7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Vấn đề ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
Là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người, ngôn ngữ tồn tại ở hai dạng: nói và viết. Thuở ban đầu, loài người trao đổi ý nghĩ, tình cảm với nhau bằng ngôn ngữ nói. Sau này, người ta sáng tạo dùng chữ viết để thông tin với nhau. Chữ viết ra đời đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử văn minh nhân loại, và từ đó hình thành hai dạng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Trong hoạt động giao tiếp, hai dạng này đều tồn tại song hành, bình đẳng với nhau. Mỗi dạng ngôn ngữ trên đều có những đặc trưng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau. Văn chương nghệ thuật chính là môn nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu, nhà văn lựa chọn lời ăn, tiếng nói trong đời sống sáng tạo nên những tác phẩm văn học. Là một phân môn trong chương trình Ngữ văn, Đọc - hiểu hướng tới việc khám phá, tìm hiểu những giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản. Không những thế, dạy học đọc - hiểu cũng có thể giúp giáo viên và học sinh củng cố thêm kiến thức về ngôn ngữ, về tiếng Việt, từ đó, nâng cao kĩ năng sử dụng ở cả hai dạng nói và viết.
Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ âm thanh, là lời nói trong giao tiếp hàng ngày, ở đó người nói và người nghe tiếp xúc trực tiếp với nhau, có thể luân phiên lượt lời (vai giao tiếp) giữa người nói và người nghe. Do giao tiếp bằng ngôn ngữ nói mang tính trực tiếp, nên nó nảy sinh những thuận lợi và những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, người nghe có thể có phản hồi để người nói điều chỉnh, sửa đổi. Mặt khác, do việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nói diễn ra tức thời, mau lẹ, nên người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ; và người nghe cũng phải tiếp nhận, lĩnh hội kịp thời, ít có điều kiện suy ngẫm, phân tích. Ngôn ngữ nói rất đa dạng về ngữ điệu: giọng nói có thể cao hay thấp, nhanh hay chậm,
mạnh hay yếu, liên tục hay ngắt quãng,… Ngữ điệu là yếu tố quan trọng góp phần thể hiện và bổ sung thông tin trong giao tiếp. Đồng thời, ngôn ngữ nói còn có sự phối hợp giữa âm thanh, giọng điệu với các phương tiện hỗ trợ như nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ của người nói. Những đặc điểm này của ngôn ngữ nói sẽ được củng cố, nâng cao trong những giờ dạy học đọc - hiểu, nhất là việc đọc các văn bản đọc - hiểu bằng văn xuôi: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch.
Ở đây, chúng ta cần chú trọng đến thể loại kịch, vì nó thể hiện rõ nét ở việc giao tiếp, luân phiên lượt lời của các nhân vật. Hơn nữa, trong các đoạn trích học, ngoài ngôn ngữ của nhân vật, còn có những lời chỉ dẫn về cử chỉ, điệu bộ, nét mặt của nhân vật. Như vậy, thông qua dạy học đọc - hiểu văn bản kịch, giáo viên sẽ giúp học sinh củng cố thêm kiến thức về ngôn ngữ nói. Đồng thời, các em cũng được học được từ đó kĩ năng nói trong hoạt động giao tiếp, biết được trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào thì sử dụng cử chỉ, điệu bộ để góp phần chuyển tải thông tin cũng như bộc lộ tình cảm.
Trong ngôn ngữ nói, từ ngữ được sử dụng rất đa dạng, có những lớp từ ngữ mang tính khẩu ngữ, có những từ ngữ địa phương, các tiếng lóng, các biệt ngữ, các trợ từ, thán từ, các từ ngữ đưa đẩy, chêm xen,… Còn về câu, ngôn ngữ nói thường sử dụng câu tỉnh lược, thậm chí chỉ còn một từ (nhất là trong đối thoại). Mặt khác, do đối thoại trực tiếp, nên có khi người nói sử dụng những câu dài, câu lặp lại mà không có điều kiện để suy nghĩ, lựa chọn, gọt dũa. Khi dạy học đọc - hiểu, giáo viên sẽ giúp học sinh nắm được những yêu cầu sử dụng ngôn ngữ nói trong hoạt động giao tiếp hàng ngày vì mỗi bài dạy, nhất là tác phẩm văn xuôi có những cuộc đối thoại của các nhân vật. Tùy theo từng văn bản đọc - hiểu, giáo viên có định hướng cụ thể cho việc củng cố tri thức tiếng Việt. Chẳng hạn, dạy Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, nhất thiết phải chú ý đến các từ ngữ, cách nói đậm màu sắc địa phương
xà nu của Nguyễn Trung Thành, giáo viên giúp học sinh củng cố thêm ngôn ngữ mang màu sắc Tây Nguyên. Như vậy, học sinh trên khắp đất nước sẽ có điều kiện hiểu về ngôn ngữ của các vùng miền từ đó giúp các em hình thành việc lựa chọn từ ngữ phù hợp trong hoạt động giao tiếp.
Tồn tại song song với ngôn ngữ nói là ngôn ngữ viết. Dạng ngôn ngữ này có những đặc điểm riêng của nó.
Ngôn ngữ viết được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Cho nên, muốn viết và đọc được văn bản, cả người viết và người đọc phải biết các kí hiệu chữ viết, các quy tắc chính tả, các quy cách tổ chức văn bản. Chính điều này đòi hỏi người viết phải lựa chọn, suy ngẫm, gọt giũa các phương thức biểu đạt, vì người đọc sẽ có điều kiện nghiền ngẫm, phân tích để lĩnh hội một cách thấu đáo.
Trong quá trình dạy học đọc - hiểu, giáo viên rất có điều kiện giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ viết. Những văn bản có mặt trong sách giáo khoa Ngữ văn là những văn bản có giá trị, có tính mẫu mực trong sử dụng ngôn ngữ ở dạng viết. Đó là những văn bản mà các nhà văn đã chắt lọc, lựa chọn từ ngữ, câu văn, các biện pháp tu từ... và giá trị của chúng thường đã được kiểm chứng qua thời gian. Vì thế, các văn bản ấy sẽ cung cấp cho người đọc (học sinh) nhiều bài học quí giá trong việc sử dụng tiếng Việt.
Nếu ngôn ngữ nói mang tính trực tiếp, được hỗ trợ bởi các yếu tố phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ,… thì ngôn ngữ viết hoàn toàn dựa vào các kí hiệu (con chữ, dấu câu…). Tìm hiểu kĩ lưỡng, sâu sắc các văn bản trong chương trình, học sinh sẽ được củng cố thêm kiến thức và kĩ năng sử tạo lập văn bản ở dạng viết. Những câu hỏi có thể nảy sinh trong đầu óc các em, và các em có thể tự tìm câu trả lời, chẳng hạn, tại sao trong trường hợp này người ta dùng câu dài, trường hợp kia lại dùng câu ngắn? Tại sao người ta sử dụng nhiều kiểu câu, nhiều dấu chấm câu khác nhau? Ý nghĩa của việc sử dụng đó như thế nào? Tìm được câu trả lời, cũng có nghĩa là học sinh đã nhận
thức được những đặc điểm riêng của ngôn ngữ dạng viết, từ đó, có cách sự dụng phù hợp với yêu cầu biểu đạt trong những loại văn bản thông dụng
Những vấn đề trên sẽ là điều kiện giúp học sinh phân biệt được hai trường hợp: ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản (văn bản truyện có lời nói của các nhân vật, bài báo ghi lại cuộc phỏng vấn hoặc cuộc tọa đàm, bài ghi lại cuộc nói chuyện,…) và ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng (thuyết trình trước hội nghị bằng một bài báo viết sẵn, nói trước công chúng theo một văn bản,…). Trong trường hợp này, lời nói tận dụng được những ưu thế của ngôn ngữ viết (có sự suy ngẫm, sắp xếp, lựa chọn,..), đồng thời vẫn có sự phối hợp giữa các yếu tố hỗ trợ trong ngôn ngữ nói (ngữ điệu, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,..).
Như vậy, thông qua dạy học đọc - hiểu, giáo viên không chỉ giúp học sinh củng cố được các kiến thức về đặc điểm của ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, phân biệt được đâu là ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết cũng như những cách thức vận dụng ngôn ngữ vào hoạt động giao tiếp mà còn giúp học sinh rèn luyện kĩ năng sử dụng, lựa chọn ngôn ngữ phù hợp để tạo hiệu quả cao trong hoạt động giao tiếp.