mới giáo viên cần đưa các tình huống giao tiếp khác nhau trong đời sống để học sinh nắm bắt, nhận diện và phân tích. Từ đó, các em không chỉ hiểu được kiến thức của bài học mà còn giúp các em hình thành, phát triển kĩ năng giao tiếp. Hình thức tích hợp này giúp cho việc đổi mới dạy học tiếng Việt nói riêng và dạy học Ngữ văn nói chung. Nó đáp ứng yêu cầu giáo dục kĩ năng sống - một trong những vấn đề cốt lõi đang đặt ra trong nền giáo dục hiện nay.
Chương 2
NHỮNG TRI THỨC TIẾNG VIỆT ĐƯỢC CỦNG CỐ QUA DẠY ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN