Dạy học Tiếng Việt

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 43)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Dạy học Tiếng Việt

Tiếng Việt đã có một quá trình lịch sử và phát triển lâu đời, nhưng môn Tiếng Việt trong nhà trường chỉ mới xuất hiện trong thế kỉ trước. Suốt thời kì Phong kiến, các vương triều Đại Việt do nhiều nguyên nhân lịch sử - xã hội đã phải sử dụng Hán ngữ làm ngôn ngữ quốc gia trong việc đào tạo quan chức và quản lí hành chính. Hán học được lấy làm “Quốc học” trong các nhà trường.

Đến thời kì Pháp thuộc, do ý đồ muốn tách nhanh Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, người Pháp coi trọng việc dạy chữ Quốc ngữ ở bậc tiểu học để nhanh chóng chuẩn bị cho các lớp sau bước sang “Tây học”. Nghị định kí tháng 8 năm 1898 buộc khoa thi hương ở trường Nam phải có bài thi Tiếng Việt. Năm 1918 thì bãi hẳn các khoa thi Hán học. Tuy vậy, tiếng Việt chỉ được dạy với tư cách là một chuyển ngữ trong thời gian đầu, chưa thể nói đến một bộ môn Tiếng Việt thực sự trong nhà trường.

Cách mạng tháng Tám thành công, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thống của quốc gia. Song nhận thức được vai trò của môn Tiếng Việt, với tư cách là một môn học độc lập trong nhà trường phổ thông là quá trình không đơn giản và mau chóng.

Ở bậc tiểu học, cho đên trước cuộc cải cách giáo dục năm 1981, sách giáo khoa dạy cả Văn lẫn Tiếng Việt. Nhưng trên thực tế phần dạy học Tiếng Việt vẫn bị coi nhẹ.

Từ năm 1986, ở cấp THCS, Văn và Tiếng Việt mới được tách thành hai môn riêng. Tiếng Việt mới có tư cách là một môn học độc lập.

Môn Tiếng Việt ở trường THPT: trước đây, Tiếng Việt và Văn học tách rời thành hai cuốn sách khác nhau nhưng từ khi thay đổi chương trình sách giáo khoa được tập hợp lại trong cuốn sách Ngữ văn tập hợp kiến thức của nhiều phân môn khác nhau. Tiếng Việt vẫn là phân môn mang tính chất công cụ, rèn luyện cho học sinh kĩ năng nói, viết, tạo lập văn bản trong nhà trường nói riêng và giao tiếp ngoài đời sống nói chung. Bên cạnh đó, Tiếng Việt có

mối quan hệ mật thiết với Đọc - hiểu văn bản để giúp học sinh khám phá ra những cái hay, cái đẹp ẩn sau hệ thống ngôn từ.

Tiếng Việt ở trường THPT được tạo thành bởi hai hợp phần cơ bản: những tri thức cần cung cấp và các kĩ năng cần rèn luyện cho học sinh.

Các tri thức cần cung cấp cho học sinh gồm có:

Những tri thức chung về tiếng Việt: nguồn gốc và quá trình lịch sử của tiếng Việt, đặc điểm loại hình tiếng Việt, chức năng của ngôn ngữ, tính hệ thống của ngôn ngữ,…

Chương trình không đề cập đến toàn bộ hệ thống tiếng Việt mà chủ yếu chú trọng đến những nội dung có quan hệ trực tiếp đến hoạt động giao tiếp của tiếng Việt, đến ngôn ngữ nghệ thuật, đến cách nói và cách viết của học sinh. Đó là phần từ vựng, cú pháp, ngữ nghĩa trong tiếng Việt.

Tri thức về các loại hình văn bản, chủ yếu là các văn bản nghị luận. Chương trình cũng đòi hỏi rèn luyện các kĩ năng cho học sinh. Đó là kĩ năng lĩnh hội ngôn bản, kĩ năng sản sinh ngôn bản thích hợp với mục đích giao tiếp và các điều kiện giao tiếp. Các kĩ năng thường hay nói đến như: nghe, đọc, nói, viết được bao hàm trong hai loại kĩ năng trên.

Kĩ năng lĩnh hội ngôn bản bao gồm: kĩ năng biết cách nghe, đọc để hiểu lời nói của người khác. Kĩ năng này còn bao gồm cả kĩ năng đánh giá lời nói của người khác, đặc biệt là giá trị của các lời nói nghệ thuật trong văn bản đọc - hiểu ở chương trình.

Kĩ năng sản sinh ngôn bản bao gồm: kĩ năng nói và viết. Viết các văn bản trường quy - chủ yếu là văn bản nghị luận văn học và nghị luận xã hội qua phân môn Làm văn. Chương trình quy định việc rèn luyện kĩ năng nói trong các cuộc thảo luận và hội thảo khoa học. Ngoài ra, trong qui trình giảng dạy, giáo viên cần phải quan tâm uốn nắn cách nói của học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào để năng lực giao tiếp của các em được nâng cao.

Trong thực tế, bài học Tiếng Việt ở THPT không tách rời tri thức tiếng Việt và kĩ năng sử dụng tiếng Việt mà chúng luôn gắn bó mật thiết với nhau bởi đã cung cấp kiến thức tiếng Việt thì đồng thời sẽ là rèn luyện kĩ năng sử dụng tri thức ấy nghĩa là kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Ngược lại, qua việc hình thành kĩ năng mà hiểu sâu sắc, vững chắc hơn về tri thức tiếng Việt. Sự thành thạo về kĩ năng và độ chín về tri thức và hiệu quả tổng hợp của việc cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng của chương trình tiếng Việt THPT.

Tiếng Việt trong nhà trường vừa là nội dung dạy học vừa là phương tiện dạy học. Đây là tính chất quan trọng, chi phối việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức dạy học tạo nên đặc trưng riêng của môn học. Người giáo viên buộc phải đối diện với câu hỏi: dạy Tiếng Việt trong nhà trường là dạy lời nói, dạy ngôn ngữ hay là dạy hoạt động ngôn ngữ?

Có thể nói dạy học Tiếng Việt trong nhà trường là tổng hòa của việc dạy ngôn ngữ (hệ thống cấu trúc, chức năng của tiếng Việt), dạy lời nói (phát triển lời nói cá nhân, dạy thực hành ngôn ngữ), đồng thời là dạy hoạt động ngôn ngữ (sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp và tư duy). Đó cũng là điểm để phân biệt việc dạy học Tiếng Việt ở trong nhà trường trung học phổ thông với việc dạy học Tiếng Việt ở các bậc học khác.

Việc dạy học Tiếng Việt trong nhà trường có thể được hiểu trên ba bình diện: dạy tiếng mẹ đẻ; dạy ngôn ngữ thứ hai - dạy song ngữ; dạy ngoại ngữ. Trong nhà trường hiện nay, do sự đổi mới chương trình dạy học, ở bậc tiểu học, tiếng Việt được dạy trong môn Tiếng Việt (được tích hợp các tri thức của môn Văn và các môn học khác cùng cấp học), còn ở bậc trung học, Tiếng Việt được dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn.

Có thể thấy rằng dạy học Tiếng Việt trong nhà trường có một vị trí hết sức quan trọng, xét trên mọi phương diện.

Trên phương diện lịch sử: tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng trên toàn quốc gia, là ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thậm chí là cả trên phương diện đối nội, đối ngoại. Tất cả thể hiện vai trò, vị trí trong lịch sử phát triển tiếng nói của dân tộc nói chung và việc phát triển giáo dục nói riêng.

Về văn bản pháp luật, Điều 7 Luật giáo dục 2005 (sửa đổi bổ sung 2009) ghi rõ: “1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác… 2. Nhà nước tạo điều kiện để dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác…”.

Về thực tiễn đời sống, tiếng Việt là công cụ tư duy, giao tiếp, là phương tiện quan trọng để nhận thức phát triển trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách, năng lực hoạt động của học sinh, tạo điều kiện tốt cho học sinh bước vào cuộc sống một cách tự tin, vững chắc. Việc mù chữ hoặc tái mù chữ là nguyên nhân của sự trì trệ, chậm phát triển của trẻ em nói riêng và người lớn nói chung.

Về chương trình dạy học, rất dễ nhận ra, Tiếng Việt là một môn học, một nội dung được dạy học từ lớp 1 đến lớp 12 thậm chí là bậc đại học và sau đại học thì nó vẫn là một bộ phận không thể thiếu đối với nền giáo dục Quốc dân. Điều này cho thấy, tiếng Việt có vị trí quan trọng trong nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục của quốc gia nói chung.

Đã có nhiều tác giả đã nói đến tính chất thực hành của dạy học Tiếng Việt trong nhà trường, có nghĩa là họ nhấn mạnh, đề cập đến nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng thực hành sử dụng tiếng Việt, năng lực hoạt động ngôn ngữ trong giao tiếp cũng như hoạt động tư duy của học sinh. Tính chất này sẽ quy định cấu trúc nội dung bài giảng, phân lượng giữa lí thuyết và bài tập, giữa tri thức lí thuyết và rèn luyện kĩ năng thực hành, cũng như quy định tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả của việc dạy học Tiếng Việt trong nhà trường.

Điều quan trọng nhất của việc dạy học Tiếng Việt trong nhà trường là: “tiếng Việt vừa là nội dung dạy học, vừa là phương tiện dạy học”. Đây là đặc trưng phân biệt nội dung dạy học Tiếng Việt với các môn học khác. Đây cũng là hệ quả của việc dạy học Tiếng Việt với tư cách là dạy học tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của dân tộc. Đồng thời, với tư cách là một môn học, Tiếng Việt có mối quan hệ mật thiết với các môn học khác nói chung và nhất là các phân môn trong môn học Ngữ văn nói riêng.

Hiện nay, trong việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, nhiều tác giả đề cập đến tích hợp như là một khái niệm có tính chất đa diện (tính chất, nguyên tắc, phương pháp, quá trình, phương tiện,…). Dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học hoặc môn Ngữ văn ở Trung học không thể không chú ý đến tính chất tích hợp.

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w