Củng cố yêu cầu về sử dụng tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 57 - 61)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.4. Củng cố yêu cầu về sử dụng tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của

của tiếng Việt

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có tiếng nói riêng gọi là tiếng mẹ đẻ. Bản chất của ngôn ngữ là cung cấp thông tin và thể hiện thái độ tình cảm của con người trong hoạt động giao tiếp. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập có nhiều những đặc trưng riêng so với ngôn ngữ hòa kết của một số nước châu Âu. Từ khi hình thành ngôn ngữ đến nay, tiếng Việt đã trải qua những thăng trầm khác nhau, đã có không ít những tiếp biến văn hóa, ngôn ngữ của các nước ngoại bang xâm lấn và thậm chí chúng muốn đồng hóa văn hóa Việt Nam, trong đó có ngôn ngữ tiếng Việt. Mặc dầu trải qua những sóng gió ấy nhưng tiếng Việt vẫn luôn giữ được bản sắc riêng không trộn lẫn và để giữ được bản sắc ấy dân tộc ta đã nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt. Một vấn đề cốt lõi cho việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là việc thực hiện tốt các yêu cầu về sử dụng tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Việc các nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lại đưa vào bài học Những yêu cầu sử dụng tiếng Việt ở lớp Ngữ văn lớp 10 xuất phát từ xu thế hiện nay trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt có nhiều vấn đề bất cập như việc làm dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài, chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ mạng mà vấn đề nói viết sai lệch so với chuẩn phát âm và chữ viết cũng như về từ ngữ, câu văn trong tiếng Việt. Khi sử dụng tiếng Việt trong giao

tiếp, cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản như: Về ngữ âm và chữ viết, cần phát âm theo âm thanh chuẩn của tiếng Việt, cần viết đúng theo các quy tắc hiện hành về chính tả và về chữ viết nói chung; về từ ngữ, cần dùng từ ngữ đúng với hình thức và cấu tạo, với ý nghĩa, với đặc điểm ngữ pháp của chúng trong tiếng Việt; về ngữ pháp, cần cấu tạo theo đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt đúng các quan hệ ý nghĩa và sử dụng dấu câu thích hợp. Hơn nữa, các câu văn trong đoạn văn và văn bản cần được liên kết chặt chẽ tạo nên một văn bản mạch lạc, thống nhất; về phong cách ngôn ngữ, cần nói và viết phù hợp với các đặc trưng và chuẩn mực trong từng phong cách chức năng ngôn ngữ. Trong giao tiếp, không chỉ dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ đúng theo yêu cầu chung về chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mà còn phải đặt ra sử dụng đúng chuẩn nhưng còn phải biết sử dụng hay, đạt hiệu quả giao tiếp cao. Khi nói và khi viết, chúng ta cần sử dụng một cách sáng tạo, có sự chuyển đổi linh hoạt các phương thức và quy tắc chung, các phép tu từ để cho lời nói, câu văn có tính nghệ thuật.

Tiếng Việt là ngôn ngữ vô cùng phong phú, giàu đẹp và nó cũng là ngôn ngữ trải qua nhiều biến cố lớn nhưng vẫn luôn giữ được sự trong sáng riêng. Muốn cho ngôn ngữ tiếng Việt trở nên giàu có hơn, chúng ta phải biết giữ gìn sự trong sáng của nó. Sự trong sáng của tiếng Việt được biểu hiện qua ba phương diện cơ bản.

Phương diện thứ nhất: tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, về dùng từ, đặt câu, về cấu tạo lời nói, bài văn,… Những chuẩn mực, những quy tắc đó là cơ sở cho việc thể hiện rõ ràng, mạch lạc nội dung tư tưởng, tình cảm của mỗi người và cho việc lĩnh hội được đầy đủ, chính xác những nội dung truyền đạt của người khác. Hệ thống chuẩn mực, quy tắc đó có tính đặc thù riêng của tiếng Việt, mang bản sắc và tinh hoa riêng của tiếng Việt. Sự trong sáng của tiếng Việt trước hết bộc lộ ở chính hệ thống các chuẩn mực và quy tắc chung, sự tuân thủ các chuẩn mực và quy

tắc đó. Khi nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo sự trong sáng của lời nói và ngược lại sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, chuẩn mực cũng không phủ nhận những sự biến đổi linh hoạt và sáng tạo, không phủ nhận cái mới, miễn là cái sáng tạo, cái phù hợp với quy tắc chung. Nguyễn Du đã có những sáng tạo về ngôn ngữ nhưng vấn làm nên sự trong sáng của tiếng Việt. Câu thơ:

“Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”

[37, tr.108]

có thành ngữ “dày dạn gió sương” và “ong bướm chán chường”, nhưng Nguyễn Du đã tách ghép các từ ngữ (cải biến thành ngữ) để làm nổi bật thân phận của nàng Kiều khi phải trải qua những ngày tháng ê chề nơi nhà chứa.

Phương diện thứ hai: sự trong sáng của tiếng Việt là không dung nạp tạp chất, lai căng. Do đó, sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, nghĩa là không cho phép sử dụng tùy tiện, không cần thiết những yếu tố ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, tiếng Việt cũng cho phép sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài nhưng nó phải cần thiết và làm phong phú thêm ngôn ngữ tiếng Việt. Năm 1947, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta” [37, tr. 32].

Phương diện thứ ba: Sự trong sáng của tiếng Việt biểu hiện ở tính văn hóa, lịch sự của lời nói. Nói năng thô tục, thiếu văn hóa, bất lịch sự sẽ làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có của nó. Nhân dân cũng đã từng đúc rút kinh nghiệm “Người thanh tiếng nói cũng thanh” chính là thể hiện cho tính lực sự, nét văn hóa của con gười trong giao tiếp.

Như vậy, để đảm bảo được những biểu hiện về sự trong sáng của tiếng Việt nói trên, chúng ta cần thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Giữ gìn sự

trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam nhất là thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên (đối tượng thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, nghiên cứu và học tập). Việc giữ gìn sự trong sáng đòi hỏi mọi người phải nỗ lực về tình cảm, nhận thức lẫn hành động.

Muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần phải có tình cảm yêu mến và quý trọng tiếng Việt, thấm nhuần sâu sắc nhận định của Hồ Chí Minh “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” [37, tr. 43].

Bên cạnh đó, muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần phải có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt nhất là hiểu biết về những chuẩn mực và quy tắc của tiếng Việt ở các phương diện phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, lập văn bản, tiến hành giao tiếp,…Chính những chuẩn mực này là cơ sở để xác định phẩm chất trong sáng của tiếng Việt. Điều này đặt ra cho học sinh cần biết tích lũy kinh nghiệm trong thực tế giao tiếp, từ sự trau dồi ngôn ngữ qua sách báo hay học tập ở trường học.

Điều quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nữa là việc đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm cao trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp. Như vậy, không chỉ là tình cảm, nhận thức của con người mà còn là hành động của mỗi người khi sử dụng các chuẩn mực ngôn ngữ để đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong thời đại ngày nay, khi mọi hoạt động là sự bùng nổ của thống tin, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc làm có ý nghĩa tích cực và luôn luôn cần thiết để làm cho tiếng Việt thêm giàu và đẹp nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Văn bản đọc - hiểu là những văn bản nghệ thuật, nhà văn là người lựa chọn ngôn ngữ đời sống để sáng tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật. Vì thế, có thể hiểu rằng, ngôn ngữ nghệ thuật mang tính chuẩn mực của ngôn ngữ tiếng

Việt. Trong quá trình dạy học đọc - hiểu, giáo viên sẽ định hướng và giúp học sinh củng cố, nâng cao các kiến thức về tiếng Việt, đặc biệt là giúp các em nắm vững những yêu cầu cơ bản của việc sử dụng tiếng Việt. Từ đó, các em sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn thậm chí sử dụng hay, có hiệu quả cao trong giao tiếp, đồng thời góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Việc sắp xếp chương trình của các nhà soạn sách cũng mang tính chất khoa học, khi bài Yêu cầu sử dụng tiếng Việt được dạy học ở chương trình ngữ văn 10 còn bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại nằm ở chương trình Ngữ văn 12. Hai bài học về tiếng Việt đều có những điểm chung nhưng là hai cấp độ tri thức khác nhau và phù hợp với sự phát triển trong nhận thức của người học. Mới đầu bước vào trường THPT, người học cần phải nắm được những yêu cầu cốt yếu nhất trong việc sử dụng tiếng Việt, nhưng khi các em đã khá chín chắn trong nhận thức, trong hành động thì việc vận dụng ngôn ngữ đúng chuẩn như thế nào để đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt đó đã trở thành trách nhiệm của học sinh. Trong quá trình dạy học các văn bản đọc - hiểu, giáo viên sẽ tạo điều kiện tốt để học sinh có thể so sánh với việc bản thân các em sử dụng tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp và trong học tập như thế nào? Từ đó, các em hình thành và củng cố thêm những tri thức, những kĩ năng trong sử dụng tiếng Việt đạt chuẩn và đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Củng cố tri thức tiếng việt qua dạy đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 57 - 61)