Cứ liệu lịch sử qua nghiên cứu địa danh thành phố Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 96)

- Núi Nài – Sông Phủ

3.3.2. Cứ liệu lịch sử qua nghiên cứu địa danh thành phố Hà Tĩnh

Nghệ Tĩnh là vùng đất trầm tích về văn hóa và ngôn ngữ, là vùng đất cổ xưa được minh chứng bởi các di chỉ cho thấy sự cư trú của con người từ thời hậu kỳ đá mới, thuộc nền văn hoá Quỳnh Văn, văn hoá Bàu Tró. Di chỉ Rú Nài được phát hiện bởi sự tồn tại của loài sò điệp (Placuma Placenta) ở thành phố Hà Tĩnh là một cứ liệu quan trọng cho thấy sự tồn tại của người Việt Cổ cách đây 4000-5000 năm.

Nằm trong chiếc nôi văn hóa, ngôn ngữ Nghệ Tĩnh, cho đến nay vùng đất thành phố Hà Tĩnh vẫn còn lưu giữ nhiều cứ liệu quan trọng về văn hóa và ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định vùng đất này là một khu vực còn bảo lưu được những cứ liệu của tiếng Việt cổ, nhất là về mặt ngữ âm. Từ

kết quả khảo sát, mặc dù địa bàn hẹp, số lượng địa danh không nhiều nhưng qua đó chúng tôi vẫn tìm thấy một số cứ liệu quan trọng cho thấy sự tồn tại của ngữ âm lịch sử qua địa danh nơi đây. Do điều kiện và khả năng có hạn, chúng tôi chỉ trình bày vấn đề này qua hai phương diện được cho là biểu hiện rõ nhất bao gồm: các nguyên âm dài, âm cổ chỉ tồn tại trong thế kỷ 17 tên Nôm của các địa danh ngày nay.

Các nguyên âm dài ở thế kỷ 17 trong tiếng Việt cổ chủ yếu xuất hiện ở vùng Nghệ Tĩnh đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến trong nhiều công trình. Trong địa danh thành phố Hà Tĩnh, tuy các âm này xuất hiện không nhiều nhưng có thể xem đây là một căn cứ phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu. Nguyên âm dài như ooc, ôông, đã xuất hiện trong các địa danh như Cầu Vọoc, đồng Rô Thóoc, đồng ôông Đoan, nghĩa địa Cộôc Tre, ...

Bên cạnh các nguyên âm dài là các vần, tiếng trong từ cổ cũng xuất hiện trong địa danh này, xin dẫn một số ví dụ:

Vần éch: Xuất hiện trong trong địa danh đồng Néch (TT) có sự kết hợp giữa ech, điều này không xẩy ra trong tiếng Việt nhưng ở Hà Tĩnh lại khá phổ biến trong các từ cổ. Đồng Néch viết đúng là đồng Nách, tức là đồng nằm bênh nách (néch) của một đối tượng nào đó (nhà, núi, gò, vv).

Nài: Yếu tố này xuất hiện nhiều trong địa danh thành phố Hà Tĩnh như

núi Nài, sông Nài, thôn Nài Thị, chùa Nài, đồng Nài, cầu Nài, bến Nài, xã Đại Nài. Nài khi phiên âm theo chữ Hán là nại (nhỏ), nên trong địa danh thành phố Hà Tĩnh có nhiều sách ghi nài thành nại như: Đại Nại, Thị Nại, Nại Giang. Xét về nguồn gốc, chúng tôi cho rằng yếu tố nài có nguồn gốc Chămpa. Tên gọi Đại Nài được hình thành sau này vốn xuất phát từ địa danh thôn Nài Thị hay Thị Nại mà ra. Cơ sở về vấn đề này chúng tôi dựa vào hai căn cứ sau:

Thứ nhất, tên gọi Thị Nại được xuất phát từ địa danh Thị Nại (Bình Định ngày nay) gắn với tục truyền về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang khi được

người dân lập đền thờ Tam Tòa đại vương ở Hà Tĩnh như tên đền Tam Tòa (ở núi Thị Nại, Bình Định) thì tên gọi Thị Nại cũng được chuyển về theo. Tên gọi Thị Nại ở Bình Định được cho xuất phát từ gốc Chămpa.

Thứ hai, địa danh Thị Nại xuất hiện ở Hà Tĩnh là do người Chăm để lại, bởi nếu xét theo lịch sử thì đây là vùng đất phên dậu, gần bờ biển, các triền sông xưa kia người Chăm từng sinh sống. Việc người Chăm từng tồn tại ở khu vực Cửa Sót, Cửa Nhượng và thành phố Hà Tĩnh ngày nay là có cơ sở. Lịch sử đã ghi nhận thời kỳ từ 907-981, người Chămpa đã vượt đèo Ngang đánh lấn ra tận núi Nam Giới (rú Bể - Cửa Sót), kiểm soát một vùng rộng lớn có khi ra đến cả Nghệ An và Thanh Hóa. Vì vậy, vùng đất Trung Tiết xưa chịu sự kiểm soát của vương quốc Chămpa và có người Chăm sinh sống là điều có thể nhận thấy. Trong suốt gần 70 năm đó, (năm 981 vua Lê Đại Hành - Lê Hoàn mới đánh lui được quân Chămpa về bên kia Hoành Sơn ) việc có những điểm cư trú, làm ăn của người Chăm trên đất Hà Tĩnh ngày nay là điều đễ hiểu.

Tên gọi có yếu tố nại (nhỏ) theo tài liệu chúng tôi có được xuất phát từ nghề chủ yếu là đánh bắt cá của người Chăm. Khi đánh được cá thường tấp vào một vài nơi nhất định (thường là nơi có người tập trung) để bán cá. Về lâu về dài, những nơi đó hình thành nên những “chợ nhỏ” chủ yếu là bán cá tươi cho người địa phương và một số dân buôn. “Chợ nhỏ” có tên Chămpa là darak naih (darak là chợ, naih là nhỏ), đọc là “tà rakneh”. Người Kinh sau đó dịch chữ darak là “thị”, còn naih nghĩ là danh từ riêng nên gọi là “né” thành “Thị Né” (theo các nhà nghiên cứu việc chuyển đổi phụ âm cuối Chăm h sang thanh “hỏi” hay thanh “nặng” trong tiếng Việt là điều thường gặp). Vì thế, chữ hay Thị Né đọc trại ra thành Nại hay Thị Nại hoặc Nài - Thị Nài, các từ này tồn tại cho đến ngày nay. Như vậy, theo các căn cứ này thì yếu tố nài

nại ở thành phố Hà Tĩnh có nguồn gốc từ tiếng Chăm nói trên là có cơ sở. Bên cạnh cách giải thích trên cũng có ý kiến cho rằng chữ “nài” có nguồn gốc từ nghề thuần hóa voi gắn với “nại” - nghề quản tượng ở đây nhưng

chúng tôi thấy cách giải thích này không có tính thuyết phục cao vì chưa có căn cứ lịch sử và cơ sở khoa học.

Cồ: Xuất hiện trong địa danh cồn Cồ (TQ), cồ theo tiếng Việt cổ có ý nghĩa là to lớn (瞿), chữ cồ này cũng đồng nghĩa với cồ trong Đại Cồ Việt, quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Đinh, nhà tiền Lê và nhà Lý (968 – 1054).

Theo các tài liệu, vùng đất thành phố Hà Tĩnh xưa là vùng ngập nước, ven biển [69, tr.37], khi nước biển dần rút xa thì xuất hiện nhiều cồn, bãi. Cồn Cồ là vùng rộng lớn nhiều gò bãi quy tụ trở thành một cồn lớn, từ đây tên gọi

cồn Cồ xuất hiện với ý nghĩa này. Hiện nay, tại thành phố Hà Tĩnh vẫn tồn tại nhiều địa danh, tên gọi liên quan như ngã ba Cồn Cồ, chợ Cồ, nghĩa địa Cồn Cồ. Yếu tố cồ ngày nay ít xuất hiện và trở thành một căn cứ lịch sử quan trọng để xem xét sự phát triển của tiếng Việt tại vùng Nghệ Tĩnh.

Ở phương diện thứ hai, biểu hiện của cứ âm lịch sử đó là sự tồn tại các tên Nôm với tên Hán Việt trong cùng một địa danh. Theo các nhà nghiên cứu, tên Nôm bao giờ cũng có trước sau đó mới được đặt các tên Hán - Việt. Như vậy mỗi tên gọi trong địa danh đều ít nhất có một tên Nôm. Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng khác với các địa danh ở các vùng khác, tại thành phố Hà Tĩnh lượng tên Nôm chiếm khá nhiều, tổng số là 46,09 % (trong khi các địa danh khác chỉ chiếm khoảng 30% trở xuống trong tổng số). Từ đây, có thể thấy ở vùng đất này còn lưu giữ được phần lớn các yếu tố cổ mà tên Nôm các địa danh là một ví dụ

Quan hệ giữa tên Nôm và tên Hán Việt đã xuất hiện trong nhiều địa danh các địa danh tự nhiên lẫn địa danh hành chính. Trong địa danh hành chính, đáng chú ý một loạt các địa danh có yếu tố kẻ đứng đầu như Kẻ Bợt – Tiền Bạt, Kẻ Neo – Vạn Nghiêu, Kẻ Trổ - Đông Lỗ, Kẻ Nhim – An Nhiên (có tài liệu ghi Yên Nhiên). Kẻ Bợt có âm Hán Việt là Tiền Bạt, một làng thuộc xã Trung Tiết xưa nay thuộc phường Đại Nài. Kẻ Neo là tên Nôm của làng Vạn

được phiên âm thành nghiêu nên sông Nài (Nủi) cũng được được gọi theo tên là Nghiêu Xuyên, Nghiêu Giang.

Mối quan hệ giữa tên Nôm và tên Hán Việt được thể hiện ở một số phương diện phán ánh như ý nghĩa và ngữ âm. Dạng tên Nôm không có mối quan hệ về nghĩa với tên Hán Việt xuất hiện ít chiếm 23% trong khi đó tên Nôm có quan hệ với tên Hán Việt lại chiếm số lượng khá lớn là 75%. Các tên Nôm có mối quan hệ về nghĩa với tên Hán Việt xuất hiện nhiều trong các địa danh tự nhiên lẫn địa danh hành chính như: chùa Cảm Sơn – Cảm Sơn Tự (ĐN), Thành Sen – Liên Thành (BH), sông Nủi – Nài Xuyên (ĐN), vv. Các tên Nôm có mối quan hệ về ngữ âm với tên Hán Việt được biểu hiện chủ yếu qua thanh điệu và phần vần như: Kẻ Bợt → Tiền Bạt (ĐN), Kẻ Trổ → Đông Lỗ (TL), Kẻ Nhim → An Nhiên, Kẻ Nạo → Phật Não, vv. Riêng nhóm tên Nôm và tên Hán - Việt có quan hệ về cả âm và nghĩa chúng tôi chưa thấy xuất hiện trường hợp nào.

Như vậy, mỗi địa danh đặc biệt là các địa danh hành chính thì hầu hết đều có một tên Nôm xuất hiện trước, về sau chuyển thành tên Hán - Việt do sự tác động của lịch sử, văn hóa. Với địa danh thành phố Hà Tĩnh, mặc dù các cứ liệu để minh chứng cho vấn đề này còn ít nhưng qua đó vẫn có thể khẳng định rằng các địa danh nơi đây mang trong mình cứ liệu quan trọng của ngữ âm lịch. Sự biểu hiện này được phản ánh qua tồn tại của những âm cổ hay việc song hành của tên Nôm và tên Hán - Việt.

Một phần của tài liệu Đặc điểm địa danh thành phồ hà tĩnh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w