Củng cố tri thức từ ngữ

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 64 - 72)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Củng cố tri thức từ ngữ

2.2.2.1. Qua đọc - hiểu, củng cố vấn đề nghĩa của từ trong sử dụng

Từ là một đơn vị hai mặt của ngôn ngữ. Mặt hình thức của từ mang tính vật chất (âm thanh hoặc đường nét) và là một tập hợp bao gồm ba thành phần hình thức ngữ âm, hình thức ngữ pháp và hình thức cấu tạo. Mặt nội dung (còn được gọi là mặt nghĩa) mang tính tinh thần và là một tập hợp gồm ba thành phần nghĩa (nghĩa biểu vật, nghĩa biểu niệm và nghĩa biểu thái). Vì nội dung của từ là một tập hợp nhiều nét nghĩa và mang tính tinh thần nên việc nắm bắt nghĩa không phải là việc dễ dàng. Trong hệ thống, từ có thể có nhiều nghĩa và những nghĩa đó của từ tồn tại một cách tiềm ẩn. Chỉ trong hoạt động giao tiếp, nghĩa của từ mới được thể hiện một cách tường minh. Hơn nữa, từ trong hoạt động giao tiếp không tồn tại một cách biệt lập mà luôn luôn nằm trong mối quan hệ rất chặt chẽ với các từ khác và với bản thân người sử dụng. Trong mối quan hệ lựa chọn (quan hệ dọc), từ có mối quan hệ với các từ cùng một trường, rõ nhất và tập trung nhất trong quan hệ với các từ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa. Trong mối quan hệ cú đoạn (quan hệ ngang, hình tuyến), từ gắn chặt với các từ khác trong sự kết hợp theo những quy tắc ngữ pháp nào đó để tạo thành ngữ, thành câu. Trong mối quan hệ với người sử dụng, từ có thể được lí giải theo nhiều cách rất khác nhau. Chính vì thế, nghĩa của từ trong hệ thống là khép kín còn trong hoạt động giao tiếp, nghĩa của từ luôn luôn mở và có sự biến đổi. Trong dạy học Tiếng Việt cũng như dạy học đọc - hiểu, học sinh nắm được một từ nào đó là giúp các em nắm tất cả các thành phần và mối quan hệ như trên của các từ, vì đó là những yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất việc sử dụng từ trong hoạt động giao tiếp.

Nghĩa của từ trong sử dụng là bài học mà học sinh đã được tiếp nhận từ chương trình học ở bậc THCS, đến chương trình học ở THPT học sinh lại được tiếp cận những đơn vị kiến thức ấy qua bài thực hành, luyện tập về nghĩa của từ trong sử dụng. Như vậy, việc sắp xếp đơn vị kiến thức của bài

học đã cho thấy tính kế thừa, phát triển, thực hiện theo nguyên tắc tích hợp. Bên cạnh củng cố kiến thức về nghĩa của từ trong sử dụng, qua những bài tập thực hành, việc dạy học Đọc - hiểu văn bản cũng có vai trò rất to lớn cho việc cũng cố kiến thức về nghĩa của từ trong sử dụng.

Theo cách hiểu của sách giáo khoa Ngữ văn THCS thì “nghĩa của từ là cái sự vật, hoạt động, tính chất, số lượng,… mà từ biểu thị”. Cách hiểu này đơn giản và dễ dàng tiếp thu đối với học sinh. Nhưng để giải thích nghĩa của từ cho các em và giúp các em sử dụng từ có hiệu quả trong hoạt động giao tiếp, người giáo viên không chỉ nắm sơ lược mà cần phải hiểu một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về nghĩa của từ. Như vậy, chúng ta có thể áp dụng một số cách giải thích nghĩa của từ để học sinh nắm vững, củng cố thêm kiến thức về nghĩa của từ trong sử dụng về các vấn đề: từ nhiều nghĩa, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm. Có thể, giải thích nghĩa của từ bằng cách cho học sinh trực tiếp tiếp xúc với sự vật, hành động, tính chất,.. hoặc xem các hình ảnh trên sách báo, thông tin về những sự vật, hiện tượng mà từ đó biểu thị; cũng có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách đặt từ vào văn cảnh mà từ xuất hiện (nhất là trong những văn cảnh thuộc các văn bản đọc - hiểu) và cũng có thể giải thích nghĩa của từ bằng cách so sánh, đối chiếu với những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa. Cuối cùng, giải thích nghĩa của từ bằng cách định nghĩa khái niệm nhằm nêu lên những đặc trưng trong nghĩa của từ (trong việc dạy học đọc - hiểu việc giải thích này đạt hiệu quả tương đối cao).

Một điều dễ nhận thấy: những bài học tiếng Việt mang tính chất luyện tập, thực hành thì các ngữ liệu, bài tập đều được lấy từ văn bản đọc - hiểu trong chơng trình sách giáo khoa Ngữ văn trước hoặc sau bài học đó. Thứ nhất, nó tạo được tính chất liên thông, tích hợp về kiến thức, tiếp đến nó còn giúp học sinh củng cố được về kiến thức, kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp. Cuối cùng là giáo dục cho các em về tinh thần dân tộc, biết yêu quý tiếng mẹ đẻ.

Ở đơn vị kiến thức về từ trái nghĩa có thể thấy rằng, các văn bản đọc - hiểu có những hiện tượng tương phản, đối lập thì xuất hiện từ trái nghĩa. Khi dạy học Tràng giang của Huy Cận, chúng ta cần chú ý đến hai câu thơ rất nổi tiếng làm nên không gian ba chiều hết sức đặc biệt:

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Hai câu thơ xuất hiện sự đối lập tương phản nhờ có những cặp từ trái nghĩa “xuống >< lêndài >< rộng”, chính cặp từ trái nghĩa này cũng giúp người đọc hình dung được không gian rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên đất trời để đối lập lại là cái tôi cô đơn, bé nhỏ của nhân vật trữ tình trước không gian vũ trụ ấy.

Cũng như thế, ta bắt gặp trong Tây Tiến của Quang Dũng, câu thơ “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống là sự tương phản đối lập đã vẽ ra một cảnh núi rừng hết sức hiểm trở, huyền bí nơi núi rừng Tây Bắc.

Khi dạy học đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du) và

Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyễn, giáo viên sẽ giúp học sinh củng cố được kiến thức và kĩ năng về sử dụng từ đồng nghĩa.

Ở đoạn trích Trao duyên khi dạy hai câu đầu:

“Cậy em em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Giáo viên yêu cầu học sinh tìm những từ ngữ đồng nghĩa với từ “cậy” và “chịu”. Tại sao Nguyễn Du không dùng những từ ngữ đồng nghĩa ấy mà lại dùng hai từ như đã có ở trong bài? Trước câu hỏi ấy, học sinh sẽ tìm hiểu, lí giải để hiểu rõ nguyên nhân, dụng ý mà Nguyễn Du dùng “cậy và chịu” mà không dùng “nhờ và nhận”. Việc hiểu được ý nghĩa của nó sẽ giúp cho người học củng cố kiến thức về từ đồng nghĩa và nắm được cách thức lựa chọn từ ngữ vào trong những văn cảnh nhất định để phát huy tối đa ý nghĩa của từ

đồng thời sẽ hiểu được nội dung ý nghĩa câu thơ thứ hai khi Kiều là chị mà lại “lạy và thưa” với Thúy Vân.

Tương tự, khi dạy học văn bản Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến,

giáo viên yêu cầu học sinh giải thích ý nghĩa những từ ngữ sau: “thôi, về, lên tiên, chẳng ở” trong những câu thơ:

- Bác Dương thôi đã thôi rồi, - Làm sao bác vội về ngay, - Ai chẳng biết chán đời là phải, Sao vội vàng đã mải lên tiên;

- Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Học sinh sẽ nhận ra mỗi từ ngữ đều có nét nghĩa riêng, nhưng trong trường hợp này, những từ ngữ ấy lại được dùng lâm thời nói về cái chết (mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống) có nét nghĩa tương đồng với từ “chết”. Bài thơ là tiếng nói nội tâm của Nguyễn Khuyến, bày tỏ nỗi xót đau, thương tiếc vô hạn của tác giả trước việc bạn mình là Dương Khuê qua đời. Tác giả không dùng từ “chết” là cố tránh nói trực tiếp nhưng sự ra đi của bạn vẫn là một ám ảnh lớn, day dứt khôn nguôi. Như vậy, khi dạy học hai văn bản đọc - hiểu trên, giáo viên sẽ giúp học sinh củng cố thêm kiến thức về từ đồng nghĩa và những cách thức, kĩ năng sử dụng từ đồng nghĩa để đạt được hiệu quả giao tiếp cao.

Giống với từ đồng âm, từ trái nghĩa, việc dạy học đọc - hiểu văn bản cũng giúp học sinh củng cố thêm kiến thức về từ nhiều nghĩa, từ đồng âm và giúp học sinh củng cố, nâng cao kĩ năng sử dụng các loại từ trên trong hoạt động giao tiếp.

2.2.2.2. Qua đọc - hiểu, củng cố các vấn đề về từ Hán - Việt

Trong vốn từ tiếng Việt, ngoài lớp từ ngữ bản địa, tiếng Việt đã vay mượn một số lượng lớn từ ngữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài (gốc Ấn Âu và gốc Hán). Đây là một hệ quả tất yếu của sự tiếp xúc ngôn ngữ suốt hàng ngàn

năm giữa tiếng Việt với tiếng Hán và hàng trăm năm với tiếng Pháp cũng như các ngôn ngữ khác về sau. Thực tế này của vốn từ tiếng Việt là một trong những biểu hiện chung của quy luật ngôn ngữ (bởi, trên thế giới không có ngôn ngữ nào là thuần nhất). Việc tiếp xúc giao lưu văn hóa và vay mượn ngôn ngữ nước ngoài nói lên tính chủ động sáng tạo của người Việt trong tiếp biến văn hóa, ngôn ngữ. Tuy chúng ta có vay mượn từ nhưng tiếng Việt luôn giữ được bản sắc trong sáng, đẹp đẽ của nó.

Từ Hán - Việt là lớp từ mượn tiếng Hán được đọc theo âm Hán - Việt. Xuất phát điểm của âm từ Hán - Việt là Đường âm được dạy ở Giao Châu trước khi Việt Nam tự chủ. Nhưng dưới tác động của hệ thống ngữ âm tiếng Việt, người Việt đọc chữ Hán theo ngữ âm tiếng Việt. Cách đọc đó gọi là cách đọc Hán - Việt. Trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy cũng như sáng tác văn chương nghệ thuật, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến lớp từ Hán - Việt là vì: Lớp từ Hán - Việt chiếm số lượng cực lớn trong tiếng Việt; Lớp từ Hán - Việt có đặc điểm, sắc thái riêng (có cách đọc riêng - cách đọc Hán - Việt), có khả năng hoạt động ngữ pháp đa dạng, có mức độ Việt hóa về nghĩa (tương đối khó hiểu) và có phong cách sử dụng đối lập rõ nét với lớp từ thuần Việt.

Chúng ta có một kho tàng văn học viết bằng chữ Hán, khi chữ Quốc ngữ phát triển và trở thành ngôn ngữ chính thống của dân tộc nhưng việc sáng tác văn chương, sử dụng trong đời sống hàng ngày vẫn sử dụng từ Hán - Việt. Chính vì điểm này, chúng ta có thể hiểu được vì sao dạy học đọc - hiểu giúp củng cố tri thức về từ Hán - Việt cho học sinh và khi dạy học đọc - hiểu sẽ giúp học sinh củng cố những kiến thức về từ Hán - Việt như: cấu tạo từ (từ đơn và từ ghép), về ngữ nghĩa và phong cách từ Hán - Việt.

Từ Hán - Việt xét về mặt lí thuyết, học sinh đã được học ở chương trình ngữ văn THCS, ở chương trình THPT học sinh chỉ tiếp xúc trực tiếp bằng bài học Luyện tập về từ Hán - Việt ở sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao, tập 2. Như vậy, lên bậc học mới, học sinh chỉ thực hành bằng các bài tập để củng cố

kiến thức về từ Hán - Việt. Bài học này được đặt giữa những bài văn học sử Tác gia Nguyễn Du và những đoạn trích trong Truyện Kiều như: Trao duyên, Nỗi thương mình, Thề nguyền, Chí khí anh hùng,…. Truyện Kiều là tác phẩm sử dụng từ Hán - Việt rất nhiều và nhất là những thành ngữ, điển cố. Và thậm chí, bất cứ văn bản đọc - hiểu nào chúng ta củng có thể giúp học sinh củng cố tri thức về từ Hán - Việt.

Trong dạy học đọc - hiểu, chúng ta có thể củng cố cho học sinh tri thức về cấu tạo từ Hán - Việt. Xét về cấu tạo, từ Hán - Việt có từ đơn, từ ghép. Dựa vào các văn bản đọc - hiểu cụ thể có thể giúp học sinh hiểu được nghĩa cũng như cấu tạo từ: Chẳng hạn, khi dạy Trao duyên trích Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta bắt gặp rất nhiều từ Hán - Việt cấu tạo là từ đơn như: “thừa, bạc, bạc, trâm, gương…” từ ghép như: “bồ liễu, mệnh bạc, phận bạc, dạ đài, tình quân, keo loan,…[37, tr.104-105]. Cấu tạo từ cũng được củng cố khi dạy học đọc - hiểu các văn bản cổ ở chương trình 11, học sinh được tiếp xúc với một loạt những từ Hán - Việt được sử dụng như: Chiếu cầu hiền

của Ngô Thì Nhậm, Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ.

Khi dạy học đọc - hiểu văn bản còn giúp học sinh củng cố được hoạt động ngữ nghĩa của từ Hán - Việt trong tiếng Việt như hoạt động thu hẹp nghĩa; hoạt động mở rộng, phát triển thêm nghĩa mới và hoạt động chuyển, biến đổi nghĩa. Chẳng hạn từ “bạc” trong câu thơ “Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên!” và “Phận sao phận bạc như vôi” [37, tr.104-105], vốn “bạc” có nghĩa là mỏng nhưng vào ngữ cảnh của tiếng Việt nó còn có thêm nghĩa mới là vô ơn, phụ tình, nhạt nhẽo hay chữ “tâm” trong câu “Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt

[37, tr.110]. Đây chính là hoạt động mở rộng nghĩa, phát triển thêm nghĩa mới. Còn từ “khốn nạn” trong câu “Anh! Anh chỉ là một thằng khốn nạn!” [55, tr.125] vốn có nghĩa là khó khăn nhưng vào tiếng Việt lại mang nghĩa là nhân cách tồi tệ, hèn mạt (Hộ đã tự nhận mình là một người chồng, người cha

hèn mạt, nhân cách tồi tệ là người thừa). Đây là hoạt động chuyển, biến đổi nghĩa của từ Hán - Việt.

Có thể khẳng định rằng, qua dạy học đọc - hiểu văn bản, học sinh chủ yếu được củng cố kiến thức về phong cách từ Hán - Việt. Khi sử dụng từ Hán - Việt trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhà văn bên cạnh giúp người đọc hiểu rõ về cấu tạo từ, về ngữ nghĩa của nó thì phần quan trọng nhất chính là tạo nên các sắc thái về nghĩa, sắc thái phong cách của từ Hán - Việt. Các sắc thái phong cách như: tao nhã, trang trọng, trừu tượng, cổ kính có được là do sự đối lập từ ngữ, giữa từ Hán - Việt với từ thuần Việt về ngữ nghĩa.

Nguyễn Tuân là bậc thầy trong việc lựa chọn ngôn từ trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Khi đọc văn Nguyễn Tuân, người đọc nhận thấy tính chất tài hoa, uyên bác qua việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh và kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT, chúng ta được tiếp xúc với hai tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân với hai giai đoạn sáng tác khác nhau. Ở tác phẩm Chữ người tử tù, chúng ta bắt gặp một không khí trang trọng, cổ xưa khi Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp trong quá khứ giờ chỉ còn vang bóng. Đó chính là lớp từ Hán - Việt được sử dụng với tần số lớn: “phiến trát, đốc bộ đường, đề lao, án thư, ti niết, tâm điền, biệt đãi, biệt nhỡn, thủ xướng, hứng sinh bình, tiểu nhân, thị oai, lĩnh ý, tiểu lại, sở nguyện, hành hình, nhất sinh, tứ bình, bức châm,…[37, tr.108-109-110- 112]. Khi phân tích, chính những từ ngữ này sẽ giúp tạo nên một không khí trang trọng, cổ kính với cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục trong chốn đề lao và nhất là cảnh tượng cho chữ mà chính tác giả gọi “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Tất cả điều này chính là sắc thái phong cách của từ Hán - Việt tạo nên. Bên cạnh đó, tác phẩm Người lái đò Sông Đà cũng là một tác phẩm sử dụng nhiều từ Hán - Việt để tạo nên tính chất tao nhã, trang trọng, cổ kính trong sắc thái phong cách: “thạch trận, vu hồi, thanh viện, vô sở bất chí, tả ngạn, hữu ngạn, tình nhân, cố nhân, Đường thi, tiền sử,…” [37, tr.189-190-

191].. Việc sử dụng những từ này tạo điều kiện để Nguyễn Tuân thể hiện được tính chất hung bạo, dữ dội và tính chất trữ tình thơ mộng của Sông Đà.

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 64 - 72)