- Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm kinh tế văn hóa phía Nam của xứ
2.1.1. Phương thức định danh và cấu tạo địa danh
Trong nghiên cứu địa danh, vấn đề được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất đó là cách đặt tên của của các địa danh. Các địa danh Việt Nam nói chung và thành phố Hà Tĩnh nói riêng đều được xác lập trên những nguyên tắc chung nhất, đó chính là nguyên tắc đặt tên hay phương thức đặt địa danh. Mặc dù, thuật ngữ này chưa thống nhất do có nhiều quan điểm nhưng theo chúng tôi, có thể hiểu một cách chung nhất là mỗi địa danh ra đời đều có lý do của nó, phải có nguyên tắc nào đó để đặt tên như dựa vào hay gọi theo cái gì
cho đối tượng cụ thể [68, tr.53].
Mỗi địa danh là một phức thể thường có kết cấu theo một dạng nhất định. Nó chứa trong mình hai dạng thông tin, thứ nhất đối tượng gọi tên thuộc loại hình địa lý nào (ví dụ sông, cầu, chợ ...) được biểu thị qua ý nghĩa của danh từ chung; thứ hai nó mang trong mình một ý nghĩa nào đó và ý nghĩa này được thể hiện qua tên riêng (ví dụ sông Cụt vì là đoạn sông đào, bị dừng lại (cụt) không được khơi thông, nối thông). Trong hai dạng thông tin trên, mỗi dạng đều có một ý nghĩa riêng. Dạng thứ nhất giúp chúng ta nhận biết được đối tượng một cách chung nhất, tổng quát nhất, còn dạng thứ hai có tính chất khu biệt, xác định đối tượng cụ thể. Ví dụ: cầu Đông, yếu tố chung giúp chúng ta biết được đối tượng là loại hình địa lý là cầu, đây là ý nghĩa chung chỉ cho toàn bộ đối tượng là cầu. Ở thành tố riêng (tên riêng) Đông đã khu biệt đối tượng cho một chiếc cầu cụ thể: cầu Đông (cầu ở phía Đông thành) và cầu này sẽ khác với cầu Cày, cầu Phủ .... Như vậy, phương thức định danh chính là giải quyết vấn đề dựa vào đâu để đặt tên cho đối tượng và đặt tên cho đối tượng bằng cách nào.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi cho rằng, vấn đề định danh có thể quy về hai nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất là đánh giá, xác định thuộc tính chung của đối tượng địa lí thông qua thao tác xác định những đặc tính chung và lựa chọn những đặc tính riêng. Việc xác định thuộc tính chung tức là lựa chọn thành tố chung cho đối tượng (ví dụ: làng, thôn, cầu, đường ...) còn lựa chọn những đặc tính riêng chính là để xác lập thành tố riêng cho đối tượng (ví dụ: chợ Vườn Ươm có đặc điểm là đóng ngay cạnh vườn ươm của Công ty môi trường đô thị thành phố).
Thứ hai là cách cấu tạo hay phương thức tạo lập để gọi tên đối tượng sau khi đã xác định, lựa chọn các thuộc tính, đặc điểm hay thậm chí gán cho đối tượng một thuộc tính nào đó |NKT, 54|. Vấn đề này chủ yếu được quan tâm trong địa danh học chính ở chỗ con người đã dùng phương tiện gì (ký hiệu, từ ngữ gì) và bằng cách nào (phương thức) để biến các phương tiện đó thành các địa danh được gọi tên.
Để làm rõ hai nội dung trên, chúng ta, một mặt, nghiên cứu ý nghĩa từ vựng, hình thái cấu trúc bên trong, mặt khác, nghiên cứu các mối quan hệ ngữ pháp, cấu trúc nội bộ, các phương thức chuyển hóa của của địa danh. Ở phần này, chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề về cấu trúc, mô hình và phương thức cấu tạo; phần ý nghĩa của thành tố tên riêng sẽ được trình bày ở chương 3.